Bàn cờ thông minh của hai sinh viên mê cờ vua

Thứ Năm, 17/11/2005, 08:06

Là những người đam mê cờ vua nhưng thấy việc chơi cờ có quá nhiều rắc rối, nào là vừa đánh vừa ghi biên bản, vừa bấm đồng hồ tính giờ và rất khó lưu trữ những ván cờ hay nên hai anh chàng sinh viên Nguyễn Bình Phương và Võ Minh Nhựt bắt tay cùng sáng tạo ra bàn cờ thông minh - một sản phẩm có một không hai ở Việt Nam và đã đoạt giải nhất cuộc thi "Sinh viên sáng tạo".

Thuở nhỏ, cậu bé Nguyễn Bình Phương cũng tinh nghịch như bao đứa trẻ hiếu động khác, thích mày mò tìm hiểu những điều kỳ lạ của thế giới xung quanh. Trong nhà có bao nhiêu thiết bị điện tử đều bị anh chàng này mang ra... nghiên cứu! Cái tivi, chiếc quạt máy, radio... lần lượt bị “giải phẫu” để xem có gì trong đó. Nhưng khi lớn lên, cậu bé mê khoa học kỹ thuật ngày nào lại thích học các ngành du lịch, kinh tế hay ngoại ngữ hơn là điện tử. Sau khi đậu cả ba trường đại học, Phương định chọn ngành kinh tế nhưng gia đình muốn cậu con trai học điện tử - viễn thông để phát huy tính sáng tạo được ươm mầm từ bé. Không ngờ sau vài học kỳ tiếp xúc với các thiết bị điện tử và những kiến thức mới lạ khiến cho Phương cảm thấy tâm đắc với ngành học này.

Ngoài chuyện học, Phương rất mê môn cờ vua. Hầu như ngày nào Phương cũng đấu với đứa em trai Nguyễn Thanh Phương (VĐV năng khiếu cờ vua thành phố) vài ván cờ để thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Sau nhiều lần quan sát cậu em trai tập luyện bên bàn cờ, Phương bỗng nhận ra rằng cờ vua là môn thể thao quá phức tạp. Trong các trận đấu, người chơi không thể hoàn toàn tập trung vào diễn biến của ván cờ cũng như có rất ít thời gian suy nghĩ những nước cờ tiếp theo vì cứ phải ghi ghi chép chép vào biên bản, rồi khi thi đấu cứ canh đồng hồ hoặc nhờ một trọng tài ghi chép lại, tính chính xác đôi lúc không bảo đảm. Chỉ có một cách lưu lại thời gian suy nghĩ cho mỗi nước đi là các kỳ thủ phải tự bấm đồng hồ đặc chế của Liên đoàn Cờ vua thế giới FIDE, có giá khá cao. Trong các trận đấu quốc tế quan trọng, các thao tác này được thực hiện cùng với sự hỗ trợ của máy tính nên rất tốn kém.

Làm thế nào để khắc phục những hạn chế đó? Máu mê cờ vua khiến anh chàng sinh viên này cứ mãi trăn trở về việc chế tạo một bàn cờ tự động có khả năng xử lý giúp các kỳ thủ toàn tâm toàn ý sáng tạo ra các nước cờ hay mà không phải bận tâm đến các dữ liệu khác...

Công nghệ cao “made in… sinh viên”

Chàng sinh viên năm thứ 4 Trường ĐHBK Tp.HCM Nguyễn Bình Phương mang ý tưởng trao đổi ngay với người bạn thân cùng lớp Võ Minh Nhựt. Họ đã bỏ ra hai tháng trời mày mò, nghiên cứu các sách luật cờ vua, mỗi ngày ra khu “chợ trời” Nhật Tảo “săn” linh kiện... Sau bao nỗ lực tìm tòi, cuối cùng bàn cờ thông minh được ra đời mà tổng chi phí chỉ khoảng 200.000 đồng - một cái giá rẻ hơn nhiều lần một bàn cờ kỹ thuật số cao cấp do châu Âu sản xuất đang được sử dụng hiện nay tại các giải cờ đỉnh cao.

“Khi bắt tay vào việc, cả hai chúng tôi quá say mê nghiên cứu đến độ thức trắng nhiều đêm để giải quyết những “nút thắt” về kỹ thuật... đến nỗi cả hai ngã lăn ra... vì kiệt sức! Nhưng tôi có được niềm an ủi là sản phẩm độc đáo của mình được đánh giá cao trong cuộc thi “Sinh viên sáng tạo” do Khoa Điện - Trường ĐHBK Tp.HCM tổ chức” - Phương kể.

Cấu tạo của bàn cờ thông minh này được tính toán thiết kế phần cứng và phần mềm bằng ngôn ngữ lập trình Assembler. Bàn cờ gồm hệ thống các khối vi điều khiển là thành phần điều khiển trung tâm và có nhiều chức năng tự động bấm giờ, nhận biết sự thay đổi từ các nước đi, xử lý, truyền dữ liệu ra màn hình tinh thể lỏng và lưu dữ liệu. Ngoài ra, bàn cờ còn có thể tự cảm biến, nhận ra sự thay đổi vị trí các quân cờ và truyền dữ liệu đến màn hình hiển thị các nước đi gần nhất của người chơi. Khối bàn phím hỗ trợ có nhiệm vụ làm những thao tác phụ mà chương trình không thể đáp ứng được. Khi bắt đầu, chương trình xử lý liên tục quét bàn cờ để phát hiện sự thay đổi vị trí của một quân cờ bất kỳ trên bàn cờ. Nếu muốn kết thúc ván đấu, người chơi sẽ ấn công tắc thì màn hình sẽ hiển thị các trường hợp để ta lựa chọn: tiếp tục, kết thúc hay chơi ván mới. 

Nhìn chung, bàn cờ của hai sinh viên mê khoa học này có những chức năng thông minh ghi nhận dữ liệu như mong muốn ban đầu. Giới chuyên môn trong làng cờ đều tỏ ra bất ngờ trước ý tưởng táo bạo của Phương và Nhựt. “Dẫu thế, sản phẩm còn có một số hạn chế về thiết bị, công nghệ và chúng tôi đang cố gắng tìm ra!” - Võ Minh Nhựt cho biết. Trong lúc đang lúng túng thì được một dịp may mắn, cả hai được tận mắt quan sát một bàn cờ kỹ thuật số do Đức sản xuất có giá trên 1.000 USD (ở Việt Nam hiện nay có hai bàn loại này và chỉ dành cho các thành viên Đội tuyển quốc gia cờ vua tập luyện), và họ rút ra được nhiều kinh nghiệm cho sản phẩm “Made in... sinh viên” của mình. Do chưa cài đặt các thiết bị mã hóa các quân cờ nên bàn cờ không thể phân tích ván đấu và phải xếp đủ quân ra bàn thì máy mới hoạt động...

Tìm ra được nguyên nhân nhưng hầu như cả hai không đủ điều kiện để khắc phục những hạn chế trên sản phẩm đã tạo ra bởi nếu muốn hoàn thiện thì phải có công nghệ cao mà ở Việt Nam hầu như không có thiết bị. Chưa kể công nghệ kỹ thuật số đòi hỏi phải có kinh phí khá lớn để đầu tư! Không chịu bó tay, Phương và Nhựt âm thầm kêu gọi tài trợ, mặt khác liên lạc tìm thiết bị tương ứng ở nước ngoài.

“Nếu hoàn chỉnh thì điều này sẽ giúp phong trào luyện tập cờ vua ở Việt Nam phát triển bởi ai cũng có thể tiếp cận bàn cờ thông minh với giá rẻ” - Huấn luyện viên bộ môn cờ Hoàng Đình Hồng nhận xét. Riêng "hai nhà khoa học" sinh viên hạ quyết tâm: “Đề tài nghiên cứu của chúng tôi có hướng việc kết nối máy tính giúp cho việc lưu trữ thông tin dễ dàng hơn. Nếu tìm được nguồn kinh phí nghiên cứu như dự kiến thì sẽ không bao lâu nữa chúng tôi sẽ tìm ra một nguyên lý hoạt động khác cho bàn cờ, đảm bảo là công nghệ 100% Việt Nam không “đụng hàng” với các sản phẩm trước đó của nước ngoài và có thể tạo ra bàn cờ tương tự cho các môn cờ khác!”

L.H.P
.
.
.