Bản “siêu đẻ” trên đỉnh Mỏ Ba

Thứ Tư, 17/01/2007, 14:25
Ông Sùng, 50 tuổi, người Mông ở bản Mỏ Ba (xã Tân Long, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) dẫn đầu về... số lượng con cái: 18 đứa. Người con lớn của ông năm nay đã hơn 30 nhưng đứa út thì chỉ mới 2 tuổi, bằng đứa đầu của cô con gái thứ 5.

Năm 1912, trên núi Mỏ Ba thực dân Pháp đã xây dựng nhà máy khai thác quặng chì và kẽm. Nơi nền cũ của nhà máy ấy giờ đây là Phân xưởng kẽm, chì làng Híc (thuộc Công ty Kim loại màu Thái Nguyên), vẫn đang hoạt động. Văn minh công nghiệp đã xua đi sự heo hút của ngọn núi này từ lâu, thêm nữa, nó chỉ cách thành phố Thái Nguyên chưa đầy 30 km, vậy nhưng, trên đỉnh núi ấy, vẫn có một bản đẻ nhiều đông đến kinh ngạc.

Bản Mỏ Ba (xã Tân Long, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) người Mông chiếm 60%, còn lại là người Kinh, Dao, Tày, Nùng, Sán Chỉ, Cao Lan. Cả bản chỉ có 117 hộ nhưng gần 800 nhân khẩu. Mỗi gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở đây (trừ đồng bào Mông), chỉ có từ 2-3 con. Còn những gia đình đồng bào Mông, chuyện đẻ đến đứa thứ 9, thứ 10 vẫn xem là... bình thường.

Thi nhau... đẻ

Ông Ngô Văn Sùng, 50 tuổi, người Mông, là người dẫn đầu về... số lượng con cái: 18 đứa, đấy là chưa tính 2 đứa đã chết yểu và con riêng của vợ. Nói về con cái, ông chỉ cười: “Tôi có hai bà vợ, nếu tính con của tôi với từng bà thì chưa phải là nhiều nhất đâu, mỗi bà có 9 đứa thôi”.

Bà Lý Thị Sy, vợ ông, bảo rằng bao năm nay bà đi rất chậm và bị chứng đau thận hành hạ thường xuyên. Ông kể rằng hồi trẻ bà rất xinh, 16 tuổi ông đã thắng nhiều chàng trai trong bản để có được bà rồi cùng nhau khăn gói đến Mỏ Ba lập nghiệp.

Ông có thân hình vạm vỡ, rắn chắc, nói ít cười nhiều và đã yêu ai thì yêu rất mãnh liệt. Có với bà 4 mặt con, ông tiếp tục “yêu mãnh liệt” bà Vương Thị Nhung, một góa phụ trong bản. Khi lấy ông, bà Nhung đã có 2 đứa con.

Ông kể, khi đến với bà Nhung, rất nhiều người thân của ông ngăn cấm, cả trưởng bản cũng vận động: “Mày có vợ rồi, người Mông mình xưa nay thường chỉ lấy một con gái thôi”. Còn bà Sy thì hết khuyên can đến giận dữ cắt cả tóc bà Nhung nhưng ông vẫn quyết yêu và quyết lấy.

Một góc bản Mỏ Ba.

Lấy vợ mới nhưng ông Sùng không bỏ vợ cũ, thời gian đầu hai bà sống cùng ông dưới một mái nhà nhưng một thời gian ngắn sau ông Sùng phải kịp thời dựng một ngôi nhà khác cho bà Nhung ở riêng. Cũng từ đó, cứ 3 năm 2 đứa, bà Nhung sinh cho ông một số lượng con cũng gần bằng... bà cả.

Ông Sùng cho biết, có một thời gian bà Sy giận, không muốn đẻ con nữa nhưng thấy bà Nhung cứ đẻ tằng tằng thì lại quyết định... không giận nữa. Bà Sy tiếp tục đẻ và lúc này, dù rất yếu do bị thận và dạ dày, nhưng thấy bà hai đẻ, bà cả cũng... đẻ. Và rồi, người sinh đứa con cuối cùng trong số 18 người con của ông Sùng lại chính là bà cả bởi cô y tá ở xã nói với ông rằng, nếu bà hai còn tiếp tục sinh thì chắc sẽ không giữ được mạng sống...

Về quản lý 18 đứa con, ông than thở: “Mệt lắm, mệt lắm thôi, nhưng đã trót rồi thì phải chịu”. Ông bảo rằng trời thương là lũ con cũng giống ông, không ốm đau bệnh tật gì cả. Mỗi tội thiếu ăn. Thiếu ăn triền miên. Chỉ có 8 sào ruộng phải chia đều cho hai bà, có khi lúa vừa thu hoạch về chừng vài tuần sau đã hết vèo. Có sức khỏe, ông quần quật đi khai hoang để lấy ngô về nấu mèn mén ăn năm này qua năm khác.

Người con lớn của ông năm nay đã hơn 30 nhưng đứa út thì chỉ mới 2 tuổi, bằng đứa đầu của cô con gái thứ 5. Tôi đến đúng hôm rất nhiều cháu của ông bà về chơi. Nhìn lũ trẻ, không biết đâu là con, đâu là cháu của ông Sùng. Cô nhỏ như cháu, cháu lớn bằng dì...

Ông Sùng không nhớ nổi tên của cháu mình, thậm chí bao nhiêu cháu cả nội lẫn ngoại, ông cũng không nhớ. Con trai lớn của ông thấy bố mẹ đẻ nhiều, cuộc sống vất vả nên khi lập gia đình cũng chỉ sinh có 3 con. Nhưng người thứ 2, sinh năm 1978 bây giờ cũng đã là bố của 5 đứa trẻ. Còn cậu con trai thứ 3 sinh năm 1981, mới lấy vợ 5 năm nhưng cũng đã kịp sinh 3 đứa...

Bây giờ, cảnh thiếu ăn triền miên như xưa ở nhà ông cũng không còn nữa. Mấy bố con ông chung tiền mua cái máy xát, mỗi ngày cũng có đồng ra đồng vào. Ông bảo rằng cả xóm đến xát lúa, xát ngô ở nhà ông, người Mông thì thường xát ngô, người Dao, người Kinh thường đến xát gạo.

32 tuổi, 10 đứa!

13 tuổi, Hồng Văn Dình đã đi làm rể và 16 tuổi (năm 1989) đã làm cha. Từ đó đến nay, vợ chồng Dình cứ đều đặn “sản xuất” con cái và đã được 3 trai, 7 gái. Đứa đầu đã 16 tuổi, bằng tuổi mẹ thời lấy cha nhưng “vẫn chưa bắt được chồng” (theo lời Dình), còn đứa út thì đang địu trên lưng mẹ.

“Số con mình chỉ bằng con bố mình, bố mẹ mình cũng 10 đứa” - Dình nói. Đứa út của bố Dình bằng tuổi đứa thứ 4 nhà Dình. Trên Dình còn 2 anh trai, số lượng con cái của họ cũng đã xấp xỉ cha và em trai mình.

Vợ Dình, Vương Thị De cũng người Mông. Hơn chồng 1 tuổi nhưng nhìn cô như đã ngũ tuần, thân hình gầy gò, da đen sạm, lại bị bệnh đau thận và thiếu máu trầm trọng. Bao lần đến Trạm y tế xã, cô y tá khuyên đừng cho vợ đẻ nữa nhưng Dình không nghe.

Vừa rồi, khi vượt cạn đứa thứ 10, tưởng khó qua khỏi, tỉnh dậy chị nói với chồng: “Em không đẻ nữa đâu, em sợ chết lắm!”. Nhưng theo Dình, chỉ thời gian ngắn sau vợ chồng lại... bình thường. Cứ đà này chừng 10-15 năm nữa Dình có thể “phá kỷ lục” của ông Sùng.

Dình kể rằng, vài ba năm trước, gia đình anh thường xuyên trong cảnh thiếu ăn, mỗi năm thiếu 2-3 tháng. Năm nay “do ruộng nhà mình được chỗ tốt nên thu được nhiều ngô lúa, không bị đói” - Dình bảo thế. Nhưng nếu tính đơn giản, 12 miệng ăn chỉ trông chờ vào 6 sào ruộng trên núi, mỗi năm chỉ làm 1 mùa lúa và 2 mùa ngô mà đủ ăn là một chuyện không tưởng.

Trong số các con của Dình, trừ những đứa chưa đến trường, thì đứa học cao nhất cũng chỉ hết lớp 5. Mỗi đứa một lý do bỏ học, nhưng chung quy lại là: bế em, mải đi làm rẫy và... không thích học. Trường học cách đó không xa, nhiều lần cô giáo đến tận nhà vận động nhưng vào tới nơi thì bé gái nhà Dình trốn biệt. Đã có lần cô giáo vào nhà Dình vận động cô chị đến trường nhưng đã nhầm sang em bởi hai đứa hao hao nhau.

Phó Bản cũng...13 con

Đó là ông Đào Văn Tư, người Mông, làm phó bản đã được 3 năm. Ông Tư vui tính, hay cười. Người con lớn của ông năm nay 36 tuổi và con út 12 tuổi. Ông bảo rằng, 24 năm mà đẻ 13 đứa như ông là thuộc diện... thưa của bản.--PageBreak--

“Có mấy đứa thanh niên ấy, năm trước cả bản vừa đi uống rượu mừng đám cưới chúng nó, nhoằng một cái đã thấy đứa lớn đứa bé nằm lăn nằm lóc trên sườn đồi rồi” -  ông Tư nói.

Ông tự hào vì mấy người con của ông nằm trong trường hợp ngoại lệ, bởi 3 người con trai của ông lập gia đình thì mỗi cặp cũng chỉ đẻ có 2 con. Tính đến thời điểm này, 4 người con của ông thành gia thành thất thì ông bà cũng chỉ có 8 đứa cháu cả nội lẫn ngoại. Ông bảo rằng các con của ông mải làm ăn, buôn bán nên nghĩ "đơn giản", lúc nào cũng chửa với đẻ  thì còn làm gì được nữa?

Nhưng những người có suy nghĩ như vậy ở Mỏ Ba không phải nhiều, nhất là trong những gia đình người Mông. Làm phó bản, thi thoảng ông Tư vẫn đi tuyên truyền... sinh đẻ có kế hoạch. Ông kể rằng có buổi ông đang tuyên truyền thì thấy một người, hai người dần dần đi ra cho đến khi hội trường chỉ còn lại một mình ông. “Không chỉ tôi, mà cán bộ xã về đây tuyên truyền cũng thế”.

Đến từng nhà vận động chẳng mấy khi gặp được các ông chồng. Các bà vợ thì cho rằng đẻ là tại chồng chứ một mình vợ thì không thể đẻ được. May mắn thì gặp được một vài người chồng say bét nhè, đến khuyên bảo đừng đẻ nhiều mà khổ, họ đã hứa chỉ tay nói: “Tôi nhiều cũng mới chỉ 9 đứa, còn anh 13 thì sao?”, thế nên ông đành lẳng lặng ra về.

Đến giờ, ông vẫn còn tiếc một điều rằng giá như ngày xưa ông đừng đẻ nhiều thế. “Thời gian trước thiếu ăn thường xuyên nhưng tôi vẫn không  thấy xấu hổ, vì mình còn có thể đi khai hoang. Bây giờ tôi mới thấm cái cực của việc người đẻ thêm người mà đất không đẻ thêm đất, đất chỗ nào cũng có chủ cả rồi mà người lớn lên lại tiếp tục đẻ ra nhiều người. Cứ mà đẻ nhiều như trước nữa thì có đến chết đói mất thôi” - ông Tư than vãn.

Điểm lại những gia đình “siêu đẻ” mà tôi từng gặp thì bên cạnh sự thiếu thốn về vật chất, phần lớn các bà vợ đang bị hành hạ bởi căn bệnh yếu thận. Từ hai bà vợ của ông Sùng đến người trẻ tuổi như cô De vợ của Hồng Văn Dình, vợ ông Tư và một vài người nữa dường như ai cũng bị những chứng bệnh liên quan đến thận và dạ dày.

Cần  phương pháp tuyên truyền phù hợp

Ông Triệu Tiến Kim làm trưởng bản được 2 năm, mỗi tháng, ông nhận trợ cấp 120 nghìn đồng. Hàng tuần, ông xuống xã, báo cáo tình hình thôn bản bằng xe Mink và tiền đổ xăng cho mỗi lần xe leo 12 km đường dốc cộng lại hàng tháng thì 120 nghìn... chỉ vừa đủ. Theo cách lý giải của ông Kim thì đó cũng là một nguyên nhân để các cán bộ KHHGĐ một tháng một lần lên đây mà thôi.

Nhiều người lấy làm lạ khi đặt câu hỏi là cán bộ tuyên truyền KHHGĐ đi đâu mà để Mỏ Ba đẻ nhiều đến thế, nhưng vẫn chưa có câu trả lời bởi bao năm nay những cán bộ, những cộng tác viên chuyên về vấn đề này chỉ “xuân thu nhị kỳ” qua đây.

Mà mỗi buổi họp tuyên truyền rơi vào tình trạng nói chưa hết câu đã thấy chị em lác đác kéo nhau về nên phần lớn những buổi tuyên truyền không có hiệu quả. Mặt khác, công tác tuyên truyền vẫn chưa có một phương pháp phù hợp, bằng chứng là vẫn “tôi đến - tôi nói” còn nói sao để đồng bào nghe được, có sức thuyết phục được thì vẫn còn bỏ ngỏ.

Đồng chí Hoàng Văn Chí, Trưởng Công an xã Tân Long cho biết: “Việc sinh nhiều con của các gia đình đồng bào dân tộc ở bản Mỏ Ba thực sự là một vấn đề nổi cộm của xã. Hằng năm, các tổ chức đoàn thể đã tiến hành vận động bà con thực hiện KHHGĐ, xã cũng “tốn” nhiều cuộc họp bàn về vấn đề này nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp tối ưu.

Anh Chí còn cho biết, ở Mỏ Ba chỉ có một cán bộ y tế thôn bản kiêm nhiệm việc tuyên truyền các vấn đề dân số, KHHGĐ nên dù cố gắng vẫn chưa mang lại hiệu quả. Mặt khác tổng kết mỗi quý, chính quyền xã Tân Long luôn đưa ra giải pháp để giảm thực trạng tăng dân số ở Mỏ Ba như tuyên truyền sâu về KHHGĐ, cử cán bộ vận động nếp sống văn minh nhưng kết quả vẫn chưa khả quan.

Cũng theo anh Chí thì cán bộ tuyên truyền KHHGĐ huyện hằng năm cũng lên Mỏ Ba, thăm vài gia đình và nhắc nhở “Đừng đẻ nhiều, đẻ nhiều thế lấy gì mà ăn” chứ chưa có nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn kế hoạch hóa gia đình cụ thể.

Đại úy Lầu Văn Chinh tâm sự, để đồng bào nghe mình trước hết, cán bộ tuyên truyền phải là những người bạn của họ. Họ không thích nghe những lời nói qua loa, mà thích những lời tâm sự mộc mạc gần gũi khi ngồi bên bếp lửa với chén rượu ngô nồng. Vì vậy, mỗi lần lên đây công tác, anh đã “kiêm nhiệm” vai trò một cán bộ KHHGĐ tuyên truyền về việc không nên sinh nhiều con vì anh hiểu đồng bào mình.

Anh Chinh từng lên đây công tác hơn 10 năm trước. Một lần, truyền hình làm phim về anh, một người con ưu tú của đồng bào Mông, anh tính ghé qua đây để thực hiện một số cảnh quay, bởi những thiếu nữ Mông ở Mỏ Ba mà anh biết rất xinh đẹp và thân thiện, có thể giúp anh tái hiện khung cảnh rộn rã của những chàng trai cô gái Mông trong lễ hội mùa xuân. Vậy nhưng khi anh trở lại, dù thời gian chỉ hơn 3 năm nhưng họ đã là mẹ của 2-3 đứa con...

Mỏ Ba bây giờ, karaoke, bàn bi-da và cây xăng đã về tận bản. Những cô gái Mông sợ giá “cắt cổ” của áo váy dân tộc mình đã chuyển sang quần bò, áo ngắn, còn những chàng trai thì không còn dính chút nào sắc phục tổ tiên. Cũng có nhiều thanh niên ra đường rất ngại khi nói về gia đình mình... đông anh đông chị. Nhưng điều đó chưa thể kìm hãm được cái tốc độ sinh đẻ ở vùng đất này nếu như sự tuyên truyền KHHGĐ vẫn chưa phát huy tác dụng như hiện nay

Hoàng Nguyên Vũ
.
.
.