Bẩn như…nước đá

Thứ Sáu, 19/05/2006, 13:33

Khuôn làm đá là những hộp sắt rỗng, hoen rỉ. Người ta bơm nước đầy hộp. Dòng nước tuôn vào, lập tức nổi lên rác rưởi, váng bụi và cả… một con bướm chết khô cùng với phân chuột. Anh thanh niên thò tay vớt mấy thứ rác nổi lều phều rồi bê chiếc hộp đầy nước vào phòng làm lạnh.

Chiều đầu hè nắng như đổ lửa. Tại cơ sở sản xuất nước đá nằm ở khu vực Yên Phụ (Hà Nội), từng dãy xe xếp hàng vào mua đá. Các cây đá cao hơn một mét được những công nhân hối hả chuyển ra ôtô. Ngay trước cổng vào, người ta linh động tổ chức một điểm bán đá lẻ, không biển hiệu.

"Mắt thấy tai nghe" tại một cơ sở sản xuất nước đá

Thấy chúng tôi hỏi mua nước đá, một người nhanh nhảu hỏi mua loại sạch hay không sạch, khiến chúng tôi bàng hoàng. Hóa ra, tất cả đá được sản xuất ở đây, kể cả đá viên tinh khiết, đều được làm từ nước giếng khoan, nhưng được chia làm 2 loại: Một loại nước đá làm từ nước giếng khoan không cần lọc, dùng để làm lạnh hàng hóa hoặc để chạm khắc, còn một loại làm từ nước giếng khoan qua lọc và loại này được gọi là nước đá viên tinh khiết hay đá pha lê. Giá 2 loại này chênh nhau chừng 500 đồng/kg.

Đấy là mấy anh thợ làm thuê cho biết, chứ còn người quản lý ở đây thì khăng khăng bảo: Chỉ có đá cây mới làm bằng nước giếng khoan, còn đá viên tinh khiết được làm từ nước máy. Anh ta nói thêm: "Ở đâu mà chẳng thế? Người ta gọi là đá pha lê cũng là để lừa người mua, chứ "công nghệ" cũng như nhau hết!". Nhưng vì đá cây rẻ hơn đá "tinh khiết", chỉ 15 ngàn một cây 50kg, nên các nhà hàng không cần phân biệt mà đều dùng loại này tuốt.

Trong lúc chờ "xem hàng", chúng tôi lân la đến bên một nhóm thợ đang chuẩn bị đưa nước vào khuôn làm đá. Khuôn làm đá là những hộp sắt rỗng, hoen rỉ. Người ta bơm nước đầy hộp. Dòng nước tuôn vào, lập tức nổi lên rác rưởi, váng bụi và cả… một con bướm chết khô cùng với phân chuột. Anh thanh niên thò tay vớt mấy thứ rác nổi lều phều rồi bê chiếc hộp đầy nước vào phòng làm lạnh. Các cơ sở làm đá lạnh khác ở Vĩnh Tuy, bến xe Giáp Bát, tình trạng cũng không hơn gì.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: Hiện nay, Hà Nội có khoảng vài trăm cơ sở sản xuất nước giải khát, nước đá các loại. Việc kiểm tra hàng năm cho thấy, đa phần các cơ sở này đều chưa đạt yêu cầu về vệ sinh cơ sở, vệ sinh ngoại cảnh, người lao động không được kiểm tra sức khỏe hoặc thiếu các phương tiện bảo hộ lao động.

Đại lý và thuyết "tan chảy"

Tại chợ 19-12, một đại lý bán đá sỉ, lẻ nằm ngay cạnh những hàng bán cá, tôm. Vốn đã quen thuộc nên chốc chốc, khi những hòn đá ướp cá đã tan hết, một chị bán cá lại chạy sang "hàng xóm" lấy thêm đá về ướp. "Bán cho bọn này chẳng bõ bèn gì, lại mất công chặt đá", bà chủ đại lý đá nói và mặc cho chị hàng cá tự vào bới tìm đá lẻ với đôi bàn tay đầy mùi cá tanh tưởi.

"Ôi giời, rồi đá tan, nước bên ngoài chảy hết ngay, sợ gì bẩn". Bà bán đá nói và trải chiếc bao tải xuống nền đất, đặt cây đá lên trên và chặt nhỏ ra để bán lẻ. Có rất nhiều lượt khách đến đây mua đá về uống hoặc bán quán nước. Liệu trong số những người uống nước có đá, có bao nhiêu người dám đảm bảo là mình sẽ không bị đau bụng?

Khoan kể đến đại lý, những người vận chuyển đá cũng với lý thuyết "tan chảy" của mình, họ hầu như không quan tâm tới mặt hàng mà mình đang vận chuyển là thứ đồ uống mà nhiều người sẽ đưa lên miệng. Người ta thản nhiên quăng quật, vứt lên nhưng thùng xe bẩn thỉu, những chiếc xích lô hoặc những chiếc xe tự chế, thản nhiên giẫm đạp, bắc chân để nguyên cả dép lên những cây đá.

Hàng nước: Nhìn thử coi

Không chỉ nơi sản xuất, điểm bán đá sỉ, lẻ mà cả nơi khách hàng trực tiếp uống nước đá ở các hàng quán đều có điểm chung là không đảm bảo vệ sinh. Hàng quán ở đây là những quán bia hơi, hàng ăn, hàng bán chè, sinh tố, nước mía, nước ngọt và kể cả những cốc nước trà vỉa hè 500 đồng. Đang uống một cốc trà, tự dưng thấy một sợi gì… lòng thòng trong cốc chỉ là chuyện vặt. Còn những vẩn đen hay bụi bẩn hòa trong nước thì có ai quan tâm hoặc biết?

Hiện nay, người ta đang dùng một loại đá mới là đá bào dùng cho ăn chè, uống nước mía hay xay sinh tố. Nhưng cũng chỉ là từ đá cây bào ra. Mà đá đã được bào thành những hạt nhỏ như bụi tuyết, rồi trộn vào chè hay sinh tố thì chỉ có… Chúa mới nhìn thấy bẩn. Mà cái bẩn này, ngoài chất lượng nước để sản xuất đá ra, còn được sản sinh ra trong quá trình bào chế đá cây thành đá bụi. Như vậy là để có cảm giác mát lạnh, khách hàng đã phải trả giá bằng ba lần chịu bẩn

Thanh Hằng - Lệ Thúy
.
.
.