Bạo hành gia đình: Chính quyền, đoàn thể ít quan tâm

Chủ Nhật, 15/10/2006, 13:53

Gia đình đang yên ấm, bỗng dưng ông chồng sinh chuyện, đòi hỏi tình dục một cách dị thường. Không "phục tùng", chị H. liên tục bị ngược đãi, đánh đập. Chị H. ngậm ngùi, nếu như cơ quan, đoàn thể can thiệp, hòa giải ngay từ đầu, gia đình chị không đến nỗi phải chia lìa...

Thống kê của ngành chức năng và Hội Phụ nữ tỉnh Hải Dương, từ 2001 -2005, toàn tỉnh có hơn 200 phụ nữ bị đánh đập, ngược đãi; gần 100 trẻ em phải bỏ gia đình đi lang thang vì bị đối xử theo kiểu bạo lực. Đau đớn nhất có tới 7 phụ nữ thiệt mạng bởi nạn bạo hành gia đình. Có rất nhiều nguyên do, song chính quyền, đoàn thể chưa thực sự can thiệp một cách mạnh mẽ...

Đủ kiểu bạo hành

Làm việc với cơ quan điều tra, Công an tỉnh Hải Dương được biết, trong 3 năm gần đây, đơn vị nhận khá nhiều hồ sơ vụ án có nguyên nhân từ bạo hành gia đình. Có vụ án phải đưa ra truy tố theo luật định, có vụ miễn truy cứu trách nhiệm hình sự vì sau khi gây ra hậu quả vợ chồng hối hận xin được đoàn tụ...

Tuy nhiên, theo luật định, đối tượng gây tổn thất về sức khỏe từ 11% trở lên đều phải đưa ra truy tố, nhưng chỉ vì trong cơn say rượu, nóng nảy hành hạ vợ con đến mức gây thương tích phải được xem xét tận gốc. Cơ quan pháp luật không cứng nhắc, song cần phải xử lý nghiêm để răn đe, ngăn chặn nạn bạo hành gia đình đã và đang xảy ra nhiều trên địa bàn tỉnh.

Mới đây, ở huyện Thanh Hà, chị Vũ Thị T. chỉ vì đôi co với một bà bán chè khô về tiền nong, không hiểu đầu đuôi ra sao, người chồng đã phát điên lên vì thói lèm bèm của vợ. Và cứ thế túm tóc vợ lôi xềnh xệch vào chân cầu thang, quấn tóc vợ vào tay vịn rồi đấm đá túi bụi. Chưa thỏa, anh ta còn vớ chiếc nồi cơm điện đập vợ cho đến khi ngất lịm mới thôi.

Một vụ án khác được coi là điển hình về bài học đau đớn của nạn bạo hành gia đình. Nguyễn Văn Thơm (thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ) giết chết vợ mình là Nguyễn Thị Sen, với lý do rất đơn giản: Không có tiền uống rượu, cờ bạc, Thơm bàn với vợ bán đất để tiêu pha trong gia đình, nhưng vợ một mực không nghe.

Ngày 1/5/2005, khi chị Sen đang nằm ngủ trên giường, bất ngờ Thơm dùng dao chém vợ đến chết. Do tính chất giết người quá dã man, Nguyễn Văn Thơm đã phải nhận bản án tử hình. Đây là vụ án thứ 7 chồng giết vợ do mâu thuẫn gia đình xảy ra ở Hải Dương.

Ở Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hải Dương, khi được hỏi về nạn bạo hành gia đình, lãnh đạo Hội kêu than rằng, tháng nào cũng phải cử người xuống các huyện phối hợp với các ngành chức năng can thiệp, giải quyết, hòa giải vì xung đột gia đình đã đến mức trầm trọng.

Đến thời điểm này, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chính thức nhận được 18 lá đơn kêu cứu của phụ nữ, học sinh nhờ can thiệp đoàn tụ gia đình hoặc ngăn chặn mâu thuẫn. Lãnh đạo Hội kết luận, chưa thời kỳ nào nạn bạo lực gia đình xảy ra nhiều như bây giờ, đủ kiểu bạo hành, mâu thuẫn thường xảy ra từ những lý do rất đơn giản...

Chính quyền, đoàn thể cần... "ra tay"

Tìm hiểu tại một số cấp chính quyền, ngành chức năng, đoàn thể ở Hải Dương được biết thêm, trong đời sống xã hội do bị ảnh hưởng quá nhiều vòng xoáy của cơ chế thị trường, cộng với tư tưởng lạc hậu, sự bất bình đẳng giới tồn tại khá nặng nề ở một địa phương là nguyên nhân chính diễn ra nạn bạo hành trong gia đình.

Thêm vào đó là tình trạng xuống cấp về đạo đức, sử dụng bạo lực đe dọa sự bình yên gia đình. Bởi những lý do trên, ngành TAND tỉnh kết luận rõ, chưa bao giờ phải phán xử nhiều vụ ly hôn đến thế.

Chỉ tính trong 3 năm gần đây, có cả nghìn vụ tan vỡ gia đình không thể nào hàn gắn được. Chủ yếu các vụ đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ, hành hạ, đánh đập lẫn nhau. Câu chuyện về gia đình anh Bùi Quý T. và chị Nguyễn Thị H. ở huyện Gia Lộc là một ví dụ.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, T. xây dựng gia đình với chị H. Họ sinh con đầu lòng và sống rất hạnh phúc. Hai năm sau, T. đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài cũng kiếm được kha khá vốn liếng trở về quê và mua nhà khu vực trung tâm thị trấn huyện.

Có tiền T. sinh ra cờ bạc, trai gái, H. can ngăn thế nào cũng không được. Mỗi lần can thiệp là T. lại nổi khùng đánh đập vợ con. Thế rồi tài sản cũng bay biến hết, H. phải bán nhà trả nợ và về nhà chồng ở.

Nhưng chứng nào tật ấy, T. bỏ vợ con đi ở với một người khác, H. níu kéo bằng mọi cách không được. Hôm T. bắt H. ký vào đơn ly hôn còn bị chồng đánh cho trận đòn sinh bại liệt thân thể.

Một trường hợp khác ở phường Thanh Bình - TP Hải Dương. Chị Lê Thị Minh H. kể, vợ chồng chị đều học hành tử tế, làm công chức ở 2 cơ quan Nhà nước. Gia đình đang yên ấm, bỗng dưng ông chồng sinh chuyện, đòi hỏi tình dục một cách dị thường.

Không "phục tùng", chị H. liên tục bị ngược đãi, đánh đập. Gia đình bị tan vỡ từ đấy. Chị H. nói thật, nếu như cơ quan, đoàn thể can thiệp, hòa giải ngay từ đầu, gia đình chị không đến nỗi phải chia lìa...

Lãnh đạo ngành TAND tỉnh Hải Dương thừa nhận, hơn 60% các vụ ly hôn là do nguyên nhân xuất phát từ nạn bạo lực. Ngành Tòa án đã từng hòa giải, nhưng rất ít hiệu quả. Nạn bạo hành gia đình ở Hải Dương sẽ còn nặng nề nếu như chính quyền, đoàn thể không có biện pháp can thiệp mạnh mẽ

Mạnh Hừng
.
.
.