Một học sinh Việt Nam lần đầu tiên đoạt giải nhì quốc tế cuộc thi Viết thư UPU:

Bắt đầu từ trái tim chân thành

Thứ Ba, 13/10/2009, 10:25
Tại lễ phát động cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 39, sau khi trao Huy chương bạc và kỷ niệm chương của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) cho em Nguyễn Đắc Xuân Thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết xúc động bày tỏ niềm vui khi trực tiếp được gặp cháu Thảo, người đã viết thư cho mình.

Theo lời kể của Chủ tịch nước, bức thư của Thảo đã thực sự làm ông xúc động, xúc động vì tình yêu thương vô hạn của người con đối với người cha nghèo, bị tai nạn lao động phải ngồi một chỗ. Đồng thời, bức thư còn làm Chủ tịch nước ngạc nhiên vì từ câu chuyện cụ thể, cô học trò lớp 7 đã đề cập đến một vấn đề nóng của xã hội là bảo hộ và an toàn lao động, đáng để người lớn trân trọng và suy nghĩ.

Chúng tôi gặp Nguyễn Đắc Xuân Thảo tại lễ kỷ niệm 135 năm Ngày Liên minh Bưu chính thế giới và phát động cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 39 vừa diễn ra tại Hà Nội. Trong suốt 20 năm Việt Nam tham gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU do Liên hợp quốc tổ chức, Nguyễn Đắc Xuân Thảo là thí sinh đầu tiên đoạt giải nhì và cũng là giải thưởng cao nhất từ trước đến nay.

Câu chuyện chân thực, cảm động xuất phát từ chính cảnh ngộ của gia đình mà cô học trò lớp 7, Trường THCS Nguyễn Huệ, Đà Nẵng kể trong tác phẩm dự thi với tiêu đề "Thư gửi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết" đã lay động và chinh phục Ban giám khảo quốc tế vốn nổi tiếng là "khó tính" của Liên hợp quốc.

Cô giáo Trần Hoàng Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, người tháp tùng Nguyễn Đắc Xuân Thảo ra Hà Nội nhận Huy chương bạc cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 38, do Liên hợp quốc tổ chức cho chúng tôi biết: Ngôi nhà cấp 4 của gia đình em Nguyễn Đắc Xuân Thảo nép mình sát con kênh Đầm Rong 2, đường Mai Lão Rạng, quận Hải Châu, Đà Nẵng.

Nhà Thảo có 2 anh em, Thảo hiện là học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Huệ, còn anh trai đang học lớp 10 Trường Trần Phú. Cả bố và mẹ đều là lao động tự do, thu nhập bấp bênh bởi hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết nên gia cảnh nhà Thảo rất khó khăn.

Bố Thảo, anh Nguyễn Đắc Sinh, trước đây từng là một giáo viên dạy Toán tại một trường miền núi huyện Tiên Phước (Quảng Nam) nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên anh đã phải bỏ nghề để về Đà Nẵng làm thợ xây dựng.

Mẹ Thảo, chị Đỗ Thị Tần, ngày ngày tảo tần bán nước ngay tại cổng Trường Tiểu học Phan Thanh. Do công việc của bố mẹ đều nặng nhọc, lại bận bịu cả ngày nên mọi sinh hoạt trong gia đình, hai anh em Thảo đều phải tự lo liệu. Nhưng với tình thương yêu cha mẹ và nghị lực vượt lên hoàn cảnh, trong nhiều năm liền, hai anh em Thảo đều là học sinh giỏi của trường.

Thảo kể với chúng tôi rằng, hoàn cảnh gia đình đã có tác động lớn đến ý tưởng trong bức thư gửi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết của em. Bởi ngay từ những năm tháng học tiểu học, em đã được nghe bố kể về công việc của mình.

Cho đến bây giờ, em vẫn nhớ vẹn nguyên hình ảnh bố đi làm về, mệt đến nỗi không nuốt nổi miếng cơm, tay chân nhức buốt cả đêm, mẹ và anh trai Thảo phải thay nhau xoa bóp cho bố. Qua những câu chuyện, bằng tình yêu thương và sự nhạy cảm, Thảo đã hình dung được nỗi vất vả mà bố em và những người cùng cảnh ngộ với bố em phải chịu đựng.

Đó là chưa kể đến chuyện tai nạn lao động - một nguy cơ thường xuyên có thể xảy ra với những người thợ làm nghề xây dựng như bố em. Từ câu chuyện thực của người cha, Thảo đã nhập vai cô bé viết thư cho Chủ tịch nước. Trong bức thư, em đã vào vai một người con có bố là công nhân, kể về vụ tai nạn của bố mình tại xưởng tôn khiến ông bị liệt đôi chân phải đi lại bằng xe lăn. Kinh tế khó khăn dồn lên đôi vai gầy của người mẹ.

Từ nỗi đau này, tác giả gửi đến thông điệp mong sao cho những vụ tai nạn vì điều kiện lao động không an toàn sẽ không còn xảy ra, mong sao cho những người lao động nghèo yên tâm bỏ sức mình ra phục vụ và được hưởng thụ trọn vẹn thành quả lao động do mồ hôi mình đổ xuống.

Theo đánh giá của Ban giám khảo quốc tế cuộc thi viết thư UPU lần thứ 38, bức thư của em Thảo "có cấu trúc chặt chẽ, nội dung lại chan chứa tình cảm. Từ một câu chuyện cá nhân, thí sinh đã biến nó thành một bài học có ích cho những người còn lại trên thế giới".

Với tình tiết hợp lý, lôgíc, chân thật, bức thư gửi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết của Nguyễn Đắc Xuân Thảo đã vượt qua hàng trăm bức thư của thiếu nhi đến từ hơn 190 quốc gia trên thế giới để giành giải Nhì, giải thưởng danh dự nhất của thiếu nhi Việt Nam trong suốt 20 năm tham gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU.

Nhà văn Tạ Duy Anh, thành viên Ban giám khảo quốc gia cuộc thi viết thư UPU lần thứ 38 cho rằng: Chính sự cảm động và chân thực của câu chuyện trong bức thư đã chinh phục được người đọc. Điều này thêm một lần nữa khẳng định, sự chân thành bao giờ cũng là con đường ngắn nhất làm rung động trái tim con người

Hoàng Mai
.
.
.