Hệ lụy từ các dự án xã hội hóa nạo vét luồng tuyến, tận thu cát sỏi trên sông:

Biếu không cho doanh nghiệp cả triệu khối cát (Kỳ cuối)

Thứ Ba, 06/09/2016, 09:08
Việc bòn rút tài nguyên lòng sông Đồng Nai đang tiếp tục được gia tăng tại dự án xã hội hóa nạo vét luồng tuyến, tận thu cát sỏi trên sông. Bởi cho đến nay, thời gian thi công đã được rút ngắn từ 20 năm xuống còn vài năm, thử hỏi lợi nhuận DN thu về sẽ khủng đến mức nào?


Được Bộ GTVT chấp thuận, đầu tháng 5-2016, Cục Hàng hải đã có văn bản hỏa tốc gửi Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai và Công ty Hiệp Phước đồng ý cho phép DN này tiếp tục thực hiện dự án. 

Tại văn bản này, chỉ căn cứ vào tính toán của Công ty Hiệp Phước, Cục Hàng hải cũng đã tự xác định rằng tổng mức đầu tư của dự án khoảng hơn 25 tỷ đồng; tổng chi phí cho dự án trên 35 tỷ đồng và tổng doanh thu của dự án đạt 36,3 tỷ đồng. Do vậy DN thực hiện dự án này chỉ thu lợi trước thuế vẻn vẹn 1,126 tỷ đồng trong thời gian thi công 3 năm. 

Liền sau đó, ngày 13-5, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Đỗ Đức Tiến đã ký hợp đồng với Công ty Hiệp Phước theo các nội dung trên để DN này tiếp tục thực hiện nạo vét, tận thu cát sỏi. 

Tại hợp đồng này, đại diện Cục Hàng hải cũng xác định tổng khối lượng trên đoạn sông Đồng Nai dài 9km cần nạo vét là 2,268 triệu m³ với một nửa là cát sỏi, khối lượng bùn đất chiếm một nửa. 

Do đó căn cứ theo báo giá của một DN kinh doanh cát tại cảng Cogido - Tân Mai trên sông Đồng Nai vào cuối tháng 7 vừa qua, giá cát được bán sỉ với khối lượng từ 500m³ trở lên ở mức thấp nhất là 205 ngàn đồng, cao nhất lên tới 276 ngàn đồng/m³, tùy loại, thì với số lượng cát, sỏi tận thu trên, trong 3 năm Công ty Hiệp Phước đã có thể thu về tới hàng trăm tỷ đồng, chứ không phải là chỉ có vài ba chục tỷ đồng như Cục Hàng hải xác định.

Tàu công trình của Công ty Hiệp Phước trang bị cẩu ngoạm cát trực tiếp từ lòng sông Đồng Nai. 

Chưa dừng lại ở vấn đề lợi nhuận, trong quá trình thi công vừa qua, Công ty Hiệp Phước còn đề xuất với đơn vị tư vấn giám sát để được thay đổi phương tiện, biện pháp và công nghệ nạo vét. Về phương tiện thi công, DN này đã sử dụng tàu hút bụng thay cho tàu xáng cạp trước đây để nạo vét bùn cát, sau đó hút hoặc ngoạm lên sà lan để vận chuyển đến nơi tập kết. 

Với việc dùng vòi hút, ngoài việc có thể hút cát trên diện rộng, chiều sâu và địa hình khó khăn, thì sau khi bùn và cát được hút lên tàu sẽ được lượng nước hút theo vòi gột rửa, bùn sẽ rã ra, theo nước tràn ra ngoài. Do đó toàn bộ lượng bùn vừa hút lên sẽ được trả ngay về đáy sông. 

Cách làm này đã giúp DN khai thác giảm được rất nhiều chi phí do không phải tìm chỗ đổ bùn thải. Và điều này cũng có nghĩa việc nạo vét bùn hầu như không được thực hiện, mà chỉ thuần túy là hoạt động khai thác cát, khuấy đục nước sông. 

Từ đó năng lực khai thác cũng đã được nâng lên khi DN này khẳng định năng suất thi công của công nghệ, thiết bị nạo vét kiểu này có thể đạt hơn 2.867m³ sản phẩm các loại mỗi ngày. 

Quan sát các phương tiện thi công của Công ty Hiệp Phước hoạt động, PV nhận thấy tàu hút bụng được hoạt động theo từng cặp, sau thời gian hút cát đầy tàu và xúc rửa hết bùn. Hai tàu cạp thẳng cát lên một sà lan; chiếc tàu đặt cẩu biển số LA 06847 gần đó cũng múc thẳng cát từ đáy sông lên sà lan. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ, đã có ba sà lan trọng tải từ 700 đến 1.000m³ được cạp đầy cát và luôn có vài chiếc khác đậu sẵn chờ đến lượt được nhận cát.

Báo cáo với Thanh tra Bộ GTVT và Cục Hàng hải cùng các cơ quan liên quan vào giữa tháng 7-2016 vừa qua, Công ty Hiệp Phước xác định, từ tháng 11-2011 đến hết ngày 16-6-2016, tổng khối lượng thi công dự án chỉ đạt hơn 546 ngàn m³, trong đó thời điểm cuối năm 2013, đầu năm 2014 tổng khối lượng thi công đạt trên 37 ngàn m³. 

Nhưng theo xác định của Công an Đồng Nai, giai đoạn 1 (2013-2015), Công ty Hiệp Phước đã tiến hành nạo vét từ hạ lưu cầu Đồng Nai đến điểm đầu cù lao Ba Sang và từ cù lao Ba Sang xuống hạ lưu được 3,4km.

Mặt khác, khi công suất nạo vét mỗi ngày lên tới vài ngàn m³, thì trong báo cáo với Thanh tra Bộ GTVT, ông Đinh Công Hoàng, Giám đốc Công ty Hiệp Phước lại khẳng định rằng, trong vòng hơn 2 tháng, từ ngày 12-4 đến 16-6 năm nay, DN chỉ nạo vét được vẻn vẹn 71m³. 

Sau thời gian bố trí một cán bộ theo dõi tại công trường suốt quá trình thi công và 1 tổ khảo sát địa hình, báo cáo giám sát định kỳ tháng 7 của Công ty CP Tư vấn thiết kế và xây dựng công trình cảng biển thể hiện: 

Từ ngày 13-6 đến 13-7 vừa qua, Công ty Hiệp Phước đã tổ chức cho 2 xáng cạp và 5 tàu công trình cùng nhiều sà lan vận chuyển phục vụ thi công. Qua kiểm tra chứng từ, nhật ký thi công, đơn vị tư vấn giám sát cũng xác định khối lượng nạo vét của Công ty Hiệp Phước kể từ sau khi ký hợp đồng với Cục Hàng hải đã đạt 116 ngàn m³. Trong đó khối lượng thi công trong tháng 7 đạt 44.950m³. 

Sau 16 cuộc kiểm tra định kỳ và 11 cuộc kiểm tra đột xuất, thông tin về tình hình thực hiện tư vấn, giám sát các dự án nạo vét theo hình thức xã hội hóa trên địa bàn được Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai đưa ra cũng cho thấy: 

Đối với dự án của Công ty Hiệp Phước, hiện tỉnh Đồng Nai chưa cấp phép nên chủ dự án chỉ thực hiện thi công một nửa dòng sông phía TP Hồ Chí Minh. Nhưng đã bị các cơ quan liên quan của Đồng Nai cho rằng có những đoạn Công ty Hiệp Phước đã khai thác lấn sang cả địa giới hành chính của TP Biên Hòa.

Mặc dù cả Công ty Hiệp Phước và Cục Hàng hải đều xác định doanh thu, lợi nhuận từ dự án trên là không lớn. Song để được tham gia làm một nhà thầu phụ cùng nạo vét với Công ty Hiệp Phước, một đại diện chủ xáng cạp là ông Phạm Thanh Phong đã phải nộp đến 2 tỷ đồng tiền thế chân. Khoản tiền thế chân này được hoàn trả bằng cách khấu trừ dần vào tiền thu mua lại cát của Công ty Hiệp Phước. 

Chủ xáng cạp này cũng đã khẳng định, trong quá trình tham gia nạo vét, tận thu cát sỏi, sản phẩm thu được hầu hết là cát được cạp thẳng lên sà lan đưa đi tiêu thụ và lượng bùn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng khối lượng thi công. 

Để đảm bảo tiến độ dự án, những lý do hết sức hợp lý, cấp thiết đã được đưa ra như khơi thông luồng tuyến đường thủy, cải tạo dòng chảy… việc bòn rút tài nguyên lòng sông Đồng Nai đang tiếp tục được gia tăng tại dự án này. Bởi cho đến nay, thời gian thi công đã được rút ngắn từ 20 năm xuống còn vài năm, thử hỏi lợi nhuận DN thu về sẽ khủng đến mức nào? 

Mặc dù luồng hàng hải sông Đồng Nai chỉ cần chiều rộng 150m và độ sâu âm 8 mét là đã đạt chuẩn. Nhưng kết quả do độ sâu, lập bình đồ cao độ đáy sông Đồng Nai được Công ty Khảo sát Thủy Đạc thực hiện vào cuối tháng 7 vừa qua trên đoạn sông dài 6km; phạm vi bề rộng lòng sông lên đến 200m trên đoạn từ cuối cù lao Ba Sang về phía hạ lưu đã rà tìm, phát hiện được tới 6 vị trí có độ sâu đột biến với quy mô lớn và 3 vị trí sâu đột biến có phạm vi nhỏ. Bình thường độ sâu giữa sông đạt từ 9-12m, song những đoạn sâu đột biến đã lên đến 15m.
Đ.Thắng
.
.
.