Nỗi lo từ những địa bàn “bùng nổ” dân số ở Hà Nội

Bài 3: Rời nhà là… lo tắc đường

Thứ Tư, 17/10/2018, 09:06
Thành phố đã có chủ trương di dời nhiều cơ quan, xí nghiệp, nhà máy… ra vùng ngoại thành nhằm giãn dân, đẩy lùi tình trạng ùn tắc giao thông. Thế nhưng thời gian qua, có những nơi chỉ sau vài năm đã “mọc” thêm cả chục tòa nhà chung cư cao tầng với cả vạn người dân sinh sống. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật – đường sá, tổ chức giao thông chưa được cải thiện.

Hạ tầng giao thông chạy theo dân số

Trước đây, đi trên trục đường Lê Văn Lương – Tố Hữu, tuyến đường kiểu mẫu, huyết mạch phía Tây Nam Hà Nội, nhiều người thấy thoải mái vì… đường khá thông thoáng. Song, chỉ vài năm gần đây, hàng chục tòa chung cư chọc trời (hơn 20 tầng) đua nhau mọc lên hai bên đường khiến tuyến đường này thường xuyên bị ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm.

Sáng 12-10, ghi nhận trên tuyến đường này, chúng tôi thấy ở các nút giao thông trọng điểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh ùn tắc giao thông như: Khuất Duy Tiến – Tố Hữu, Lê Văn Lương – Nguyễn Tuân… Các cán bộ CSGT luôn phải tập trung cao độ điều tiết, tiếng còi tuýt lên liên hồi. Dòng phương tiện từ khu vực đường Tố Hữu hướng về đường Lê Văn Lương, Láng Hạ như nêm. Chỉ cần vắng bóng CSGT trong ít phút hoặc có phương tiện xảy ra va chạm, sự cố kỹ thuật, tuyến đường liền rơi vào cảnh ùn ứ giao thông kéo dài, nhất là vào khung giờ cao điểm (sáng từ 7h-8h30; chiều từ 16h30-18h30).

Thượng tá Đinh Thanh Thảo, Phó trưởng Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội tỏ ra lo ngại trước việc gia tăng mật độ dân số gây ra áp lực giao thông trên trục đường Lê Văn Lương – Tố Hữu trong thời gian qua. Đồng chí cho biết, để chủ động hạn chế ùn tắc giao thông, thời gian qua, Phòng đã quán triệt tới các Đội CSGT quản lý địa bàn – khu vực có tuyến đường đi qua thường xuyên cắt cử cán bộ trực chốt, điều tiết giao thông.

Trên nhiều tuyến đường có các tòa nhà chung cư cao tầng như: đường Phùng Hưng, Phạm Văn Đồng, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Tuân, Minh Khai, Hoàng Minh Giám v.v... không khó bắt gặp cảnh những con đường đang phải “oằn mình” gánh số lượng lớn phương tiện giao thông. Điển hình như trục đường Phùng Hưng – Hà Đông (hay còn gọi là đường 70) với chiều dài khoảng 2,5km song con đường này phải “gánh” hàng ngàn người tham gia giao thông sinh sống ở các khu đô thị, tòa nhà chung cư cao tầng như: Xa La, Văn Quán – Yên Phúc, Cầu Bươu, Sông Nhuệ, Chung cư CT6, Đại Thanh…

Kết quả đếm xe của cơ quan chức năng TP Hà Nội cho thấy, vào giờ cao điểm (từ 7h-8h) trên tuyến đường này, lưu lượng xe qua lại khoảng 9.635 xe/giờ, trong đó xe con chiếm trên 50%; xe tải, xe buýt khoảng 20%; còn lại là xe máy, xe đạp. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ cho thấy, quá tải đường sá giao thông là đương nhiên.

Nói như anh Vũ Trọng Huấn, cán bộ Văn phòng UBND phường Phúc La (quận Hà Đông): “Cứ vào đầu giờ sáng trong tuần, có mặt ở đường Phùng Hưng sẽ thấy ngay cảnh cả vạn người dân cùng phương tiện “ùa” xuống đường cùng một lúc, đi liền với đó là sự lộn xộn, ùn ứ các phương tiện giao thông”.

Ùn tắc giao thông thường xuyên xuất hiện trên đường Phạm Văn Đồng – nơi có nhiều tòa nhà chung cư cao tầng tọa lạc.

Nhìn từ “nút cổ chai”

Tuyến đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) chỉ dài chưa đầy 3km, đã có tới gần 10 tòa nhà chung cư cao tầng (từ 17 đến 24 tầng) đã và sắp đưa vào sử dụng. Những con đường kế đó như: Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng… cũng xuất hiện hàng chục dự án chung cư, nhà cao tầng với quy mô cả vạn căn hộ đang cấp tập hoàn thiện.

Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Phó Đội trưởng, phụ trách Đội CSGT số 7 lo lắng cho biết, hiện quận Thanh Xuân có tới 29 công trình, tòa nhà cao tầng (với 25-30 tầng) tọa lạc. Chỉ trong vài năm trở lại đây, mật đô dân cư tăng đột biết. Đáng chú ý, phải kể tới tổ hợp các tòa nhà cao tầng ở số 90 Nguyễn Tuân đang gấp rút hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng.

Tất nhiên, sau khi đi vào sử dụng, tổ hợp tòa nhà cao tầng này sẽ gây ra áp lực về giao thông, khiến các điểm “nút cổ chai” xuất hiện. Cũng chính sự xuất hiện nhiều khu chung cư – tòa nhà cao tầng trên địa bàn, nên số nút giao thông mà cán bộ CSGT phải thường xuyên làm nhiệm vụ phân luồng và “cắm” tới 20 chốt. 

Việc đầu tư xây dựng các dự án chung cư, nhà cao tầng trong thời gian qua đã góp một phần không nhỏ vào quá trình đô thị hóa, tạo diện mạo mới cho Thủ đô, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống người dân. Thế nhưng, có một điều dễ thấy, sự phát triển ồ ạt của các khu chung cư – tòa nhà cao tầng trên một số địa bàn đã tách rời sự gắn kết, đầu tư hạ tầng giao thông khiến những “nút cổ chai” xuất hiện ngày một nhiều. Để rồi, nhiều người phải thốt lên rằng: “Ùn tắc giao thông đã trở thành “đặc sản” của Thủ đô”.

Thượng tá Lê Văn Hoan, Đội trưởng Đội CSGT số 4 chia sẻ, cùng với sự xuất hiện của các tòa chung cư cao tầng ở quận Hai Bà Trưng là một số dự án cải tạo, mở rộng đường, tuy nhiên so với yêu cầu thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân. Thế nên, hiện trên địa bàn còn xuất hiện khoảng 20 điểm “đen”, “nút cổ chai” luôn tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm.

Tiếp xúc với Đại úy Nguyễn Hải Thanh và Thượng úy Nguyễn Công Dũng, cán bộ Đội CSGT số 6 làm nhiệm vụ phân luồng giao thông trên tuyến đường Phạm Văn Đồng – nơi có Khu đô thị mới thành phố Giao Lưu, Khu đô thị mới Cổ Nhuế… với hàng chục tòa nhà cao từ 10 đến 27 tầng tọa lạc, chúng tôi được biết, có những thời điểm do mật độ các phương tiện tham gia giao thông quá đông, trong khi người tham gia giao thông thiếu ý thức, lấn làn đường, nên dù có căng mình phân luồng, cảnh ùn ứ giao thông vẫn cứ xuất hiện.

Đây cũng là tâm sự chung của nhiều cán bộ CSGT cắm chốt trên một số tuyến đường quá tải về phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố hiện nay. Bên cạnh đó, trong quá trình ghi nhận thực tế, chúng tôi cũng thấy rằng, cùng với sự xuất hiện của các khu chung cư, tòa nhà cao tầng, việc chậm tiến độ thực hiện các dự án mở rộng đường, xây dựng hồ điều hòa… cũng là một trong những nguyên nhân ùn tắc giao thông.

Đề cập đến vấn đề này, ông Chu Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) tỏ ra băn khoăn và cho rằng, việc trên địa bàn có nhiều nhà chung cư cao tầng với mật độ dân cư tăng chóng mặt đi vào hoạt động đã gây ra áp lực với hạ tầng địa phương, nhất là đối với giao thông công cộng.

Bởi cùng một thời điểm có cả vạn người dân về sinh sống, mật độ phương tiện tham gia giao thông đông, trong khi đó hệ thống đường sá ở địa phương cải thiện không đáng kể, chưa đáp ứng được nhu cầu dân sinh, ùn tắc giao thông xảy ra khiến sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng là lẽ đương nhiên.

Trần Huy
.
.
.