Bổn cũ soạn lại

Thứ Hai, 20/04/2015, 09:15
Không có bất cứ nội dung, dữ liệu nào mới nhưng hằng năm cứ dịp 30/4, khi người dân Việt Nam tổ chức các hoạt động chào mừng ngày hội thống nhất non sông thì những kẻ chống phá và cổ súy cho hành động này lại điệp khúc đả phá, cố tình làm sai lệch bản chất cuộc chiến tranh.

Năm nay cũng vậy, khi nói về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, các đối tượng tiếp tục luận điệu lật ngược lịch sử như gọi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là “cuộc nội chiến”, “cuộc chiến tranh ý thức hệ” hay “cuộc chiến tranh ủy nhiệm”… Với giọng điệu này, không ít kẻ tiếp tục cổ súy dưới các tiêu đề như “không nên coi ngày 30/4 là ngày giải phóng”, “ngày 30/4 khởi đầu trào lưu bất đồng”, “nên đánh dấu sự kiện 30/4 như thế nào”…

40 năm đủ để những người cầm súng chiến trường năm xưa trở thành ông bà hoặc khuất núi theo quy luật tự nhiên. 40 năm là thêm một, hai thế hệ nữa sinh ra và trưởng thành, đủ để nhận thức cuộc sống, nhận thức được những gì mà ông bà, cha mẹ mình từng làm trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Ngay giữa hai bên chiến tuyến (Việt Nam - Mỹ) cũng đã bình thường hóa quan hệ từ lâu và hiện đang có những bước phát triển mới, hòa cùng xu thế hội nhập, toàn cầu hóa ngày nay. Cũng cần nhấn mạnh rằng, ngay những người Mỹ từng chiến trận ở Việt Nam sau này đã thú nhận, trước đây được điều động sang Việt Nam là do bị chính quyền Mỹ ngày đó dối lừa, không hiểu rõ bản chất. Khi cuộc chiến tranh kết thúc, bằng cách nhìn khách quan, họ hiểu ra bản chất thực sự của cuộc chiến và những sai lầm mà Mỹ gây ra ở Việt Nam, từ đó có những hành động tích cực. 

Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập.

Với hàng chục năm nghiên cứu và giảng dạy lịch sử quân sự Mỹ tại trường Đại học George Washington, Giáo sư Ronald Spector nhìn nhận cuộc chiến tranh Việt Nam là một dấu mốc lớn trong lịch sử nước Mỹ, một bước ngoặt thay đổi mối quan hệ giữa người dân với chính phủ Mỹ. Theo Giáo sư Spector, cho đến giờ thì thất bại tại cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn là vấn đề gây tranh cãi gay gắt ngay trong nội bộ nước Mỹ nhưng bản chất cuộc chiến thì không thể che giấu như trước.

Cựu Đại tá Mỹ Andres Sauvageot đã ở Việt Nam 9 năm trong thời kỳ chiến tranh trong vai trò cố vấn cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Là một quân nhân chuyên nghiệp, ông cho biết, ngày đó sang Việt Nam theo mệnh lệnh của cấp trên mà không hề biết chút gì về lịch sử Việt Nam, không hề biết rằng hành động đó là nằm trong hàng binh Mỹ đi xâm lược. Ông nói, đáng lẽ Tổng thống Nixon phải rút quân khỏi Việt Nam sớm hơn bởi Pháp hay Mỹ đều viễn chinh đến một đất nước xa xôi vì tham vọng xâm lược trong khi người Việt Nam chiến đấu ngay trên chính đất nước của họ vì độc lập, tự do của chính họ. “Đây là sự khác biệt, nhất là khi Việt Nam có con người anh dũng, yêu hòa bình, ghét chiến tranh nhưng nếu bị xâm lược, cho dù kẻ đó là ai thì họ nhất quyết đứng lên bảo vệ nền độc lập dân tộc. Nếu sinh ra ở Việt Nam, tôi cũng sẽ đứng về phía cách mạng, sẽ không chấp nhận bất kỳ kẻ ngoại xâm nào” - cựu binh Andres nói. 

Chính cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara, trong cuốn hồi ký "Nhìn lại quá khứ tấn thảm kịch và bài học về Việt Nam", đã viết: "Chúng tôi ở trong chính quyền Kennedy và Johnson, tham gia vào các quyết định về Việt Nam, đã hành động theo những gì mà chúng tôi coi là nguyên tắc và truyền thống của dân tộc này... Nhưng chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao sai lầm như vậy".

Mới đây, nhà văn, đạo diễn Minh Chuyên chia sẻ, trong quá trình thực hiện bộ phim “Ký ức chiến tranh - nhìn từ hai phía” (dài 25 tập), ông và đoàn làm phim đã gặp gỡ rất nhiều cựu binh Mỹ. Hầu hết những người cựu binh Mỹ đều cho rằng chính phủ Mỹ đã lừa dối họ khi tuyên truyền và thuyết phục họ tham chiến với lý do giúp nhân dân Việt Nam chống lại Chủ nghĩa Cộng sản, chống lại làn sóng bành trướng của chủ nghĩa này xuống vùng Đông Nam Á.  Khi nhận ra bản chất của cuộc chiến tranh là xâm lược, nhiều lính Mỹ đã bỏ ngũ về nước tổ chức, thành lập các phong trào và tổ chức phản chiến, đòi chính phủ Mỹ rút quân về nước.

Người dân Mỹ, cựu binh Mỹ và cả tướng lính Mỹ, những người từng lãnh đạo, chỉ huy cuộc chiến tại Việt Nam đã nhận thức rõ sai lầm về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và đang cố gắng bằng những hành động cụ thể để phần nào hàn gắn những tổn thương mà họ đã gây ra ở Việt Nam. Người trong cuộc thay đổi suy nghĩ, nhận thức và hành động đó là bởi “con đường tiến tới của quốc gia dân tộc là con đường trước mặt, không phải con đường quay về phía sau”.

Còn những kẻ đang tìm cách đả phá, cố tình làm sai lệch cuộc chiến tranh, họ là ai? Xem chân tướng những người này thì phần nhiều không phải cựu binh, cũng không phải gia đình có quyền lợi bị mất mát gì sau sự kiện 30/4/1975. Khi đó, họ còn nhỏ hay sinh sau ngày 30/4/1975, thậm chí kiến thức lịch sử còn mơ hồ, nói gì đủ hiểu biết để viết lại hay phán xét lại lịch sử. Đó là những kẻ phán lịch sử theo kiểu “nghe hơi nồi chõ”, nói, cổ súy theo kiểu a dua, nhiều khi ra bộ phân tích tỏ uyên bác sử sách lắm nhưng kỳ thực chỉ là lắp ghép dăm ba sự kiện rời rạc rồi phán như đúng rồi. Các cụ nhà ta bảo kiểu cách ấy là “ếch ngồi đáy giếng” quả không sai. Thứ nữa, khi mà cuộc chiến tranh đã chấm dứt 40 năm, người Việt Nam thống nhất bờ cõi chừng ấy năm mà luận điệu chống phá cũng chỉ nhai đi nhai lại mấy cụm từ vốn đã lạc điệu mà những người lính bên kia chiến tuyến họ cũng đã vứt bỏ từ lâu, cho thấy chính kẻ chống phá cũng đã cạn nguồn, vô vọng. Nó cũng chứng tỏ rằng: chân lý là vĩnh viễn, những gì đi ngược lại với chân lý, đi ngược lại với sự thật thì sớm muộn cũng bị phơi bày và xóa bỏ.  

Đăng Minh
.
.
.