Cách làm hay trong xóa mù chữ và phổ cập tiểu học tại Trường Tiểu học Hồng Tiến, Thái Bình:

Bếp ăn bán trú nuôi học sinh làng chài

Thứ Hai, 05/09/2011, 16:03
Cách đây chưa lâu, làng chài Cao Bình (xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương) là điểm nóng của tỉnh Thái Bình về tình trạng trẻ em bị mù chữ và tái mù chữ. Bằng cách mở “bếp ăn bán trú”, kết hợp với công tác tuyên truyền vận động, các thầy cô Trường Tiểu học cơ sở Hồng Tiến đã diệt được “giặc dốt” ở làng chài nghèo này.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường có 3.364 học sinh, trong đó có 48 em ở làng chài Cao Bình. Đây là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

Theo tìm hiểu, làng chài Cao Bình có 130 hộ thì tất cả đều làm nghề chài lưới, đại đa số không có nhà trên bờ, cuộc sống của họ lênh đênh trên sông nước nay đây mai đó. Trẻ em làng chài Cao Bình do hoàn cảnh đã sống tự lập, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ. Quãng đường từ nhà đến trường xa, các em lại không có phương tiện đi học. Học sinh tiểu học phải học cả ngày do đó tình trạng nghỉ học diễn ra thường xuyên. Nhiều em bỏ học lên thuyền theo bố mẹ đi đánh bắt cá. Hơn chục năm trước, tỉ lệ mù chữ và tái mù cả trẻ em đến người lớn đều chiếm tỉ lệ rất cao.

Ngay giữa một tỉnh đồng bằng lại tồn tại một ngôi làng có nhiều người mù chữ, thực tế này đã khiến những người làm công tác giáo dục ở đây không khỏi đau đầu. Năm 2003, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Hồng Tiến quyết định xây dựng mô hình bếp ăn bán trú miễn phí bữa trưa ngay tại trường dành cho các em học sinh làng chài Cao Bình. Ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn, kinh phí eo hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn, lớp học dùng luôn làm phòng ăn. Các thầy cô phải quyên góp thêm tiền để duy trì bếp ăn, rồi xuống bếp tự tay nấu nướng. Trường đã tiến hành kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ kinh phí cho “bếp ăn bán trú”.

Chỉ sau một thời gian ngắn, đã có nhiều tổ chức nhận tài trợ như: Phòng Chẩn trị đông y Phước Lập Đường tại TP.HCM, nhà thờ Thiên chúa đóng tại làng chài. Năm 2008, Phòng Giáo dục - Đào tạo Kiến Xương hỗ trợ kinh phí kèm sách vở cho các em, tổng số tiền gần 40 triệu đồng… 8 năm nay, trường đã duy trì tốt mô hình “bếp ăn bán trú”… Em Nguyễn Văn Vọng, học lớp 3B vui mừng nói: “Bữa cơm ở nhà chủ yếu là ăn với rau, còn bữa trưa ở trường có đầy đủ thịt, cá nên em ăn rất ngon miệng”.

Một giờ học của cô và trò Trường Tiểu học cơ sở Hồng Tiến.

Nói về hiệu quả từ khi mở “bếp ăn bán trú”, bà Hằng không giấu nổi niềm vui: “Các em ăn và nghỉ trưa luôn tại trường nên giảm số lần tới trường trong một ngày. Nhờ đó các em đi học đều đặn, tình trạng bỏ học gần như không còn. Ban Giám hiệu trường mong nhận được nhiều kinh phí hỗ trợ hơn nữa để cải thiện chất lượng bữa ăn cho các em”.

Để xóa bỏ triệt để tình trạng mù chữ cho người dân làng chài Cao Bình, từ năm 2008, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Kiến Xương, phối hợp với Trường Tiểu học Hồng Tiến cử thầy Nguyễn Văn Phúc xuống mở lớp học “chân sóng” tại Cồn Vành (huyện Tiền Hải, Thái Bình) - nơi bà con đánh bắt cá. Năm đầu tiên, lớp học đã xóa mù chữ cho 42 người, các năm tiếp theo là 30 người và 16 người.  Mặc dù điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều em ở làng chài này vẫn cố gắng vươn lên học giỏi, như em Trần Văn Thụy lớp 3A, Nguyễn Văn Vọng lớp 3B, Nguyễn Thị Sim lớp 1A…

Trước những nỗ lực không mệt mỏi của thầy trò, năm 2010, Trường Tiểu học Hồng Tiến được công nhận là trường chuẩn Quốc gia, được Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong công tác xóa mù chữ và phổ cập tiểu học… Bằng mô hình mở “bếp ăn bán trú”, cộng với sự hết lòng vì học sinh của các thầy cô trong trường mà nạn mù chữ ở đây đã được đẩy lui. Với cách làm hiệu quả này, rõ ràng đây là mô hình tốt để những trường khác học tập và áp dụng

Nguyễn Sáng
.
.
.