Bài học đắt giá cho sự thiếu hiểu biết

Thứ Ba, 23/08/2011, 10:59
Đặt bút ký hợp đồng xuất khẩu lao động nhưng không biết tên công ty chủ quản, không được đào tạo nghề, chỉ học tiếng "siêu tốc" trong vòng 1h đồng hồ… hơn mười lao động đến từ  tỉnh Nghệ An đã phải trở về nước vỏn vẹn sau 2 tháng làm việc do visa hết hạn. Đi xuất khẩu lao động nhưng lại là đi… du lịch. Sự tráo trở này khiến cho ước mơ đổi đời của các nông dân đối mặt với nợ nần.

Người nghèo bỏ tiền… đi du lịch

Bức xúc vì bị lừa gạt, các lao động ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đã tới Báo CAND gửi đơn tố cáo. Trong đơn gửi Báo CAND, anh Lê Công Minh, trú tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An phản ánh: "Vào đầu tháng 5/2011, tôi đọc được một mẩu quảng cáo trên Internet về việc tuyển dụng người lao động đi Trung Quốc làm công nhân của một công ty sản xuất lốp ôtô. Nhận thấy mức lương khá phù hợp, chi phí ban đầu cũng không cao, tôi rủ thêm bạn bè cùng làm hồ sơ, vay mượn tiền để mang đến địa chỉ ghi ở trên mạng là số 9 ngách 111/ 24 đường Kim Đồng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tại đây tôi gặp một phụ nữ tên là Phương Anh, tự nhận là nhân viên một công ty có chức năng tuyển dụng lao động xuất khẩu đi Trung Quốc. Sau khi đóng số tiền chi phí xuất khẩu lao động là 800 USD, tôi cùng 3 người bạn được ký vào một bản hợp đồng, trong hợp đồng ghi rõ mức lương chúng tôi được nhận là 2.200 nhân dân tệ/tháng, thời gian đi xuất khẩu lao động là 2 năm (có thể gia hạn thêm 1 năm). Ký xong, chị Phương Anh đã thu lại tất cả hợp đồng với lý do "để đưa sang bên kia".

Các nạn nhân trở về từ Trung Quốc tìm đến văn phòng tại số 9 ngõ 24/111 đường Kim Đồng để đòi tiền đền bù.

Tin tưởng chị Phương Anh, chúng tôi không hề nghi ngờ gì. Vì thế, việc xuất khẩu lao động của chúng tôi do công ty nào thực hiện, chúng tôi không hề biết. Sau đó, chúng tôi được học tiếng Trung Quốc trong vòng 1h. Đến ngày 23/5, tôi cùng hơn chục người được dẫn qua cửa khẩu Lạng Sơn và đáp chuyến bay đến TP Thượng Hải, Trung Quốc. Tại đây, không giống như quảng cáo là được đi làm công nhân nhà máy sản xuất lốp ôtô, chúng tôi phải đi đào đất, làm sơn, bốc hàng, xây nhà…

Khoảng 1 tháng sau thì chúng tôi mới được vào công ty sản xuất lốp ôtô. Làm việc ở đây được 1 tháng thì chúng tôi nhận được yêu cầu phải đi gia hạn thêm visa vì visa của chúng tôi đã hết hạn. Đến lúc này chúng tôi mới ngã ngửa là visa của mình chỉ là visa du lịch với thời hạn 2 tháng. Chúng tôi buộc phải về nước vì chẳng còn cách nào khác".

Gặp phải cú sốc này, các lao động đã kéo đến địa chỉ nơi đưa mình đi xuất khẩu lao động để "làm cho ra nhẽ". Nhưng những nông dân trắng tay sau giấc mộng đổi đời đã vô cùng bức xúc khi nhận được sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm từ những người môi giới.

Anh Minh cho biết: "Chị Phương Anh trả lời chúng tôi rằng số tiền 800 USD đã chi hết vào tiền vé máy bay, tiền ăn ở… của từng người. Còn việc phải về nước sớm thì phải chờ giải quyết sau. Chúng tôi đều là nông dân, nợ nần chồng chất, đi từ Nghệ An ra Hà Nội vài lần, chi phí tốn kém, không biết phải đợi đến bao giờ".

Cần làm rõ trách nhiệm của người môi giới      

Đưa người đi xuất khẩu lao động nhưng thực chất lại làm visa du lịch, sau đó để họ làm việc ở nước ngoài, hết thời hạn visa buộc phải về nước đã khiến cho nhiều nông dân "sống dở, chết dở".

Trong số hơn chục lao động cùng đi sang Trung Quốc phải trở về nước mà chúng tôi gặp sáng 18/8 tại Trung tâm đào tạo nhân lực quốc tế số 1 - cơ sở 2 ở số 9 ngõ 24/111 Kim Đồng phần lớn đều thuộc diện khó khăn. Họ chầu chực ở đây đã nhiều ngày với mong muốn được phía công ty giải quyết bồi thường chi phí đã đóng. Nhưng đi lại nhiều ngày, kết quả họ nhận được là con số 0.

Ngày 18/8, làm việc với chúng tôi tại trụ sở Trung tâm tại số 9 ngõ 24/111 đường Kim Đồng, thuộc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thương mại hợp tác nhân lực quốc tế Việt Nam (Vinaincomex), bà Lê Thị Phương Anh đã chối rằng mình không biết các lao động này và không hề ký hợp đồng, nhận tiền đưa các lao động đi Trung Quốc.

Sau khi đối chất, bà Phương Anh thừa nhận đã làm giúp visa cho 4 lao động đi Trung Quốc vì một người bạn nhờ. Còn 8 lao động khác là do Công ty Việt Tín ở Nghệ An làm môi giới, bà không thu tiền. Tuy nhiên, ngay chiều hôm đó, bà Phương Anh đã đứng ra trả lại chi phí cho 4 lao động, mỗi người là 680 USD.

Tại buổi làm việc tiếp theo giữa bà Phương Anh với phóng viên Báo CAND, bà Phương Anh nhận mình là người môi giới cho 4 lao động ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đi xuất khẩu lao động tại Trung Quốc và thu của mỗi người 800 USD, còn người làm visa và lo thủ tục là một người khác(?). Cách trả lời không rõ ràng, mâu thuẫn của bà Phương Anh trong việc đưa lao động đi nước ngoài cuối cùng đều đổ cho mình bị "người khác lừa".

Theo đại diện Công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội thì hiện nay Công an phường chưa nhận được đơn của người lao động liên quan đến việc đi xuất khẩu lao động Trung Quốc. Còn địa chỉ số 9 ngách 111/24 hiện đang được Công ty Vinaincomex thuê làm văn phòng và bà Lê Thị Phương Anh là nhân viên quản lý văn phòng.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công ty Vinaincomex cho biết: Công ty hiện không có thị trường xuất khẩu lao động sang Trung Quốc. Việc bà Lê Thị Phương Anh, nhân viên công ty tham gia hoạt động đưa người lao động đi Trung Quốc, công ty không hề biết do hoạt động này diễn ra trước thời điểm bà Phương Anh được tuyển dụng vào công ty.

Như vậy là đã rõ. Không có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động ở Trung Quốc, nhưng bà Phương Anh đã tự ý môi giới, đứng ra thu tiền của lao động, rồi làm visa cho họ đi… du lịch.

Việc làm vi phạm của bà Phương Anh cần sớm được cơ quan chức năng làm sáng tỏ. Đây cũng thêm một bài học cho những nông dân đang có ước mơ đổi đời, hãy tìm đến những công ty có giấy phép và chức năng đi xuất khẩu lao động để ký kết hợp đồng

Nhóm PVPL
.
.
.