Bình Định: Gặt lúa gặp phải… chông sắt!

Thứ Năm, 23/10/2008, 09:36
Vụ việc bắt đầu từ cuối tháng 10 vừa qua khi chiếc máy gặt đập liên hợp đang cắt lúa tại ruộng của ông Trần Văn Dũng (63 tuổi) ở đội 2, thôn Giang Nam, xã Phước Hiệp (Tuy Phước) thì gặp sự cố. Qua kiểm tra, cả ông Dũng và chủ máy gặt đều bất ngờ vì các lưỡi cắt của máy đều bị sứt, mẻ do cắt phải những cây chông sắt! Ông Dũng kiểm tra và phát hiện ruộng nhà mình có nhiều cây chông sắt tương tự.

Hầu hết các cây chông sắt này làm bằng sắt xây dựng có phi 6 và dài từ 30cm đến 40cm, mỗi thanh sắt được cột nối với 1 thanh tre chẻ dẹt dài 40cm. Phần tre được cắm xuống ruộng lẫn vào các bụi lúa. Trên đầu những cây sắt được cột "bổ sung" 1 viên đá núi to bằng nắm tay.

Sau khi gặp sự cố trên, các chủ máy gặt đập liên hợp từ chối thu hoạch những thửa ruộng quanh vùng như dự định mà phải kéo máy về, bà con phải tự thu hoạch thủ công.

Nhưng khi lội ruộng cắt tay, ông Trần Dư (ở cùng thôn) có đám ruộng sát bờ đám ruộng nhà ông Dũng cũng phát hiện trong ruộng của mình cũng có những cây chông sắt tương tự. Quá bất bình trước sự việc trên, ông Dũng đã cùng bà con nông dân tại địa phương đem các chông sắt trình báo với Công an xã Phước Hiệp.

Theo nhiều nông dân địa phương cho biết, từ sau ngày máy gặt đập liên hợp xuất hiện trên những cánh đồng thì những chiếc máy cắt tay lâm vào cảnh ế ẩm vì hầu hết nông dân đều hướng đến loại máy có nhiều tính năng ưu việt trong thu hoạch lúa.

Ông Nguyễn Quang Sang ở Hợp tác xã Nông nghiệp 1, xã Phước Hiệp cho rằng: Đây rất có thể nguyên nhân khiến một số chủ máy cắt tay cho rằng do sự có mặt của máy liên hợp mà mình "mất chén cơm" và tìm mọi cách để làm cho những chiếc máy gặt đập liên hợp "biến" khỏi những cánh đồng.

Ông Nguyễn Đình Hương - Phó trưởng Công an xã Phước Hiệp cho biết: Công an xã đang tiến hành điều tra để làm rõ vụ việc. Các loại chông sắt trên có thể là do các chủ máy gặt tay cố tình cài trên ruộng để phá hoại. Vì khi máy gặt đập liên hợp "gặt" phải những cây sắt và "nhai" nhưng viên đá này kể như đi tong lưỡi cắt và vỡ ru lô dẫn đến không hoạt động được.

Việc cắm chông nói trên tuy không để lại hậu quả nghiêm trọng vì đã được phát hiện kịp thời, nhưng nhiều nông dân cho rằng, những cây chông sắt nằm dưới ruộng không chỉ gây hại cho những chiếc máy gặt đập liên hợp mà còn là mối đe dọa đến sự an toàn lao động của nông dân.

Khi chưa tìm ra thủ phạm, nhiều nông dân đã nghi ngờ và kết tội lẫn nhau nên dễ gây mất an ninh, trật tự ở nông thôn. Thiết nghĩ vụ việc cần phải được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ để nghiêm trị và giáo dục kịp thời những kẻ phá hoại để nông dân được yên tâm lao động và sản xuất

Hoàng Minh
.
.
.