Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý:

Bài cuối: Việt Nam là nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa

Thứ Năm, 14/05/2015, 08:17
Bất chấp những lời vu cáo và những thông tin bịa đặt, sai sự thật mà truyền thông Trung Quốc rêu rao, cộng đồng quốc tế đặc biệt là giới chính khách và học giả đều khẳng định rằng, Việt Nam là nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền Hoàng Sa và chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa cũng có từ rất lâu.
>> Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý

Điều này được thể hiện rõ trong các tài liệu lịch sử Việt Nam và đã được nữ GS công pháp quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ Pháp, bà Monique Chemillier-Gendreau khẳng định trong cuốn “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Những đội Hoàng Sa và Bắc Hải

Mặc dù ở trong hoàn cảnh chiến tranh liên tục, nhiều thư tịch cổ bị mất mát hoặc thất lạc, song đến nay, Việt Nam vẫn thu thập được nhiều bằng chứng lịch sử quan trọng, phong phú, khẳng định chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các bản đồ Việt Nam thế kỷ XVII còn gọi hai quần đảo này bằng cái tên Bãi Cát Vàng và ghi vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi. 

Nhiều tài liệu cổ của Việt Nam như Toàn Tập Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư (thế kỷ XVII), Phủ Biên Tạp Lục (1776); Giáp Ngọ Bình Nam Đồ (1774); Đại Nam Nhất Thống toàn đồ (1838); Đại Nam Thực Lục Tiền Biên và Chính Biên (1844 - 1848), Đại Nam nhất thống chí (1865-1875), các Châu bản nhà Nguyễn (1802-1945)... cũng đều nói về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như là Bãi Cát Vàng vạn dặm trên Biển Đông và việc Nhà nước cử đội Hoàng Sa ra khai thác các quần đảo này. 

GS Monique Chemillier-Gendreau viết: Một số tài liệu này mang dấu ấn của nhà vua hoặc có những lời phê bằng mực son, chứng tỏ đó là bút tích của nhà vua. Từ đó có thể thấy với độ chính xác cao rằng các hoàng đế Việt Nam đã luôn theo đuổi việc tổ chức (đã được nói đến trong cuốn sách năm 1776) một đội khai thác kinh tế biển và thăm dò các quần đảo. Các biện pháp này thuộc một chính sách quốc gia chú trọng tới các lợi ích biển. Do sự khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới, các đảo nhỏ không thích hợp cho nông nghiệp. Một số đảo có phân chim bao phủ nhưng việc sử dụng nguồn phân này chỉ bắt đầu từ thế kỷ XX.

Bản dập mộc bản ghi việc vua Minh Mệnh giúp thuyền buôn phương Tây bị mắc cạn ở Hoàng Sa năm 1836. 

Trong “Đại Nam nhất thống chí”, các nhà biên niên sử của thế kỷ XIX cho biết, ở đây có các tài nguyên là hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, ba ba và các hàng hóa đồ vật của các tàu bị đắm”.Theo các nhà sử học trong và ngoài nước, Việt Nam còn có cả hình thức độc đáo khi xác lập và thực thi chủ quyền ở các vùng quần đảo ngoài Biển Đông trong thế kỷ XVII - XVIII. Đó là những đội Hoàng Sa và Bắc Hải. 

Cuốn sách xưa nhất và ghi chép khá đầy đủ, cụ thể về các đội Hoàng Sa, Bắc Hải là Phủ Biên Tạp Lục của nhà bác học Lê Quý Đôn viết vào năm 1776. Sách viết: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. 

Lấy được hoá vật của tàu, như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về… 

Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản…”. 

Toàn tập An Nam lộ của Đỗ Bá Công Đạo soạn năm 1686, phần bản đồ phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi phía ngoài biển thì có vẽ Bãi Cát Vàng và ghi chú rõ mỗi năm đến tháng cuối đông chúa Nguyễn đưa 18 chiếc thuyền đến đó nhặt vàng bạc.

Bản tấu của Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng Nguyễn Văn Ngữ về tình hình cứu nạn thuyền buôn Pháp bị mắc cạn ở Hoàng Sa năm Minh Mệnh thứ 11 (1830). (ảnh: VGP).

Đặc biệt, các Châu bản triều Nguyễn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương hồi tháng 5 năm ngoái cũng đã khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Hơn 700 Châu bản này là loại văn bản hành chính của vương triều Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1945. 

Trong 19 Châu bản triều Nguyễn có nội dung về Hoàng Sa và Trường Sa, có 14 văn bản đề có bút phê của các vua triều Nguyễn về việc nhà vua cử các đội ra Hoàng Sa để thăm dò hoặc phê chuẩn thưởng/phạt trong việc bảo vệ Hoàng Sa-Trường Sa. Cụ thể, Châu bản ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (năm 1847) do Bộ Công trình tấu và có bút phê của nhà vua. 

Trong đó có nêu rõ: “Chiểu theo lệ, xứ Hoàng Sa là bờ cõi trên biển của nước ta, hàng năm có phái binh thuyền đến thăm dò để thuộc lộ trình đường biển”; Châu bản ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), Bộ Công có phúc trình: “Nay tiếp nhận công văn của Nội các vâng mệnh giao cho Bộ thần trong đó có Châu phê: Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền mang 10 mộc bài khắc sâu dòng chữ to: Minh Mệnh thập thất niên. Năm Bính Thân, các viên Cai đội thủy quân vâng mệnh đi Hoàng Sa khảo sát, đến đó thì cắm mốc đánh dấu”.

Sự tái khẳng định tại các hội nghị quốc tế

Thời kỳ lịch sử hiện đại, khi đô hộ Đông Dương, Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua việc cử tàu chiến tuần tiễu để đảm bảo an ninh, ngăn chặn buôn lậu, cho phép người Nhật khai thác phân chim trên đảo, cử tàu De Lanessan ra nghiên cứu hải dương, địa chất, sinh vật… 

Năm 1933, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định quy thuộc quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Pháp cũng tách quần đảo Hoàng Sa ra khỏi tỉnh Nam Nghĩa và đặt vào tỉnh Thừa Thiên và cho một đơn vị đóng quân ở đó. Sau khi trở lại Đông Dương, Pháp đã yêu cầu quân Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi các đảo mà họ đã chiếm đóng trái phép năm 1946 và Pháp đã cho quân thay thế quân Trung Quốc, xây dựng lại trạm khí tượng, đài vô tuyến. 

Tại Hội nghị San Francisco năm 1951, Trưởng đoàn Việt Nam, Thủ tướng quốc gia Việt Nam lúc đó Trần Văn Hữu đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp phải sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào. Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương được ký kết đã ghi nhận toàn bộ lãnh thổ Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở xuống, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. 

Năm 1956, Pháp chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và chính quyền này đã cho quân ra tiếp quản, tổ chức hai quần đảo về mặt hành chính (lập ở mỗi quần đảo một xã thuộc một huyện ở đất liền), xây các bia chủ quyền, duy trì các trạm khí tượng… Điều này được duy trì cho tới khi đất nước Việt Nam thống nhất vào năm 1975.

Tuy nhiên, lợi dụng tình hình rối ren khi Pháp rút khỏi Đông Dương theo Hiệp định Geneva năm 1954, Trung Quốc đã bí mật chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956 và bị chính quyền VNCH kịch liệt phản đối. Năm 1959 quân Trung Quốc giả làm ngư dân đổ bộ lên nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Quân đội VNCH đã phát hiện ngăn chặn và bắt giữ 82 "ngư dân” Trung Quốc. 

Sự thật lịch sử cho thấy, Trung Quốc đã hai lần sử dụng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa từ VNCH vào các năm 1956 và 1974, giết hại nhiều người Việt Nam trong trận chiến năm 1974. Việc sử dụng vũ lực để thôn tính lãnh thổ đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được thiết lập kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ II. 

Hành động bất hợp pháp này không thể mang đến cho Trung Quốc chủ quyền thực sự đối với quần đảo Hoàng Sa. Chính Trung Quốc đã xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam bằng việc đưa ra yêu sách chủ quyền bất hợp pháp đối với Hoàng Sa và chiếm đóng quần đảo này bằng vũ lực.

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.