Bản du lịch của người Pa Kôh

Thứ Tư, 14/04/2010, 14:56
22 hộ dân là người dân tộc Pa Kôh vui mừng khi được chuyển về sinh sống tại bản Việt Tiến (xã Hồng Kim, huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế) do Công ty May Việt Tiến hỗ trợ xây dựng để phục vụ du lịch. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của bà con đã được cải thiện.

Bản nghĩa tình

Bản Việt Tiến cách trung tâm huyện khoảng 2km về phía Bắc, là địa phương vừa gắn du lịch văn hóa dân tộc người Pa Kôh với du lịch sinh thái đầu tiên ở huyện A Lưới. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây từng ghi dấu những trận đánh ác liệt, ngày nay là di tích lịch sử quốc gia - động Tiên Công.

Tiên Công còn gọi là Cúp Va (có nghĩa là hang đá), nằm trên đường tránh B45 dưới chân núi Kô A Nông gần suối Tà Rinh Là. Đó là một hang động tự nhiên ăn sâu vào lòng núi khoảng 100m, nơi rộng nhất gần 200m. Trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân - 1968, nhiều chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ hàng hóa và vũ khí trong động.

Năm 2007, Công ty May Việt Tiến hỗ trợ mỗi hộ dân hơn 45 triệu đồng để xây dựng nhà sàn. Bản du lịch sinh thái Việt Tiến - A Nor ra đời là tấm lòng tri ân sâu sắc của ông Nguyễn Đình Trường, Giám đốc Công ty May Việt Tiến đã từng chiến đấu tại đây với đồng bào địa phương.  Cái tên "bản nghĩa tình" ra đời từ đó.

Ngay sau khi bàn giao, 22 hộ dân là gia đình có công với cách mạng được chuyển về bản sinh sống với "cần câu cơm" mới - làm du lịch. Ông Hồ Zưi, 79 tuổi, một cựu chiến binh trong làng chia sẻ: "Hôm nay được ở trong căn nhà to mà không quên ngày xưa từng sẻ chia từng hạt muối. Bà con chúng tôi tới đây ở cũng mong muốn làm giàu cho quê hương, đất nước".

Làm du lịch chuyên nghiệp như… dân bản

Chúng tôi đến Việt Tiến vào một ngày cuối tuần và chứng kiến rất nhiều bạn trẻ đang lên thăm thác A Nor. Cảnh vật nơi đây còn nguyên vẻ hoang sơ. Có được điều này cũng nhờ sự giữ gìn của bà con bản Việt Tiến. Ông Hồ Zưi lý lẽ: "Bây giờ mình đã làm du lịch thì phải bảo vệ rừng chứ. Vì mình bảo vệ nó thì nó cũng nuôi mình mà". Chính tâm lý đó mà rừng tại khu sinh thái được nguyên vẹn, thậm chí đi vào sâu trong làng còn có thể nghe cả tiếng chim kêu, vượn hú.

Tuy sống giữa những cánh rừng bao bọc, nhưng tại bản này, hầu như không thiếu dịch vụ gì nên du khách nước ngoài rất muốn dừng chân. Nghỉ đêm tại bản, người ta sẽ được nghe dân ca cổ truyền của người Pa Kôh, được xem các đội văn nghệ U.70 nhảy múa đánh cồng chiêng, xem các mẹ các chị dệt thổ cẩm. Với tấm lòng hiếu khách vốn có của mình, dân bản còn đãi du khách những vò rượu cần, ống cơm lam đặc sản.

Sau nhiều năm chiến đấu bảo vệ quê hương, bây giờ các bố, các mẹ là cựu chiến binh đã yếu dần. Có được một cuộc sống mới no đủ hơn cũng xứng đáng với những gì mà họ từng cống hiến cho Tổ quốc

Triệu Phong
.
.
.