“Bó tay” với nạn săn bắn trái phép ở VQG Cát Tiên?

Thứ Hai, 26/03/2012, 10:14
Chuyện nóng bỏng kéo dài nhiều năm ở Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên là nạn phá rừng và đặc biệt là săn bắn thú hoang. Không dừng lại ở người lớn, tham gia đội quân hủy diệt, tàn sát muông thú bằng bẫy, súng săn các loại còn có nhiều thợ săn trẻ em. Ở nơi này, chuyện học sinh buổi đến trường, buổi theo cha anh mang bẫy, xách súng vào rừng khá phổ biến.

Để tận tường nạn vào rừng săn thú trái phép của các “cánh” thợ săn, trong đó có thợ săn tuổi đời còn rất trẻ, chúng tôi cải trang, len lỏi vào các xóm nhỏ ở xã Tà Lài (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) để từ đó dấn vào sâu con đường 323 chẻ giữa rừng già.

Trên từng chặng đường của đoạn đường đất đỏ trơn trượt khoảng 10km xuyên rừng, hình ảnh nam-phụ-lão-ấu lưng đeo gùi, tay cầm ná, xà gạc (vừa là nông cụ vừa là vũ khí đi rừng) thoắt ẩn thoắt hiện.

“Mày ở đâu tới?”, người đàn ông tuổi ngoài 40, tên Sang, giọng Kinh lơ lớ ngồi dưới tán cây bằng lăng khổng lồ, bên gùi măng hơn chục đọt cùng đứa con trai tên Điểu Lăng, cảnh giác hỏi. “Đi du lịch. Thích ăn thịt rừng nên tìm mua”. Sang lắc đầu nguầy nguậy: “Ô, không có đâu. Tao không đi săn, không đi bẫy thú”. Chúng tôi chỉ vào chiếc gùi của thằng bé Điểu Lăng, bên trong có 2 chiếc bẫy sắt, hỏi đó là gì, thằng bé im lặng. Sang tỏ vẻ khó chịu, nói: “Ồ, cái bẫy thú. Cha con tao đi rừng gặp nên lấy về”.

Lầm lũi quăng mình giữa rừng già thăm thẳm, “rượt đuổi” mãi, rồi chúng tôi cũng tiếp cận thằng bé khoảng 15 tuổi, tên Choang, đang ngồi ăn cơm giữa rừng. Choang nghỉ học từ đầu năm, lúc đang học lớp 7. Thằng bé khoe nó như nhiều đứa trẻ ở rừng, bẫy thú loại nào cũng biết làm, kể cả làm súng săn, thậm chí giương súng bắn thú…

Tại Trạm kiểm lâm Đất Đỏ (trực thuộc Hạt Kiểm lâm Cát Tiên) nằm giữa rừng già quạnh vắng, trò chuyện về nạn xâm nhập rừng săn bắn trái phép của cánh phường săn, trong đó có sự tham gia của thợ săn trẻ em, Trạm phó Phạm Tuấn Đạt sầu giọng: “Cuộc sống khó khăn nhiều mặt lại thêm tập quán sinh sống lâu đời đã đẩy nhiều trẻ em vào rừng. Và một khi vào rừng, làm gì để có thể đổi gạo ra tiền các em đều… lăn xả, từ bẻ măng, hái rau rừng, đào củ đến bẫy thú, bắn thú”.

Cuộc sống khó khăn đã “ném” nhiều đứa trẻ vào rừng.

Như các đồng nghiệp ở Trạm Đất Đỏ, kiểm lâm viên Lại Văn Kiệt bật mí rằng, ẩn dưới những gùi rau rừng của những đứa trẻ mà chúng tôi bắt gặp có thể là những chiếc bẫy thú, con thú lâm nạn. Lấy ra hơn 100 chiếc bẫy cùng mấy khẩu súng săn tự chế với chú giải “tịch thu từ phường săn người lớn lẫn trẻ con”, anh Đạt bật mí: “Thợ săn nhí ở rừng rất thành thạo trong việc sản xuất ra các loại bẫy thú như bẫy cò ke, bẫy hom dùng bẫy các loài thú nhỏ. Thậm chí có em có thể chế tạo bẫy răng chó, bẫy này có thể bẫy cả cọp, voi rừng, bò tót”.

Không có con số thống kê cụ thể nhưng theo tâm tình của lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Cát Tiên, số vụ thợ săn là trẻ con mà các nhân viên kiểm lâm ở các trạm giữ rừng, Đội Kiểm lâm cơ động Cát Tiên phát hiện và bắt quả tang nhiều lắm. Có vụ hạt bắt quả tang thợ săn nhí với súng tự chế còn khét mùi thuốc súng và những con vật nằm trong nhóm động vật rừng nguy cấp, quý hiếm theo quy định người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự.

Nói chuyện xử phạt thợ săn nhí, ông Đỗ Văn Thao, cán bộ pháp chế Hạt Kiểm lâm Cát Tiên, cho biết: “Theo điều 3 Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 2/11/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, với thợ săn từ 14 đến dưới 16 tuổi khi vi phạm thì bị xử phạt cảnh cáo về các hành vi do cố ý. Vấn đề ở chỗ những thợ săn nhí đều là con nhà nghèo, khi bị bắt quả tang, thường thì cha mẹ các em bỏ chạy, để lại con em ở hiện trường nên khó xử lý, hầu như chẳng thể xử phạt được gì bởi có phạt họ cũng chẳng có tiền mà đóng”.

Thường những trường hợp như thế, nhân viên kiểm lâm chỉ còn cách lập hồ sơ vụ việc gửi về cho trường học để nhà trường giáo dục các em. Cũng theo tâm sự của lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Cát Tiên, những trường hợp thợ săn nhí vào rừng đặt bẫy, giương súng không phải vì các em và gia đình kém hiểu biết pháp luật. Vì kế sinh nhai, vì hám lợi… nhiều ông bố đã kéo con trẻ vào rừng để dễ bề đối phó nếu bị lực lượng kiểm lâm bắt quả tang!

Các cán bộ kiểm lâm ở VQG Cát Tiên cho rằng để ngăn chặn, chấm dứt nạn thợ săn, trong đó có thợ săn nhí ở rừng già Cát Tiên, vấn đề cốt lõi là phải di dời các hộ dân ra khỏi vùng đệm và vùng lõi của vườn. “Đó là điệp vụ gần như bất khả thi” – Hạt phó Thường trực Nguyễn Văn Minh, trăn trở: “Chúng tôi đã nỗ lực hết sức, anh em trực chiến ngày đêm nhưng với quân số 127 người (chiếm đến 67% quân số của toàn vườn) mà phải bảo vệ đến 71.350ha rừng trong tầm ngắm của trên 18 vạn người đã và đang sinh sống tại vùng đệm và vùng lõi của rừng thì không thể nào quản lý xuể…”.

T.Dũng
.
.
.