Bình Phước: Rừng Tà Thiết kêu cứu

Chủ Nhật, 10/06/2007, 16:12

Huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước chỉ còn 4.500ha rừng tự nhiên, nằm ở khu vực Tà Thiết. Đây là rừng phòng hộ đầu nguồn hồ thủy nông Dầu Tiếng. Thời gian qua, bọn lâm tặc đã tàn phá rừng Tà Thiết, đốn hạ hàng trăm cây gỗ to, quý hiếm ở khu rừng di tích lịch sử Tà Thiết.

Gắn bó với khu di tích bộ chỉ huy miền, nơi ra đời Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam, nơi làm việc của các vị lãnh đạo Lê Đức Anh, Nguyễn Thị Định, Trần Văn Trà… nên 50ha rừng di tích lịch sử ở đây được bảo vệ nghiêm ngặt.

Rừng di tích lịch sử cũng bị tàn phá

Sau những cơn mưa đầu mùa, trời đã mát dịu. Theo lời hướng dẫn của những cán bộ đang công tác ở khu di tích lịch sử Tà Thiết, chúng tôi chạy xe gắn máy trên con đường nhựa nhỏ, ngoằn ngoèo - con đường đã từng đưa nhiều du khách đến những di tích lịch sử ở đây, nơi ra đời những kế hoạch cho các chiến dịch lớn trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Nơi đây tái hiện khung cảnh cuộc sống, chiến đấu của các vị lãnh đạo tiền bối đã một thời gắn bó với Tà Thiết như Lê Đức Anh, Nguyễn Thị Định, Trần Văn Trà… Cách đây 2 năm, nơi đây còn là những cánh rừng nguyên sinh nhiều cây gỗ quý, nay đã loang lổ màu đen do mới bị phá, bị đốt.

Chỉ vào gốc 2 cây da đá (một loại cây gỗ quý) trước nhà làm việc của đồng chí Lê Đức Anh, anh Trần Tiến H. - một cán bộ khu di tích tiếc nuối cho biết: "Sáng mùng 2 Tết Đinh Hợi, khi anh em chúng tôi đến đây, thì hai cây da đá (mỗi cây đường kính từ 35-40cm) này đã bị lâm tặc cưa trộm. Tiếc quá, hai cây da đá to, lúc nào cũng sừng sững phía trước nhà nay đã biến mất, chỉ còn một khoảng không gian trống rỗng, cô quạnh.

Phía sau cũng vậy, chỉ cách nhà ông Lê Đức Anh chừng 10-15m, hàng chục cây gỗ lớn đã bị lâm tặc cưa trộm, gỗ chúng chuyển đi hết, chỉ còn trơ lại cành, nhánh vương vãi. Anh em chúng tôi đã báo cho chính quyền địa phương và Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, song chẳng thấy hồi âm và cũng chẳng thấy ai đến kiểm tra hiện trạng".

Đưa chúng tôi đến một khu rừng, cách mặt trước nhà làm việc của đồng chí Lê Đức Anh chừng 200m, chỉ vào diện tích rừng khoảng hơn 1ha đã bị tàn phá, chỉ còn lơ thơ vài bụi rậm, anh Lê Hoàng Q. - một nhân viên khu di tích cho biết: "Đây là khu di tích hầm giao ban và một số nhà công vụ khác nay đã không còn lại dấu vết vì rừng bị tàn phá, đốt cháy nham nhở. Đây cũng là ranh giới giữa khu di tích và ruộng của dân. Bọn lâm tặc thường lợi dụng đêm khuya, đi qua ruộng vào rừng, dùng cưa tay hạ cây rồi chuyển gỗ đi bán. Cành và lá cây chờ khô rồi châm lửa đốt. Rừng dần trở thành ruộng của dân.

Như vẫn chưa hết bức xúc, anh Lê Hoàng Q. kể tiếp: "Rừng bị mất dần, tức lắm. Chúng tôi quyết tâm theo dõi để bắt tận tay. Ngày 30/4 vừa qua, tưởng chúng tôi nghỉ lễ, một người dân đã mang cưa, dao vào chặt cây, phá rừng. Chúng tôi bắt được giao cho UBND xã Lộc Thịnh giải quyết. Sáng hôm sau đã thấy anh ta ở nhà. Hỏi ra mới biết anh ta là người nhà của một cán bộ xã".

Đi vòng quanh khu di tích, nhiều khu rừng ở đây bị lâm tặc phá không thương tiếc. Mất rừng, khu di tích cách mạng Tà Thiết sẽ mất đi vẻ hiện thực của thiên nhiên, mất cảnh quan lịch sử và hệ sinh thái đang bị hủy hoại từng ngày.

Rừng tự nhiên 4.000ha cùng chung số phận

Từ con đường nhỏ chạy quanh khu di tích, chúng tôi rẽ sang một đường đất đỏ, chạy khoảng 7-8km, tới các Tiểu khu 213, 217, 219, 124, Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết. Trên đoạn đường 7-8km này, cứ vài trăm mét, chúng tôi lại thấy một nhánh nhỏ rẽ vào rừng. Rẽ vào một đường nhánh, chúng tôi lội bộ sâu chừng 200m, hai bên đường những cành cây rừng khô có, tươi có nằm ngổn ngang, dày đặc.

Một người dân địa phương cho biết: "Trước và trong Tết Đinh Hợi, lợi dụng lúc lực lượng bảo vệ rừng không có, bọn lâm tặc đã tập kết vào đây cả mấy chục người, chặt phá cây rừng, dùng trâu, bò kéo gỗ đi bán. Chỉ trong một thời gian ngắn, có tới 300-400m3 gỗ rừng bị chặt hạ”.

Tại Tiểu khu 126, trên diện tích khoảng 1ha, chúng tôi đếm được 16 gốc cây (đường kính từ 35-55cm) mới bị lâm tặc chặt hạ, trên mặt gỗ còn đọng lớp nhựa trong veo, đặc quánh.

Để giữ rừng Tà Thiết, chính quyền, các ngành chức năng, Ban Quản lý rừng cần nhanh chóng định ra quy chế phối hợp. Kiên quyết truy bắt và xử lý nghiêm những kẻ phá rừng, có như vậy, việc giữ gìn, bảo vệ rừng tự nhiên Tà Thiết mới mong có kết quả tốt

Ngọc Ánh
.
.
.