Bi hài chuyện đồng phục học sinh

Thứ Sáu, 15/09/2006, 08:45

Một vị phụ huynh ở khu tập thể Kim Liên có cô con gái năm nay vào lớp 4 đã không sử dụng nổi bộ đồng phục do nhà trường may vì chất vải quá nóng, lại bí, vải mặc vài ngày đã xù lông. Trong khi đó bộ đồng phục may ở ngoài mát hơn nhưng do không trùng màu với nhà trường nên đành cất trong tủ.

Năm học 2005 - 2006, nhiều phụ huynh có con em học ở  Trường tiểu học Kim Liên rất ngạc nhiên trước chuyện thay đổi đồng phục của học sinh trường này. Bởi sau 13 năm sử dụng một loại đồng phục là áo sơmi trắng, váy hoặc quần màu xanh tím than thì Ban giám hiệu nhà trường đã nhất trí với sự thay đổi đồng phục chuyển sang một loại đồng phục mới, với màu sắc khác hẳn. Loại đồng phục này theo quy định thì con trai áo trắng, quần xanh lá cây, còn con gái là áo trắng - váy ca rô, màu vàng nâu đất xỉn.

Việc thay đổi đồng phục của nhà trường đã tạo ra hai luồng dư luận. Một bên thì cho rằng việc thay đổi đồng phục học sinh là do có cô hiệu trưởng mới nên thay đổi luôn cả ý thích của học sinh với loại đồng phục mà cô hiệu trưởng cũ đã chọn. Còn về phía nhà trường thì cho rằng việc thay đổi đó đơn giản chỉ là màu sắc, để phân biệt rõ hơn giữa học sinh Trường tiểu học Kim Liên với các trường học khác trong quận chứ không hề có chuyện hiệu trưởng mới - đồng phục mới.

Chúng tôi từng chứng kiến chuyện copy mẫu đồng phục giữa các trường tiểu học với nhau dẫn đến việc một học sinh ở một trường trong nội thành Hà Nội nhưng lại có kiểu đồng phục rất giống với một học sinh ở một xã của huyện Sóc Sơn.

Lý giải việc này một số nhà may chuyên cung cấp đồng phục cho học sinh ở Hà Nội cho biết: “Nguyên nhân do thấy đồng phục của học sinh của một trường trong nội thành tương đối đẹp, nên trường này đã lấy mẫu đó đem về thuê tiếp một nhà may khác thiết kế”.

Vẫn là chuyện thay đổi đồng phục như đã nói, do nhận được sự phản hồi từ phía cha mẹ học sinh vì thế mới có chuyện nhiều trường tiểu học đã có học sinh sử dụng chung cùng một lúc là hai loại đồng phục cả cũ và mới. Và trong ngày khai giảng trọng đại của một năm học, thay bằng việc lẽ ra các em sẽ được mặc chung một bộ đồng phục có cùng màu sắc, kích cỡ đã được đo theo chỉ số của từng em, nhiều trường học sinh lại vẫn tiếp tục mặc những bộ đồng phục cũ xen lẫn đồng phục mới trông rất mất mỹ quan.

Về phía nhiều nhà trường thì khẳng định: "Chỉ khuyến khích các em mặc đồng phục chứ không quy định đó là đồng phục cũ hay mới”. Vậy nên lại nảy sinh chuyện đồng phục cũ nhưng chất liệu lại tốt hơn đồng phục mới. Nguyên do vì đồng phục cũ đã được các nhà may chọn vải và may rất cẩn thận hơn chất liệu của đồng phục mới.

Được biết, những bộ đồng phục của các em ở Trường tiểu học Kim Liên dao động từ 48- 60.000đ/bộ. Với học sinh Trường THCS là từ 70 - 80.000đ/bộ và với THPT là từ 80 - 100.000đ/bộ. Mùa đông các em có thêm đồng phục áo khoác ngoài với giá thành lần lượt là 40.000đ, 60.000đ và 80.000đ (giá cả dao động tùy vào chất liệu vải và kích cỡ học sinh).

Hầu như đồng phục của học sinh đều được các nhà may liên kết với ban giám hiệu để “phục vụ” học sinh. Và thông thường cứ vào khoảng gần cuối học kỳ hai của năm học, các nhà may cung cấp đồng phục cho học sinh bắt đầu tiếp thị sản phẩm của mình đến các trường học.

Đối với những khóa đầu tiên của một cấp học, đồng phục cho học sinh bao giờ cũng rất cần thiết. Đơn cử như học sinh lớp 1 của một trường điểm, số lượng học sinh thường tương đối lớn khoảng 500-700, thậm chí có trường còn cao hơn vì thế số lượng may đồng phục học sinh cho khối này tương đối đông. Chính vì thế, để thu hút nhà trường sử dụng các sản phẩm của  mình các nhà may sẵn sàng trích lại từ 20-30% số hoa hồng mà họ thu được từ việc may đồng phục cho học sinh. Vì vậy ngoài chuyện hết sức vô lý là bắt phụ huynh học sinh mua đồng phục cho con em vào mỗi năm học mới, nhiều người còn phàn nàn với phóng viên rằng chất lượng đồng phục không hề được như ý.

Một vị phụ huynh ở khu tập thể Kim Liên có cô con gái nhỏ 10 tuổi, năm nay vào lớp 4 đã không sử dụng nổi bộ đồng phục do nhà trường may vì chất vải quá nóng, lại bí, vải mặc vài ngày đã xù lông. Chị bảo, bộ đồng phục mình mua vải may cho con năm ngoái nhưng do không trùng màu với nhà trường nên đành cất trong tủ, không sử dụng được. Nhìn con mặc bộ đồng phục quá nóng nhưng cũng chẳng biết phải làm gì?

Còn cháu Ngọc Châu cũng là học sinh trường điểm của một quận nội thành đã phàn nàn với mẹ: “Chưa vào năm học nhưng cô giáo con đã nhắc, ngoài chuyện đồng phục là quần áo thì năm nay nhà trường còn bắt chúng con có thêm... mũ đồng phục”. Như vậy ngoài chuyện quần áo, các phụ huynh lại tốn thêm một khoản tiền khác là mua mũ để làm đồng phục cho con.

Theo chúng tôi tìm hiểu thì những bộ đồng phục ở các nhà may Đức Hạnh (phố Hàng Trống), nhà may Q.H trên phố Hòa Mã... bình quân mỗi bộ đồng phục học sinh tiểu học chỉ khoảng 30.000đ/bộ, đồng phục học sinh THCS là 50.000đ/bộ và THPT là 65.000đ/bộ. Chủ một cơ sở còn rất xởi lởi: “Sau khi đã thỏa thuận xong giá cả, chúng tôi còn trích thêm phần trăm hoa hồng cho nhà trường nữa. Anh chị yên tâm, chúng tôi giữ uy tín lắm. Làm ăn lâu dài mà”.

Và những khoản đóng góp khác

Đồng phục mới là một khoản rất nhỏ trong số khoản thu trước khi đến lớp của học sinh. Chúng tôi có thể nêu ra đây một vài con số để bạn đọc tham khảo. Đối với bậc tiểu học, mỗi học sinh Trường Đặng Trần Côn (quận Thanh Xuân) khi nhập học sẽ phải nộp các khoản tiền như: học phí, xây dựng trường, tiền học bán trú. Rồi tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể... Một phụ huynh có con học trường này cho biết, cứ họp phụ huynh đầu năm học là chị phải giắt theo ít nhất 500.000đ đi để nộp.--PageBreak--

Mức đóng góp của từng trường tiểu học hết sức khác nhau, nhưng mức chi của từng trường tiểu học ở khu vực nội thành và ngoại thành hết sức khác nhau. Còn bậc THPT, mỗi học sinh Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh sẽ phải đóng tiền học phí là 300.000đ/tháng (đóng theo học kỳ), tiền xây dựng trường 300.000/năm. Đối với trường THPT Chu Văn An (theo số liệu năm trước) thì tiền học phí là 30.000đ/tháng (hệ A), 90.000đ/tháng (hệ B); xây dựng trường là 40.000đ/năm. Rồi tiền SGK (một bộ SGK lớp 12 là 66.900đ); tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, tiền vệ sinh, điện nước, quỹ đoàn/đội... Tính sơ sơ ra trung bình mỗi em vào đầu năm học là cha mẹ phải đóng không dưới 1 triệu đồng.

Tất nhiên đó là “phần cứng”, còn “phần mềm” thì chả ai biết là được bao nhiêu. Nhất là quỹ hội, theo như lời phụ huynh kêu ca thì số này cũng không phải là ít.

Không ít bậc cha mẹ học sinh phàn nàn với chúng tôi rằng “hội phụ huynh” của lớp con em họ toàn quy tập những vị “tai to mặt lớn”, nhiều tiền lắm của. Và dường như họ cũng cho rằng gia đình nào cũng có của ăn của để như mình. Vậy nên họ đã đề xuất những khoản thu rất phi lý như: “tiền cho giáo viên chủ nhiệm sinh nở”; hay “tiền cho cô phó chủ nhiệm sinh nhật con”... Song hầu hết các bậc phụ huynh đều phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, bởi cái lý của hội phụ huynh là “chúng tôi cũng vì tương lai con em chúng ta”, chứ đâu phải là thu riêng cho con em mình.

Trước những băn khoăn của nhiều phụ huynh về các khoản đóng góp - thu chi tài chính trước thềm năm học mới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội. Ông Nguyễn Thành Kỳ, Chánh Văn phòng Sở cho biết: Quy định bắt buộc của Sở GD&ĐT Hà Nội trong năm học mới 2006 - 2007, quán triệt tới tất cả các trường từ mầm non, phổ thông, trung học chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp trên địa bàn Hà Nội là tất cả các khoản thu đầu năm học phải được nhà trường thông báo bằng văn bản tới phụ huynh học sinh.

Theo Quyết định 73/2000/QĐ-UB ngày 16/8/2000 của UBND thành phố, các khoản thu đầu năm học bao gồm: học phí và các khoản thu khác (thu xây dựng, học nghề, học 2 buổi/ngày). Riêng các trường bán công, dân lập, tư thục, căn cứ điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo xây dựng mức thu phù hợp, thỏa thuận với cha mẹ học sinh và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trước khi thực hiện. Đối với các trường mầm non nông thôn tại các huyện ngoại thành và các quận mới thành lập, trên cơ sở Quyết định 73/2000/QĐ-UB và Quyết định 185/2003/QĐ-UB của UBND thành phố, các trường có thể đề xuất mức thu phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của địa phương và mức thu này phải được sự thỏa thuận của cha mẹ học sinh, xin ý kiến của UBND phường, xã và báo cáo Phòng GD&ĐT để tổng hợp trình UBND quận, huyện phê duyệt.

Cũng theo Sở GĐ&ĐT Hà Nội, với những khoản thu hợp lý phát sinh trong thực tế nhưng chưa có trong Quyết định 73/2000/QĐ-UB (như tiền ăn trưa, bồi dưỡng cán bộ trông trưa, tiền hỗ trợ mua sắm thiết bị phục vụ cho bán trú, may quần áo đồng phục, tiền bảo trì, bảo dưỡng máy tính), các trường phải thực hiện đúng quy trình thỏa thuận với cha mẹ học sinh, đảm bảo dân chủ, công khai.

Những khoản thu trước đây gọi là thu hộ như quỹ phụ huynh do Hội cha mẹ học sinh thu, quỹ Đoàn - Đội phải do tổ chức Đoàn - Đội thu; các trường không được đưa khoản thu bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể vào danh mục khoản thu bắt buộc trong nhà trường và không giao cho giáo viên chủ nhiệm thu mà thu thông qua Hội cha mẹ học sinh và bộ phận tài vụ của trường. Tất cả các khoản thu sai quy định đều phải trả lại cho học sinh.

Với khoản thu học 2 buổi/ngày cấp tiểu học và THCS, các trường phải chi hết 60% tổng nguồn thu này cho giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy 2 buổi/ngày (kể cả giáo viên chuyên biệt và giáo viên dạy các môn tự chọn: ngoại ngữ, tin học). Cụ thể, chi cho giáo viên trực tiếp tham gia dạy buổi thứ hai trên cơ sở số tiết thực dạy, trong đó chi thêm cho giáo viên chủ nhiệm lớp không quá 5 tiết trong một tuần. Tiền chi cho giáo viên chuyên biệt và dạy các môn tự chọn khác phải lấy trong 60% thu học 2 buổi/ngày và phải đảm bảo công bằng trong việc chi trả.

Mai Phương - Minh Tiến
.
.
.