Bão số 1 qua lời kể của người trong cuộc

Thứ Năm, 01/06/2006, 14:35

Vớt Nhanh và Thạch lên xong, các ngư dân tàu QNg... 80 tiếp tục quăng dây cứu cha con ông Cương. Lúc đó có thêm 2 ngư dân còn sống bơi tới. Cả 4 người cùng bu vào sợi dây câu. Bỗng một đợt sóng to ập tới. Sợi dây câu đứt lìa và cả 4 người chìm mất tăm tích. Anh em ngư dân chỉ còn biết quỳ sụp xuống boong tàu mà khóc...

Tôi lại về xã Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) khi cơn bão số 1 đi qua gần được hai tuần. Ngoài kia, biển không còn cuồng nộ mà đã trở lại hiền hòa với từng con sóng vỗ. Nhưng, anh Trần Công Nhanh vẫn trốn biệt trong nhà, nằm khóc một mình. Lại còn căn dặn vợ con rằng, ai có hỏi thì trả lời là anh đang bận công chuyện đi đâu đó. Bởi thế, chẳng ai tiếp xúc được với anh, một trong hai ngư dân của làng chài bị bão ném xuống biển, song may mắn thoát chết và đã kiên trì bám chiếc thúng chai lênh đênh trên sóng tìm kiếm, cứu vớt những người bị nạn. Cuối cùng, anh cũng chịu gặp tôi và thổ lộ tâm sự qua đôi dòng nước mắt...

Trong cơn bão dữ

Năm nay Trần Công Nhanh mới bước vào tuổi 33, nhưng với dáng người gầy, gương mặt sạm đen, hốc hác của anh, lúc đầu tôi ngỡ anh đã ngoại tứ tuần. Vợ anh, chị Phạm Thị Đi bảo: “Bữa nay trông ảnh cũng đỡ lại chút ít rồi đó, chứ hôm mới trở về, ngay cả tui cũng không nhận ra ảnh nữa. Bữa đó trông ảnh thê thảm lắm, vợ chồng chỉ biết ôm nhau nước mắt lưng tròng...”. Nhanh nhìn vợ rồi cất giọng khàn đục, buồn bã: “Mập hay ốm để mà làm gì. Tui may mắn được trở về là quý lắm rồi!”. Nói đến đó mắt Nhanh đỏ hoe.

...Hôm đó, nhận thông tin từ đất liền qua máy ICOM cho hay, bão số 1 đã đi qua quần đảo Philippines vào biển Đông, có khả năng đổ bộ vào miền Trung Việt Nam. Bão trực chỉ hướng tây nên cả đoàn tàu câu mực hơn 40 chiếc vội vàng nổ máy chạy về hướng bắc và neo đậu sát đảo Đài Loan để tránh.

Anh Nhanh cùng vợ con

Nghĩ đã thoát khỏi đường đi của bão nên mọi người đều an tâm; thậm chí có ngư dân còn dùng thúng bơi từ tàu này sang tàu kia để uống rượu, đàn hát. Nào ngờ bão lại đổi hướng rượt đuổi sau lưng mà chẳng ai hay. “24 lao động đi tàu ĐNa 90079 TS của ông Ngô Tấn Nhất, trú tại tổ 30, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng; trong đó có 22 người quê ở thôn Bình Tân, Bình Minh, giờ đây chỉ còn sống sót tui và anh Trần Văn Nuôi, mà người trong làng thường gọi là Thạch...”. Giọng của Nhanh nghèn nghẹn. Anh kéo vạt áo lau nước mắt và kể tiếp.

Càng về sáng, gió bão mỗi lúc càng thổi mạnh. Mưa trút nước xối xả. Trong đêm tối đen nghịt, đoàn tàu đánh cá bị vây phủ giữa trùng trùng mưa bão, quăng quật nghiêng ngả trên những ngọn sóng hung dữ liên tục hết đợt này đến đợt khác. Từ đầu hôm đến bây giờ, anh em ngư dân động viên nhau cố bám thật chắc vào tàu để khỏi bị hất tung xuống biển, ai nấy đều mệt lử. Nhanh xem đồng hồ điện tử đeo tay thì đã bước sang 1 giờ ngày 18/5... Lúc này, có thể bão đã đạt đến cấp 12. Những con sóng cao như quả núi liên tục đổ ập xuống trùm cả đoàn tàu bé nhỏ. Thuyền trưởng Hùng, người điều khiển con tàu ĐNa 90079 TS, tìm được bó áo phao cứu sinh chuyền cho từng người. Đến lượt Nhanh và Thạch thì thật trớ trêu, sóng biển đã giật cả hai chiếc áo phao khỏi tay họ ném xuống biển. Những chiếc can nhựa trên tàu cũng không còn nữa. Nhanh và Thạch chỉ còn cố sức ôm chặt chiếc giàn phơi mực trên tàu...

Đến khoảng 8 giờ sáng, bỗng dây neo đứt phựt. Con tàu xoay ngang như chiếc lá lìa cành và bị sóng hất ra xa chỗ đoàn tàu đang neo đậu. Thuyền trưởng Hùng cố nổ máy để điều chỉnh cho tàu nương theo từng con sóng dữ, nhưng rồi anh thả tay bất lực. 24 người trên tàu thoáng nhìn nhau, ai cũng mang ý nghĩ về cái chết đang đến gần với mình. Một số người đã bật khóc. Một số khác cũng vội vàng chuyền tay nhau cây bút bi của ai đó để từng người vạch vội cái tên mình lên cánh tay, với hy vọng thân xác của mình sẽ được vớt sau cơn bão và được đưa về quê hương với vợ con, người thân. Nhanh và Thạch cũng chưa kịp viết tên mình trên cánh tay thì một đợt sóng lớn đã trùm lên tàu ĐNa 90079 TS...

Mưa bão giăng kín trùng khơi. Những con sóng lớn vẫn ào ào ập xuống. Đuôi con tàu ĐNa 90079 TS từ từ chìm xuống biển. Nhanh, Thạch cùng mọi người cố bám giàn phơi mực nhích về hướng mũi con tàu đang còn nổi trên biển. Nhưng rồi một con sóng hung dữ đã cuốn phăng tất cả mọi người ném khắp nơi. Với bản năng và kinh nghiệm của một ngư dân nhiều năm đi biển, Nhanh tìm cách bơi sao cho sóng không nhận chìm anh xuống sâu. Trong thoáng chốc, anh thấy mũi tàu ĐNa 90079 còn nổi. Trên đó, thuyền trưởng Hùng đang chạy qua, chạy lại. Nhanh cố sức bơi theo với hy vọng bám được mũi tàu sẽ thoát chết. Song, anh bơi không kịp theo con tàu đang trôi. Và cũng chỉ vài phút sau thì mũi tàu biến mất trong muôn ngàn sóng dữ...

Đối mặt với tử thần

Trong mưa bão bời bời, Nhanh vẫn cố sức bơi trên những con sóng dữ tợn một cách vô vọng. Bỗng anh nghe có tiếng gọi: “Anh Nhanh ơi, chờ em lội với, em mệt rồi!...”. Nhanh bơi xoay người thì thấy Thạch. Hai anh em bơi xáp lại nắm lấy tay nhau và khóc. Nước biển, nước mắt hòa trộn đắng chát. Thạch mếu máo trăng trối: “Kiểu ni chắc anh em mình bỏ xác ngoài biển rồi anh à. Em còn mẹ già, một vợ hai con...”. Còn Nhanh ngước mặt lên trời cao mà gào lên: “Ông trời ơi, sao ông nỡ hại những người nghèo khổ thế này! Tui chết đi thì ai nuôi vợ, con tui đây, trời?...”. Vừa khóc, họ vừa bơi trong vô định. Tuyệt vọng. Mưa bão mịt mùng, giữa trùng khơi sóng dữ vây kín biết đâu phương hướng mà lần...

Đến khoảng 9 giờ, bất chợt cả hai bắt gặp cái sáo (tấm mành tre dùng để phơi mực - NV). Nhanh bảo Thạch bám chắc tấm mành, còn anh tìm cách bơi nhặt những chiếc can nhựa đang nổi lềnh phềnh gần đó. Vất vả lắm, Nhanh mới nhặt được 4 chiếc can nhựa loại 30 lít, dồn lại chỗ Thạch và họ buộc chúng vào tấm mành. Xem như họ đã có cái phao để bám nghỉ chứ không còn phải cố sức bơi như trước nữa.

Tấm mành lượn lờ trên từng con sóng chừng hơn nửa giờ sau thì đụng phải một thùng nước "Bò húc". Loại nước ngọt tăng lực này khi ra biển ngư dân đều mang theo rất nhiều. Chắc chắn là của một con tàu nào đó bị chìm. Nhanh lấy hai lon khui ra đưa cho Thạch một lon và nói: “Thôi đừng khóc nữa, uống nước đi em. Uống đi rồi cả hai anh em mình chết chung. Đâu phải em chết một mình mà lo buồn... Bề ngoài tui nói vững như thế nhưng lúc ấy tâm trạng rối bời. Nhờ uống được lon nước bò húc mà hai anh em tui mới thấy bớt mệt...”. Nhanh ngồi thừ người một lúc rồi kể tiếp.

Tấm mành cùng với hai mạng người mong manh giữa sự sống và cái chết vẫn trôi dạt nhấp nhô trên từng đợt sóng hung ác. Bất chợt, Nhanh và Thạch trông thấy ông Trần Cương (45 tuổi) và người con trai là Trần Kim (20 tuổi) trôi tới. Họ đều là ngư dân cùng làng Bình Tân, Bình Minh đi chung tàu với Nhanh và Thạch. Ông Cương ôm một bình gaz loại 13kg, còn Kim bíu cái phao bảo hiểm. Cả 4 người tụm lại với tấm mành. Ông Cương nói giọng khản đặc: “Thôi 4 anh em mình tập trung lại đây, sống được phút nào thì sống. Còn lúc chết thì cột tay để khỏi thất lạc...”.--PageBreak--

Họ tiếp tục chống chọi với sóng dữ và trôi lênh đênh trên biển khoảng 1 giờ đồng hồ sau thì ai cũng mệt lử. Nhanh và Thạch mấy lần ngất lịm đi, nhưng rồi được cha con ông Cương réo gọi tỉnh lại: “Khi tui mở mắt thì nghe ông Cương thều thào bên tai: “Sống rồi! Sống rồi! Có tàu cứu rồi!”. Tui cố nhìn lên thì thấy một con tàu mang số hiệu QNg có hai số đuôi 80. Anh em trên tàu quăng dây xuống. Trong số 4 người chỉ có Thạch là đang bị nguy hiểm. Thạch đã ngất đi tỉnh lại mấy lần, nhưng nó vẫn biết bám vào tấm mành. Tui và ông Cương đều bảo nó bu dây để được kéo lên trước. Thạch lên xong, anh em tàu QNg lại quăng dây xuống, ông Cương lại giục tui lên. Nhưng đến lượt cha con ông Cương thì...”. Nhanh bỏ lửng câu nói nhìn mông lung ra bãi cát trắng của làng chài đang lấp lóa trong cái nắng gay gắt ban trưa. Đôi mắt anh đỏ hoe...

Khi được kéo lên boong tàu QNg... 80 thì Nhanh bị ngất đi lần nữa. Vài phút sau anh tỉnh dậy, gượng mở mắt ra thì thấy anh em ngư dân trên tàu QNg... 80 đang quỳ lạy. Anh nghe ai đó khấn to: “Tụi tui cũng cố vớt mấy anh, nhưng trời hại mấy anh rồi. Mong các anh hiểu cho tấm lòng của anh em tui mà không oán trách...”. Và, anh đã hiểu được điều gì đã đến với cha con ông Cương. Nước mắt trào ra. Anh chỉ biết cắn môi đến bật máu. Bởi, xung quanh bão tố đang hoành hành thế này thì liệu rồi con tàu cứu anh có vượt qua được ải của tử thần?...

Tìm kiếm người mất tích

Nhanh và Thạch được các ngư dân tàu QNg... 80 cho uống một ít nước ngọt và họ dần dần tỉnh lại. Anh em trên tàu mới kể lại cho họ nghe chuyện bi thương của cha con ông Cương. Thì ra, con tàu vớt được họ không phải loại câu mực mà là tàu câu cá nhám, cá ngừ đại dương (ngư dân thường gọi là ghe ba gù - NV). Vớt hai người lên xong, các thủy thủ tiếp tục quăng dây câu cá ra cứu cha con ông Cương. Nào ngờ lúc đó cũng có 2 ngư dân nữa còn sống bơi tới. Cả 4 người cùng bu vào sợi dây câu, còn con tàu thì nổ máy cố chạy lên tránh những con sóng dữ để khỏi bị chìm. Bỗng một đợt sóng to ập tới. Sợi dây câu đứt lìa và cả 4 người chìm mất tăm tích. Anh em ngư dân chỉ còn biết quỳ sụp xuống boong tàu mà khóc...

Hai người ở trên tàu QNg... 80 cho đến 8 giờ ngày 20/5 thì tàu này bắt gặp tàu ĐNa 90345 do ông Toàn người Đà Nẵng làm thuyền trưởng. Lúc này, bão cũng đang dịu dần. Nhanh và Thạch được chuyển sang tàu ĐNa 90345 để ở chung với hơn 20 ngư dân vừa thoát nạn. Và tàu ĐNa 90345 lập tức nhổ neo rời khu vực tránh bão chạy tìm những người mất tích.

Theo lời kể của những người đi trên tàu ĐNa 90345, lúc bão chưa tới thì có một số ngư dân đã bơi sang ĐNa 90053 của ông Út Thanh, chồng bà Lê Thị Huệ, trú ở phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê, Đà Nẵng. Trong số đó có 3 người quê ở Bình Minh là: Trần Viết Tình, Trần Văn Bình và Võ Văn Vinh. Và bão đã nhấn chìm con tàu của ông Út Thanh cùng 32 ngư dân có mặt trên tàu...

Đến 19 giờ, họ phát hiện xác một người nổi lập lờ trên sóng. Mọi người hè nhau hạ thuyền thúng xuống. Nhanh cùng ông Bùi Tấn Hùng xung phong bơi thúng ra vớt xác. Và, họ đã nhanh chóng nhận ra, đó là ông Phạm Phú Dũng, người cùng quê với ông Hùng tại thôn Bình Tịnh, Bình Minh. Đưa xác ông Dũng lên tàu ĐNa 90345 xong, họ tiếp tục tìm kiếm và phát hiện thêm xác của cu Rin (Trần Văn Rin), con trai ông Trần Văn Chỉ, cũng ở thôn Bình Tịnh. Lần thứ ba, họ vớt được xác ông Võ Văn Mệnh, trú ở thôn Bình Tân.

Ngày kế tiếp, thuyền thúng có thêm một ngư dân người Quảng Ngãi hỗ trợ và đến gần trưa họ đã vớt được xác cu Tình (Hà Văn Tình). Tiếp tục tìm kiếm, họ gặp một ngư dân người Quảng Ngãi tên là Tân còn sống. Anh này đã trôi lênh đênh 3 ngày, 2 đêm trên biển...

Đến khi biết không thể tìm thấy gì được nữa, tàu ĐNa 90345 quay về. Những xác chết vớt lên tàu bắt đầu bốc mùi. Mọi người bàn nhau, ghi tên tuổi những người đã chết bỏ vào bao nylon, dùng dây cột vào ngực áo họ, rồi lấy muối ăn mang theo để ướp thi thể họ cho khỏi bị phân hủy. Tuy đang trên biển, song muối ăn lại quá hiếm hoi. Họ vét từng hột chia đều để đủ ướp mặt những người đã khuất. Bởi, trong tâm ai cũng nghĩ, mang được xác họ về thì cũng cố làm sao giữ cho khuôn mặt họ được lành lặn để thân nhân nhận diện lần cuối cùng...                                                     

Mãi đến chiều 22/5, Nhanh và Thạch cùng những người sống sót trở về được tàu SAR cứu hộ đưa về đến cảng Đà Nẵng. Họ mừng vui khôn xiết. Ngay trong đêm đó, họ được xe ôtô chở về tận quê nhà. “Thú thiệt với anh, sau này xem tivi tui mới hay đích thân Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cùng các quan chức đã ra tận cầu cảng để đón những ngư dân nghèo chúng tôi thoát chết trở về. Rồi suốt hơn 10 ngày qua đã có không biết bao nhiêu cá nhân, đoàn thể đã đến thăm và hỗ trợ cho những gia đình ngư dân bị nạn. Đất nước mình, dân tộc mình thật nhân ái, bao dung...”. Nhanh thẫn thờ nhìn ra nỗng cát làng chài đang lấp lóa dưới nắng hè gay gắt 

Long Vân
.
.
.