Nỗi lo từ những địa bàn “bùng nổ” dân số ở Hà Nội

Bài 2: Thêm nhà nhưng không thêm trường

Thứ Ba, 16/10/2018, 08:39
Hàng loạt khu chung cư – nhà cao tầng, đô thị mới được xây dựng với hàng trăm ngàn người dân sinh sống, nhu cầu đến trường của các em học sinh không ngừng tăng. Nhiều địa bàn xảy ra tình trạng quá tải trường học khiến phụ huynh loay hoay đi tìm chỗ học cho con.

Gửi trẻ đi học nhờ

Ngày 28-12-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, để đạt chuẩn quốc gia, trường có tối đa không quá 30 lớp; mỗi lớp có tối đa không quá 35 học sinh, có đủ 1 phòng học/lớp. Thế nhưng với tốc độ đô thị hóa, dân số cơ học tăng nhanh trong khi cơ sở vật chất, các trường học ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố gần như không “chuyển dịch” đã dẫn tới tình trạng quá tải trường học.

Ở các quận nội thành, đặc biệt là các khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu chung cư - nhà cao tầng đưa vào sử dụng một cách ồ ạt như quận: Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân v.v.., lớp học phải “gánh” sĩ số lên đến 50-60 em.

Tình trạng trên trở nên phức tạp hơn khi năm học 2018-2019, số trẻ “Rồng vàng” – sinh năm 2012 nhập học lớp 1 tăng đột biến. Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội, trong năm học 2018-2019, các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân… là những địa bàn có đông học sinh nhập học. Trong đó, quận Hà Đông với 11.767 học sinh, quận Hoàng Mai với 9.785 học sinh, quận Thanh Xuân với 3.082 học sinh…

Sự gia tăng đột biến này khiến nhiều trường học có lớp học “gánh” sĩ số lên đến hơn 60 em như: Trường Tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), Trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân), Trường Tiểu học Nguyễn Trãi v.v.. Lớp học được thiết kế theo tiêu chuẩn chung, đáp ứng nhu cầu học tập của 35-40 em học sinh/lớp, vậy nhưng trước sức ép của “quả bom” dân số, sĩ số các lớp phải đội lên dẫn đến chất lượng học của trẻ bị ảnh hưởng, việc giảng bài của các giáo viên gặp nhiều khó khăn.

Theo bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai, đối với các địa bàn có mật độ dân số đông, trong khi quỹ đất hạn chế, thành phố cần nghiên cứu, tạo điều kiện cho các quận, cơ quan chức năng nếu thấy đủ yếu tố cho phép được nâng tầng đối với các dự án xây dựng trường học trong thời gian tới, qua đó nhằm chống tình trạng quá tải lớp học.

Trước tình trạng đó, nhiều địa phương đã căn cứ vào tình hình thực tế, lên phương án phân tuyến, “nhờ” điểm trường địa bàn lân cận. Phường Phúc La là một trong những địa bàn có dân số tăng chóng mặt trong những năm trở lại đây ở quận Hà Đông. Nếu như năm 2008, phường Phúc La có 1.856 hộ với 6.173 nhân khẩu thì nay đã tăng lên 8.412 hộ với 30.972 nhân khẩu.

Nguyên nhân gia tăng đột biến dân số trên là bởi 25 tòa chung cư - nhà cao tầng đi vào sử dụng thuộc Khu đô thị Xa La và Văn Quán – Yên Phúc với 5.057 hộ dân (xấp xỉ 15.000 nhân khẩu). Năm học 2018-2019, do trẻ nhập học lớp 1 tăng, trong khi phường chỉ có 1 Trường Tiểu học Văn Yên công lập, chính quyền địa phương và ngành giáo dục đã phải chọn phương án phân tuyến, “gửi” trẻ ở tổ dân phố 18, 19 – thuộc Khu đô thị Xa La theo học bên một trường tiểu học thuộc phường Kiến Hưng (Hà Đông).

Theo đại diện UBND phường Phúc La cho biết, phương án trên cũng chỉ là tạm thời, về lâu dài, nhất thiết phải có thêm trường học trên địa bàn.

Trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Liệt) bị quá tải học sinh năm học 2018-2019.

Loay hoay với các dự án xây trường học

Các bậc phụ huynh luôn mong muốn con em mình được học trong một môi trường giáo dục tốt, trường học gần nhà, chi phí học tập phù hợp. Bởi vậy, việc chăm lo, đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội là trách nhiệm không của riêng ai. Như đã đề cập đến trong số báo trước, Hoàng Liệt là một phường có tới 75 tòa nhà chung cư cao tầng, với hơn 2 vạn hộ dân (con số này chưa kể đến các hộ liền kề, người dân bản xứ).

Nhắc đến nơi đây, nhiều người trăn trở trước những phát sinh đi kèm với sức ép từ “quả bom” dân số. Dù năm học 2016-2017, cùng với Trường Tiểu học Hoàng Liệt, Trường Tiểu học Chu Văn An được đưa vào hoạt động, song do trẻ tuổi “Rồng vàng” – sinh năm 2012 nhập học quá đông, nên năm học 2018-2019, số trẻ ký tuyển sinh vào lớp 1 của hai trường tiểu học trên tăng đột biến.

Chỉ tính riêng Trường Tiểu học Chu Văn An, số học sinh đúng tuyến tuyển sinh (có hộ khẩu thường trú và tạm trú trên địa bàn) lớp 1 là 1.145 em (được chia làm 23 lớp, trung bình 49 học sinh/lớp), nâng tổng số học sinh toàn trường lên 2.980 học sinh với 57 lớp. Trong khi đó, theo thiết kế nhà trường có 30 phòng học và các phòng chức năng như: âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh, hội thảo… sau đó được sử dụng làm phòng học, nâng tổng số phòng học lên 41 phòng.

Tuy nhiên, căn cứ vào số học sinh hiện tại, còn thiếu 16 phòng học nên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai áp dụng phương án học 8 buổi/tuần và học luân phiên cả ngày thứ bảy. Lịch học này phần nào gây khó khăn cho cha mẹ học sinh (vì không có người trông giữ con vào 2 ngày nghỉ học luân phiên trong tuần).

“Theo quy hoạch dự án, bên Khu đô thị thành phố Giao Lưu sẽ có 2 trường (1 tiểu học và 1 THCS) được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ, song dù đã có hàng ngàn người dân về sinh sống, dự án xây trường trên vẫn chưa được triển khai. Dự án xây trường chậm triển khai kéo theo hàng loạt vấn đề phát sinh liên quan đến ANTT như: biến đổi mục đích sử dụng, cơi nới, lấn chiếm sử dụng đất trái phép…”, ông Chu Việt Dũng – Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Báo CAND, bà Phạm Đàm Thục Hạnh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai cho biết, tháng 4-2018, căn cứ vào kết quả điều tra phổ cập giáo dục trên địa bàn phường, UBND quận Hoàng Mai đã giao chỉ tiêu tuyển sinh học sinh lớp 1 năm 2018-2019 cho Trường Tiểu học Chu Văn An là 964 học sinh.

Nhưng sau đó, từ tháng 5-2018 đến tháng 7-2018 đã có gần 200 trẻ trong độ tuổi vào lớp 1 được chính quyền địa phương xác nhận mới về tạm trú trên địa bàn thuộc tuyến tuyển sinh của nhà trường. Do đó, số học sinh tuyển sinh vào lớp 1 Trường Tiểu học Chu Văn An tăng đột biến và nhà trường mới phải bố trí mô hình học luân phiên như trên.

Theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai, nhằm tạo điều kiện tối đa cho các em học sinh đến trường, học 10 buổi/tuần (có học luân phiên ngày thứ bảy), hiện nhà trường đang tiếp tục cải tạo một số phòng chức năng thành 7 phòng học (dự kiến hết cuối tháng 10-2018 đưa vào sử dụng).

Không riêng gì Hoàng Liệt, trên địa bàn thành phố hiện nay – nhất là các địa bàn có nhiều chung cư - tòa nhà cao tầng đi vào khai thác sử dụng, tình trạng “thêm nhà, nhưng thiếu trường học” đang trở thành nỗi lo của người dân địa phương. Quận Bắc Từ Liêm hiện có 104 nhà chung cư cao tầng đã đưa vào sử dụng (với trên 15 ngàn hộ dân) khiến tình trạng quá tải trường học cũng diễn ra khá phức tạp.

Ông Chu Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) lo lắng khi trên địa bàn có tới 29 tòa nhà chung cư cao tầng (cao từ 10 đến 27 tầng, tương ứng 5.000 căn hộ) thuộc khu đô thị: thành phố Giao Lưu, Cổ Nhuế, Nghĩa Đô khiến dân số đạt “ngưỡng” hơn 4 vạn, thế nhưng, hiện mới có dự án xây trường tiểu học công lập đang triển khai và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Còn trước đó, học sinh trên địa bàn vẫn phải học bên Trường Tiểu học Cổ Nhuế thuộc địa bàn phường Cổ Nhuế 2.

Trần Huy
.
.
.