Bán nhà để xây di tích danh nhân

Thứ Sáu, 09/02/2007, 15:20

Khu di tích tưởng niệm Lê Trung Giang, một danh nhân thế kỷ XVII có công trung hưng nhà Lê, nằm tại xã Hoằng Ngọc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, vừa qua đã vinh dự được UNESCO quyết định bảo trợ. Ông Lê Trung Tiến, chuyên viên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), là người đã bán nhà của mình để lấy tiền tôn tạo khu di tích này.

Ông Lê Trung Tiến sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa. Từng là chiến sĩ quân đội tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Đà, bị thương rồi phục viên, sau đó đi học tại Liên Xô.

Khi về công tác tại Bộ GD-ĐT, sinh sống ở đất Hà thành, nhưng ông Tiến luôn luôn nặng lòng với nơi chôn nhau cắt rốn, đau đáu nghĩ là phải làm điều gì đó thiết thực cho quê hương.

Là hậu duệ của Đại vương Lê Trung Giang, một vị tướng văn võ song toàn, sống nhân hậu, yêu nước, thương dân, ông Tiến đã lấy tấm gương của bậc tiền bối làm lẽ sống. Ông đã bán cả nhà cửa của mình để góp công xây dựng công trình di tích lịch sử với quần thể kiến trúc rộng gần 6.000m2 là những ngôi nhà nhỏ, mái cong ẩn mình dưới vòm cây cao vút, không gian luôn tràn ngập hương hoa và những lăng miếu đền thờ uy nghi thanh tịnh, có sân chơi nhà văn hóa với sân khấu ngoài trời trong khuôn viên nhiều cây xanh.

Bên cạnh khu lăng mộ Đại vương, còn thờ các vị nhân thần có công với nước, khu mô phỏng huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh, những trường đoạn trong cuộc đời Vua Trần Nhân Tông trên bước đường trở thành Trúc Lâm Thiền Sư.

Khi ông quyết định đầu tư để trùng tu tôn tạo khu di tích này, nhiều người không ủng hộ, thậm chí cũng có người trong gia đình phàn nàn, nhưng ông vẫn quyết tâm làm. Với ông, bất cứ một di tích nào dù mang ý nghĩa vật thể hay phi vật thể đều rất quý, bởi đó là dấu ấn của tiền nhân, là thông điệp của quá khứ qua thời gian. Riêng khu di tích này, nó còn có ý nghĩa đặc biệt là nơi yên nghỉ của thủy tổ dòng họ Lê Trung, qua đó để giáo dục con cháu tình yêu quê hương và sự hướng về nguồn cội.

Công trình này đã trở thành điểm họp mặt của bà con làng xóm. Các cụ thường đến dạo trong vườn, thắp hương vái vọng, gặp gỡ trao đổi với nhau về việc làng, việc xóm, việc nhà, bảo ban con cháu học hành. Từ khi khu di tích được UNESCO bảo trợ, ông rất vui bởi trong một chừng mực nào đó, công trình lớn nhất trong cuộc đời ông đã có ý nghĩa, ảnh hưởng đến cộng đồng. Ông đã dồn hết sức lực và tâm huyết với công trình và cảm thấy thanh thản, thỏa nguyện cái tâm của một người con cháu dòng họ Lê đối với tổ tông.

Ông luôn răn mình hướng thiện, “Ở hiền, gặp lành” gắng sống theo tiền nhân, không làm hổ thẹn truyền thống gia phong. Ông đã làm nhiều việc từ thiện, tất cả vì quê hương như tham gia phác thảo, thiết kế đầu tư xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ xã Hoàng Ngọc, tham gia làm đường và xây dựng khu văn hóa thôn Hồng Đô, tặng quà cho con liệt sĩ, con thương binh, học sinh tật nguyền do chất độc da cam, học sinh nghèo vượt khó...

Lãnh đạo huyện Hoằng Hóa đặc biệt đánh giá cao sự đóng góp của ông trong giúp đỡ địa phương xây dựng Đài tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sĩ, nơi yên nghỉ của 109 người con quê hương hy sinh vì nước.

Bản thân ông không bao giờ muốn kể về những việc đã làm, nhưng tôi và nhiều đồng nghiệp và bạn bè của ông đều biết, đó là những việc thiện xuất phát từ cái tâm, trách nhiệm của một người gắn bó với quê hương, nghề nghiệp và xã hội

Mai Loan
.
.
.