Báu vật của mĩ nữ tai dài

Thứ Bảy, 16/01/2010, 13:10
Từ lâu chúng tôi nghe nhiều nhà dân tộc học kể chuyện về những người phụ nữ Stiêng với dái tai dài lòng thòng được điểm xuyến đôi hoa tai bằng ngà voi khổng lồ mà ngày trước họ phải đổi bằng những con trâu mộng mới có được. Trong chuyến điền dã gần đây trên quê hương của những nhịp chày, chúng tôi may mắn bắt gặp những mỹ nữ tai dài bằng xương bằng thịt xúng xính với những báu vật đeo tai được truyền qua nhiều thế hệ ánh màu thời gian, nhuốm sắc huyền hoặc.

"Linh vật" truyền đời…

Hôm chúng tôi đến là lúc già làng Điểu Griêm chuẩn bị chủ trì buổi lễ khao làng của gia đình anh Điểu Lệch. 

Giữa lúc dân làng ai nấy đang chăm chú vào công việc của mình thì chúng tôi dồn sự chú ý vào những người phụ nữ luống tuổi vốn "sở hữu" những chiếc dái tai kỳ lạ.  Giọng Kinh lơ lớ, một chị tên Điểu Loan, tự hào khoe: "Cái này nhiều tuổi lắm đấy, hồi bắt chồng bà mẹ mình được mẹ cho. Đến khi mình đủ tuổi bắt chồng thì mẹ giao lại".

Dứt lời, Điểu Loan tháo đôi hoa tai bằng ngà cho chúng tôi mục diện, rồi lại khoe: "Ngày trước chỉ có nhà giàu mới mua được. Nhà nghèo khó phải dùng ống lồ ô kia. Ngày trước con gái nhà ai có hoa tai bằng ngà sẽ bắt được chồng khỏe, chồng tốt. Từ nhỏ đến khi bắt chồng, mình dùng qua năm cặp ngà theo thứ tự từ lớn đến bé. Nhưng do chiến tranh nên chỉ giữ được đôi này thôi".

Trong số những phụ nữ đeo hoa tai bằng ngà voi hôm ấy, chúng tôi đặc biệt ấn tượng trước cặp hoa ngà của cụ bà Điểu Ren bởi đó là cặp hoa tai to nhất, bóng nhất vì lâu năm tuổi. Cụ bà năm nay 87 tuổi cho biết, ngày trước con gái Stiêng bắt chồng khi mới 14-15 tuổi và trước khi bắt chồng, tùy điều kiện mà cô gái được mẹ trao cho một hay nhiều cặp hoa tai bằng ngà voi để làm của.

Nói về đôi hoa ngà mà theo ước tính của người làng gần 200  tuổi, cụ bà nói người Stiêng chỉ giỏi hái lượm, săn bắt những con thú bình thường như nai, cheo, chồn, mễnh, trăn, rắn… chứ không giỏi săn bắt voi.

Nên hoa ngà mà tộc người đeo làm đẹp phải mua lại hoặc qua trao đổi thổ cẩm với tộc người M'nông ở Đắk Nông, Đắk Lắk: "Trong đời hoa ngà chỉ được mua bán, trao đổi một lần thôi. Đeo hết đời mẹ thì đến đời con. Nên cái hoa tai bằng ngà đều có tuổi của bốn năm đời người gộp lại. Ai được ông cha bà mẹ trao phải cố giữ. Nếu bán sẽ mắc tội với ông bà, tổ tiên, sẽ bị Yàng phạt, bị con ma rừng làm hại".

Hiện thân của hủ tục căng tai

Chị Điểu Loan bật mí: "Do là vật quý, vật thiêng nên mình chỉ sử dụng cái ngà voi vào dịp buôn làng có lễ hội. Trước khi đeo vào tai mình phải tắm rửa sạch sẽ. Khi đi vệ sinh, đi ngủ phải tháo ra bỏ vào túi vải, cất nơi cao ráo, sạch sẽ nhất nhà. Muốn cầm đeo vào tai cũng phải rửa tay thật sạch". Muốn có được đôi dái tai lòng thòng, kỳ quặc ấy, ngay từ nhỏ, những bé gái của tộc người đã được người lớn tiến hành nghi thức xỏ lỗ tai rồi cứ thế mà nong dần.

Theo già làng Điểu Griêm, con người khác con thú ở chỗ phải có dái tai dài hơn nó, rộng hơn nó. Ngoài ra, đó cũng là cách mà các bóng hồng Stiêng thể hiện vẻ đẹp của mình. Ai có dái tai dài rộng sẽ được nhiều chàng trai tài giỏi để ý. Nhưng muốn có cái tai càng dài càng rộng thì người phụ nữ phải chịu khó, chịu đau, phải kiên nhẫn mới được.

Trong chuyến điền dã hôm ấy, chúng tôi may mắn gặp được Tiến sĩ dân tộc học Nguyễn Thành Đức (Viện Khoa học xã hội tại TP HCM). Tiến sĩ Đức cho biết, như 2 tộc người láng giềng là Mạ và Chơro, phụ nữ người Stiêng mỗi năm thay đổi vật căng làm cho vành tai rộng dần. Họ cứ căng mãi theo năm tháng đến khi nào vành tai căng bị đứt ra thì họ giết trâu tổ chức ăn mừng. Ngoài hàm ý là đẹp, tục căng tai còn nói lên đức tính chịu thương chịu khó, kiên trì, nhẫn nại, chịu đựng của người phụ nữ. 

Cụ bà Điểu Thị Ren hiện còn giữ 3 cặp hoa tai bằng ngà voi. Những năm qua có rất nhiều người đến hỏi mua nhưng cụ nhất định không bán vì đó là kỷ vật truyền đời. "Thấy mình lúc nào cũng giữ bên người, đám con cháu nói bà già cổ xưa, không theo kịp thời đại. Nó giục già bán lấy nhiều tiền. Hôm trước thằng cháu mình tới năn nỉ bán mấy cái ngà voi cho nó tiền mua xe máy chạy đi làm ăn. Mình không chịu nó khóc rồi nó giận, gặp ông bà nó không chịu chào, không hỏi thăm, mình buồn lắm!'.

Nỗi đau của cụ bà Điểu Thị Ren cũng là nỗi đau của những "mỹ nữ" tai dài một thời, những người đang cố gắng gìn giữ báu vật đeo tai được truyền giữ qua nhiều thế hệ. Nên chăng cần có kế hoạch cứu nguy cho hoa ngà bằng cách hoặc mua lại, hoặc kêu gọi đồng bào hiến cho bảo tàng, bởi chỉ có như thế mới không lo hồn cha ông bị mai một. Chuyện ấy liệu có quá khó?!

Thành Dũng
.
.
.