Chuyện về những người tù trở về:

Bài 2: Nguyễn Như Sơn và cuộc hành trình vượt lên nỗi đau số phận

Thứ Hai, 04/05/2009, 16:10
Nếu ở lưng đèo dãy núi Hoàng Liên Sơn, tỉnh Lai Châu có một tỷ phú cá hồi Trần Yên thì ở Thái Bình có một doanh nhân tiêu biểu được dư luận nơi đây tâm phục, khẩu phục. Hai doanh nhân, hai cuộc đời nhưng ở họ đều có điểm chung là khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và đều có những năm, tháng thụ án ở các trại giam. Ra khỏi trại cải tạo, bằng ý chí và nghị lực, nuôi dưỡng ước mơ thoát nghèo, họ đã đứng dậy và đi lên - một chặng đường trải đầy mồ hôi và nước mắt.

>>Chuyện về những người tù trở về

Đứng lên sau những bĩ cực cuộc đời

Tôi gặp Giám đốc Nguyễn Như Sơn đúng dịp mà công ty của anh vừa có vinh dự được đón nhận chứng chỉ ISO 9001-2000 và được xếp vào Top 10 doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Bình. Thành quả ấy như một luồng gió lành tiếp thêm sức mạnh cho con thuyền Lam Sơn tiếp tục vươn ra biển lớn.

Nhưng, để có được những thành quả như ngày hôm nay, ít ai biết được rằng, cuộc đời người đứng mũi chịu sào, chèo lái con thuyền Lam Sơn ấy đã trải qua biết bao những thâm trầm của một ngày xưa cơ cực, lam lũ, suy tư trong những ngày thụ án ở trại giam để rồi vượt lên những bĩ cực của cuộc đời trở thành một doanh nhân tiêu biểu thời hội nhập.

Nguyễn Như Sơn sinh năm 1952 tại làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, Thái Bình, ngôi làng đã từng được Bác Hồ tặng là "Làng kháng chiến kiểu mẫu" trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Những người con cùng thời với Nguyễn Như Sơn càng thấu hiểu hơn ai hết nỗi đau của đất nước, quê hương bị quân thù giày xéo, đốt phá. Truyền thống ấy lại được lớp lớp những người con làng Nguyễn viết tiếp những bản anh hùng ca "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

Gia đình Sơn ngày ấy có 5 anh em trai thì 4 người lên đường nhập ngũ. Riêng Sơn, do bố mẹ anh đã ngoài tuổi 70, cần người chăm lo, phụng dưỡng nên anh được tạm thời miễn nhập ngũ. Mặc dù vậy, ở quê nhà, anh vẫn tham gia tích cực vào hàng ngũ dân quân và trực chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Trong các chiến công oanh liệt của người dân quê anh thời bấy giờ, nhóm dân quân trực chiến của Nguyễn Như Sơn chỉ bằng khẩu đại liên đã bắn hạ một máy bay địch. Ngày ấy, tiểu đội trực chiến của anh đã được tuyên dương, khen thưởng với niềm vui, tự hào theo anh trong suốt cuộc đời mặc dù phần thưởng chỉ là những vật dụng đơn sơ như chiếc ca đựng nước.

Đến năm 1976, đúng thời điểm vợ anh đã sinh được đứa con trai đầu lòng và cũng là lúc mà chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Gia đình đang rất cần sự có mặt của anh. Nhưng với bản lĩnh của một chàng trai sinh ra và lớn lên ở một miền quê giàu lòng yêu nước, Nguyễn Như Sơn vẫn xung phong lên đường nhập ngũ, bỏ lại phía sau bao nỗi niềm của người vợ trẻ và đứa con thơ dại. Anh đã tham gia chiến đấu tại khu vực biên giới Tây Nam, rồi tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Campuchia.

Năm 1983, do hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn nên anh xin phục viên. Quê hương anh một thời anh dũng trong bom đạn chiến tranh giờ phải đối mặt với khó khăn trăm bề trong thời bình. Mọi người chỉ có một mong mỏi là kiếm đủ ăn và thoát nghèo. Nguyễn Như Sơn tự dặn mình, không thể đầu hàng số phận, "phải tự cứu mình trước khi trời cứu".

Sau nhiều đêm thao thức, anh đi đến quyết định cùng với một người bạn chung tiền mua chiếc xe công nông cỡ nhỏ để làm phương tiện hành nghề với mục đích phục vụ bà con ở làng xã như chở đất, cát, vật liệu, phân bón, thóc gạo… Nhưng không ngờ, một bi kịch đã đến với anh.

Ngày ấy, theo anh kể thì từ quân ngũ trở về, ao ước của anh là khôi phục kinh tế cho gia đình thoát khỏi cảnh khó khăn bằng chính sức lực, trí tuệ, mồ hôi của mình. Đây cũng là lúc tỉnh Thái Bình đang phất lên từ những "cánh đồng 5 tấn". Đảng ủy, ủy ban và  Ban chủ nhiệm Hợp tác xã đã cho phép thu đổi 1kg phân lân đổi được 3kg thóc. Nhờ có phương tiện vận chuyển là chiếc xe công nông, Nguyễn Như Sơn đã mua gom phân lân với mục đích phục vụ bà con trong xã.

Ở đầu làng anh thường xuyên có các xe ôtô chở phân lân từ nhà máy về đổ bán. Yêu cầu của họ là đưa hàng đến tận đầu bờ kênh. Sơn liền bỏ tiền túi của mình và huy động một số người khác để mua được khoảng 30 tấn phân lân với mục đích rất rõ ràng là phục vụ bà con xã viên trong xã. Sự việc chỉ là vậy, công khai và minh bạch như kiểu "lấy công làm lãi".

Vậy mà sau đó ít lâu, do nảy sinh hiện tượng mất đoàn kết nên một số người đã lật lại việc "đổi lân lấy thóc" mà Nguyễn Như Sơn đã thực hiện trước đó. "Thực ra khi ấy, mình cũng nghĩ đơn giản là thấy mặt hàng này được bày bán la liệt ở đầu làng và huy động tiền để mua nó phục vụ bà con theo Nghị quyết của Ban chủ nhiệm Hợp tác xã; chứ ai để ý đến hóa đơn, chứng từ… Tưởng việc làm ấy là đem lại lợi ích cho bà con, ai dè tôi đã bị khởi tố và bắt tạm giam 10 tháng về tội đầu cơ tích trữ.

Với tội danh này, anh đã phải nhận mức án 3 năm tù giam. Thấy mình bị oan ức, anh viết đơn chống án. Nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, Nguyễn Như Sơn được đổi sang tội danh khác: "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có". Biết mọi chuyện đã an bài, Nguyễn Như Sơn chấp nhận vào thụ án tại Trại giam Thái Bình.

"Lúc đầu, tôi cũng thấy hoang mang và suy nghĩ mông lung, bởi việc làm của tôi chỉ thuần túy bắt nguồn từ sự mưu sinh. Nhưng rồi khi vào trại, gặp những người đồng cảnh khiến tôi dần dần ổn định tâm lý, quyết tâm cải tạo tốt để sớm được trở lại với cuộc sống đời thường", Nguyễn Như Sơn tâm sự. Quả nhiên sau 2/5 thời gian thụ án, do có thành tích cải tạo tốt, năm ấy, nhân dịp Lễ Quốc khánh, Nguyễn Như Sơn đã được đặc xá.

Vững tin ở tương lai

Giám đốc Nguyễn Như Sơn (người thứ 4 từ trái qua) tại Lễ trao giải cho những doanh nhân tiêu biểu ở Thái Bình.

Gạt bỏ những đau buồn trong quá khứ, Nguyễn Như Sơn trở về gia đình, đem theo niềm tin vào ngày mai tươi sáng với ý chí quyết tâm làm giàu. Vẫn là chiếc công nông ngày nào, anh lại sử dụng nó như là chiếc cần câu kiếm cơm cho gia đình nhờ việc vận chuyển vật tư, nguyên liệu cho bà con.

Cuối năm 1989, cửa hàng mua bán của Hợp tác xã đang trong giai đoạn làm ăn thua lỗ. Anh đã quyết định đứng ra làm dịch vụ cho Hợp tác xã với các công việc xay xát và kinh doanh lương thực, cung ứng phân bón phục vụ bà con nông dân trong xã.

Điều lạ là, người ta làm thì thua lỗ, khi đến lượt anh thì lợi nhuận dần dà nảy sinh. Từ chỗ chỉ bán hàng trong phạm vi xã, dần dần anh đem hàng ra các xã bạn. Từ chỗ phải thuê xe để chở hàng hóa từ tỉnh ngoài về, anh đã tích cóp tiền mua 1 chiếc xe vận tải, dần dà, anh mua thêm 2 chiếc, 3 chiếc… Đến nay, công ty của anh đã có hơn 50 đầu xe, nâng tổng năng lực vận tải lên trên 1.000 tấn, trong đó có 20 xe trọng tải lớn. Doanh số của công ty đạt trên 500 tỷ đồng.

Điều cần nói là ở vào thời điểm ấy, người ta thấy Nguyễn Như Sơn ngày ngày vừa kinh doanh, vừa cắp sách đi học bổ túc văn hóa. Trong lớp học, anh là học sinh cao tuổi nhất, thậm chí ngồi học chung với một số người mà tuổi đời còn kém cả tuổi con anh. Vậy mà anh vẫn không nản mà tiếp tục theo học.

Sau khi tốt nghiệp chương trình bổ túc văn hóa PTTH, với ý chí và nghị lực, anh thi tiếp vào Đại học Luật, Khoa Tại chức, để đến cuối năm 2000, anh được nhà trường cấp bằng cử nhân luật, tham gia sinh hoạt và trở thành luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, tại sao anh không theo học các trường đại học khác mà lại theo học trường luật, Giám đốc Nguyễn Như Sơn khẳng định rằng, đã là nhà doanh nghiệp, trước tiên phải hiểu và có kiến thức về luật pháp. Đặc biệt trong thời hội nhập quốc tế sâu rộng, việc các doanh nhân hiểu kỹ về luật pháp có ý nghĩa rất quan trọng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhờ tinh thần phục vụ tận tụy và trung thực, đáp ứng kịp thời nhu cầu cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản của bà con nông dân, nên uy tín của đơn vị Sơn ngày càng được nâng cao, vượt ra phạm vi một xã.

Điều không ai ngờ đến, sau 7 năm đi vào hoạt động, năm 2006, cơ sở sản xuất kinh doanh của anh đã chuyển đổi thành Công ty TNHH Lam Sơn, hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh, rồi từng bước mở rộng sang các tỉnh lân cận.

Năm 2002, được sự ủng hộ và giúp đỡ của các cấp ủy Đảng và chính quyền, Công ty Lam Sơn đã được thuê 10.000m2 đất tại Cụm công nghiệp Đông La để mở rộng nhà máy chế biến lương thực và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ khác.

Từ chỗ công ty chỉ có một nhà máy xay xát với công suất khoảng 1.000 tấn/năm, đến nay nhà máy chế biến lương thực của công ty đã có công suất trên 15.000 tấn/năm.

Về kinh doanh phân bón, hằng năm công ty đã kinh doanh trên dưới 30.000 tấn. Công ty đã mở trên 700 đại lý tại 6 tỉnh thuộc khu vực phía Bắc. Sản lượng thức ăn chăn nuôi hằng năm của công ty cũng đạt trên dưới 60.000 tấn. Ngoài ra, Công ty đã mở rộng thêm các hoạt động kinh doanh - dịch vụ khách sạn, nhà hàng và một số mặt hàng tiêu dùng khác. Tổng số lao động làm việc thường xuyên tại công ty là 250 người và khoảng 1.000 người làm việc tại trên 700 đại lý bán hàng của công ty.

Điều đáng nói là mấy năm gần đây trong lúc nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, làm ăn thua lỗ triền miên thì Công ty Lam Sơn thường xuyên đạt mức tăng trưởng trên 30%.

Với những thành tích mà Công ty Lam Sơn đạt được trong những năm qua, cơ sở Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp ghi nhận và xếp vào Top 10 doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Bình.

Sau đó, được sự giúp đỡ của Công ty Tư vấn quản lý quốc tế và sự đánh giá, giám sát của Công ty Tuy Not Việt Nam theo tiêu chuẩn ISO của Liên bang Đức, Công ty Lam Sơn đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quản lý theo ISO 9001-2000.

Giám đốc Nguyễn Như Sơn luôn tin tưởng, những thành công đã đạt với bao mồ hôi, nước mắt chắc chắn sẽ là nền tảng vững chắc để con thuyền Lam Sơn tiếp tục vươn ra biển lớn, vững vàng trong nền kinh tế thị trường. Vâng, Nguyễn Như Sơn là vậy. Đúng nghĩa, anh đã đưa doanh nghiệp của mình đi lên từ hai bàn tay trắng, xứng đáng là một doanh nhân tiêu biểu đứng chân trên quê hương lúa Thái Bình

Lưu Vinh - Nguyễn Hương
.
.
.