Bốn anh em mù kiếm củi nuôi thân

Thứ Tư, 10/08/2011, 10:06
"Trời lấy đi của họ đôi mắt, nhưng còn để cho họ đôi bàn tay và nghị lực. Hàng ngày, họ vào rừng chặt củi cành khô, nhặt nhạnh thành bó, rồi cõng ra phố huyện bán lấy tiền kiếm sống"- ông Lý Văn Môn, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Sơn (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang), tự hào nói về các công dân của xã mình, khi dẫn chúng tôi vượt núi đến thăm gia đình họ.

Gia đình bất hạnh này nằm trên lưng chừng ngọn núi Quả Dọc, phải mất chừng 2 giờ đi bộ, vượt qua nhiều mảnh ruộng bậc thang mới đến được. Đón chúng tôi trong căn nhà sàn gỗ cũ kỹ là ông Hoàng Pồ Tẳng, người Tày, năm nay đã ngoài 70 tuổi, bố của những người mù nọ. Một người đàn ông vững chãi, nhưng gương mặt luôn khắc khổ, lo âu.

Trước đây, ông Tằng từng đi bộ đội địa phương, tham gia kháng chiến chống Mỹ. Trở về, ông lấy bà Hoàng Thị Yêu, người Tày cùng bản Nậm Sông (Nam Sơn, Hoàng Su Phì, Hà Giang), có 5 người con. "Thằng cả nhà tôi là Hoàng Văn Châm, 41 tuổi, đã có vợ con, sinh sống ổn định ở bản bên. Nó khỏe mạnh, mắt sáng.

Những đồng củi khô của bốn anh mù sắp được gùi ra phố huyện bán lấy tiền mưu sinh.

Nhưng đứa thứ 2 là Hoàng Văn Viên, 39 tuổi, sinh ra mắt mũi đã có vấn đề, nhìn chỉ thấy trơ trơ, nên phải bỏ học sớm. Nó cũng có vợ và hai con đều sáng mắt cả, nhưng khi đứa cháu thứ hai chào đời, thì mắt nó mù hẳn, không còn nhìn thấy gì nữa.

Hai đứa con trai sinh đôi là Hoàng Văn Lăng, Hoàng Văn Săng (34 tuổi) bị mù bẩm sinh. Buồn nhất là đứa con gái út Hoàng Thị Khiêm (33 tuổi), bị mù từ lúc sinh ra, nên đến giờ vẫn chưa có gia đình"- ông Tẳng cho biết.

Ông Tẳng kể thêm, gia đình ông đã mời thầy cúng "bắt ma" cho các con từ nhỏ, mà chẳng khỏi. Năm 2009, gia đình ông quyết định bán trâu, dồn tiền đưa các con xuống Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) để chạy chữa, nhưng các bác sĩ bảo, mắt của họ đã hỏng hẳn rồi, không thể chữa được.

Vậy là các con ông đành sống nốt phần còn lại của quãng đời trong tăm tối. Trước đây, bà con sợ "con ma" ám vào gia đình ông Tẳng, nên ít dám qua lại thăm nom. Đến nay, bà con cũng đã hiểu bốn người mù hiền lành chăm chỉ ấy đang chịu đựng bất hạnh, cũng xóa dần sự kỳ thị, sợ hãi.

Lúc trước, bà Hoàng Thị Yêu còn sống, việc nhà thường do bà quán xuyến. Nhưng từ năm 2008 đến nay, những công việc mà người mù không thể làm được, đều giao cả lên đôi vai chị Hoàng Thị Mua, vợ của anh Viên, và người cha già ngoài 70 tuổi. 

Công việc nặng nhọc của hơn 2ha lúa, ngô sắn và nuôi mấy chục con lợn, cả trăm con gà, 3 con trâu đều giao hết cho chị Mua lo lắng. Bốn anh em mù chỉ làm được các công việc phụ khi có hướng dẫn của chị. "Nhưng họ rất chăm chỉ và chịu khó, không nề hà việc cày cấy, cuốc đất, đào đá làm ruộng bậc thang. Họ đều biết cấy lúa, cầm roi theo trâu đi cày, giúp trông nom trâu, lợn. Nhưng họ giỏi việc lên rừng kiếm củi hơn"- chị Mua cho biết. Thương người chị dâu vất vả, tần tảo, cả hai anh em Lăng và Săng đều không dám nghĩ đến việc đi hỏi vợ, dù biết rằng, thêm một người mắt sáng thương yêu, gia đình của họ sẽ đỡ khốn khổ đi rất nhiều. 

Mỗi khi công việc đồng áng đã tạm ổn, người cha già lại dắt bốn đứa con mù lòa của mình ngược núi vào rừng tìm củi, nguồn thu nhập chính cải thiện cuộc sống gia đình.

Việc kiếm củi này không biến họ thành "lâm tặc", vì địa phương cho phép tỉa củi cành khô đề phòng hỏa họa, cháy rừng. Mỗi ngày cha con họ đều kiếm được rất nhiều củi cành khô, gom lại, nếu vượt bộ thêm gần 20km ra phố huyện Vinh Quang, cũng bán được hơn 100.000 đồng.

Chúng tôi theo chân ông Tẳng vào rừng tìm các con trai ông đang kiếm củi. Đến khu rừng rộng, ông Tẳng dừng chân, hú gọi. Ba tiếng hú vọng từ ba góc rừng khác nhau, đó là tiếng các con ông trả lời. Ông Tẳng bảo: "Đưa các con mù lòa vào rừng thẳm là chuyện bất đắc dĩ, tôi cũng sợ chúng nó lạc đường, sa hầm sẩy hố, nên thỉnh thoảng phải dùng tiếng hú để gọi chúng. Hồi mới đưa chúng vào rừng học việc, chuyện đi lạc, rồi vập mặt vào gốc cây, móc miệng vào cành cây là bình thường. Nhưng rồi chúng cũng quen đi, định hướng được lối đi, sờ gốc cây là biết đang ở góc rừng nào...".

Một khung cảnh ngỡ ngàng khiến ai không tận mắt chứng kiến thì không tin nổi: Một người đang leo chót vót trên ngọn cây kháu thân to hơn một người ôm, thẳng đứng; một người dạng chân quai búa chuẩn xác vào các thân gỗ, chẻ ra từng mảnh; một người đang cọt kẹt chiếc cưa gỗ xẻ đoạn một khúc cây khô to cỡ bắp đùi.

Ba người mù đang hăng say làm việc như những người mắt sáng. Người đang trèo trên cây kháu trắng là anh Săng, thoăn thoắt chuyền cành, bổ dao chính xác vào các cành khô. Chúng tôi thót tim khi thấy vòng tay anh không ôm được nửa thân cây, nhưng vẫn tuột dọc nhanh nhẹn.

Ông Tẳng nhìn con cười, nói hài hước mà buồn bã: "Nó có nhìn thấy gì đâu mà sợ độ cao, mà biết nguy hiểm? Ôi cũng là vì kiếm miếng cơm cho chúng thôi. Mà chả biết sau này tôi chết đi, chúng có tự lo được cho mình?"

Gia Linh
.
.
.