Người chiến sỹ an ninh hai lần ghép thuyền vượt ngục:

Bài cuối: Những chuỗi ngày ở 'địa ngục trần gian'…

Thứ Ba, 25/08/2015, 08:29
… “Tại Côn Đảo, tôi bị đưa vào Trại giam Phú Sơn. Đây có thể nói là trại giam khét tiếng dã man, tàn ác ở Côn Đảo. Các tù nhân mang án nặng đều bị chúng đưa về đây lao động khổ sai tại Sở Củi” - nhắc lại những chuỗi ngày đó, trong đôi mắt mờ đục của người chiến sỹ cách mạng ngấn lệ. Trong những ngày tháng gian khó đó, đòn roi của kẻ thù không thể quật ngã ý chí của người chiến sỹ an ninh Nguyễn Văn Hoạch  và những người đồng chí của mình.

Theo lời kể của ông Hoạch thì sau khi thoát án tử hình, ông cùng một số chiến sỹ cách mạng bị thực dân Pháp đưa lên các con tàu, chở ra Côn Đảo, ngày đó vẫn được ví như địa ngục trần gian, chỉ có đi mà không có ngày về… Tại Côn Đảo, ông Hoạch bị đưa vào trại giam Phú Sơn, đây là trại giam khét tiếng dã man, tàn ác.

Các tù nhân mang án nặng đều bị chúng đưa về đây lao động khổ sai tại Sở Củi. Hàng ngày, mỗi tù nhân phải mang 5 tấc củi về nộp. Từ tờ mờ sáng cho đến khi tối mịt, các ông phải leo lên núi, đốn cây làm củi. Các đối tượng quy định các mức cụ thể, nếu tù nhân không nộp đủ sẽ bị tra tấn một cách tàn bạo hoặc bị nhốt vào hầm tối.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, giữa làn roi của kẻ thù, ông Hoạch cùng những người cán bộ vẫn giữ tấm lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng. Đòn roi của kẻ thù không làm khuất phục ý chí cách mạng; điều đó như một luồng gió giúp người chiến sĩ an ninh như ông có thêm bản lĩnh.

Ông Hoạch kể: “Tại nhà tù Côn Đảo (năm 1953), tôi được Chấp hành tù Côn Đảo kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tôi và những cán bộ bị kẻ thù giam cầm ở đó, đây là niềm tự hào. Điều đó giúp chúng tôi có thêm sức mạnh, tiếp tục đấu tranh chống lại sự tàn bạo của chế độ nhà tù”.

Trong những ngày này, một kế hoạch vượt ngục đã được sự chấp thuận của Ban chấp hành nhà tù Côn Đảo. Ông Nguyễn Văn Hoạch cùng các đồng chí khác là: Bình Cô Tô, Hồng Già, Châu Hải Phòng, Ba Chấn, Quảng, Trung... bắt tay vào công việc chuẩn bị ghép thuyền vượt biển.

Ông Nguyễn Văn Hoạch.

Việc ghép thuyền vượt biển khi đó do đồng chí Bình Cô Tô, một cán bộ quân đội có nhiều năm kinh nghiệm chiến đấu ở vùng biển Hải Phòng đảm nhiệm. Để tránh sự phát hiện, hàng ngày 5 người luân phiên làm việc nộp đủ suất cho cả 8 người, còn 3 người khác chọn những loại gỗ dẻo, chặt đẽo thành ván để ghép thuyền. “Chúng tôi dành dụm tiền, mua được của tên quản lý nhà bếp một số chiếc thùng sắt tây, hàng chục kg nhựa đường để bịt các khe thuyền” – ông kể.

Để tránh nước rò rỉ, ông Hoạch cùng các đồng chí khác dùng vải nhỏ, đệm để đóng đinh. Rồi làm buồm, họ ghép các mảnh vải vụn lại với nhau. Tất cả đều được làm bằng tay, những cán bộ được giao nhiệm vụ dùng búa tạo thành các mảng ghép...

Bất chấp sự quản lý gắt gao của địch, sau gần 8 tháng kiên trì, ông Hoạch và những người đồng đội của mình đã hoàn tất con tàu mà kẻ địch không hề phát hiện ra. Để chuẩn bị cho chuyến vượt biển đi vào lịch sử, một ngày đầu tháng 9/1953, các ông quyết định đưa thuyền xuống mép nước. Ông Hoạch nhớ hôm đó bầu trời vần vũ, mây đen kéo về ùn ùn, báo hiệu một cơn mưa sắp tới…

Cơn bão đổ xuống, thuyền bị đánh chìm, 5 người trong số 8 chiến sĩ cách mạng bị cuốn chìm. Ông Hoạch cùng hai đồng đội là Châu Hải Phòng và ông Ba Chấn bị sóng biển đánh bật trở lại Hòn Cau.

Ông Hoạch chia sẻ: “Lúc đó, tôi khỏe lắm nhưng cũng đuối sức. Khi bắt đầu nhắm mắt, tôi nhìn thấy phía trước đột nhiên sáng quắc lên. Thì ra, nước biển quật vào đá, tôi mừng quá. Nhưng sợ, nếu lơ là, sóng đánh đập người vào đá thì có thể nguy hiểm đến tính mạng… Sau lần thứ hai, đến lần thứ ba, ông Hoạch mới bám được vào vách đá, bật ngửa lên đảo, người lạnh ngắt… Ông bị bọn giám thị ở Côn Đảo bắt lại. Song lần này, chúng không đánh nữa, chúng bảo: “Chúng mày anh hùng lắm, bọn tao không đánh nữa”.

Nhưng sau đó ông bị xử phạt phải ở trong hầm tối 90 ngày. Không dừng lại ở đó, chúng còn dùng đòn tra tấn tinh thần rất tàn khốc. Một ngày sau đó, xác của một đồng chí cùng vượt ngục với các ông dạt vào bờ bị trương lên. Để dằn mặt và làm giảm ý chí đấu tranh của người chiến sỹ cách mạng, chúng bắt ông Hoạch vớt xác… Trong nỗi tiếc thương vô hạn, ông Hoạch tự tay tắm rửa cho người đồng chí của mình, biến đau thương thành hành động ông quyết tâm đấu tranh với địch.

Cuộc vượt ngục đầu tiên thất bại, không làm nản ý chí của người chiến sỹ cách mạng. Thời gian sau này, ông Hoạch cùng đồng đội tiếp tục xây dựng kế hoạch vượt ngục nhưng cũng không thành công.

Sau hai lần vượt ngục bất thành, ông Hoạch và các đồng chí cùng vượt ngục bị quản lý gắt gao hơn. Mọi hoạt động của ông đều bị kiểm soát. Ông và một số đồng chí tiếp tục bị giam giữ cho đến ngày Hiệp định Giơnevơ được ký kết, ông cùng đồng chí mình được trao trả tự do tại bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hoá. Từ năm 1954-1959, ông được tổ chức phân công công tác tại Bệnh viện Lao Trung ương, làm bốc vác tại Ga Hà Nội.

Chính trong thời gian này, ông đã gặp người phụ nữ có cùng cảnh ngộ rồi gắn bó với nhau từ đó đến tận bây giờ.  Năm 1959 (sau 5 năm) ông chính thức được tổ chức điều quay trở lại công tác ở Tổng cục An ninh. Trong quá trình công tác, ông được bổ nhiệm làm lãnh đạo một phòng nghiệp vụ. Trong bất kỳ nhiệm vụ nào, ông Hoạch vẫn phát huy tốt bản lĩnh của một người chiến sỹ cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao cho. Năm 1978, sau nhiều năm công tác và cống hiến, ông về nghỉ chế độ...

Thời gian đầu, ông Hoạch mở một cửa hiệu sửa xe đạp trên phố Đội Cấn. Nhiều bạn bè khi đó ngạc nhiên về việc làm của ông, ông chỉ cười. Trong suy nghĩ của ông, dưới chế độ cũ, ông chỉ là người cùng đinh. Cũng vì đói nghèo mà ông mất cả bố, mẹ và người anh. Nhờ có Đảng, có cách mạng, ông mới có cuộc sống như ngày hôm nay…

Khi còn công tác hay lúc đã nghỉ chế độ, người chiến sỹ an ninh ấy vẫn âm thầm cống hiến. Ông luôn giữ trọn lời thề của người chiến sỹ Công an cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng; sống xứng đáng với sự hy sinh của những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống vì độc lập tự do, vì sự bình yên cho Tổ quốc. Nối tiếp truyền thống của ông, một người con trai của ông cũng đứng trong hàng ngũ của lực lượng Công an nhân dân.

Những câu chuyện được nghe, được kể về cuộc đời hoạt động đầy bi tráng của người chiến sỹ an ninh quả cảm đã khiến chúng tôi, những thế hệ trẻ hôm nay, được sống trong tự do, hòa bình... càng tự hào về truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân.

X. Mai - Đ. Phương
.
.
.