Bám biển để… bắt buôn lậu

Thứ Bảy, 29/04/2017, 14:46
Khi đến đảo Cô Tô, vì không để bị lộ, tàu của Hải đội 1 lại phải tìm cách neo đậu ở những vị trí an toàn bên sườn núi. 1 ngày, 2 ngày, rồi 3 ngày trôi qua, biển vẫn động, sóng vẫn gầm gào. Gần như cả đoàn công tác đều mệt lử. Nhưng đến ngày thứ 4, khi biển êm dần, trời hửng, thông tin cho biết chiếc tàu nghi vấn đã xuất hiện, tất cả anh em đều bật dậy, sẵn sàng làm nhiệm vụ...


Bắt buôn lậu trong bão táp

Cơn gió mùa đông bắc tràn về. Khi các tàu thuyền nhanh chóng tìm nơi neo đậu an toàn thì chiếc tàu của Hải đội 1 thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan lại lên đường, nhằm hướng đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Trên tàu có tổ công tác gồm 5 trinh sát của Phòng phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu tuyến đường thủy (Phòng 3) - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74).

Không phải các anh không biết về dự báo thời tiết, nhưng theo tài liệu trinh sát, đó là thời điểm mà các đối tượng sẽ di chuyển tàu chở số lượng lớn dầu DO buôn lậu về đổ cho các tàu nhỏ khác ở khu vực đảo Cô Tô. Nếu không ra khơi vào thời điểm đó thì rất có thể, các đối tượng sẽ nhanh chóng giao hàng và tẩu tán, kế hoạch đánh án sẽ thất bại.

Biển động, gió cấp 7, cấp 8, chiếc tàu của Hải đội 1 đơn độc cố gồng mình lao về phía trước. Những cơn sóng khổng lồ nhiều lúc như nuốt chửng cả thân tàu. “Có những lúc, sóng lớn hất tung chúng tôi rơi không trọng lượng từ đầu tàu xuống thân tàu. Ngay cả những thủy thủ và thuyền trưởng vốn quen sóng nước cũng phải buộc khăn xô ở cổ vì nhiều lúc vừa phải điều khiển vừa nôn thốc nôn tháo”-  Thiếu tá Đinh Ngọc Hà, trinh sát Phòng 3, bồi hồi kể lại chuyến đi bão táp ấy.

Vì di chuyển trên biển không được bật đèn, biển động khó định hướng nên đáng nhẽ chỉ mất 3 tiếng đi từ bờ ra khu vực đảo Cô Tô thì họ bị lạc hướng, phải mất đến 9 tiếng mới đến được vị trí đã định. Có những lúc con tàu tưởng bị nhấn chìm xuống biển sâu, Thiếu úy Bùi Hoàng Hải, cán bộ trẻ nhất của tổ công tác buột miệng: “Không biết em còn có thể trở về gặp con không nữa?”.

Khi đến đảo Cô Tô, vì không để bị lộ, tàu của Hải đội 1 lại phải tìm cách neo đậu ở những vị trí an toàn bên sườn núi. 1 ngày, 2 ngày, rồi 3 ngày trôi qua, biển vẫn động, sóng vẫn gầm gào. Gần như cả đoàn công tác đều mệt lử. Nhưng đến ngày thứ 4, khi biển êm dần, trời hửng, thông tin cho biết chiếc tàu nghi vấn đã xuất hiện, tất cả anh em đều bật dậy, sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Hơn 5 tấn ngà voi giấu trong các khối đá được thu giữ tại khu vực cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) tháng 8-2015.

Khi xác định được chiếc tàu HP-3931 đang bơm nhiên liệu (dầu DO) cho tàu cá số hiệu HP 90011, chiếc tàu của Hải đội 1 lập tức áp sát, các trinh sát nhanh nhẹn nhảy sang tàu bên để tiến hành kiểm tra và thu giữ các giấy tờ liên quan. Lúc đầu, thuyền trưởng Vũ Đình Chắn và các thủy thủ khai không biết gì về số dầu trên tàu, chỉ làm thuê cho ông chủ, đồng thời xuất trình những hóa đơn cũ dùng để quay vòng, hợp lý hóa những lô dầu buôn lậu trên biển.

Với các chứng cứ thu thập được, cùng với công tác đấu tranh, tổ công tác đã buộc thuyền trưởng phải thừa nhận các sai phạm bước đầu như: tàu HP- 3131 không có giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu và lô hàng hơn 60 nghìn lít dầu DO không có giấy tờ về nguồn gốc, xuất xứ. Tiếp tục đấu tranh, các đối tượng đã buộc khai nhận mua dầu không rõ nguồn gốc ở khu vực giáp ranh với phao số 0, để đưa về bán cho các tàu nhỏ ở khu vực.

Còn nhớ những ngày tháng 8-2015, tôi nhận được điện thoại của lãnh đạo Cục C74 yêu cầu cho phóng viên đi theo đơn vị bắt một vụ buôn lậu lớn. “Ở đâu? Vụ gì?”- được lãnh đạo C74 bí mật tuyệt đối. Một phóng viên nam của Ban Thời sự- Chính trị- Nghiệp vụ được cử theo chân các lực lượng của Phòng 3-C74. “Em được bay vào Đà Nẵng, nhưng mấy ngày chỉ ở trong phòng khách sạn. Đến bữa ăn cơm hộp. Vẫn chưa biết đánh buôn lậu ở đâu chị ạ”- phóng viên báo cáo về.

Sau này, chúng tôi biết rằng, chính nhờ yếu tố bí mật tuyệt đối ấy đã đem lại thành công cho chuyên án bắt giữ 593kg ngà voi và 142kg sừng tê giác tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) của đơn vị. Doanh nghiệp nhận hàng về là Công ty TNHH Vạn An, địa chỉ tại lô 2-A10.2, đường 2/9, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng mở tờ khai Hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Đà Nẵng với mặt hàng “Đá cẩm thạch dạng khối, đá thô, chỉ cắt cạnh, chưa đánh bóng. Hàng mới 100%”.

Để đối tượng không thể tìm cách đối phó, dù 2 container nghi vấn đã cập cảng Tiên Sa, song tổ công tác của Phòng 3 phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan vẫn giữ bí mật tuyệt đối. Không nghi ngờ, doanh nghiệp đã mở tờ khai Hải quan, cho nhân viên đến hãng tàu làm thủ tục lấy lệnh và thanh toán cước phí liên quan đến lô hàng…

Khi thấy Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng tạm dừng hàng hóa qua khu vực giám sát đối với lô hàng, doanh nghiệp Vạn An đã vội vàng xin hủy tờ khai với lý do đối tác nước ngoài giao nhầm hàng. Tuy nhiên, động thái đó đã quá muộn khi các chứng cứ được tổ công tác thu thập đầy đủ.

Mặc dù đã có thông tin trinh sát chắc chắn về lô hàng cấm nằm trong 2 container nói trên nhưng khi Cục Điều tra chống buôn lậu cho ký lệnh khám xét, các trinh sát Phòng 3 cũng bị “cân não” khi khám hàng hóa trong container. Khi cho cả 2 container qua máy soi chiếu của hải quan, không phát hiện thấy nghi vấn. Mở container đầu tiên để khám trực tiếp, vẫn không thấy hàng cấm. Có ý kiến “Hay nhầm?”, nhưng tổ công tác kiên định khám tiếp container thứ 2.

“Quả như nhận định của chúng tôi, có 6/16 kiện chứa đá dạng cục có dấu hiệu nghi vấn. Kiểm tra 6 kiện trên thì phát hiện mỗi kiện có 2 khối đá lạ được xếp giữa các khối đá khác. Các khối đá này nhẵn nhụi, tròn trịa, nhìn không tự nhiên như các khối đá còn lại”- Đại tá Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng 3 kể lại giây phút khám xét hồi hộp ấy.

Khi tổ công tác cho đập 12 khối đá nghi vấn trên ra thì bên trong là một số lượng lớn ngà voi và sừng tê giác được bọc trong các lớp giấy bạc. Cả tổ công tác và những người có mặt tại thời điểm khám xét đều thở phào. Công sức của các lực lượng chức năng đã không uổng phí, dù thủ đoạn phạm tội của các đối tượng cực kỳ tinh vi.

Vượt sóng, vững tay chèo

Theo Cục C74, thủ đoạn buôn lậu trên biển của các đối tượng rất tinh vi và độ ẩn cao. Chúng thường lợi dụng sơ hở trong cơ chế chính sách, nhất là về kinh tế thương mại, hợp đồng kinh doanh, mua bán, vận chuyển hàng hóa trên biển; lợi dụng những bất cập trong một số văn bản quy phạm pháp luật, sự sơ hở trong tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Chúng luôn tìm cách câu móc với cán bộ của lực lượng chức năng ở cảng biển, cửa khẩu để hoạt động buôn lậu.

Thiếu tướng Ngô Kiên, Cục trưởng Cục C74 cho biết, năm 2017, tuyến biển được xác định vẫn là trận tuyến nóng bỏng của buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả. Quán triệt nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch công tác của Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát, C74 đề ra chủ đề hành động “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương và tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản”, đã xây dựng và đang triển khai kế hoạch thực hiện “Năm công tác nghiệp vụ cơ bản” với quyết tâm cao nhất.

Lực lượng Cảnh sát biển thu giữ một vụ vận chuyển thuốc lá lậu.

Theo đó, tiến hành phân công lại địa bàn cho các đơn vị nghiệp vụ trinh sát, phối hợp với các lực lượng khác xác định rõ địa bàn trọng điểm ở từng thời điểm, trên từng địa bàn gắn với từng loại hàng hóa để tập trung công tác nghiệp vụ và tổ chức đấu tranh hiệu quả.

Với những nỗ lực và quyết tâm của toàn lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu, chúng tôi luôn tin rằng, thời gian tới họ sẽ tiếp tục vượt sóng, vững tay chèo, lập thêm nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng với sự kỳ vọng, tin tưởng của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và các tầng lớp nhân dân về sự ra đời, hoạt động của lực lượng mũi nhọn, “quả đấm thép” trong cuộc đấu tranh phòng chống loại tội phạm này.    

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về lực lượng, phương tiện, trong điều kiện môi trường công tác đặc thù, các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, song các lực lượng chức năng làm công tác đấu tranh với tội phạm trên tuyến biển đã có nhiều cố gắng vượt bậc, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trung bình hằng năm, trên tuyến này, các lực lượng đã phát hiện, bắt giữ khoảng 2.000 đến 3.000 vụ buôn lậu, giá trị hàng hóa vi phạm hàng ngàn tỷ đồng. Riêng C74, từ khi thành lập (tháng 6-2015) đến nay, đã phát hiện, phối hợp bắt giữ 41 vụ, giá trị hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 100 tỷ đồng, cùng hàng chục tấn ngà voi, vảy tê tê do là mặt hàng cấm nên không định giá được.

Hòa Thủy
.
.
.