Mối nguy ô nhiễm đe dọa sông Cửu Long

Bài 3: Mối nguy hiểm đang rõ dần

Thứ Sáu, 14/04/2017, 08:24
Không chỉ có các khu công nghiệp nằm dọc sông Tiền, sông Hậu gây ô nhiễm mà cư dân sống ven sông cũng thấp thỏm khi một loạt nhà máy điện than, nhà máy giấy đang và sẽ mọc lên…

Nhiều dự án gây ô nhiễm

Dọc sông Hậu từ Trà Vinh ngược về Sóc Trăng đến Hậu Giang, ngoài các khu công nghiệp (KCN), người dân chứng kiến nhiều dự án triệu USD của nhà đầu tư nước ngoài khi các địa phương kêu gọi thu hút đầu tư. 

Điển hình, Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh), Nhà máy Giấy Lee&Man (Hậu Giang), Nhà máy nhiệt điện than đang xây dựng ở Sóc Trăng… PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ nhận định: “Tất cả những nhà máy này đều là những nguồn có nguy cơ cao, gây ô nhiễm lớn cho nguồn nước cả vùng ĐBSCL”.

Tại cuộc họp ngày 3-3-2017, các sở, ban ngành chức năng của TP Cần Thơ đã tập trung đánh giá tình hình môi trường tại KCN Trà Nóc, đồng thời cũng mổ xẻ những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp này.

Trưởng ban Quản lý các KCX và CN Cần Thơ, Võ Thanh Hùng cho rằng, thời gian gần đây công tác bảo vệ môi trường tại KCN Trà Nóc đã được các sở, ngành quan tâm thực hiện, nhất là việc đầu tư hoàn thành và đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước thải tập trung; ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của phần lớn các chủ công ty, xí nghiệp đang hoạt động tại KCN này cũng được nâng lên.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận: “Công tác bảo vệ môi trường tại KCN Trà Nóc hiện nay chưa đạt được kết quả như mong muốn của thành phố, vì một số công ty, doanh nghiệp cố tình không hợp tác khi các ngành chức năng tiến hành kiểm tra; công tác phối hợp kiểm tra chưa được chặt chẽ, vẫn còn hành vi xả nước thải ra môi trường khiến dư luận bức xúc”.

Một ví dụ điển hình, khi tổ máy số 1 và số 2 của nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 (xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, Trà Vinh) đi vào vận hành vào đầu năm 2016 cũng đã vấp phải phản ứng của người dân xung quanh. Điển hình là tro, xỉ than bay sang nhà dân và các hộ làm muối, nuôi tôm.

Người dân cũng lo ngại không biết quy trình xả thải của nhà máy này ra sao khi nơi đây sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thuỷ sản. Bên cạnh đó, định hướng của huyện Duyên Hải làm làm du lịch sinh thái, nếu nhà máy xử lý vấn đề môi trường không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn…

Trước lo lắng của người dân, cuối năm 2016, Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tỉnh Trà Vinh mời người dân xã Dân Thành vào nhà máy tham quan, kiểm tra, giám sát công tác vận hành nhà máy, đặc biệt là công tác xử lý môi trường của nhà máy…

Người dân nuôi cá ven sông cạnh KCN canh cánh nỗi lo ô nhiễm.

Cần minh bạch thông tin

Tháng 8-2015, Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Trà Nóc đi vào vận hành chính thức, với công suất xử lý 6.000m³/ngày đêm (giai đoạn 1). Tuy nhiên, đến nay công xuất xử lý của nhà máy mới chỉ đạt trên 50%.

Theo ông Võ Ngọc Hồ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng hạ tầng KCN Trà Nóc, hiện KCN Trà Nóc có trên 100 doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên tính đến đầu tháng 3-2017 mới chỉ có 18 doanh nghiệp đấu nối xong đường ống dẫn nước thải về nhà máy để xử lý, 9 doanh nghiệp đã ký hợp đồng đang tiến hành đấu nối và đang thương lượng hợp đồng đấu nối 8 doanh nghiệp.

Đối với hoạt động của Nhà máy xử lý nước thải, với công suất xử lý 6.000 m³/ngày đêm thì tổng cộng 1 tháng sẽ xử lý được 180.000 m³ nước thải. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay công suất xử lý mới chỉ đạt được hơn 50%.

Cụ thể, trong tháng 10-2016 nhà máy tiếp nhận xử lý được 99.000 m³ nước thải; tháng 11-2016 tiếp nhận xử lý 108.000 m³ và tháng 12-2016 tiếp nhận xử lý 112.000 m³.

Ông Võ Ngọc Hồ nêu lên thực trạng hiện nay, trong số các công ty, doanh nghiệp đã ký hoặc đang thương lượng hợp đồng đấu nối nguồn nước thải vào Nhà máy xử lý nước thải tập trung, thì có một số doanh nghiệp thực hiện việc này nhằm mục đích đối phó với các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra.

Thực tế qua thống kê mỗi tháng, khối lượng nước thải mà nhà máy tiếp nhận được của một số công ty, doanh nghiệp đang hoạt đông bình thường chỉ đạt được từ 5-10% so với khối lượng nước thải đã được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. 

Ngược lại, có trường hợp đăng ký 1.000 m³/ngày đêm, nhưng thực tế có thời điểm xả tới 5.000 m³/ngày đêm vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của nhà máy. Bên cạnh đó, trong quá trình quản lý, kiểm tra hạ tầng KCN Trà Nóc Công ty CP Xây dựng hạ tầng KCN Trà Nóc đã phát hiện đường ống dẫn nước thải trong quá trình sản xuất của một số công ty, doanh nghiệp còn xả nước thải ra sông rạch mà chưa xử lý. 

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, bày tỏ: “Sông Hậu có tầm quan trọng sống với hàng triệu người và hệ sinh thái của một vùng rộng lớn phía Tây sông Hậu. Nếu sự cố xảy ra thảm họa sẽ cực lớn. Vì vậy, cần phải hết sức thận trọng, không nên đánh cuộc rủi may, đặt sự sống của hàng chục triệu người vào rủi ro ở bất cứ mức nào”.

Do vậy, chủ đầu tư, nhà máy cần phải minh bạch bài toán cân bằng vật chất từ đầu vào sản xuất giấy đến tất cả các đầu ra. Phải tham vấn cộng đồng một cách có ý nghĩa, trong đó người dân bị ảnh hưởng từ dự án có quyền được biết.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, trong tháng 4-2017 sẽ triển khai nuôi vài bè cá ngay gần ống xả thải của Nhà máy Giấy Lee&Man. Mục đích để giám sát môi trường, đồng thời cho cán bộ ăn chứ không bán ra ngoài. Theo ông Đồng, đây là cách đánh giá khả thi nhất để xem nước thải từ nhà máy có gây ảnh hưởng tới ngành Nông nghiệp hay không. Tuy nhiên, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết, trách nhiệm chứng minh khả năng xử lý nước đạt yêu cầu theo quy định Nhà nước là của chủ nhà máy. Chính quyền địa phương phải làm công việc giám sát và chế tài việc tuân thủ pháp luật của nhà đầu tư. Đừng bắt cán bộ ăn cá được nuôi tại ống xả thải của nhà máy nếu bản thân họ không muốn làm “chuột bạch” thí nghiệm.
Nhóm PV ĐBSCL
.
.
.