Đất và người Trường Sa:

Bài 3: Cột mốc chủ quyền sống trên biển Đông

Thứ Sáu, 31/05/2013, 15:08
Từng nghe tới “nhà giàn”, nhưng đến tận chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa lần này, chúng tôi mới may mắn được mục sở thị. Khi con tàu HQ 996 giảm tốc độ, chuẩn bị thả neo, nhà giàn hiện ra sừng sững trong nắng sớm, với những trụ sắt khổng lồ cắm xuống mặt nước biển ở độ sâu hàng chục mét. Trên đó, những cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân đang ngày đêm canh giữ biển trời - Họ chính là những cột mốc chủ quyền sống của Tổ quốc...
>> Bài 2: Những gương mặt mang hình hài Tổ quốc

Khác với đảo nổi, đảo chìm, các nhà giàn (thuộc vùng thềm lục địa phía Nam) hoàn toàn nằm trên những trụ sắt được khoan sâu xuống lòng biển. Bên trên là những khung thép chắc chắn, kết nối với nhau để tạo thành block gồm nhiều phòng; mỗi nhà giàn gồm nhiều tầng. Trên nóc nhà giàn, có lắp đặt hệ thống thu nước mưa, pin mặt trời, điện gió, thông tin đủ cung cấp năng lượng cho cán bộ, chiến sĩ sử dụng và phục vụ công tác...

Đi trên vùng biển bao la của Tổ quốc, ngắm những nhà giàn, chúng ta càng khâm phục tầm nhìn sáng suốt và những quyết sách của Đảng và Nhà nước ta về chiến lược biển, đảo...

Gần 3 thập niên trước, theo quyết định của Chính phủ, ngày 5/7/1989, Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam được thành lập (gọi tắt là DK1). Những năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn DK1 đã gác lại những tình cảm riêng tư, ước mơ, hoài bão để có mặt, làm nhiệm vụ trên các nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam muôn vàn khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt này.

Vào những năm 1990 - 2000, do thiên nhiên hung dữ, khắc nghiệt và sự tàn phá khủng khiếp của bão tố đã làm đổ một số nhà giàn. Trong thời khắc giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, bám trụ đến cùng, chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Nhà giàn DK1/16, một cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên Biển Đông. (Ảnh: Duy Hiển)

Chiều 4/12/1990, một cơn bão có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam biển Đông. Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần bị những con sóng khổng lồ dồn dập nhấn chìm, rung lắc dữ dội. Dưới sự chỉ huy của Trung úy, Chỉ huy trưởng Bùi Xuân Bổng và Trung úy, Phó chỉ huy trưởng về chính trị Nguyễn Hữu Quảng, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 đã ra sức chống chọi với bão tố. Song, đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh lên, nhà giàn bị nghiêng dần và một cơn sóng lớn dồn đến đã quật đổ nhà giàn, cuốn cả 8 cán bộ, chiến sỹ xuống biển.

Trong bão tố dữ dội, Trung úy Nguyễn Hữu Quảng đã nêu cao vai trò người bí thư chi bộ, bám sát và động viên đồng đội hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ của đại dương. Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, anh nhận thấy nếu mình sống thì người khác sẽ hy sinh nên đã không do dự, nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sỹ yếu nhất... Anh đã thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng vào chiều 5/12/1990 cùng 2 người đồng đội của mình.

Tám năm sau, cơn bão số 8 năm 1998 ập vào biển Đông. Những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mùng khiến nhà giàn bị nghiêng lắc, rung chấn dữ dội. Tập thể cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK 1/16 Phúc Nguyên vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy, kiên cường chống chọi với bão tố... Nhưng sức người khó chống chọi với thiên tai, nhà giàn bị đổ, cả 9 cán bộ, chiến sỹ bị hất tung xuống biển.

Mặc dù lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình, nhưng 3 cán bộ, chiến sĩ là Đại úy, Chỉ huy trưởng nhà giàn Vũ Quang Chương; Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng; Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An đã anh dũng hy sinh. Các anh đã vĩnh viễn hóa thân vào sóng nước đại dương... Trong số những đồng chí hy sinh, Chuẩn úy Nguyễn Văn An để lại người vợ trẻ và đứa con nhỏ mới chào đời chưa kịp nhìn mặt cha... 

Những tấm gương hy sinh dũng cảm khác vẫn được khắc ghi, như Chuẩn uý Lê Đức Hồng đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy Quân chủng. Khi nhà giàn bị đổ, anh chỉ kịp gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền” rồi thanh thản ra đi, mãi mãi nằm lại với biển khơi. Đó là tấm gương dũng cảm của các đồng chí: Thượng úy Phạm Tảo; Thượng úy chuyên nghiệp Trần Văn Là; Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Tiến Cường; chiến sỹ Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền... đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, dũng cảm hy sinh thân mình trong khi tìm kiếm, cứu vớt đồng đội bị nạn...

Với sự kính trọng và ngưỡng mộ những chiến sĩ Hải quân, chúng tôi lên thăm Nhà giàn DK1/2 và Nhà giàn DK1/16, nằm cách nhau vài chục hải lí. Một trong những “từ điển sống” của nhà giàn, Thiếu tá Dương Văn Hoan, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/16 xúc động cho biết: Anh em đóng quân trên nhà giàn hầu hết còn trẻ, có người mới ở tuổi đôi mươi, nhưng đều xác định luôn sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiếu tá Hoan quê ở Hà Nam, đã có 19 năm sống, chiến đấu trên các nhà giàn. Ngẫu nhiên, anh gặp người cậu của mình là Trung tướng Vũ Thuật, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật CAND. Bên người cháu của mình đang đóng quân trên nhà giàn, Trung tướng Vũ Thuật không khỏi xúc động, tự hào; cậu cháu tíu tít trò chuyện, chụp ảnh lưu niệm với nhau.

Thiếu tá Dương Văn Hoan, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/16 (thứ hai từ phải sang) và người cậu của mình, Trung tướng Vũ Thuật (thứ ba từ phải sang).

Khác với người Chỉ huy trưởng đã có gần 20 năm công tác ở nhà giàn, Thiếu úy, chính trị viên Nguyễn Văn Cường (quê Hương Sơn, Hà Tĩnh) mới có “thâm niên” vài tháng ở nhà giàn; Cường ra DK1/16 trong chuyến tàu chở quà Tết Quý Tỵ 2013 vừa qua. Ngoài giờ huấn luyện và ca trực, anh em trên nhà giàn phân công nhau trồng rau, chăn nuôi.

Thiếu úy Cường đưa tôi đi xem những ô rau xanh ngắt trồng ở độ cao cách mặt nước biển vài chục mét. Hầu như chỗ nào tận dụng được, đều có những ô rau. Rau trên nhà giàn tốt hơn nhiều so với rau trồng ở các đảo chìm, đảo nổi, như để bù đắp những thiệt thòi, hy sinh của người lính nhà giàn. Cường khoe: “Nhà em (Nhà giàn - PV) nuôi đủ cả gà, lợn... Mới rồi, đất liền gửi ra một số trứng vịt, anh em cho ấp, giờ đã được 20 con vịt, anh à”.

Rồi chàng sĩ quan trẻ hài hước: “Ra đây, em được trở lại tuổi thơ vì được tắm trong chậu. Ở đây, anh em đều nhắc nhau tiết kiệm nước ngọt. Trời yên biển lặng thì tắm biển xong lại lên ngồi vào một chiếc chậu lớn tráng lại bằng nước ngọt; nước từ chậu tận dụng để tưới rau, tắm cho gà, vịt”...

Cường luôn tươi cười, lạc quan khi nói về cuộc sống, công tác tại nhà giàn. Nhìn đôi mắt Cường, chúng tôi càng thêm tin tưởng ở những người lính Hải quân đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Cũng với tình cảm ấy, khi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/2 và Nhà giàn DK1/16, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực, Trưởng Đoàn công tác Bộ Công an đã bày tỏ: “Đảng, Nhà nước, nhân dân và lực lượng CAND luôn tin tưởng những người lính trung thành, tận tụy hy sinh như các đồng chí. Các đồng chí chính là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển Đông”

Trần Duy Hiển
.
.
.