Bình Dương: Người say mê sưu tập kỷ vật của thương binh, liệt sĩ

Thứ Năm, 12/07/2007, 10:05
Mỗi cuộc đời con người đều có những kỷ vật riêng. Với người liệt sĩ, kỷ vật càng có ý nghĩa hơn... Kỷ vật có khi là cái võng dù, cái bi đông đựng nước... hay cái lược chải đầu, nhưng đã khiến anh Dân, cán bộ sưu tập hiện vật của Nhà Bảo tàng tỉnh Bình Dương ngày đêm trăn trở.

Cũng giống như nhiều người khác trong nghề, đối với anh Lê Văn Dân, niềm vui, niềm hạnh phúc lớn trong cuộc đời là mỗi khi anh đào tìm hoặc vận động, thuyết phục được người khác trao lại kỷ vật của liệt sĩ để mang về đặt trang trọng tại Nhà Bảo tàng tỉnh Bình Dương.

Dẫn chúng tôi đi quanh một vòng qua các phòng trưng bày hiện vật lịch sử tại Nhà Bảo tàng tỉnh Bình Dương, dừng lại nơi trưng bày một số kỷ vật của thương binh, liệt sĩ mới sưu tập, anh Lê Văn Dân - cán bộ sưu tập hiện vật của Nhà Bảo tàng bùi ngùi nói: "Mỗi cuộc đời con người đều có những kỷ vật riêng. Đối với người liệt sĩ, kỷ vật càng có ý nghĩa hơn vì nó gắn liền với tình cảm và sự hy sinh cao cả. Kỷ vật có khi là một túi cứu thương, một đôi dép cao su, một chiếc võng dù, một cái bình tông đựng nước, một cái lược chải đầu… nhưng nó gắn liền với những cuộc chiến ác liệt mà liệt sỹ đã trải qua. Giá trị là thế nhưng cho đến nay, chúng tôi sưu tập được còn quá ít ỏi. Phải đi nhiều, tìm nhiều, nhờ nhiều sự giúp đỡ của nhân dân, của đồng đội, của thân nhân gia đình liệt sĩ thì mới hi vọng sẽ sưu tập được những kỷ vật giá trị có một không hai này".

Đầu tháng 6 vừa qua, một lần đi công tác về huyện Dầu Tiếng, anh Dân phấn khởi khi được một cựu chiến binh (CCB) hứa sẽ trao lại kỷ vật của một chiến sĩ đã hi sinh trong chiến dịch An Lộc - mùa hè đỏ lửa (vào những năm 1971-1972), kỷ vật ấy là một túi cứu thương của một y sĩ người miền Bắc.

Trước khi nhắm mắt, người y sĩ đó chỉ kịp trao lại cái túi cứu thương cùng vài lời dặn dò: "Nếu tôi có chết, nhờ mang cái túi này cho gia đình tôi ở ngoài Thanh Hóa báo với gia đình, vợ con tôi là tôi đã hy sinh anh dũng…".

Chiến tranh qua đi đã hơn 30 năm, không có kịp đi ra Thanh Hóa để thực hiện lời hứa của mình với đồng đội nhưng người CCB vẫn cất giữ cẩn thận, kỹ càng cái túi cứu thương và xem nó như là một kỷ vật.

Hằng năm, đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, người CCB này lại mang cái túi ra lau chùi cẩn thận, đặt ngay ngắn trên bàn thờ nhà mình rồi thắp hương để nhớ lại người quá cố. Tưởng người CCB đã hứa là sẽ giao ngay cái túi cứu thương cho anh nhưng lần lữa mãi anh Dân vẫn không nhận được.

Anh Dân đã đến nhà người CCB nhiều lần, năn nỉ, vận động, thuyết phục. Cuối cùng, đầu tháng 7, người CCB đã mang kỷ vật này tìm đến Nhà Bảo tàng, nhờ anh Dân nhận giùm và dặn: "Đây là một trong những kỷ vật thiêng của tình đồng đội mà tôi đã lưu giữ trong nhiều năm. Mong bảo tàng bảo quản, cất giữ như tôi đã từng làm".

Vượt qua nhiều khó khăn vất vả, trong đợt kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ năm nay, anh Lê Văn Dân đã sưu tập được 18 kỷ vật của liệt sỹ. Anh rất tự hào về công việc của mình và thường tự nhủ: "Cố gắng tìm được nhiều kỷ vật của liệt sỹ vì mỗi kỷ vật gắn với một cuộc đời cao đẹp mà họ đã dành cho non sông đất nước"

Ngọc Ánh
.
.
.