Đừng để sự hy sinh của những nữ chiến sỹ điệp báo mãi lặng thầm

Bài cuối: Nỗi hàm oan mới hóa giải được nửa chừng

Thứ Bảy, 10/05/2014, 13:20
“Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1950), gia đình tôi có 3 người tham gia hoạt động cách mạng, trong đó có cô tôi là bà Nguyễn Thị Tí (Xề), là cán bộ điệp báo Công an quận Nam Sách. Cô dám hi sinh cả danh dự, lấy Tây làm nội ứng cho ta đánh đồn thắng lợi, bị nghi hàm oan làm tay sai cho giặc…”, đó là một đoạn trong lá đơn ông Nguyễn Xuân Thiệu, 67 tuổi, ở thôn Vũ Thượng, xã Ái Quốc, thành phố Hải Dương gửi đến Báo Công an nhân dân.
>> Bài 1: Chị Nguyệt trong bài "Căm thù"

Lời mở đầu lá đơn đặc biệt gây chú ý với tôi, nhất là chi tiết bà Nguyễn Thị Tí (Xề) từng là cán bộ điệp báo Công an tỉnh Nam Sách. Tôi thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên khi đất nước hoà bình, biết đến những chiến công hiển hách của cha ông ta qua những trang sách. Nhưng tôi lại có may mắn khi có cơ hội tiếp xúc với một số người đã kinh qua những tháng năm “ăn cơm vắt, ngủ rừng” để cùng cả dân tộc bừng sáng trong ngày đại thắng. Công việc làm báo còn giúp tôi được tiếp cận những tư liệu, được tham gia vào việc đi tìm những chứng nhân để chứng minh cho sự chuẩn xác của câu chuyện đã thuộc vào quá khứ.

Việc tìm kiếm, gặp gỡ những đồng đội cùng tham gia hoạt động với nữ điệp báo Lê Thị Nguyệt – nhân vật trong bài “Căm thù” đăng trên Báo “Rèn luyện”, tiền thân của Báo Công an nhân dân là một điển hình. Thế nên, khi bắt gặp dòng chữ “nữ điệp báo Công an quận Nam Sách” trong lá đơn của ông Nguyễn Xuân Thiệu, tôi không thể đừng việc tìm hiểu về bà. Và rồi, tôi mải miết đọc báo cáo kết quả xác minh của Công an tỉnh Hải Dương từ 1998; liên hệ với Công an tỉnh Hải Dương ở thời điểm hiện tại; tìm đến cơ quan làm chế độ chính sách của Bộ Công an, Bộ Lao động  -Thương binh & Xã hội…

Giấy tờ liên quan đến việc kiến nghị kết quả xác minh về bà Nguyễn Thị Tí.

Đọc báo cáo xác minh của Công an tỉnh Hải Dương đề ngày 28/7/1998, tôi thấy rất rõ sự kỳ công mà những cán bộ Công an tỉnh này đã làm. Họ đã gặp những người hoạt động cách mạng từ trước năm 1950 ở địa phương, trong lực lượng Công an… để có câu trả lời đơn của ông Nguyễn Xuân Thiệu; để báo cáo UBND tỉnh Hải Dương những căn cứ để xác định, bà Nguyễn Thị Tí là một nữ điệp báo, một lòng phụng sự sự phân công của tổ chức, gắng hết sức  thi hành nhiệm vụ của một chiến sỹ cách mạng.

Bối cảnh năm 1945-1950 ở xã Ái Quốc được tái hiện qua tài liệu lịch sử, qua các nhân chứng mà các cán bộ Công an tỉnh Hải Dương tiếp cận. Xã Ái Quốc nằm ven quốc lộ 5A, thuộc phía Đông Nam cầu Phú Lương. Thời gian từ năm 1947-1950, xã này thuộc tỉnh Hồng Quảng (sau đó thuộc tỉnh Hải Dương). Trong những năm 1945-1950, xã Ái Quốc là vùng tề, bị giặc Pháp xây dựng nhiều đồn bốt để chiếm đóng, chúng liên tục về càn quét, bắt phu, bắt lính. Chính quyền cách mạng địa phương phải hoạt động bí mật. Trong thời kỳ này, Đảng bộ xã có 3 Chi bộ. Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, các tổ chức quần chúng xã Ái Quốc hoạt động rất tích cực như tổ chức hội thanh niên, đội du kích…, đã nhiều lần đấu tranh bảo vệ xóm làng chống địch càn quét, phá hoại.

Bà Nguyễn Thị Tý (tức Xề) là em của ông Nguyễn Văn Nguyên, con cụ Nguyễn Văn Duyện. Cụ Duyện sinh năm 1889, cụ có 5 người con (trong đó có ông Nguyên, bà Tý). Năm 1947, xã Ái Quốc lập tề, cụ Duyện được chính quyền cử vào ban cố vấn Hội tề (còn gọi là Ban hương chủ) thôn Vũ Thượng. Nhiệm vụ của Ban hương chủ là thay mặt nhân dân trong làng ngăn cản giặc Pháp mỗi khi chúng vào làng càn quét, bắt phu, bắt lính…

Ông Nguyên là con thứ 2 của cụ Duyện, tháng 8/1945 tham gia du kích. Đến năm 1947, ông được bầu là Thôn đội phó. Bà Tý là con gái út của cụ Duyện, sinh năm 1927. Năm 1947, bà tham gia công tác địch vận tại thôn Vũ Thượng. Tháng 12/1948, bà Tý được ông Vũ Đình Tăng, Công an quận Nam Sách tuyển chọn làm điệp báo viên.

Trong tổ điệp báo có 5 người gồm: Ông Vũ Đình Tăng - Tổ trưởng; ông Lê Văn Khoa; ông Đinh Kim Biên; bà Vũ Thị Hoan; bà Nguyễn Thị Tý. Nhiệm vụ của tổ điệp báo là nắm tình hình, thu thập tin tức từ trong vùng địch chuyển ra cho Công an quận, chuyển chỉ thị mệnh lệnh của Công an quận đến các cơ sở của ta trong huyện. Bà Tý được đồng chí Tăng giao nhiệm vụ đi sâu vào khu vực đóng quân của địch như các đồn Lai Khê, Vũ La, Vạn Tải dọc đường số 5 và vùng phụ cận Nam Sách để nắm tình hình trực tiếp, chuyển các tin tức thu được ở các cơ sở về Công an quận.

Qua công tác địch vận, bà Tý biết tên xếp bốt đồn Vạn Tải thích gái, bà đã báo cáo lên chỉ huy. Được sự chỉ đạo của Công an quận Nam Sách, bà vờ lấy tên xếp bốt để làm nội ứng. Khi lực lượng ta đánh chiếm đồn thu được thắng lợi. Sau trận này, bà được Ty Công an Hồng Quảng khen thưởng. Lần khác, bà cùng bà Hoan lọt vào thị trấn Nam Sách, bám sát bọn tay sai phản động ra chợ hoạt động. Bà Tý đã sử dụng lựu đạn trừng trị bọn tay sai giữa ban ngày làm cho một số tên bị thương vong.

Trong số những nhân chứng mà Công an tỉnh Hải Dương gặp để xác minh về hoàn cảnh, hoạt động cách mạng của bà Nguyễn Thị Tý có ông Vũ Đình Tăng, nguyên là cán bộ Công an quận Nam Sách, người trực tiếp tuyển bà vào Tổ điệp báo; ông Lê Văn Khoa, người cùng hoạt động trong tổ điệp báo với bà Tý cùng nhiều người từng là cán bộ Công an quận Nam Sách cùng hoạt động với bà thời kỳ trước năm 1950. Những cán bộ cùng hoạt động với bà Tý cùng nhận xét, lúc đó bà Tý là một thiếu nữ mới 20 tuổi, hoạt động thoát ly gia đình, năng nổ trong công tác, sẵn sàng làm bất cứ nhiệm vụ  gì được giao, dám hy sinh cả danh dự, tiết hạnh của mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Để làm tốt nhiệm vụ của một chiến sỹ điệp báo, bà Tý chấp nhận lấy Tây, chấp nhận mang tiếng xấu với dân làng. Cũng bởi hoạt động bí mật, lại thường xuyên ra vào đồn địch nên bà bị hiểu lầm là tay sai cho địch và bị thủ tiêu. Chiến công của bà thầm lặng, sự hy sinh của bà cũng thầm lặng. Ông Nguyễn Xuân Thiệu, cháu gọi bà bằng cô ruột đã nhiều năm liền gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị được minh oan cho bà.

Công an tỉnh Hải Dương đã nhiều lần cử cán bộ xác minh trường hợp của bà. Kết quả xác minh ngày 28/7/1998 của Công an tỉnh Hải Dương xác định, trong số những quần chúng hoạt động tích cực (thời kỳ trước năm 1950 ở xã Ái Quốc) có cụ Duyện, ông Nguyên, bà Tí). Trong đó, bà Tí còn thoát ly gia đình, tích cực công tác với lực lượng Công an quận Nam Sách. Trong những chiến công của Công an quận Nam Sách có sự tham gia tích cực của bà Tí.

Như vậy là đã rõ, nữ điệp báo Nguyễn Thị Tí đã sống, hoạt động cách mạng thời kỳ 1948-1950 như thế nào. Sau khi nhận được đơn của ông Nguyễn Xuân Thiệu, chúng tôi trao đổi với Công an tỉnh Hải Dương. Ngày 16/10/2013, Công an tỉnh Hải Dương có văn bản trả lời, “Căn cứ vào các tài liệu thu thập được có thể xác định, bà Nguyễn Thị Tí là người được tuyển chọn vào lực lượng Công an, hoạt động bí mật trong vùng địch bị chiếm đóng, có công trong cuộc kháng chiến chống Pháp song bị thủ tiêu oan. Bà Tí xứng đáng được khôi phục danh dự…”.

Mặc dù đã xác định bà Tí là một nữ chiến sỹ điệp báo nhưng đến nay, việc công nhận bà là liệt sỹ vẫn chưa được thực hiện. Về việc này, chúng tôi đã liên hệ với Cục Chính sách, Bộ Công an và được biết, cơ quan này đã hoàn thiện hồ sơ trình lên Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội. Liên hệ với Cục Chính sách người có công, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, chúng tôi được cơ quan này xác nhận đã nhận được hồ sơ từ Bộ Công an và đang xem xét. Hy vọng trong một thời gian không xa, sự hy sinh của bà Nguyễn Thị Tí sẽ được ghi nhận một cách xứng đáng

Cao Hồng
.
.
.