Bí mật về “xác ướp” ở An Giang

Thứ Sáu, 26/08/2005, 14:07

Ông Trí kể, sau khi khai quật xác của anh Hạo, khi các bác sĩ do chính quyền Sài Gòn cử đến, dùng kim chích vào đầu những ngón tay của anh Hạo thì máu tươi vẫn nhỏ ra.

Một ngày trung tuần tháng 7/2005, có người đã phát hiện ra, trong ngôi nhà của ông Đinh Hữu Trí  (tên thường gọi Út Trí) - tọa lạc tại số 644, ở tổ 2, ấp Phú Lộc, xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang đang lưu giữ một... xác chết khô. 37 năm nay, cái xác ấy vẫn tồn tại theo thời gian mà không bị phân hủy. Không phải ai xa lạ, thi  hài được ướp đó chính là ông Đinh Công Hạo, người anh trai xấu số của ông Đinh Công Trí, chủ nhân ngôi nhà cổ nói trên.

Ông Đinh Công Hạo sinh năm 1951, từ nhỏ đến khi qua đời (ở tuổi... 17!), chỉ sống tại địa phương. Trong trí nhớ của những người dân ở ấp Phú Lộc, thuở ấy, vợ chồng ông Đinh Đại Bửu, có sinh được 4 người con, gồm 2 trai và 2 gái. Đinh Công Hạo, người con thứ ba, có gương mặt khôi ngô, tuấn tú, lại giống cha như tạc, nên rất được ông Bửu cưng chiều, yêu thương.

Con nhà giàu, dòng dõi thế gia, lại được mẹ cha chăm sóc cực kỳ chu đáo, nên từ nhỏ, tư chất cậu bé Đinh Công Hạo đã sớm có những biểu hiện rất đặc biệt, theo kiểu... “anh hoa phát tiết ra ngoài”. Nhờ có người cha là cụ Đinh Đại Bửu, vốn là một nhà nho có tiếng trong vùng, tận tình dạy dỗ, truyền cảm hứng thi thơ, nên ngay từ lúc còn nhỏ, cậu bé đã biết làm thơ. Những lúc vui hoặc buồn, Hạo vẫn thường hay làm thơ tặng bạn bè và người thân.

Năm lên 10 tuổi, tự dưng không biết mắc chứng bệnh gì mà cậu bé bắt đầu chán ăn, mất ngủ. Vì thế, nên cơ thể cậu bé cứ ngày một teo tóp dần. Nhiều thầy thuốc đông, tây y có tiếng thời đó đã được gia đình mời đến bắt bệnh, nhưng tất cả đều... “bó tay”. Tình trạng trên kéo dài được khoảng 3 năm, tức năm Hạo 13 tuổi, thì tự dưng đôi mắt cậu không còn nhìn thấy ánh sáng, dù nó vẫn long lanh. Ngày 19/12/1968 (âm lịch), sau 3 ngày liền không ăn uống gì được nữa, dù chỉ một hạt cơm hay một ngụm nước cũng không, Hạo đã trút hơi thở cuối cùng.

Ông Đinh Công Trí bên quan tài có xác người anh.

Câu chuyện tiếp theo diễn ra thật kỳ lạ, đến hôm nay khi được kể lại, ít nhiều đã nhuốm màu sắc tâm linh.

3 ngày sau khi chôn cất con trai, vào ngay sau cái đêm “mở cửa mả” cho Hạo, ông Bửu đã nằm mộng thấy con trai bảo rằng phải tìm 4 người ăn chay trường đạo đức tốt đến đào mộ của Hạo lên. Thời gian đào là trong khoảng thời gian từ 4 - 5h sáng. Bán tín bán nghi, nên ngay lúc đó, gia đình ông Bửu cũng không dám đào.

Tuy nhiên, sau đấy một ngày, lại có một ông thầy thuốc nam ghé đến nhà. Nghe ông Bửu kể về bệnh tình của con trai mình, ông thầy này tỏ vẻ hối tiếc: Phải chi ông đến kịp trong vòng 3 hôm đầu tiên, để đào xác lên thì nhất định ông sẽ cứu sống được cậu Hạo, qua ngày thứ 4 rồi thì mọi việc đã muộn, không còn kịp nữa. Ông thầy cho biết, cậu Hạo chưa chết, không tin gia đình cứ đào lên mà xem.

Quá nhớ con, phần nữa tin tưởng vào lời khẳng định kỳ bí của ông thầy thuốc, ông Bửu quyết định khai quật mộ con trai lên.

Ông Đinh Công Trí, kể lại: Hôm đó, một số người trong họ hàng thân thích còn sợ hơi xác chết thối sẽ xông lên, nên đã lấy bông gòn bịt hai lỗ mũi lại. Sau 30 phút đào, tim đập loạn xạ, ông Bửu từ từ mở nắp quan tài, thì quả đúng là xác cậu Hạo vẫn tươi như người nằm ngủ. Tay vẫn còn mềm, duy chỉ có khóe miệng, khóe môi bị kiến cắn chút ít.

Ông Bửu nhanh chóng đem xác con về nhà. Chẳng mấy chốc, tin “xác chết trở về” đã lan truyền khắp nơi. Ông Trí nhớ lại: “Lúc đó tui 13 tuổi, khi cha tui mang xác anh Hạo về nhà mọi người biết tin kéo đến coi đông lắm. Chính quyền lúc bấy giờ hay tin, liền cử một đoàn bác sĩ 5 người, trong đó có một ông bác sĩ người Mỹ đến xem xét tử thi, nhưng cũng lắc đầu ra về. Họ chỉ nói anh ấy đã chết, còn xác vì sao không bị phân hủy, không bốc mùi hôi thối thì không biết. Điều bất ngờ là khi các bác sĩ dùng kim chích vào đầu những ngón tay của anh Hạo thì máu tươi vẫn nhỏ ra. Một điều lạ nữa là tuy chết rồi nhưng thân thể anh ấy vẫn mềm, ba tôi lấy vài giọt cà phê nhỏ vào miệng thấy trôi vào bụng luôn.--PageBreak--

Thậm chí có người anh họ sang lấy gần 3 lít nước đổ vào miệng mà vẫn hết, nhưng lại không tiết ra ngoài một giọt. Lúc đó, vì chỉ còn 7 hôm nữa là đến Tết Nguyên đán (Tết Mậu Thân, năm 1968 - NV), nên cha tui đóng chiếc hòm khác đặt anh Hạo vào, xin phép chính quyền địa phương cho phép được giữ xác anh tui trên gác của ngôi nhà, để chờ sau Tết các bác sĩ đến khám lại...”.

Khi đoàn bác sĩ quay lại một lần nữa, sau suốt một tuần khám nghiệm liên tục, họ chỉ chẩn đoán rằng đây là hiện tượng “chết rũ” (chết khô từ từ) và rồi lại ra về mà không hề kết luận gì về sự tồn tại kỳ lạ của cái xác. Và cứ thế, xác Hạo cứ khô dần, khô dần theo năm tháng. Trên mặt chiếc hòm, ông Bửu đã cho thợ phủ lên một lớp kính để mọi người trong gia đình mỗi lần thắp nhang vẫn có thể nhìn thấy Hạo. Được vị bác sĩ người Mỹ hướng dẫn, ông Bửu đã khoan một lỗ nhỏ ở bên hông chiếc quan tài để đặt vào đó một ống thông hơi.

Theo quan sát của chúng tôi, mái tóc của ông Hạo vẫn còn nguyên màu đen mượt. Đôi tay đã khô lại như được tẩm một thứ hóa chất nào đó. Ông Đinh Hữu Trí cho biết thêm: “37 năm nay gia đình không hề dùng bất cứ một thứ thuốc nào để cho vào xác anh Hạo cả. Có sao cứ để vậy, ngay cả lục phủ ngũ tạng anh ấy gia đình tui  và bác sĩ lúc bấy giờ cũng không mổ lấy ra. Bây giờ tất cả đã khô hết cả rồi. Gia đình tui thẳng thắn từ chối rất nhiều chuyến viếng thăm đông người, có biểu hiện mê tín dị đoan. Khi cha tui mất (năm 1994), ông cụ dặn không được mang xác của anh Hạo ra làm trò mê tín”.

Ông Nguyễn Văn Tao, Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh, cho biết: “Từ lâu chính quyền địa phương đã biết trong nhà ông Trí có một cái xác rũ. Nhưng nhiều năm qua, không thấy có vấn đề gì về môi trường, bệnh tật và gia đình ông Trí không có biểu hiện mê tín dị đoan nên chúng tôi rất tôn trọng. Hồi tháng 3 vừa qua, có một người tên Đinh Thị Tuyết Mai là tiến sĩ khảo cổ học ở Cộng hòa Liên bang Đức có gửi thư cho chính quyền địa phương nhờ liên hệ với gia đình ông Trí (em trai ông Hạo) để đưa một một số nhà khoa học từ Đức sang nghiên cứu. Chúng tôi đã báo cáo vấn đề này lên huyện, lên tỉnh nhưng chưa thấy phản hồi. Nếu các cơ quan có yêu cầu nghiên cứu xác ông Hạo để phục vụ khoa học, chính quyền sẵn sàng thuyết phục gia đình ông Hạo hợp tác”.

Theo ông Trí thì từ sau ngày giải phóng đến nay chưa có một nhà nghiên cứu, hay một tổ chức khoa học nào đến hỏi thăm về cái xác khô ông Hạo. Ông cho biết, gia đình sẽ sẵn sàng hợp tác với các nhà khoa học. Song, nguyện vọng của ông là mong các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu, đừng làm thay đổi hiện trạng cái xác. Vì đã 37 năm qua, gia đình đã xem cái xác ấy như người còn sống

Nam Thơ - Bá Sơn
.
.
.