Từ vùng bão lũ miền Trung - đi tìm giải pháp sống an toàn:

Bài 2: Nhận diện căn nguyên lũ lụt miền Trung

Thứ Sáu, 15/10/2010, 14:56
Hậu quả tàn khốc của đợt lũ lụt đối với miền Trung vừa qua thêm một lần day dứt tâm can người dân cả nước nhất là các nhà chuyên môn. Chỉ tính 10 năm gần đây đã có tới hàng chục trận bão lũ lẫn áp thấp nhiệt đới tàn phá miền Trung, cướp đi sinh mạng hàng ngàn người cùng vô vàn tài sản của người dân cũng như hủy hoại môi trường...
>>Bài 1: Cùng dân chạy lũ

Ý kiến dưới đây của các nhà chuyên môn sẽ cùng Báo CAND cắt nghĩa vì sao bão lũ miền Trung ngày càng dữ dằn và phải làm gì để người dân khu vực này có thể sống bình an nơi mình đã sinh ra…

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Trưởng ban Phòng, chống lụt bão Trung ương Lê Huy Ngọ: Chủ yếu do thiên tai, nhưng hệ quả đó có yếu tố tác động của con người đối với môi trường

Ông "chống lụt, bão" Lê Huy Ngọ trăn trở nêu vấn đề: Bão lũ miền Trung bao giờ cũng là thách thức lớn với nước ta. Nhưng lần này (đầu tháng 10/2010), ông rất bất ngờ bởi lũ lụt về quá nhanh, lưu lại lâu khác thường và gây hậu quả nặng nề, chết nhiều người và cuốn trôi nhiều tài sản, hoa màu quá. Ngay như trận lũ lịch sử năm 1971, thì thời gian nước lưu lại cũng chỉ một, hai ngày là đồng bào có thể khôi phục để sản xuất. Nhưng đợt này đã cả tuần mà nước chưa rút hết.

Về nguyên nhân trực tiếp, theo ông Lê Huy Ngọ, do đợt này mưa tập trung, mưa với cường độ rất cao tại khu vực miền Trung (từ 1.200mm đến 1.300mm), gần bằng lượng mưa cả năm, nên lũ xuất hiện nhanh và xiết; thứ hai, mưa lớn, lũ dâng vào ban đêm, đèn tắt, điện mất, thông tin cắt, đường sá ngập, khả năng ứng phó của người dân và cứu trợ của lực lượng bên ngoài bị hạn chế gây thiệt hại lớn; lũ lụt tràn về các vùng dân cư từ Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh); Quảng Trạch, Bố Trạch, Minh Hoá… (Quảng Bình) đến các huyện của Thừa Thiên - Huế… đều là vùng bán sơn địa, miền núi, dân cư nghèo nên càng khó đối phó với lũ lụt.

Ngoài ra, địa hình vùng này phức tạp, đồng bằng hẹp, địa hình dốc, bị uy hiếp cả từ hai phía: Trước mặt là biển, sau lưng là rừng, lực lượng cứu trợ vào tiếp cận khó khăn… Ông Ngọ nhấn mạnh, như khi còn tại nhiệm ông từng báo cáo với Chính phủ, trước Quốc hội, trọng điểm đối phó với biến đổi khí hậu là vấn đề phòng chống thiên tai.

Đó là vấn đề nhãn tiền, trực tiếp, nhạy cảm nhất là khu vực miền Trung. Ông cảnh báo, lũ lụt miền Trung gần đây xuất hiện với tần suất dày hơn (trước đây 5-7 năm/lần, nay từ 1 đến 2 năm/lần), tính chất khốc liệt hơn, diện ngập rộng hơn (lần này là 9/10 huyện thuộc nhiều tỉnh, thành) và hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn trước. 

Nhưng đáng quan ngại chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng lũ lụt miền Trung. Ông Lê Huy Ngọ cắt nghĩa: Rõ ràng, khí hậu, thiên tai có sự biến đổi nhưng càng ngày càng nhận thấy, sự tác động của con người đối với môi trường miền Trung cũng góp phần làm thiên tai thêm trầm trọng.

Ông phân tích, an toàn đối với miền Trung trước hết phải nhờ rừng. Rừng giữ nước đầu nguồn, rừng chắn gió bão từ biển, giảm bớt thiệt hại. Vậy mà những năm gần đây rừng bị thu hẹp với ba lý do, một là chúng ta chủ động chuyển mục đích sử dụng rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp, phủ xanh đất trống đồi trọc; thứ hai là các tỉnh phát triển mạnh các khu công nghiệp, khu du lịch, đô thị ven biển, chiếm mất quá nhiều diện tích trồng phi lao ven biển, phá vỡ bức tường thành chặn bão và nước biển một cách tự nhiên; điều ông Ngọ lưu ý nhất chính là phát triển thủy điện nhiều, lấy đi quỹ rừng rất lớn.

Ông Ngọ dẫn ra con số, trên địa bàn 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên những năm gần đây đã phát triển tới 393 dự án thủy điện lớn nhỏ. Mà như ông Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng cho biết, chỉ với 25 công trình thủy điện đã và đang triển khai nơi đây, đã lấy đi 15.000ha rừng tự nhiên. Con số này rất đáng quan tâm, vì lợi ích kinh tế từ thủy điện không thể không tính tới yếu tố môi trường, phòng chống lụt bão nhờ rừng.

Mặt khác, khi duyệt dự án thủy điện, xây hồ thủy lợi, dự án nào cũng có đánh giá tác động môi trường, trong đó nêu rõ hồ thủy điện, thủy lợi có tác dụng tích nước, làm chậm lũ. Trên thực tế không hoàn toàn như vậy. Họ tích nước chủ yếu vì mục đích sản xuất điện, chứ có mấy khi chủ động xả nước trong hồ để chờ lũ, đón lũ và cắt lũ. Bởi thế, nguy cơ vỡ đập tràn, nước lớn từ thủy điện tác động vào lũ miền Trung càng gay gắt. Đập thủy điện Hố Hô (Quảng Bình) vừa qua là một minh chứng.

Ở góc độ khác, đầu tư lớn vào phát triển giao thông miền Trung là rất có ý nghĩa. Nhưng việc nâng cao nền nhiều con đường, từ 2-3 thậm chí tôn cao 4m, mà không chú ý mở khẩu độ thoát lũ khiến những con đường đó lại trở thành đập ngăn nước mỗi khi lũ về. 

Tiến sĩ Trần Tiến Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình: Rừng bị tàn phá, sông, đồng không kịp thoát lũ

Dãy Trường Sơn chạy dọc theo bờ biển, nên đồng bằng ở miền Trung rất hẹp. Miền Trung lại có nhiều sông tương đối lớn, như sông Lam ở Nghệ An, sông Ngàn Sâu ở Hà Tĩnh, sông Gianh ở Quảng Bình, sông Thạch Hãn ở Quảng Trị, sông Hương ở Thừa Thiên - Huế… chính sông, suối nhiều nhưng chiều dài các sông đa số ngắn và có độ dốc lớn, trong khi đó lưu vực các sông thường là đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh gây ngập lụt.

Những năm gần đây, các cửa sông lại hay bị bồi lấp làm cản trở việc thoát lũ cho vùng đồng bằng. Cũng như nhiều nơi khác trong nước, rừng ở các tỉnh miền Trung đang bị tàn phá một cách nghiêm trọng. Hiện nay diện tích rừng chỉ còn khoảng 42%.

Các cuộc nghiên cứu và điều tra nhiều nơi đã chứng minh rằng nguyên nhân hàng đầu của lũ lụt là có quá nhiều mưa xảy ra trong một thời gian ngắn ngủi, và việc phá rừng có thể ảnh hưởng quan trọng đối với lũ lụt trong các lưu vực hạn hẹp như ở miền Trung. Lượng nước lũ ở một vùng có nhiều cây cối sẽ ít hơn lượng nước lũ từ một vùng trơ trọi. Điều thiệt hại rất lớn mà bà con nông dân phải mất nhiều năm mới khắc phục được là một lượng cát khổng lồ trôi theo lũ đã lấp sâu nhiều hécta ruộng lúa dọc 2 bên bờ sông và hạ lưu.

Ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT): "Nguyên nhân chính là do mưa lớn trên diện rộng với cường độ mưa lớn. Ngoài ra, đó chính là sự ảnh hưởng của mặt đệm, ảnh hưởng của điều tiết các hồ chứa, ảnh hưởng của lòng dẫn và khả năng tiêu thoát lũ ở hạ du"

Thực tế, trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hiện có 79 hồ chứa nước thủy lợi (tính riêng hồ có dung tích trên 5 triệu m3) với tổng dung tích trữ gần 2,4 tỷ m3, 27 hồ chứa thủy điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý có tổng dung tích 6,426 tỷ m3 và nhiều hồ chứa nước vừa và nhỏ khác do các công ty ngoài EVN quản lý.

Việc xây dựng các hồ chứa nước đã gây ngập hàng chục ngàn hécta diện tích rừng do lòng hồ chiếm chỗ, và rừng bị chặt phá để xây dựng hành lang lưới điện, đồng thời làm mất đi hàng chục nghìn hécta thung lũng là nơi tập trung nước và giữ nước mưa tạm thời, có tác dụng điều tiết làm chậm lũ trên sông chính, tăng nhanh quá trình tập trung nước và tốc độ chảy truyền trên lưu vực gây cường suất lũ lên lớn và đỉnh lũ cao. Đây là nguyên nhân quan trọng góp phần làm mất đi nhiều diện tích rừng đầu nguồn, suy thoái thêm thảm thực vật.

Ông Nguyễn Xuân Diệu nhấn mạnh: "Việc phát triển thủy điện hiện nay chưa đi đôi với công tác quản lý.

Ông Côn Din, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã A Vao (Đakrông, Quảng Trị): Lụt càng ngày càng trở nên dữ dằn hơn do con người chặt phá, đào bới tan hoang rừng núi

Ông Din cho biết, từ những năm 90 đến nay, vùng rừng già, núi đá ở A Vao, nằm đầu nguồn sông Đakrông đã bị ngàn vạn con người từ khắp nơi đến chặt cây, đào núi tìm vàng.

Hậu quả không chỉ có môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng mà lụt lội ngày càng trở nên dữ dằn hơn do cây bị mất, đất không còn khả năng giữ nước; khe suối bị bồi lấp, lệch dòng, nước tràn lên khu dân cư và tạo ra nhiều hầm hố, vực sâu...

Năm nay chưa xảy ra lũ lớn nhưng người dân A Vao vẫn mất ăn mất ngủ vì thiên tai ở đây ngày càng trở nên rất bất thường, đặc biệt là tình trạng lũ ống và lũ quét

Thanh Phong - Thanh Bình - Sông Lam - Lê Quân
.
.
.