Từ sự cố ở Trung tâm GDLĐXH Hải Phòng:

Bài học về quản lý học viên cai nghiện ma túy

Thứ Năm, 05/05/2005, 07:15

10h đêm 27/4, tất cả 856 học viên cai nghiện ở Trung tâm giáo dục lao động xã hội Hải Phòng phá cổng, đồng loạt rời Trung tâm. Đâu là nguyên nhân và bài học nào rút ra từ sự cố đáng tiếc này?

Ngay từ năm 1998, Hải Phòng đã có 4.006 người nghiện ma tuý. Dù ngay năm đó, HĐND thành phố đã triệu tập một kỳ họp bất thường và thông qua Nghị quyết số 24 chuyên đề về phòng chống ma tuý và từ đó tới nay nhiều biện pháp đã được triển khai nhưng số người nghiện không những không giảm mà ngược lại, còn tăng thêm. Đến nay, số người nghiện là hơn 6.000.

Ma tuý đã trở thành nỗi đau không chỉ của riêng những gia đình có con em mắc nghiện mà còn là nỗi bức xúc chung của cả thành phố. Trong khi đó, Hải Phòng chỉ có duy nhất một nơi cai nghiện là Trung tâm 06 với quy mô rất nhỏ hẹp, chỉ có thể tiếp nhận tối đa 200 người.

Thừa lòng nhiệt huyết…

Trước tình hình đó, Tổng đội thanh niên xung phong Hải Phòng đã khảo sát, lập Đề án xây dựng Trung tâm giáo dục lao động xã hội (GDLĐXH) là nơi cai nghiện ma tuý, đồng thời tổ chức lao động sau cai nhằm hỗ trợ những nạn nhân có thể tái hoà nhập cộng đồng. Khi Đề án này được trình, nhân dân Hải Phòng vô cùng phấn khởi. Dù ngân sách còn eo hẹp nhưng tại kỳ họp cuối năm 2003, các đại biểu HĐND thành phố thống nhất rất cao với đề xuất khẩn cấp bố trí nguồn vốn 91 tỷ đồng để thực hiện Đề án.

Ngày 4/1/2004, Trung tâm GDLĐXH đã được khởi công xây dựng trên mặt bằng 70ha tại xã Gia Minh, huyện Thuỷ Nguyên. Với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, chỉ 5 tháng sau đó, 13 hạng mục của công trình đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trong khi các hạng mục khác vẫn đang khẩn trương thi công, ngày 28/5/2004, lớp học viên đầu tiên đã được tiếp nhận và đến đầu năm 2005, số học viên cai nghiện ở đây đã lên tới con số 856 người.

Đến nay, 6 khu nhà khang trang với đầy đủ trang thiết bị gồm khu điều hành và 5 khu nhà của 5 đội học viên đã được hoàn tất chuẩn bị làm lễ khánh thành chính thức. Đây cũng là một trong 13 công trình trọng điểm của thành phố chào mừng 50 năm ngày Hải Phòng giải phóng (13/5/1955 – 13/5/2005). Thế nhưng...

… Thiếu kinh nghiệm quản lý

Tổ chức bộ máy của Trung tâm gồm 150 cán bộ đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng đội thanh niên xung phong Hải Phòng. Từ Giám đốc Vũ Văn Thắng đến lãnh đạo và cán bộ các phòng ban đều là những người vốn chỉ quen với công tác phong trào thanh niên, chưa có kinh nghiệm quản lý học viên cai nghiện, trong khi 856 học viên cai nghiện ở đây có tới trên 60% có tiền án, tiền sự lại mắc các bệnh xã hội khác. Do vậy, quản lý các đối tượng này là công việc vô cùng khó khăn.

Trước khó khăn này, Giám đốc Vũ Văn Thắng lại có một cách giải quyết rất khó chấp nhận. Nghe theo một "quân sư", Giám đốc quyết định áp dụng phương pháp "lấy độc trị độc". Tất cả 856 học viên được phân thành 5 đội, mỗi đội có một ban quản lý gồm 5 cán bộ. Thế nhưng, trên thực tế, chi phối mọi sinh hoạt của các học viên trong mỗi đội lại là "Ban thi đua" với thành phần là các tay "anh chị" cộm cán, nhiều tiền án, tiền sự. Quà hàng của gia đình các học viên gửi vào đều phải nộp về "Ban thi đua". Nạn đầu gấu, xô xát liên tục xảy ra. Nhiều vụ dẫn đến thương tích nghiêm trọng.

Khi nhìn rõ hậu quả tai hại mà các "Ban thi đua" này gây ra, Giám đốc Trung tâm Vũ Văn Thắng muốn chấn chỉnh, nhưng tất cả đã quá muộn. Sau vụ xô xát xảy ra sáng 26/4, đêm hôm sau, tất cả các học viên nhất tề phá cổng, rời bỏ Trung tâm.

Ngày 29/4, Giám đốc Trung tâm Vũ Văn Thắng cùng 9 cán bộ khác đã bị đình chỉ chức vụ.  Quản lý, điều hành Trung tâm hiện nay do Tổng đội thanh niên xung phong thành phố trực tiếp đảm trách. Nhân dân Hải Phòng rất mong Tổng đội thanh niên xung phong cần phải đặc biệt tranh thủ sự phối hợp của các cơ quan quản lý chuyên ngành như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, nhất là lực lượng Công an sở tại trong quản lý học viên, giữ gìn ANTT tại Trung tâm.

Ngày 2/5, có mặt tại Trung tâm, chúng tôi được biết, những hư hại về tài sản trong sự cố đêm 27/4 không lớn. Các học viên có phá cửa, phá cổng nhưng nhiều tài sản có giá trị vẫn nguyên vẹn. Tiếp xúc với một số học viên, chúng tôi biết thêm, rất nhiều học viên rời bỏ Trung tâm là do họ bị ép buộc bởi những kẻ "đầu gấu" trong đội. Đến nay, đã có 108 học viên tự nguyện trở lại và được bố trí tại Đội 4. Mọi sinh hoạt ở Trung tâm đang dần dần trở lại. Hy vọng, tất cả những gì đã xảy ra sẽ nhanh chóng được khắc phục để Trung tâm GDLĐXH Hải Phòng thực sự là một địa chỉ tin cậy của những người trót sa vào vũng bùn nghiện ngập

Phan Anh Cường
.
.
.