“Bão” sữa - đắng lòng mẹ

Thứ Ba, 10/02/2009, 14:08
Nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ, có cho con ăn sữa ngoài mới thấu lòng mẹ mỗi khi đón thêm một "cơn bão" mang tên… sữa. Đó là trạng thái cảm xúc, tình cảm của những bà mẹ trong những ngày này. Khi mà việc "tái thiết" sau "cơn bão" sữa nhiễm melamine chưa thực hiện được bao nhiêu, lại một cơn bão mới đổ ập.

Sữa. Thức uống bổ, béo được các bà mẹ thời hiện đại coi như "thần" thực phẩm. Nó là ưu tiên số 1 trong danh mục hàng hoá phải mua sau khi lĩnh lương tháng. Nó cũng là nơi họ đặt niềm tin, rằng con mình nhờ nó sẽ khoẻ mạnh, thông minh. Nó cũng thể hiện đẳng cấp của mẹ qua cách chọn mua những nhãn hiệu sữa danh tiếng (được quảng cáo nhiều, giá cao)… Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, những "cơn bão" sữa đổ dồn dập. Lưu danh và hiện danh là những "cơn bão": sữa tươi nguyên chất được chế biến từ sữa bột; sữa nhiễm melamine; sữa siêu nghèo đạm.

Nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ, có cho con ăn sữa ngoài mới thấu lòng mẹ mỗi khi đón thêm một "cơn bão" mang tên… sữa. Đó là trạng thái cảm xúc, tình cảm của những bà mẹ trong những ngày này. Khi mà việc "tái thiết" sau "cơn bão" sữa nhiễm melamine chưa thực hiện được bao nhiêu, lại một cơn bão mới đổ ập.

Nếu trong "cơn bão" sữa nhiễm melamine, các bà mẹ ngơ ngác và nghi ngờ trước các loại sữa, thì trong cơn bão mới này, họ lại căng mắt để đọc từng dòng chỉ dẫn nhỏ xíu về tỷ lệ các thành phần có trong sữa. Họ "soi" từ nhãn hiệu này, sang nhãn hiệu kia. Rồi họ lại so sánh, sữa này có thành phần đạm, DHA, choline… cao hơn sữa kia. Nhưng đâu mới là sản phẩm sữa trung thực với những thành phần, tỷ lệ ghi trên bao bì? Khó trả lời quá.

"Cái khó, ló cái khôn", họ ồ lên khi chợt điểm lại trong đầu những đoạn phim quảng cáo sữa và mừng rơn khi nhớ lại những tên sữa gắn với chữ golf (vàng). Thế là lại "soi" để biết giữa nhãn hiệu sữa có "vàng" và không có "vàng", thành phần có trong sữa và tỷ lệ giữa chúng có gì khác và không khác nhau.

Chưa bao giờ các bà mẹ lại thận trọng với những con số li ti, những ký hiệu % nhiều đến vậy. Từng qua nhiều cơn "địa chấn" sữa, nên hầu hết các chủ cửa hàng đều hiểu và thông cảm với khách hàng. Và họ cũng vắt óc để doanh thu không bị ảnh hưởng. Họ đã từng thành công trong "cơn bão" sữa nhiễm melamine bằng cách dán những bài báo có đăng tên loại sữa vô can lên đúng kệ trưng bày sản phẩm này. Đó là minh chứng thuyết phục tốt nhất những vị khách hàng đang bị tác động bởi những dư chấn của "cơn bão".

Nhiều nhãn hàng sữa cũng không thụ động mà đem sản phẩm của mình đi kiểm nghiệm. Có được con dấu đỏ chót của ngành Y tế, họ phô tô hàng loạt gửi các đại lý. Sự bắt tay của doanh nghiệp sữa và chủ các cửa hàng bán lẻ đã phần nào để doanh thu không đến mức tụt dốc thảm hại. Niềm tin của các bà mẹ lúc này được củng cố nhờ những con dấu đỏ chứ không phải tên những nhãn hiệu được quảng cáo ra rả trên truyền hình. Và rất may mắn, ngành Y tế đã có kết luận, những sản phẩm sữa nhiễm melamine không nhiều như đồn đại. Và ngành này đã tiến hành thu gom, tiêu huỷ những sản phẩm "sữa bẩn". 

Đối phó với "cơn bão" sữa siêu nghèo đạm, nhiều chủ cửa hàng chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu nào. Khác với lúc trước, lần này do đại diện Hội Người tiêu dùng trong nước đã khám phá và lên tiếng. Những nhãn hiệu sữa bị vạch mặt là "điêu" được lấy mẫu một cách ngẫu nhiên. Kết qủa kiểm nghiệm khiến các bà mẹ giật mình. Có những sản phẩm thành phần đạm thấp hơn so với công bố hàng chục lần. Thế mà lâu nay, các mẹ đều tin tưởng hàng ngày con mình được uống bao nhiêu chất bổ, béo vào người. Hoá ra, có những lúc con họ đã uống… nước đường.

Con trai tôi 3,5 tuổi. Lẽ ra, ở tuổi này cháu đã "cai sữa" nhưng nó vốn biếng ăn nên không thể nào cắt khẩu phần sữa hàng ngày được. Khi "cơn bão" sữa tươi nguyên chất làm từ sữa bột đổ bộ, cháu còn quá bé chưa phải khách hàng của loại sữa này nên tôi không mấy quan tâm. Nhưng đến "cơn bão" sữa nhiễm melamine thì tôi không thể đứng ngoài bàng quan được nữa. Khi chưa có công bố chính thức của ngành Y tế, tôi phân vân trước kệ sữa rất đa dạng về chủng loại và rồi nhắm mắt mua sữa sản xuất trong nước thay vì của nước ngoài như trước đây. Rất may, niềm tin của tôi đã đặt đúng chỗ khi sau này trong danh sách "sữa bẩn" không có tên hãng sữa này. "Cơn bão" qua đi, tôi hoàn toàn yên tâm khi cho con uống loại sữa ngoại mình đã chọn.

Ngày tháng êm đềm chưa được bao lâu, lại đến "cơn bão" sữa siêu nghèo đạm. Thêm một lần nữa, niềm tin lại lung lay. Lại hoài nghi và lo lắng và chờ đợi. Lựa chọn sữa nào đây hay trở lại kiểu nuôi con truyền thống của các bà, các mẹ khi xưa? Trên diễn đàn của các mẹ trên Internet, câu hỏi này được đặt ra rất nhiều lần. Cứ mỗi lần có "bão sữa", các mẹ lại thêm một lần lo lắng không yên

Cao Hồng
.
.
.