Nóng bỏng cuộc chiến chống buôn lậu các tỉnh phía Nam

Bài 2: Nhức nhối chuyện buôn lậu núp bóng “hàng quá cảnh”

Thứ Hai, 07/08/2017, 09:40
Nhận thấy các phương thức, thủ đoạn của mình liên tục bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nên từ đầu năm 2017 đến nay các đối tượng buôn lậu chuyển sang sử dụng chiêu thức hàng quá cảnh nhưng không cho lưu kho bãi như trước mà khi hàng hóa cập cảng biển hoặc cảng hàng không thì lập tức cho làm thủ tục để di dời đi ngay...


Thời gian qua tình hình buôn lậu không chỉ xảy ra trên tuyến biên giới các tỉnh phía Nam mà tại các cảng biển và cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tình hình buôn lậu cũng hết sức phức tạp. Lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu hàng hóa, các đối tượng buôn lậu đã không từ một thủ đoạn nào, đặc biệt thời gian qua, các đối tượng buôn lậu đã triệt để sử dụng hình thức nhập hàng quá cảnh, chuyển tiếp đến nước thứ 3, nhưng thực tế là đưa hàng lậu vào tiêu thụ trong nội địa, gây bất ổn thị trường trong nước.

Trung tá Trần Thanh Hiển, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) cho biết: Thời điểm từ giữa năm 2016 trở về trước, các đối tượng buôn lậu thường sử dụng chiêu tạm nhập tái xuất để nhập lậu hàng hóa các loại (chủ yếu là hàng mà người nước ngoài đã ném vào bãi rác) vào tiêu thụ tại thị trường trong nước. Đối với các loại linh kiện điện tử, điện lạnh, điện máy được tập kết với số lượng lớn về cảng Sài Gòn, Cát Lái, sau đó giả bộ trung chuyển đến các cảng nhỏ khác để thực hiện công đoạn phá niêm chì để rút ruột container. Riêng các loại ngà voi, vẩy tê tê được các chủ hàng giấu trong lõi gỗ đưa vào trong nước.

Từ giữa năm 2016 đến nay, do bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý ráo riết nên các đối tượng buôn lậu đã liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn với chiêu bài mới là quá cảnh rồi chuyển tiếp bằng cả đường bộ và đường biển đến nước thứ 3 và trên đường vận chuyển sẽ tìm cách móc hàng hóa xuống tiêu thụ trong nội địa. Cách giấu hàng hóa cũng hết sức tinh vi khiến cho lực lượng chức năng rất khó kiểm tra, kiểm soát.

Cụ thể như trong hai ngày 6 và 21-10-2016 các trinh sát Phòng 6, Cục C74 phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện nhân viên Công ty TNHH TMDV Diệu Tiên có trụ sở tại phường 11, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đang tiến hành làm thủ tục chuyển tiếp nhiều container gỗ nhập khẩu từ châu Phi sang nước thứ 3.

Nhận thấy có nhiều điểm bất thường bởi chủng loại gỗ được kê khai trong vận đơn thì ở các nước xung quanh ta có rất nhiều và giá cũng rẻ nên đã tiến hành kiểm tra và phát hiện trong lõi một số cây gỗ có chất lạ không giống thớ gỗ bình thường. Quyết định cho xẻ đôi các cây gỗ, lực lượng phối hợp đã thu giữ tổng cộng 2.646,7kg ngà voi, 277kg vẩy tê tê trị giá hàng trăm tỷ đồng được cất giấu bên trong.

Làm việc với cơ quan Công an, chủ lô hàng khai nhận do biết đây là các mặt hàng cấm nhập khẩu nên sau khi thu gom được số hàng trên đã thuê người bản xứ đục khoét các thân cây gỗ lớn, nhét ngà voi vào trong rồi đổ sáp chèn lên để khi hải quan kiểm tra nếu không có kinh nghiệm thì khó lòng phát hiện ra được.

Nhận thấy các phương thức, thủ đoạn của mình liên tục bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nên từ đầu năm 2017 đến nay các đối tượng buôn lậu chuyển sang sử dụng chiêu thức hàng quá cảnh nhưng không cho lưu kho bãi như trước mà khi hàng hóa cập cảng biển hoặc cảng hàng không thì lập tức cho làm thủ tục để di dời đi ngay. Cánh buôn lậu cho lập các công ty nhưng thuê những người ít hiểu biết về pháp luật (có cả tài xế xe ôm và nông dân) làm giám đốc, đồng thời tiến hành lập ra các trạm đại diện ở Campuchia giáp với biên giới Việt Nam để tập kết hàng hóa sang đó rồi tìm cách tuồn qua đường mòn đưa lên xe tải vận chuyển về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tiêu thụ.

Nhiều lô hàng điện tử, điện lạnh, ngà voi nhập lậu được phát hiện tại cảng Cát Lái.

Thủ đoạn mới này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu. Để bắt giữ được các đối tượng, các trinh sát thường phải ứng trực ở khu vực biên giới, nhiều khi phải nằm 24/24 giờ trong hàng tuần liền để đón lõng các đối tượng buôn lậu tuồn ngược hàng hóa vào trong nước.

Cụ thể, vào ngày 20-4, các trinh sát Phòng 6, Cục C74 phát hiện một lượng lớn hàng điện lạnh, điện máy và hàng gia dụng cập cảng Cát Lái nhưng được chủ hàng cho làm thủ tục để vận chuyển ngay sang nước thứ 3. Nhận định đây chỉ là chiêu lách luật của chủ hàng và sau đó sẽ được đưa trở ngược vào trong nước tiêu thụ nên các trinh sát quyết định bám theo.

Đúng như nhận định, đến 23h ngày 25-4, lô hàng này đã được tập kết về kho hàng số 125 đường Tây Lân, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân nên đã tổ chức phối hợp cùng lực lượng Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh và Công an quận Bình Tân tiến hành kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra phát hiện bên trong có chứa 201 quạt điện, 199 cục nóng - lạnh máy điều hòa, 98 nồi cơm điện, 23 máy giặt cùng nhiều loại thiết bị điện khác đã qua sử dụng.

Nhức nhối nhất có lẽ là vụ trên 200 container hàng hóa “mất tích” tại cảng Cát Lái. Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, giữa năm 2015 các đơn vị chức năng của Tổng cục phát hiện 213 container của 56 doanh nghiệp quá cảnh qua cảng Cát Lái để trung chuyển đi Campuchia bằng đường bộ. Toàn bộ số hàng hóa này đã được hệ thống xác nhận hàng hóa quá cảnh đã được làm thủ tục hải quan ở nơi đi (BOA) xác nhận thông tin nhưng lại không có xác nhận trong hệ thống làm thủ tục hải quan của nơi đến.

Trước sự mất tích khó hiểu của số lượng hàng hóa khổng lồ này, Tổng cục Hải quan đã lập đoàn kiểm tra và đến cuối tháng 3-2017 thì xác định việc này là do một số cán bộ Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 đã thực hiện các thủ tục chưa đúng quy định để các đối tượng buôn lậu lợi dụng. Hiện vụ việc được cơ quan Công an vào cuộc để điều tra làm rõ.

Thượng tá Lê Thơm, Trưởng phòng 6, Cục C74 cho biết: Tình hình buôn lậu trong thời gian qua không chỉ xảy ra ở các cảng biển mà tại cửa khẩu hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng hết sức nhức nhối. Các loại hàng cấm như sừng tê giác, tân dược, thực phẩm chức năng cũng được các chủ hàng giấu mặt ở nước ngoài gửi về theo dạng quá cảnh sang nước thứ 3, đặc biệt còn có cả những lô súng đạn các loại được tháo rời thành từng bộ phận nhỏ gửi theo dạng quà biếu…

Trước sự gia tăng về các loại hình buôn lậu, trong thời gian tới rất cần sự phối hợp thường xuyên chặt chẽ giữa các ban, ngành  chức năng thì công tác chống buôn lậu mới đạt hiệu quả cao được. Một trinh sát Cục C74 nhận định.

Đức Cương
.
.
.