Bài 3: Ngăn sóng dữ để miền Tây bình yên

Thứ Sáu, 08/05/2009, 08:46
Tháng 3/2009, chúng tôi đến thị trấn An Thới, huyện Đảo Phú Quốc không phải vì đây là vùng xa thứ nhì cả nước về hướng biển Tây Nam của Tổ quốc, sau Thổ Chu, mà vì những tấm gương CAX dũng cảm đã và đang ngày đêm đương đầu với những con "sóng ngầm" dữ dội nơi đây, gìn giữ bình yên cho cuộc sống của người dân.

>>Rát mặt với nắng gió Tây Nguyên

Bình yên cho huyện đảo Tây Nam

Tại đây, câu chuyện đặc biệt thu hút chúng tôi là tấm gương dũng cảm, đấu tranh chống tội phạm tới cùng của Công an viên Lê Minh Đông. Nói về công việc của mình, Đông tỉnh khô: "Ở đất đảo Phú Quốc có trên 22.000 dân với đặc điểm tội phạm đa dạng, phức tạp, liều lĩnh, côn đồ như thế, nếu "nhát gừng" thì làm sao làm Công an, làm sao hoàn thành nhiệm vụ cho được".

Nhà có 5 anh chị em, Đông là con út, học hết lớp 10, do gia đình vất vả quá nên phải chấp nhận dở dang chuyện học. Vì thế, khi nhắc lại ngày được vào công tác tại Công an thị trấn An Thới, Đông tỏ ra rất xúc động: "Hôm ấy là dịp sinh nhật Bác (19/5/2006) khi em vừa được 18 tuổi. Gia đình, hàng xóm ai cũng mừng vì em được cùng với các anh, các chú tham gia giữ gìn ANTT của vùng đất phía Nam đảo xa xôi này".

Và có lẽ vì vậy mà anh coi việc phải đổ máu cho nghề mình đã chọn với niềm tự hào là chuyện bình thường. Như Báo CAND từng thông tin, khoảng 21h30' đêm 14/1/2008, nhận được tin báo tại địa bàn ấp 6 có vụ đánh nhau giữa 2 nhóm thanh niên, BCH Công an thị trấn phân công Đông cùng một số anh em (trong đó có đồng chí Phan Văn Tứ và Lê Đăng Ca - cán bộ Công an huyện tăng cường xuống địa bàn An Thới) đến tìm hiểu sự việc.

Khi các anh vừa tới nơi thì một số đối tượng, trong đó có tên Nguyễn Văn Măng Em (22 tuổi, ngụ xã Dương Tơ, Phú Quốc) lên xe gắn máy tháo chạy. Không để những kẻ đầu vụ bỏ trốn, Đông và một cán bộ Công an huyện rượt đuổi theo. Thấy khó có thể thoát thân, tên Măng Em cho xe chạy vào một vườn đào (điều) phía sau quán cà phê giấu xe vào bụi cây.

Lát sau, khi biết lực lượng Công an đã phát hiện ra chiếc xe của mình, tên Măng Em (bấy giờ đang nấp trong quán) chụp lấy 1 dao Thái Lan cán gỗ và một dao lớn lao ra. Phát hiện ý định chống trả liều lĩnh của Măng Em, anh Tứ đã kịp rời khỏi xe. Còn Đông bấy giờ đang dẫn chiếc xe của Măng Em về hướng trụ sở Công an, dù có nghe lời cảnh báo của anh Tứ nhưng không kịp trở tay.

Tên Măng Em sau khi không chém được đồng chí Tứ đã chạy lại hướng Đông, nhắm vào đầu anh bổ mạnh. Quá bất ngờ trước sự chống trả của tên côn đồ này, Đông chỉ còn kịp đưa tay lên che đầu. Đầu không bị thương nhưng cổ tay trái của anh suýt bị đứt lìa.

Thấy Đông vừa kêu cứu vừa chạy ra hướng lộ, tên Măng Em hung hăng rượt  theo. Được một đoạn, thấy có lực lượng Công an đến hỗ trợ Tứ và Đông, tên Măng Em quay lại lấy xe môtô của mình và sau đó bị bắt. Sau ngót hai tuần nằm viện, ngày 28/1/2008, Đông được phép xuất viện. Kết quả giám định của Trung tâm Pháp y Kiên Giang cho thấy, sức khỏe của Đông bị giảm do thương tích gây nên là 51%.

Đại tá Phạm Văn Miên-Phó Tổng Biên tập Báo CAND thăm và tặng quà cho Công an viên dũng cảm Lê Minh Đông (Phú Quốc).

Cũng ở đất biển Kiên Giang, chúng tôi đã được nghe câu chuyện khác mà khi nhắc lại, nhiều người dân đã khóc. Khi tôi trở lại Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành - vùng đất gắn với những chiếc chiếu Tà Niên nổi tiếng cả nước cũng là lúc gia đình chị Thiểu đã làm lễ giỗ thứ 8 của chồng mình - anh Lê Thanh Dùng (57 tuổi) - Công an viên phụ trách ấp Vĩnh Hội.

Khi chúng tôi thắp nhang cho anh Dùng, chị Thiểu - vợ anh Dùng và hai con của anh không cầm được nước mắt. Chị Thiểu nghẹn ngào cho biết, ở nhà, anh Dùng là người chồng tốt, người cha mẫu mực. Với bà con chòm xóm, thấy ai có việc gì, anh cũng xắn tay áo, nhảy vào phụ giúp, chẳng tính công. Sống nghĩa tình như thế, nên ai cũng thương, người phụ giúp lá, người cho cây, người cho mượn đất, vợ chồng anh dựng ngôi nhà nhỏ cạnh con kênh Hai Ỏn. Nhưng rốt cuộc anh chẳng ở được bao lâu…

Người thân và đồng đội anh vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh ấy. Chiều 4/2/2001, Đỗ Văn Chính (40 tuổi, ngụ tại ấp Vĩnh Hội, Vĩnh Hòa Hiệp) sau khi nhậu say đã chửi mắng, cầm cây rượt đánh vợ và đập phá đồ đạc trong nhà rồi chuyển sang chửi mắng bà con, xóm giềng. Nhận được tin báo, anh Dùng đến ngay để giải thích, can ngăn nhưng tên Chính chẳng những không nghe mà còn dùng nhiều lời lẽ tục tĩu, thiếu văn hóa.

Chính hung hăng cầm đoạn gỗ lao vào đánh tới tấp vào hông và đầu của anh Dùng. Đến khi thấy anh Dùng ngã quỵ xuống đất, nhiều bà con kéo đến, Chính mới quẳng đoạn gỗ, lội băng qua sông, định chạy thoát thân nhưng không khỏi. Anh Dùng ngay sau đó được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu nhưng vì vết thương khá nặng, hai ngày sau thì anh qua đời.

Những điều day dứt

Đổ máu, không tiếc tính mạng để bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của người dân, nhưng đáng tiếc nhiều người trong các anh lại không được đối xử công bằng, ít nhất là một sự vinh danh. Trong cuộc gặp gỡ với phóng viên Báo CAND mới đây, chị Thiểu nghẹn ngào đến rơi nước mắt: "Kẻ gây ra cái chết cho chồng tôi sau đó đã phải trả giá cho bản án tù 15 năm. Còn chồng tôi thì không về nữa. Và đã 8 năm trôi qua, tôi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường của kẻ gây án, và Nhà nước cũng không công nhận chồng tôi là liệt sĩ".

Và tôi thật sự ngỡ ngàng khi cầm trong tay Văn bản số 1536 đề ngày 15/12/2008 do ông Võ Ngọc Thứ - Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Kiên Giang ký, gửi, phúc đáp công văn chuyển đơn của Đại biểu Quốc hội khóa XII - Đại tá Bùi Tuyết Minh - Phó Giám đốc Công an Kiên Giang.

Văn bản cho biết: "Tháng 10/2002, Sở LĐTB&XH tỉnh đã chuyển hồ sơ về Bộ LĐTB&XH. Sau khi thẩm định hồ sơ, Bộ LĐTB&XH chuyển trả hồ sơ về cho tỉnh và yêu cầu căn cứ Nghị định 28/CP ngày 29/4/1995 để thực hiện. Căn cứ quy định tại điều 11 Nghị định số 28, trường hợp của ông Dùng không thuộc một trong các trường hợp được công nhận liệt sĩ; ở thời điểm xảy ra sự việc, người gây án chưa kết là tội phạm…".

Còn trường hợp anh Lê Minh Đông, ngày 19/6/2008, chính quyền địa phương đã có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cấp giấy chứng nhận thương binh. Tuy nhiên, sau nhiều tháng chờ đợi, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Kiên Giang có Công văn số 1549/LĐTBXH-NCC trả lời rằng "Trường hợp của ông Đông không thuộc đối tượng xét công nhận là thương binh". Lý do cũng được giải thích là "ở thời điểm xảy ra sự việc, người gây án chưa kết là tội phạm"(?).

Trước sự việc đáng tiếc như vậy, Chủ tịch UBND thị trấn An Thới Nguyễn Trường Tồn bức xúc: Các anh Đông, anh Dùng đã có những hành động dũng cảm, họ đã đổ máu, hy sinh tính mạng để bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của người dân, nên cần phải được xem xét một cách thấu tình, đạt lý và có chế độ, chính sách thỏa đáng, để nhằm động viên toàn lực lượng Công an xã và cổ vũ phong trào quần chúng tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

Dù vậy, chúng tôi vẫn tin các chiến sĩ CAX ở An Thới, Phú Quốc vẫn đang dồn hết tâm lực chống chọi với những con sóng dữ, góp phần giữ bình yên cho cuộc sống

Thái Bình
.
.
.