Bản lĩnh của những người "nối nhịp" với Trường Sa

Thứ Hai, 09/04/2012, 19:52
Thượng úy Trần Văn Ngọc, Quân y của tàu HQ996 kể, có nhiều thủy thủ mới lên tàu, chưa quen sóng cũng bị say tơi tả, nằm mấy ngày không tỉnh. “Nhưng khổ nhất là những anh em nhà bếp, nhiều khi sóng dữ quá, phải 3-4 người mới giữ nổi nồi canh. Thế mà nước sôi trong xoong vẫn trào ra, té lên người, có người bị bỏng” - anh tâm sự.

“Vì Trường Sa nay đã gần lắm” - lời bài hát vang lên khi con tàu HQ996 được lệnh nhổ neo rời quân cảng Cam Ranh để xuất phát đưa đoàn công tác của chúng tôi vượt sóng dữ đến với Trường Sa.  Sứ mệnh của HQ 996 - con tàu khách đầu tiên và lớn nhất của Hải quân nhân dân Việt Nam - là đưa đón các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội ra thăm, làm việc với quân dân huyện đảo Trường Sa. Trong chuyến đi bão táp ấy, chúng tôi càng thấu hiểu những vất vả, hiểm nguy của những người thủy thủ khi hằng ngày phải đối mặt với sự giận dữ của biển cả để đảm bảo an toàn cho những chuyến ra khơi…

Đúng 5h sáng, chuông báo thức kêu reng reng, tiếng thông báo của thuyền trưởng đánh thức cả con tàu. Buổi sáng đầu tiên trên biển, tàu đã cách xa cảng Cam Ranh chừng 70 hải lý, sau khi đã chạy liên tục cả đêm. Sóng điện thoại đã mất. Và hơn 500 người trên tàu, hầu hết đã mệt nhoài vì say sóng, kể cả những người lính Hải quân vốn dạn dày sóng nước. Vì chưa quen cuộc sống sinh hoạt trên tàu, lại trải qua cảm giác say sóng, nên những ngày đầu tiên, đoàn báo chí chúng tôi gần như nhịn ăn.

HQ 996 là tàu khách lớn nhất của Hải quân Việt Nam có sứ mệnh đưa các đoàn công tác ra thăm Trường Sa.

Đã tính toán rất kỹ lưỡng, nhưng cơn bão biển vốn không báo trước đã khiến chuyến tàu của chúng tôi bị kẹt giữa biển. Những cột sóng cao bằng cả tòa nhà hai tầng liên tiếp dội vào mạn tàu khiến con tàu lắc điên đảo. Đêm đón bão, hơn 500 con người cùng không ngủ, nín thở chờ đợi. Những người lần đầu gặp bão biển đều không tránh khỏi cảm giác lo lắng. Bác sĩ Quân y trên tàu phải liên tục truyền nước, truyền đạm cho một số người sắp kiệt sức vì say sóng để đảm bảo sức khỏe. Cuối cùng, tin vui cũng đến khi thuyền trưởng thông báo, bão đã tan, cả tàu đều bình an. Vậy là, thay vì chỉ 2 ngày đêm, chúng tôi phải mất tới 5 ngày đêm mới cập được đảo Song Tử Tây.

Buổi sáng đầu tiên khi bão tan, nắng lại đẹp lạ lùng, bầu trời xám xịt bỗng trở nên cao vút, sóng biển lại xanh, dập dờn từng lớp. Thuyền trưởng - Trung tá Nguyễn Văn Đoàn thư thái đứng trên boong tàu quan sát. Sau 5 ngày đêm vật lộn với bão biển, vẻ mệt mỏi đã hiện rõ trên gương mặt rám nắng của anh. Đã 12 năm kể từ khi bước chân lên con tàu đầu tiên của Bộ Tư lệnh vùng 4, không nhớ hết bao nhiêu lần đi Trường Sa, những cơn bão biển vẫn là nỗi kinh hoàng đối với người thuyền trưởng.

“Thuyền trưởng phải chịu trách nhiệm cao nhất về an toàn cho mỗi chuyến tàu nên rất nhiều sức ép. Tổ lái phải thay ca nhau trực để không ai phải làm việc quá lâu, tránh trạng thái mệt mỏi. Về đêm, lái tàu rất dễ buồn ngủ trong khi lại phải tập trung cao độ vì tầm quan sát bị hạn chế. Nhiều khi tàu đang chạy với tốc độ cao thì xuất hiện tàu lạ hoặc tàu của ngư dân, phải xử lý tốt để tránh sự cố va chạm. Cũng may, giờ tàu trang bị nhiều thiết bị hiện đại nên việc định vị hải trình, dò tìm chướng ngại vật đơn giản hơn rất nhiều” - anh tâm sự.

Với kinh nghiệm nhiều năm đi biển, anh bảo, có thể dự đoán thời tiết trên biển qua cá heo để đưa ra các quyết định hợp lý. Khi cá heo xuất hiện thì 3 ngày sau, nếu biển đang động sẽ lặng và ngược lại. Nếu tàu gặp bão mà không kịp neo đậu để tránh thì cách duy nhất là chạy cắt bão, gió hướng nào thì phải lái tàu chạy theo hướng ngược lại để tránh bị cuốn vào tâm bão. Việc chọn địa điểm để neo tàu cũng phải tính toán kỹ lưỡng, bởi Trường Sa có nhiều đảo rất khó neo: Tiên Nữ, An Bang… Có lần, anh cho tàu neo tại đảo Đá Lớn, sau một đêm ngủ dậy, tàu đã bị trôi dạt tầm 7-10 hải lý.

Luôn vui vẻ, tếu táo, Thượng úy Đào Trọng Vĩnh – Chính trị viên tàu HQ996 không ngại chia sẻ: “Cuộc sống lênh đênh trên tàu buồn lắm. Có những chuyến đi kéo dài 3-4 tháng, thực phẩm tươi chỉ đủ trong những ngày đầu, sau đó là mì tôm, thịt hộp triền miên, ngán lắm nhưng vẫn phải cố ăn để đảm bảo sức khỏe. Nhưng buồn nhất là xa vợ con, mình cứ đi biền biệt, thương vợ con mà không biết phải làm sao. Anh em luôn phải động viên nhau để hoàn thành cho tốt nhiệm vụ. Trên tàu, mọi người coi nhau như trong anh em, nhờ vậy cũng vơi đi phần nào nỗi nhớ gia đình”.

Thượng úy Trần Văn Ngọc, Quân y của tàu HQ996 kể, có nhiều thủy thủ mới lên tàu, chưa quen sóng cũng bị say tơi tả, nằm mấy ngày không tỉnh. Thỉnh thoảng có kíp quân y trong bờ ra Trường Sa thay quân, say sóng, vậy là “bác sĩ cấp cứu bác sĩ”. “Nhưng khổ nhất là những anh em nhà bếp, nhiều khi sóng dữ quá, phải 3-4 người mới giữ nổi nồi canh. Thế mà nước sôi trong xoong vẫn trào ra, té lên người, có người bị bỏng. Nấu xong thì say sóng quá, không ăn được” – anh tâm sự.

Đêm chia tay những người lính thủy thủ để trở lại đất liền, cả đoàn cùng lặng người lắng nghe những người lính Hải quân ôm đàn hát bài “HQ996 vươn tới biển khơi” như những lời từ biệt: “Khi những con tàu vào khu neo tránh bão thì tàu tôi vươn ra biển khơi/ Có chuyến đi nào vất vả hơn thế/ Dữ dội hiền hòa, biển quê mình đẹp lắm/ Em ước mong sao mỗi buổi chiều đến được Trường Sa thân yêu/ 996 ơi vươn tới biển khơi, đưa bao con người vươn ra hải đảo, dựng xây Trường Sa cùng đất nước/ Đảo là nhà, biển cả là quê hương/ Có chúng tôi đến với Trường Sa/ Tranh thủ thời cơ lựa chiều từng con nước/ Sóng biển vẫn ầm ầm, có chúng tôi đến với Trường Sa”

Khánh Vy
.
.
.