Bị xích hơn 10 năm vì nghi mắc bệnh tâm thần

Thứ Năm, 22/05/2008, 08:30
Trong túp lều ẩm ướt, bẩn thỉu ở khu vườn nhỏ, không một bức tường che chắn, có người đàn ông bị xích vào gốc cột nhà suốt hơn chục năm nay. Trên tấm chiếu rách ngấm ố mùi đất, người đàn ông mang tên Đinh Krui đã hơn 10 năm nay nằm co ro với bộ quần áo cũ rách, đen đóm.

Men theo con đường rừng nhỏ xíu, đến làng Mơhven, xã Kông Lơng Khơng, huyện K’bang, Gia Lai giữa buổi trưa oi ả để gặp người đàn ông hơn chục năm trời sống trong cảnh xiềng xích. Khuôn mặt thất thần, gầy guộc, ánh mắt đăm đắm tha thiết của Đinh Krui thật khó tả.

Đã hơn 12h30' nhưng người thân Đinh Krui vẫn chưa mang thức ăn đến. Người trong làng bảo: "Đinh Krui quen với những bữa ăn muộn lắm rồi!". Không biết căn chòi nhỏ trống trải này có từ khi nào? Người trong làng áng chừng hơn chục năm nay Đinh Krui đã là bạn thân thiết với cảnh vật nơi đây. "Nó bị Yàng bắt tội nên phải xích lại để khỏi phá hại dân làng", một người dân địa phương bảo thế.

Người dân trong làng còn kháo nhau rằng Đinh Krui điên dữ lắm, đập phá đồ đạc... nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi trông anh thật hiền. Được mời châm một điếu thuốc lá, anh nở nụ cười bình dị, thật thà và nói lời cảm ơn rất cảm động. Nhìn ánh mắt Đinh Krui như toát lên bao nỗi đau nhân tình thế thái.

Cảnh sống không được làm người bình thường của Đinh Krui từ nhiều năm nay đã trở nên quen thuộc. Bởi thế, anh rất sợ nước. Khi nghe có tiếng sấm, anh giật thót cả người. Mỗi khi trời mưa gió, Đinh Krui phải kéo tha dây xích tránh vào giữa chòi cho đỡ ướt. Tiếng xích sắt va lẫn với chiếc ổ khoá to thật chắc sau cổ thật kinh hoàng.

Nhìn cảnh sống hiện tại của Đinh Krui cho thấy hầu như mọi sinh hoạt đều tại chỗ không hề có sự giúp đỡ của người thân. Anh Hùng, một người dân làm rẫy ở đây kể rằng: "Thỉnh thoảng đi làm qua đây, tôi ghé thăm và cho anh vài điếu thuốc. Anh rất vui và muốn được cởi xích để như người bình thường".

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết Đinh Krui năm nay khoảng hơn 50 mùa rẫy, sinh ra lớn lên tại xã Kông Lơng Khơng, Kbang, Gia Lai. Hơn chục năm về trước, người làng vẫn khen Đinh Krui khỏe như con voi rừng kéo gỗ. Đinh Krui lớn lên rồi lấy vợ và sinh được 3 người con.

Chị gái của Đinh Krui, bà Đinh Kring kể: "Nó là một người thông minh, khoẻ mạnh, hiền lành và không hề đánh đập ai cả". Nhưng rồi thời gian sinh sống giữa hai vợ chồng với nhau có chuyện "cơm không lành, canh chẳng ngọt" nên sứt mẻ tình cảm và bỏ nhau.

"Kể từ dạo ấy Đinh Krui bắt đầu sinh ra ngớ ngẩn như bây giờ và mình sợ nó phá nhà nên xích cổ lại cho yên", bà Đinh Kring nói.

Nỗi đau của Đinh Krui.

Từ ngày Đinh Krui chia tay vợ, anh về ở với gia đình chị Đinh Kring và bị xiềng xích đến giờ hơn chục năm nay. Người làng kể lại, thỉnh thoảng mấy đứa con của Đinh Krui cũng có qua thăm chứ không quan tâm gì đến việc chữa chạy thuốc men.

Người thân Đinh Krui và chính quyền địa phương đều cho rằng việc Đinh Krui bị điên và xích lại để khỏi phá nhà là chuyện bình thường nên thảm cảnh đau lòng này đã xảy ra hơn chục năm nay mà không thay đổi.

Ngày 20/5, trao đổi với lãnh đạo UBND huyện K’bang, Gia Lai, chúng tôi được biết, huyện đã chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra lại vấn đề và sẽ có giải pháp xử lý phù hợp. Còn phía lãnh đạo ngành Y tế Gia Lai thì không biết đã nghe thông tin về trường hợp này hay chưa?

Tôi nhớ cách đây gần chục năm ở Ia Phang, Chư Sê, Gia Lai cũng có trường hợp người mắc bệnh tâm thần bị gia đình và dân làng xích lại ở gốc cây suốt 12 năm ròng rã. Nạn nhân đó tên Kpuih Glam. Khi nghe báo chí phản ánh, hay tin chuyện đau lòng này, lãnh đạo Sở Y tế Gia Lai chỉ đạo các bác sĩ Khoa Tâm thần, Bệnh viện Gia Lai về địa phương tiếp nhận người bệnh để điều trị.

Năm 2001, bác sĩ Y Lia đã đích thân về làng khuyên giải mọi người cho đưa bệnh nhân Kpuih Glam về bệnh viện điều trị, sau 3 tháng bệnh giảm và ổn định được đưa trở lại làng. Nạn nhân Glam đã nhận bác sĩ Y Lia là cha của mình.

Còn lần này với sự việc của Đinh Krui thì sao? Thiết nghĩ cần có sự quan tâm của cơ quan chức năng để giúp Đinh Krui được đến bệnh viện chữa trị kịp thời

Ngọc Như - T. Dũng
.
.
.