Cồn Cỏ - cột mốc chủ quyền giữa trùng khơi

Để “đảo thép” thành “đảo ngọc”

Chủ Nhật, 23/07/2017, 10:09
Hy vọng rằng, những khó khăn và tồn tại sẽ được giải quyết, để Cồn Cỏ sớm trở thành “ Hòn đảo văn hóa du lịch” giữa trùng khơi.

Bài cuối: Để “đảo thép” thành “đảo ngọc”

Một thời hào hùng vang vọng mãi

Theo tài liệu lưu trữ tại Huyện đảo Cồn Cỏ, mùa thu năm 1959, trước âm mưu của địch muốn chiếm đảo, một Trung đội 127 ly của Trung đoàn 270 Quân đội nhân dân Việt Nam do Thiếu úy Dương Đức Thiện chỉ huy vượt sóng gió, ra đảo.

Đúng 11h ngày 8-8-1959, lá cờ đỏ sao vàng được cắm lên đảo, một lần nữa khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của dân tộc ta.

Năm 1965, đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc. Cùng với Vĩnh Linh, Cồn Cỏ đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Trải qua 1.500 ngày đêm đối mặt với quân thù với khoảng 1.000 trận đánh lớn nhỏ, quân và dân Cồn Cỏ anh hùng đã bắn rơi 48 máy bay; bắn chìm, bắn cháy 17 tàu chiến và hải thuyền quân địch.

Với những thành tích trên, Cồn Cỏ đã vinh dự hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cùng nhiều huân, huy chương cao quý khác. Nơi đây cũng đã vinh dự được Bác Hồ kính yêu gửi thư khen ngợi.

Bao năm tháng đã đi qua, nhưng những dấu tích, kỷ vật lịch sử về một thời hào hùng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của quân và dân đảo Cồn Cỏ vẫn còn đó.

Tại Phòng truyền thống trên tầng 2 – Nhà Văn hóa thanh niên huyện đảo Cồn Cỏ, có vô số bức ảnh, dấu tích thời kỳ kháng chiến cứu quốc của quân và dân trên đảo Cồn Cỏ.

Tấm hình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thái Văn A đứng trên đài quan sát bị bom xô nghiêng, hay tấm hình ghi lại khoảnh khắc các anh bộ đội đảo Cồn Cỏ tích cực tăng gia sản xuất, phục vụ chiến đấu, rồi khoảnh khắc về các chiến sĩ phòng không anh dũng chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ v.v... và đặc biệt là những bức thư khen của Bác Hồ được trưng bày trang trọng.

Câu chuyện về anh hùng Thái Văn A – chiến sĩ đài quan sát khi bị thương đã tự mình rút mảnh đạn, tự băng bó quyết không chịu rời trận địa; về chiến sĩ Nguyễn  Hữu Quý giữa lúc bom đạn ngút trời đã bất chấp hiểm nguy, cởi mũ sắt che cho kính ngắm cao xạ 14 ly 5 cùng đồng đội bắn rơi 4 máy bay địch; về sự mưu trí của Đảo trưởng Vũ Kỷ đã chỉ huy pháo mặt đất 85 ly bắn hạ 1 thủy phi cơ và toàn bộ giặc lái của địch... được cô hướng dẫn viên Phan Thị Thùy Trang kể lại một cách truyền cảm. Chúng tôi như sống lại những năm tháng hào hùng một thời của quân, dân đảo Cồn Cỏ.

Để giữ vững Cồn Cỏ - hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc và đạt được những vinh dự cao quý ấy, đã có 30 cán bộ, chiến sĩ bảo vệ đảo và gần 200 chiến sĩ, dân quân trực chiến các xã ven biển thuộc đặc khu Vĩnh Linh (Vĩnh Quang, Vĩnh Thái, Vĩnh Giang và Vĩnh Thạch) vĩnh viễn nằm lại với biển khi tiếp tế cho đảo. Chiến công hiển hách ấy đã đi vào lịch sử như khúc tráng ca bất tử, như một tượng đài anh hùng bất diệt giữa trùng khơi.

Cần đầu tư một cách đồng bộ để Cồn Cỏ trở thành “Đảo Du lịch” hấp dẫn du khách.

Rất gần: “Hòn đảo văn hóa du lịch”!

So với trước đây, Cồn Cỏ giờ đã “thay da, đổi thịt” từng ngày. Từ một hòn đảo luôn “khát” nước ngọt giờ đã khác. Việc đưa vào khai thác và sử dụng có hiệu quả hệ thống bể chứa nước ngọt, thiết bị lọc nước biển, cuộc sống của quân và dân trên đảo đã đổi thay đáng kể.

Anh Nguyễn Văn Thành, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Huyện đảo Cồn Cỏ trực tiếp dẫn chúng tôi đi khảo sát hệ thống bể chứa nước ngọt (nước mưa) cùng hệ thống giếng khoan mạch nước ngầm trên đảo. Theo anh Thành, hiện trên đảo có 8 bể chứa nước ngọt cùng 10 giếng nước khoan.

Với số lượng bể chứa như vậy, nhìn chung vào thời điểm hiện tại, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước ngọt để sinh hoạt của quân, dân trên đảo.

Theo anh Thành, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, từ cuối năm 2009, trên đảo đã có một trạm điện chạy dầu Diezel có tổng công suất 132 KVA-0,4 KV với 2 máy công suất 66 KVA.

Từ việc mỗi ngày chỉ phát điện được giờ, đến năm 2015 đã phát điện được 10-15 tiếng và 17 tiếng/ngày vào năm 2016.

Đặc biệt, hiện ngành điện lực đang cho chạy thử nghiệm hệ thống phát điện Diezel hiện đại cung cấp 24/24h. Nhờ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện.

Năm 2004, huyện đảo Cồn Cỏ chính thức được thành lập. 13 năm qua – quãng thời gian tuy chưa hẳn dài song cũng không thể nói là ngắn.

Trong quãng thời gian ấy, với sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ của các ngành, các cấp, nơi đây đã có những bước tiến xa về sự phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội. Vậy nhưng khi nhìn vào thực tế, dường như những tiềm năng nơi đây vẫn chưa được khai thác hết.

Trong đó, phải kể đến lĩnh vực văn hóa – du lịch. Đánh giá của Huyện đảo Cồn Cỏ cho thấy, màu xanh là màu chủ đạo ở Cồn Cỏ, chiếm gần 80% diện tích trên đảo là rừng tự nhiên với đa dạng hệ sinh thái rừng nhiệt đới.

Thêm vào đó, khu vực biển đảo Cồn Cỏ cũng là nơi hội tụ nhiều loài hải sản, hệ sinh thái điển hình vùng biển nhiệt đới gồm: 224 loài cá biển khơi có giá trị kinh tế cao (tôm hùm, hải sâm, vẹm xanh, điệp), 113 loài san hô cứng, 56 loài rong biển…

Đặc biệt, nơi đây còn có sự xuất hiện của loài cua đá sống được cả dưới nước lẫn trên cạn. Những đặc điểm này đã và đang thực sự thu hút du khách trong và ngoài nước. Và thực tế, Cồn Cỏ cũng đã được quy hoạch trở thành “Đảo Du lịch”.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thành tỏ ra băn khoăn tới những trở ngại khiến Cồn Cỏ chưa thành “đảo ngọc” được vì đến nay, vẫn chưa có tuyến du lịch nào tới Cồn Cỏ, hệ thống vận chuyển khách du lịch đến đảo còn chưa được đưa vào khai thác, sử dụng. Cơ sở hạ tầng còn thiếu, chưa đủ điều kiện phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.

Cũng theo đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy, cách đây không lâu, chỉ chưa đầy 2 tuần chạy thử nghiệm tàu cao tốc (50 người/chuyến), số lượt du khách sử dụng chuyến tàu này ra đảo đã lên đến 700 người.

Hy vọng rằng, những băn khoăn trên trong thời gian không xa sẽ có câu trả lời, để Cồn Cỏ sớm trở thành “đảo ngọc” – một “ Hòn đảo văn hóa du lịch” giữa trùng khơi.

Trần Huy
.
.
.