Bánh đúc có xương...

Thứ Tư, 22/12/2004, 07:01

Mấy đời bánh đúc có xương / Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng. Câu ca ấy hoàn toàn được hiểu ngược lại khi những bà mẹ kế mà chúng tôi sắp kể ra đây suốt cuộc đời trần ai vì những đứa con chồng. Nhờ tấm lòng nhân hậu ấy mà hôm nay họ cập được bến bờ hạnh phúc.

Hơn 25 năm trước, bà Nguyễn Thị Niêm ở Triệu Lăng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) bỏ lại sau lưng những lời cầu hôn của nhiều người đàn ông trong vùng, về làm vợ kế cho thầy giáo cũ, ông Nguyễn Hữu Tầm, vợ chết để lại 5 đứa con thơ.

"Ui chao! Mần răng mà tui nhớ nổi cái cảnh thiếu bữa hôm, đói bữa mai của cha con ông Tầm. Ông đạp xe đi dạy tận dưới biển Triệu Vân cách nhà hơn 20 cây số, lương ba cọc, ba đồng. Tháng giêng, hai giáp hạt, mấy cha con xanh xao vì bữa đói bữa no... Hễ nhìn thấy chúng là tui chảy nước mắt, rứa là tui quyết định làm vợ kế của ông", bà Niêm nhớ lại.

Tháng 10/1979, bà Niêm và ông Tầm tổ chức một lễ kẹo bánh đơn sơ mời bà con láng giềng. Thương con gái, mấy tháng sau, mẹ bà Niêm (cụ Nguyễn Thị Lõn, năm nay 82 tuổi) cũng theo bà về nhà ông Tầm để góp sức lo toan nuôi mấy đứa con ông Tầm.

Cũng như bà Niêm, bà Trần Thị Thanh ở xã Hải Sơn, Hải Lăng, một phụ nữ đẹp người, đẹp nết lại nặng lòng yêu thương, chấp nhận làm vợ kế cho ông Lê Vũ, thương binh hạng 2/4 ở thị xã Quảng Trị. Ông Sơn vợ chết để lại 5 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. "Thực tình tui chỉ về nhà ông Vũ có một lần với mấy người bạn, nhưng thấy cảnh gà trống nuôi con của ông, răng mà tui cầm lòng không đậu", bà Thanh nói. Năm 1989, bà Thanh lúc ấy 36 tuổi (kém chồng 15 tuổi) tự nguyện về nhà ông Vũ trong sự ngỡ ngàng của bà con lối xóm. Hiện bà là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã.

Hôm sớm tảo tần vì sự học của các con

Hơn 25 năm nay, bà Niêm chưa bao giờ được thảnh thơi dù trong suy nghĩ. Cuộc đời của bà luôn gắn liền với sự lo toan để "nuôi chữ" cho con chồng, thậm chí cái thiên chức cao cả làm mẹ cũng phải gác lại nhiều năm sau mới thực hiện (sau 5 năm bà mới sinh con) để đứng mũi chịu sào chèo lái con thuyền gia đình vượt qua khó khăn.

Để kiếm đủ cái ăn cho 8 con người vào thời buổi bao cấp lúc ấy không hề đơn giản. Lương ông Tầm chỉ 15kg gạo, mấy lạng thịt, cộng với lương thương binh của hai mẹ con bà Niêm, tằn tiện lắm cũng chỉ nuôi đủ 4 người. Bà Niêm quyết định làm thêm nghề đi củi, bán nước chè xanh. Mỗi ngày, bà thức dậy từ 3h sáng để nấu nước chè, đến 5h gánh về chợ thị xã Quảng Trị (cách nhà 1,5km) bán đến 9h rồi lại về nhà gánh thêm một gánh nữa ra ga xe lửa bán cho khách tàu chợ từ Huế ra. Cơm nước qua loa, đến 13h, 4 mẹ con kéo nhau lên đồi chặt củi, nhổ rau má hoang.

Công việc cứ thế được bà Niêm "lập trình" thành một "phần mềm" hoàn hảo đến nỗi mỗi lần gia đình có "sự cố" là gián đoạn mà theo bà thì phải "ngủ đói qua đêm".  Năm 1983, khi các con khôn lớn, bà Niêm quyết định làm thêm nghề nấu rượu, nuôi heo.

Gia cảnh bà Trần Thị Thanh cũng vậy, để nuôi 5 đứa con ăn học, bà phải ra sức tần tảo sớm hôm. Bà thức dậy từ 4h sáng, đi bộ về ngã ba Long Hưng cách nhà 3km mua lại rau quả từ các miền quê lên, chạy ngược ra chợ Quảng Trị bỏ mối cho bạn hàng. Bà còn lấy lại hàng gia vị, cá tôm đi bán rong khắp nơi. Suốt 12 năm, bà Thanh như "một cái chợ di động" ở khu vực phường 1 mới lo nổi cuộc sống gia đình. 

Năm 1983, bà Niêm cầm trên tay giấy báo đỗ Đại học Sư phạm Huế của Nguyễn Phú Cường. "Ngày thằng Cường được gọi vào đại học, cả đêm tui không ngủ được vì mừng mà khóc". Cuộc sống gia đình càng khó khăn khi những đứa con chồng lần lượt vào đại học. Lúc này, ông Tầm xin về hưu đi giữ bò thuê cho lâm trường gần đó để chung vác trách nhiệm cùng bà Niêm. Cường học được 2 năm đạt loại xuất sắc được đi du học ở Nga.

Bà Niêm kể: "Ngày chúng nó bắt đầu vào học đại học đến nay, nhiều khi cầm bạc triệu trong tay, nhưng vợ chồng tui không dám mua cái áo mới. Có lần con Vân Anh vừa lấy tiền đóng học xong thì thằng Quốc chạy về xin mạ tiền nộp học phí, đi thực tập. Tui nói, chừ trong nhà còn 7 con heo choai, phải bán mấy con thì đủ? 2 con, 3 con… đến 5 con hắn mới gật đầu".

Hoàn cảnh của bà Thanh cũng vậy, khi cái ăn, cái mặc còn chưa ổn định thì Lê Minh Tâm vào học Đại học Nông nghiệp Huế. Những đứa con ông Vũ lại cách nhau 2 tuổi, đứa nào cũng thi đỗ năm đầu nên từ năm 1990 đến 1996, cứ hai năm lại có đứa vào đại học. Mỗi lần nhận giấy báo vào đại học của con là mỗi lần niềm vui tràn ngập gia đình, nhưng cũng là ngần ấy nỗi lo toan đè nặng lên đôi vai người mẹ kế.

Cái ngày Phụng khoác ba lô vào thành phố nhập học, thương con, bà bán 1 nhẫn vàng, cái đồng hồ, những hiện vật mà mẹ bà kỷ niệm cho con gái năm xưa để lấy tiền cho Phụng vào trường. Hai vợ chồng ở nhà bữa đói bữa no, nhưng đồng tiền dành dụm, vay mượn gửi cho con ăn học thì không bao giờ thiếu. "Muốn làm gương cho con thì người mẹ phải biết hy sinh trước đã," bà Thanh tâm sự. 

Sau bao năm nhọc nhằn tần tảo, những đứa con chồng bà Niêm lần lượt ra trường, có việc làm ổn định. "Anh em tui có được ngày hôm nay là nhờ tấm lòng nhân hậu của người mẹ kế. Nếu không có bà, không biết cuộc đời anh em tui sẽ ra sao!" - Nguyễn Phú Cường tâm sự. Các con bà Thanh giờ cũng đã trưởng thành. Anh Lê Văn Vĩ xúc động nói: "Công ơn người mẹ kế của anh em tui cao như núi Thái Sơn và thần tượng của tui là người mẹ ấy".

Chị Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường 1, thị xã Quảng Trị, cho biết, bà Thanh, bà Niêm là hai nhân vật điển hình của địa phương từ nhiều năm nay trong việc xây dựng gia đình và nuôi con ăn học. Chính họ đã phá vỡ quan niệm gai góc về mẹ ghẻ - con chồng. Trái tim nhân hậu và sự hy sinh của họ đã trở thành chuyện cổ tích giữa cuộc sống đời thường hôm nay

Hữu Hà
.
.
.