Báo động tội phạm vị thành niên

Thứ Sáu, 31/12/2004, 07:18

Sự lơ là, thiếu quan tâm của người lớn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội của con trẻ. Nhìn lại tội phạm hình sự năm 2004, có thể thấy rõ sự gia tăng đáng báo động các vụ án mà thủ phạm là vị thành niên.

Sẽ chẳng còn là bất ngờ với nhiều người, đặc biệt là những bậc phụ huynh khả kính, khi một ngày nào đấy, họ bỗng dưng được triệu tập ra trước cơ quan tố tụng để… "giám hộ" cho những hành vi tội lỗi của chính "quý tử" nhà mình, những đứa trẻ mà mới đây thôi hãy còn rúc ngủ rất yên lành trong vòng tay của họ.

Những hiểm hoạ mang tên… “vị thành niên”

Nói về tội phạm nhí, Thượng tá Lê Văn Chương, Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, nhận định: "Thời gian gần đây, số tội phạm tuổi vị thành niên có xu hướng gia tăng đột biến, năm sau luôn cao hơn năm trước cả về số vụ lẫn số đối tượng phạm tội". Một cán bộ khác làm việc lâu năm tại Tòa án nhân dân Tối cao thì phàn nàn: "Cứ nhìn những bị cáo đứng chưa cao hơn cái vành móng ngựa là đủ thấy rằng, hiểm họa đến từ lứa tuổi mới lớn đã lớn đến mức nào!".

Những tội phạm vị thành niên bị bắt giữ.

Trung tuần tháng 12 vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân Tp. Hải Phòng đã phê chuẩn đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 19 đối tượng trong vụ ẩu đả xảy ra tại khu vực cây xăng Đông Á, phường Đông Hải, quận Hải An (Hải Phòng) đêm 6/11. Phần lớn trong số hơn 40 "đấu sỹ" tham chiến đều sinh năm 1987, 1988. Chúng cầm giáo mác, mã tấu, chai thủy tinh, quả bi sắt, ống tuýp nước… lao vào nhau quyết trận sống mái. Kết cục buồn đã xảy ra khi 2 "đấu sỹ" đã không bao giờ còn đứng dậy được nữa, nhiều "đấu sỹ" khác đã phải vào bệnh viện. Hầu hết các đối tượng này đã từng có bề dày với những "thành tích bất hảo"; nhẹ cũng 1-2 tiền sự về tội gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, tàng trữ vũ khí thô sơ trái phép; nặng thì có 4-5 tiền án, tiền sự…

Dư luận Hà Nội chưa hết ồn ào khi cách đây ít ngày, Tòa án nhân dân thành phố vừa tuyên mức án cao nhất đối với một đối tượng đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Giao thông vận tải phạm tội giết người cướp tài sản với thủ đoạn hết sức tàn ác. Kẻ gây án là Nguyễn Khắc Điệp và người bị hại là một cô bạn gái xinh xắn, hiền lành mà hắn quen thân từ những bữa "lên mạng" chuyện trò, tán gẫu. Động cơ phạm tội của hắn  không hề vì tình, cũng chẳng với bất cứ mâu thuẫn dù nhỏ nhặt nào mà chỉ đơn giản là… muốn có cái xe Dylan của cô bạn gái để trả bớt những món nợ ăn chơi.

Năm 2000, trên toàn quốc xảy ra 8.131 vụ phạm pháp hình sự do 11.538 đối tượng tuổi mới lớn gây ra, năm 2004, con số này là hơn 10.000 vụ với gần 15.000 đối tượng. Trong đó, độ tuổi từ 16-18 phạm tội chiếm 53%, còn lại ở độ tuổi 14-16 và độ tuổi trẻ con. Xu hướng trẻ vị thành niên phạm các tội nghiêm trọng đang tăng đáng báo động. Năm 2000 có 76 trẻ vị thành niên phạm tội giết người, năm 2003, con số này là 220 và năm 2004 khoảng trên 230.

Tại Quảng Ngãi, chuyện 7 tên cướp bịt mặt chuyên "hành nghề" chặn xe cướp tiền trên các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ thuộc huyện Sơn Tịnh cũng gây xôn xao dư luận. Khi bị bắt, các đối tượng mới 16 - 17 tuổi này khai nhận đã từng gây ra hàng chục vụ "cướp cạn".

Muôn vàn những kiểu gây án của lứa tuổi vị thành niên mà lý do nhiều khi chỉ là một cái nhìn, một câu nói, một nhu cầu nho nhỏ. Điển hình như vụ Công an Đồng Nai triệt phá băng cướp "nhí" bắt gọn 20 đối tượng thì tất cả đều ở độ tuổi từ 16-20; vụ cướp ngày 14/8 ở Tân Uyên, Bình Dương, Công an tỉnh này đã bắt giữ 11 đối tượng thì có nhiều đối tượng đang là học sinh PTTH, PTCS.

Nguy hại hơn, có nhiều vụ các đối tượng vị thành niên đã ra tay ác độc cả với chính những người thân yêu ruột thịt của mình như vụ tên Nguyễn Văn Vinh (19 tuổi), trú tại Đại Thành, Đại Lộc, Quảng Nam vì mâu thuẫn gia đình đã giết chết vợ và con đẻ của mình. Có đối tượng như Thạch Văn Thiện, trú tại phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, Tp.HCM, tuy mới 14 tuổi song lại là kẻ hăng hái nhất trong vụ cùng đồng bọn dùng dao, gậy sắt chém giết em Vũ Quốc Việt (17 tuổi), trú cùng địa bàn. Khi được cơ quan Công an hỏi, hắn đã trả lời rằng "muốn làm một thủ lĩnh cho đồng bọn noi theo"(?!).

Nhiều đứa trẻ, khi phạm các trọng tội như giết người, cướp của, cơ quan chức năng đi sâu tìm hiểu mới hay rằng, chúng có một quá khứ quá đau buồn. Nỗi đau ấy lẽ ra cần được xoa dịu kịp thời thì bố mẹ, người thân, người lớn đã không thể. Vậy nên, khi có điều kiện là mầm mống tội phạm bột phát ngay.

Mức độ hành vi phạm pháp của tội phạm vị thành niên được nuôi dưỡng ngấm ngầm chính bằng sự lơ là, thiếu quan tâm của người lớn. Điển hình như vụ giết người, cướp xe máy Spacy xảy ra cách đây chưa lâu ở quận Tây Hồ (Hà Nội), đối tượng phạm tội thậm chí còn là con cái của những gia đình giàu sang, phú quý. Bố mẹ chúng đến cơ quan Công an đã bật khóc khi nhận ra rằng "quý tử" của họ đi cướp của, giết người chỉ vì thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, người thân. Đó cũng chính là những trường hợp vì mê mải kiếm tiền trong thời kinh tế mở, vì mưu cầu danh lợi nên nhiều bậc làm cha, làm mẹ đã tự đánh mất tương lai của con cái mình

Chí Long
.
.
.