Giải pháp nào với xe tang vật, xe vi phạm giao thông “tồn kho”?

Chủ Nhật, 06/12/2015, 09:31
Quá thời hạn vi phạm, quá thời hạn thông báo, không có ai đến nhận, xe vi phạm giao thông sẽ được mang ra đấu giá sung công quỹ.

Nói thì đơn giản là thế, song để có thể đấu giá một chiếc xe, cần rất nhiều thủ tục và công đoạn với nhiều đơn vị chức năng tham gia. Những khó khăn này, chỉ người trong cuộc là thấu hiểu hơn cả…

Vài tháng mới có thể hoàn tất thủ tục thanh lý xe

Đa phần các xe bị tạm giữ mà người dân bỏ bẵng, không thể cứ vài xe lực lượng CSGT lại làm thủ tục thanh lý, mà phải đợi có đợt. Mỗi đợt tiến hành các loại thủ tục cũng phải mất tới vài tháng, thậm chí là lâu hơn. Như tại TP Hồ Chí Minh, trong quá trình lưu giữ xe tại bãi, đối với xe vi phạm lâu không có người đến giải quyết, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xác minh địa chỉ, nơi cư trú người vi phạm; giám định số khung, số máy; đăng báo truy tìm chủ sở hữu sau đó mới chuyển số xe này qua Sở Tài chính tiến hành thanh lý, bán đấu giá, nộp ngân sách Nhà nước. Vì thủ tục nhiêu khê như vậy, nên để xử lý 1 chiếc xe vô chủ phải mất 1-2 năm, thậm chí 5-7 năm. Vì sao lại lâu đến thế?

Nhiều phương tiện vi phạm giao thông, chủ xe ở ngay Hà Nội nhưng hơn 1 năm vẫn không chịu đến giải quyết.

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, từ năm 2010 đến nay, việc xử lý phương tiện giao thông vi phạm bị tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật, cụ thể như: Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính nay được thay thế bằng Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 34 ngày 2-4-2010 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nay được thay thế bằng Nghị định số 171 ngày 13-11-2013; Nghị định số 70 ngày 24-7-2006 được sửa đổi bổ sung theo Nghị định số 22 ngày 24-2-2009 quy định việc quản lý tang vật phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính nay được thay thế bằng Nghị định số 115 ngày 3-10-2013. Cụ thể, đối với những phương tiện giao thông vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, khi bị tạm giữ, người vi phạm đến giải quyết sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt, có đầy đủ giấy tờ chứng minh chủ sở hữu hợp pháp thì sẽ được cơ quan tạm giữ trả lại phương tiện. Những trường hợp không đến giải quyết, đơn vị sẽ tiến hành các thủ tục xác minh tìm chủ sở hữu, xác minh phương tiện tạm giữ xem có nằm trong dữ liệu vật chứng, mà cơ quan chức năng đang truy tìm hay không, và tiến hành  các thủ tục theo quy định để tịch thu sung quỹ Nhà nước, nếu không xác định được chủ sở hữu, hoặc người này không đến nhận lại và phương tiện không phải là tang vật vụ án.

Còn thiếu thông tư hướng dẫn xử lý 

Trước câu hỏi, quá trình thực hiện đấu giá phương tiện vi phạm bị tịch thu có vướng mắc gì không? Trung tá Đinh Thanh Thảo, Phó trưởng Phòng PC67 Công an TP Hà Nội chia sẻ: Trong năm 2014, Phòng PC67 đã ra quyết định tịch thu và chuyển giao cho tổ chức bán đấu giá thành công hơn 2.000 phương tiện giao thông các loại bị tịch thu từ nhiều năm trước, số tiền thu được là gần 5 tỷ đồng. Số tiền này sau khi trừ các khoản chi phí liên quan, sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định. Tuy nhiên, để có thể đấu giá và sung quỹ từng đấy phương tiện, thì trước đó, quá trình tiến hành xác minh những phương tiện vi phạm bị tạm giữ, mà người vi phạm không đến giải quyết, mất rất nhiều thời gian.

Thiếu tá Nguyễn Thành Công, Phó trưởng Phòng 9, Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, thực tế chúng ta còn thiếu thông tư hướng dẫn xử lý xe vi phạm bị tồn đọng một cách cụ thể. Từ việc lập hội đồng định giá (gồm đại diện Công an, Tài chính, Tư pháp), để xác định thẩm quyền ai ra quyết định tịch thu. Tiếp theo là khâu định giá, xem chiếc xe sau khi lưu kho từng đấy ngày, thì giá trị sử dụng được bao nhiêu, rồi mang giá trị này so với giá xe mới, để đưa ra một con số hợp lý nhất, sau đó mới đưa ra đấu giá. Đây là những khâu kéo dài thời gian giải quyết. Việc xử lý xe tồn là thuộc thẩm quyền của địa phương. Thế nhưng, gần đây cục cũng nhận được nhiều phản ánh về việc lúng túng trong vấn đề giải quyết xe tồn kho. Tuy nhiên, bên cạnh các phản ánh thì cũng có tỉnh phối hợp làm khá tốt như Bình Định.  

Thiếu tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng Phòng PC67 Công an tỉnh Bình Định cho biết, do số lượng phương tiện vi phạm bị tạm giữ rất lớn nên đơn vị đang gặp nhiều khó khăn về địa điểm tập kết. Quá trình xác minh chủ sở hữu, CSGT Công an tỉnh Bình Định sẽ phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương, đồng thời đăng tải thông tin về xe vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng, hoặc gửi giấy mời trực tiếp cho người vi phạm để vừa đảm bảo đúng quy định, vừa thuận tiện cho người vi phạm đến giải quyết. Về hướng xử lý đối với các phương tiện bị tạm giữ, Thiếu tá Hoài cho biết, sau khi đơn vị thông báo ba lần trên phương tiện thông tin đại chúng, người vi phạm và trao đổi với Công an 63 tỉnh, thành phố trên cả nước qua tra cứu tàng thư nhưng không có tác dụng, đơn vị sẽ báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh Bình Đình hướng xử lý theo đúng quy định. Đối với các phương tiện bị tạm giữ có giá trị cao nhưng không có giấy tờ hợp lệ, đơn vị sẽ đề xuất ưu tiên cho người vi phạm mua lại, sau đó thông báo bán rộng rãi trong nhân dân. Việc bán rộng rãi được thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, hoặc niêm yết tại nơi làm việc. Việc tổ chức bán đấu giá công khai phương tiện vi phạm “vô chủ” vừa góp phần giải quyết quá tải về điểm tạm giữ, vừa tăng ngân sách Nhà nước sử dụng vào mục đích phúc lợi. Được sự ủng hộ và tham gia tích cực của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định, nhiều năm qua, lực lượng CSGT Công an tỉnh Bình Định được UBND tỉnh Bình Định đánh giá là làm rất tốt công tác xử lý phương tiện vi phạm giao  thông “vô chủ”.

Rút ngắn thủ tục đấu giá, xe không thể sử dụng thì bán sắt vụn

Phó Trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội Đinh Thanh Thảo kiến nghị: “ Nhằm tránh lãng phí, xe nào mà còn có thể tham gia giao thông được thì sẽ bán đấu giá. Đối với những xe không thể sử dụng như xe ba bánh không đăng ký đăng kiểm thì cắt bán sắt vụn”.  Liên quan đến các kho - bãi trông giữ xe vi phạm, thời gian qua, nhiều người lo ngại, sau khi phương tiện vi phạm của mình bị tạm giữ, quyền lợi liên quan đến việc sở hữu phương tiện của mình có được đảm bảo?  Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, đối với các trường hợp phương tiện vi phạm giao thông, khi cơ quan có thẩm quyền chưa ra quyết định tịch thu phương tiện thì quyền lợi về sở hữu phương tiện vẫn phải được đảm bảo. Mọi hỏng hóc, thiệt hại về tài sản – phương tiện phát sinh trong quá trình bị tạm giữ phương tiện đều phải được các đơn vị có trách nhiệm giải quyết thỏa đáng cho chủ phương tiện theo các quy định hiện hành.

Phạm Huyền-Nguyễn Hưng
.
.
.