Hệ lụy từ các dự án xã hội hóa nạo vét luồng tuyến, tận thu cát sỏi trên sông

Bòn rút tài nguyên từ kiểu cấp phép xã hội hóa…

Thứ Hai, 05/09/2016, 09:50
Để bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường nước sông Đồng Nai, ngay từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm ngưng mọi hoạt động khai thác khoáng sản, cát, sỏi từ khu vực hồ Trị An đến hạ nguồn sông Đồng Nai. Nhưng sau đó, nhiều dự án nạo vét lòng sông theo hình thức xã hội hóa, tận thu cát sỏi trên hệ thống sông này vẫn tiếp tục được cấp phép thực hiện.

Tình trạng cho phép ồ ạt nạo vét lòng sông này không chỉ khiến một lượng tài nguyên khoáng sản lớn là cát, sỏi bị bòn rút; mà còn gây sạt lở đất, ô nhiễm nghiêm trọng đến nguồn nước đang cung cấp hơn 2/3 lượng nước sạch cho người dân TP Hồ Chí Minh.

Khi tàu của Công ty Hiệp Phước hút cát, cả khúc sông Đồng Nai đã bị khuấy đục. 

Báo cáo về tình hình và kết quả đấu tranh, xử lý đối tượng vi phạm trong khai thác, kinh doanh cát sông trên địa bàn những năm gần đây của Công an tỉnh Đồng Nai cho biết: 

Ngoài một loạt các doanh nghiệp (DN) được cấp phép nạo vét thủy diện cảng, tận thu cát, việc nạo vét luồng lạch trên hệ thống sông Đồng Nai theo hình thức xã hội hóa cũng được các cơ quan có trách nhiệm cấp phép cho nhiều DN. 

Trong đó dự án nạo vét, tận thu Công ty CP Xây dựng và Đầu tư phát triển cảng biển Tân Phú Thịnh đã bị tạm đình chỉ do vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường và gây sạt lở 2 bên bờ sông. Công ty CP Đầu tư khai thác Cảng được cấp phép nạo vét trên đoạn sông từ cầu Đồng Nai đến phường Bửu Long với tổng chiều dài 4,75km. 

Khu vực sông Thị Vải cũng có 2 DN là Công ty CP Đầu tư xây dựng Tấn Thắng và Công ty TNHH Đan Thành được Bộ GTVT cấp phép nạo vét, tận thu cát. Tại huyện Long Thành, Công ty TNHH Tuấn Hải cũng được cấp phép nạo vét dòng suối Thái Thiện, đoạn từ giáp sông Thị Vải trở vào. 

Địa bàn huyện Nhơn Trạch giáp ranh với huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh có Công ty TNHH Hải Hưng Thịnh làm dự án nạo vét luồng thủy nội địa từ cảng Gò Dầu đến sông Sài Gòn với tổng chiều dài khoảng 32km. Đặc biệt, Công ty CP Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước (Công ty Hiệp Phước) được cấp phép nạo vét luồng sông Đồng Nai, đoạn từ rạch Ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai với chiều dài 28,5km…   

Dù dự án nạo vét luồng tuyến sông Đồng Nai, đoạn từ rạch Ông Nhiêu đến hạ lưu cầu Đồng Nai theo hình thức xã hội hóa được Cục Đường thủy nội địa và Cục Hàng hải trực tiếp giao cho Công ty Hiệp Phước thực hiện. nhưng từ năm 2012 đến nay, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần yêu cầu phải tạm ngưng thi công dự án. 

Sau khi dư luận phản ánh về việc người dân ở quận 9 bị mất trắng hơn 45ha đất ven sông do việc nạo vét, tận thu cát trên sông Đồng Nai gây ra, tháng 6-2015, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ GTVT đề nghị ngưng và thu hồi dự án này. 

Trước đó, ngày 14-1-2014, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản yêu cầu Công ty Hiệp Phước ngưng đăng ký tận thu. Bởi trên tuyến sông Đồng Nai dài hơn 20km từ cầu Đồng Nai về phía hạ du, những năm gần đây diện tích đất, công trình bị sạt lở ngày càng tăng cao. 

Phía bờ sông thuộc địa phận TP Biên Hòa và huyện Long Thành, độ nguy hiểm trong sạt lở còn cao hơn do đất ven sông chủ yếu được bồi đắp nên cốt nền thấp và yếu. Có những đoạn tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, chỉ trong một thời gian ngắn Công ty Hiệp Phước thực hiện dự án, đã có một số vị trí bị sạt lở, ăn sâu vào đất dự án trên 40m. 

Chính vì vậy, đến thời điểm này, tỉnh Đồng Nai vẫn chưa cho phép Công ty Hiệp Phước thực hiện nạo vét luồng hàng hải, tận thu cát ở một nửa dòng sông thuộc địa phận Đồng Nai. 

Phản ánh với Bộ GTVT, người đứng đầu chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định, từ kể từ khi dự án này bắt đầu triển khai, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình DN tiến hành nạo vét. 

Kết quả sau 6 đợt kiểm tra cho thấy, công tác nạo vét trên 2 đoạn sông đã đăng ký cơ bản chưa đạt cao trình thiết kế là âm 8m. Nhưng tại một số vị trí lại có hiện tượng DN nạo vét sâu hơn hoặc lấn ra ngoài phạm vi mặt cắt luồng thiết kế. Mặc dù thành phố đã chỉ đạo tăng cường tuần tra giám sát, nhưng tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ở khu vực phường Long Phước, quận 9. 

Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và sự an toàn về tài sản, tính mạng của các hộ dân cư ngụ ven sông. Vì vậy trong khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về nguyên nhân xảy ra vụ việc, TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo tạm ngưng thực hiện toàn bộ dự án nạo vét luồng tuyến giao thông thủy liên quan đến địa phận thành phố, bao gồm cả dự án nạo vét lòng sông Đồng Nai của Công ty Hiệp Phước.

Dự án nạo vét lòng sông Đồng Nai được Bộ GTVT phê duyệt vào năm 2010; tổng khối lượng nạo vét lên đến 9,9 triệu m³ bùn, cát trên đoạn sông có chiều dài 28,5km. Khi đó Bộ GTVT cũng xác định dự án chia thành hai giai đoạn, thời gian thực hiện kéo dài hơn 20 năm. Trong đó giai đoạn I được thực hiện 4-5 năm với khối lượng nạo vét là 2,25 triệu m³ và giao cho Cục Đường thủy nội địa quản lý, giám sát thực hiện. 

Đến cuối năm 2014, Bộ GTVT quyết định chuyển tuyến luồng đường thủy nội địa trên thành tuyến luồng hảng hải và giao cho Cục Hàng hải tổ chức quản lý. Cuối năm 2015, từ đề xuất của Cục Hàng hải và nhà đầu tư về việc thực hiện nạo vét luồng sông với độ sâu âm 8m, bề rộng luồng 150m, Bộ GTVT đã tin tưởng chấp thuận cho tiếp tục thực hiện dự án này. 

Chủ trương xã hội hóa việc nạo vét luồng tuyến để giảm gánh nặng chi ngân sách. Nhưng cứ nhìn vào tình trạng DN giành nhau nhảy vào làm dự án nạo vét lòng sông suối, tận thu cát sỏi trên hệ thống sông Đồng Nai những năm qua đủ thấy loại hình dự án này béo bở đến mức nào.

Đ.Thắng
.
.
.