Bốn chàng trai góp tiền làm cầu nối nhịp bờ vui

Thứ Ba, 15/02/2005, 08:20

Bốn chàng trai cùng quê, mỗi người có một nghề khác nhau: 2 chàng làm biển, chỉ quen với con thuyền, tấm lưới; 1 lên núi trồng rừng và 1 cuốc ruộng, nuôi tôm. Thế nhưng, họ có chung một ý tưởng và đã thực hiện được ý tưởng đó.

Cây cầu phao bắc qua sông Thu Bồn do 4 chàng trai góp vốn xây dựng đã nối liền giao thông giữa các thôn trong xã, trong huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương giao lưu, buôn bán, học hành... Tết này, cây cầu như nhân lên gấp bội niềm vui cho 345 hộ dân sinh sống tại ngôi làng "ốc đảo" Đông Bình nằm giữa sông Thu Bồn.

Ông Võ Đức Vầy, Bí thư Đảng ủy xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), lấy giấy bút vẽ và giảng giải về sự hình thành ngôi làng "ốc đảo" Đông Bình. Làng này xưa kia gắn liền với làng Vĩnh An, nhưng năm 1968, giặc Mỹ đã cho máy bay đến thả bom đánh phá, khiến cho Đông Bình và Vĩnh An đứt ra hai đoạn. Dần dà chỗ bị bom cắt đứt lở lói hóa thành sông, làng Đông Bình nằm giữa bốn bề sông nước. Do vậy, Đông Bình mới có đến 3 bến đò ngang để sang Bàn Thạch (Vĩnh An), Hà Mỹ và xã Duy Thành...

Ngày nay, Đông Bình là một trong sáu thôn của xã Duy Vinh, có 345 hộ, với gần 1.400 nhân khẩu sinh sống. Số đông làm nghề dệt chiếu, đi biển nhưng do cách biệt đò giang nên tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn. Ngay cả chuyện học hành của con trẻ cũng trở ngại. Làng chỉ có trường mẫu giáo, tiểu học, muốn học tiếp cấp hai, cấp ba, các em phải đi đò sang Hà Mỹ, lên thị trấn Nam Phước.

Trước đây, đã có một số cựu chiến binh như ông Võ Đức Đâu, Mai Xuân Văn, Võ Đức Cương... tình nguyện bắc cầu tre từ Hà Mỹ sang Đông Bình. Song, cây cầu tre lắt lẻo qua sông cũng chẳng được bền lâu. Đến khi tỉnh Quảng Nam dấy lên phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn, các lãnh đạo chủ chốt của xã họp bàn và thống nhất đề xuất tỉnh cho xây dựng cầu bê tông. Nhưng việc bất thành do trị giá cây cầu bê tông ít nhất cũng mất hơn 10 tỷ đồng, trong khi đường giao thông về Đông Bình chưa được xem là huyết mạch của huyện, của tỉnh. Ông Vầy nói: "Chuyện xây cầu bê tông ách tắc, nhiều người bỗng nảy ra ý làm cầu phao. Xã không có kinh phí thì sức dân, cho thu phí qua cầu...

Khi thông báo kế hoạch làm cầu phao cho toàn dân trong xã thì có tới 3 nhóm hùn vốn đăng ký xin được làm cầu. Thế là phải tổ chức đấu thầu. Cuộc đấu thầu công khai, cuối cùng nhóm của 4 chàng trai: Nguyễn Đình Trường (34 tuổi), Lê Văn Mười (31 tuổi), Nguyễn Lênh (41 tuổi) và Nguyễn Hữu Diêm (29 tuổi) trúng thầu với giá... chỉ thu phí qua cầu trong vòng 8 năm 11 tháng, còn sau đó giao cầu lại cho xã quản lý sử dụng". 

Mồng 1 Tết, dọc theo hai bên thành cầu phao rợp bóng cờ đỏ sao vàng, lung linh trên sóng nước Thu Bồn. Người qua, kẻ lại trên cầu nghìn nghịt, tiếng nói, cười xôn xao cả một khúc sông. "Chủ xị" Nguyễn Đình Trường cho biết: Nhóm làm cầu của anh thu đúng giá phí qua cầu do UBND xã Duy Vinh quy định. Người đi bộ: 500 đồng, xe đạp: 700 đồng, xe máy: 1.000 đồng. Không thu phí đối với cán bộ Nhà nước đi công tác, các em học sinh đi học. Hằng năm nộp ngân sách xã 3 triệu đồng. Trường hớn hở khoe: "Cây cầu phao này có trọng tải... ôtô 2 tấn qua được. Sắp tới bọn em làm 2 đường dẫn vào cầu là cho thông ôtô, còn bây giờ chỉ có người đi bộ, honda, xe đạp qua thôi”. Để làm cây cầu, nhóm của Trường phải đi học cách làm cầu phao khắp nơi. Rồi chạy vạy tìm người có chuyên môn làm cầu nhờ thiết kế. Trúng thầu, cả bốn dốc hết vốn liếng góp được 80 triệu đồng, còn lại thế chấp nhà cửa, ruộng vườn, vay tiền ngân hàng, vay của bạn bè, người thân. Cầu có chiều rộng 2,2m, gần 100 nhịp, dài hơn 300m với tổng số tiền đầu tư 394 triệu đồng.

Tuy nhiên, những chàng trai làm cầu phao cũng tỏ ý băn khoăn, vì cầu phao chỉ "trụ" trên sông Thu Bồn chủ yếu từ tháng chạp năm trước đến tháng tám âm lịch năm sau là phải thu lại chờ qua mùa lũ lụt mới đưa vào hoạt động lại. Trong khi đó, số tiền vay của ngân hàng thì lãi suất quanh năm. Như vậy, việc thu hồi tiền vốn sẽ kéo dài. Họ chỉ mong sao huyện, tỉnh cho vay ưu đãi, lãi suất nhẹ hơn đôi chút

Long Vân
.
.
.