Những doanh nhân Việt kiều nặng lòng cùng đất nước:

Bài 2: Chuyện về ông "vua rác" trên đất Mỹ

Thứ Tư, 02/12/2009, 10:31
David Dương trở về với nghề truyền thống của gia đình mình. Thời điểm này cha mẹ anh đã lớn tuổi, sức khỏe giảm sút và ít năm sau cha anh qua đời nên mọi việc quản lý, điều hành 2 cơ sở sơ chế rác của gia đình đều do anh đảm nhận. Để có cơ sở pháp lý cho các hoạt động xử lý rác, anh quyết định thành lập công ty xử lý và chế biến rác thải ngay trên đất Mỹ. Đây là công ty cổ phần với sự góp vốn của một số bà con Việt kiều tại bang California.

>> Kỳ 1: Chuyện về ông "vua rác" trên đất Mỹ

Đồng lòng cùng đất nước

Để sớm đưa doanh nghiệp của mình phát triển theo đúng hướng, David Dương mời thêm một số chuyên gia người Mỹ đến tư vấn và đưa các công nghệ mới, hiện đại vào dây chuyền xử lý và chế biến rác thải. Đúng như dự đoán của anh, sau khi thành lập doanh nghiệp, công ty đã tham gia đấu thầu nhiều dự án xử lý chất thải trên thành phố và đã trúng thầu nhiều dự án lớn. Từ chỗ cơ sở của gia đình anh chỉ thu hút vài chục lao động, đến nay công ty của David Dương đã có hơn 300 người làm việc, chủ yếu là con em bà con Việt kiều. Từ chỗ chỉ thu gom, phân loại rác đến nay các nhà máy của công ty đã tái chế rác thành các loại hàng hóa xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.

David Dương bảo: "Luật bảo vệ môi trường ở Mỹ rất chặt chẽ và ngặt nghèo. Do vậy, giành được các hợp đồng lớn đòi hỏi phải có công nghệ cao, thiết bị hiện đại, hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn pháp luật của Hoa Kỳ. Ở đây không có kiểu làm chơi ăn thật, nhất là các mặt hàng được sản xuất ra có xuất xứ nguyên liệu là rác. Nhờ giữ được chữ tín trong làm ăn nên quy mô hoạt động của công ty mỗi ngày phát triển và trong đợt bình chọn vừa qua, công ty đã được xếp thứ 37 trong số 100 công ty hàng đầu và có uy tín hoạt động về môi trường trên đất Mỹ. Do vậy từ chỗ khi đến Mỹ, gia đình tôi chỉ có 2 bàn tay trắng, đến nay khối lượng tài sản đã lên đến 800 triệu USD".

Dự án khu liên hợp xử lý rác ở TP HCM do doanh nhân Việt kiều David Dương làm chủ đầu tư.

Là người Việt Nam sinh sống và làm ăn ở đất người, David Dương bảo: "Lúc cơ hàn hay khi có của ăn, của để, những người như chúng tôi đều hướng về Tổ quốc; bởi vì ở đó là nơi chúng tôi sinh ra và lớn lên; ở đó còn tổ tiên, ông bà, bạn bè cùng trang lứa. Ở đó còn những kỷ niệm của thời ấu thơ".

Hồi mới sang Mỹ, theo lời anh thì do mải lo làm ăn để trang trải cuộc sống nên ít có điều kiện liên hệ với quê nhà, hơn nữa thời điểm này các phương tiện truyền thông ở Hoa Kỳ rất ít đưa tin về Việt Nam nên phần lớn người Việt Nam ở Mỹ chỉ lo làm ăn. Sau khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận, quan hệ Việt - Mỹ ngày một phát triển, báo chí Hoa Kỳ cũng thường xuyên đưa thông tin về những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, bà con ta ở hải ngoại đều rất phấn khởi. Hàng năm có cả trăm ngàn người về thăm quê hương, nhất là vào dịp Tết âm lịch. Nhiều doanh nhân Việt kiều ở Mỹ không chỉ thường xuyên gửi tiền, hàng về trợ giúp gia đình mà còn bỏ ra một số vốn lớn để đầu tư vào các dự án ở trong nước. Nhiều dự án của các doanh nhân Việt kiều đã và đang phát huy tác dụng, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về phần mình, anh David Dương cho biết, cách nay 6 năm, tức là vào năm 2003, qua lời giới thiệu của cơ quan xúc tiến thương mại thành phố California, anh đã tiếp xúc với đoàn doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh sang Hoa Kỳ tìm hiểu và kêu gọi đầu tư. Trong số các dự án mà TP Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư là dự án xử lý rác thải ở thành phố. Lúc ấy các bạn ở cơ quan xúc tiến thương mại Hoa Kỳ nói rằng, "với dự án này, các ông không cần phải đi đâu xa, vì ở thành phố hiện có doanh nghiệp do một người Việt đứng đầu đang làm rất tốt vấn đề này". Tại cuộc tiếp xúc với ông Phó Chủ tịch TP Hồ Chí Minh và các thành viên trong đoàn; David Dương nói: "Năm 1994, tôi đã về nước, nhưng lúc đó do Hoa Kỳ chưa bỏ cấm vận nên còn gặp nhiều khó khăn. Nay tình hình đã khác, nếu thành phố mời gọi, tôi sẵn sàng và quyết tâm thực hiện dự án xử lý rác tại thành phố".

Ít ngày sau, đáp lại lời mời của UBND TP Hồ Chí Minh, David Dương đáp máy bay về nước. Tại trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố, anh đã được đồng chí Lê Thanh Hải, khi đó là Chủ tịch UBND TP tiếp và hứa sẽ tạo mọi điều kiện để David Dương thực hiện thành công dự án xử lý chế biến rác thải ở địa bàn TP Hồ Chí Minh - nơi mà mỗi ngày có tới 7.000 tấn rác thải sinh hoạt được thải ra từ cộng đồng dân cư trong khuôn viên thành phố. Sau lần gặp gỡ những người có trách nhiệm ở TP Hồ Chí Minh, David Dương chính thức bắt tay vào làm thủ tục để xin giấy phép đầu tư.

Sau khi thẩm định của ngành chức năng, cuối năm 2005, dự án khu liên hợp xử lý chất thải của David Dương được cấp giấy phép đầu tư với số vốn đầu tư ban đầu là 90 triệu USD. Địa điểm xây dựng tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Cầm tờ giấy phép trong tay, công việc đầu tiên của anh là mời các chuyên gia Hoa Kỳ sang khảo sát về địa chất, địa hình và thiết kế để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau hơn một năm xây dựng đến đầu năm 2007, một phần của khu liên hợp xử lý rác thải đã hình thành và đi vào hoạt động.

Theo David Dương thì khi hoàn thành dự án này, mỗi ngày tại đây sẽ có 10.000 tấn rác thải được phân loại, xử lý và chế biến. Và cũng từ nguồn nguyên liệu rác sẽ được chế biến thành các loại phân vi sinh, thu khí gas để sản xuất điện, nước phục vụ các cơ sở sản xuất ở khu công nghiệp.

Vậy là sau 32 năm sống ở đất người, nay trở về quê cha, đất tổ, David Dương đang là chủ đầu tư một dự án lớn ở nơi mà anh đã sinh ra và lớn lên. Nếu như trước đây cách vài năm, anh mới về thăm đất nước một lần, nay vì có dự án này mà cách 2 tháng, David Dương lại phải về nước một lần, mỗi lần từ 10 đến 15 ngày. David Dương bảo: Sau bao năm xa cách, giờ đây mỗi lần về nước, thấy đất nước đổi thay từng ngày. So với một số quốc gia mà anh có dịp đặt chân đến, Việt Nam đang phát triển nhanh, đúng hướng và từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đó là những cái được, tuy nhiên theo David Dương thì ở Việt Nam ta vẫn tiềm ẩn những vật cản bước tiến của hành trình đổi mới.

Khi được hỏi, Việt Nam cần làm như thế nào để thu hút nhiều hơn doanh nhân Việt kiều về nước làm ăn? David Dương không ngần ngại trả lời:

- Cá nhân tôi cho rằng, chính sách kiều bào của Đảng và Nhà nước là rất đúng, rất tốt, một động lực để quy tụ sự đoàn kết, thúc đẩy bà con Việt kiều về nước làm ăn và đầu tư tiền của vào triển khai các dự án đầu tư. Nhưng theo tôi khi kiều bào ta về các địa phương tìm hiểu cơ hội đầu tư thì các địa phương cần có cơ quan tư vấn để giúp kiều bào nắm sát hơn về các thủ tục đầu tư, các mặt thuận lợi, khó khăn về thời tiết, địa hình, nguồn nhân lực… để họ có thể lường hết được trước khi đưa ra quyết định đầu tư, tránh được các hiểm họa, rủi ro… Bởi vì trong số gần 4 triệu kiều bào, người ít nhất cũng xa quê 5 - 10 năm, người nhiều là vài chục năm. Có nhiều người thậm chí sinh ra và lớn lên ở xứ người, ngôn ngữ còn bất đồng, huống hồ là các thủ tục đầu tư. Hơn nữa luật lệ, quy tắc thương trường ở Việt Nam mình còn khác rất xa với các nước sở tại mà họ đang sinh sống. Đó là lý do cần phải có một cơ quan và những cán bộ tận tâm hướng dẫn và tư vấn cho họ. Khi một dự án của Việt kiều thành công ở lãnh thổ Việt Nam thì đó được coi là lời hiệu triệu rất ý nghĩa với những người còn lại về với "Việt Nam - đất lành, chim đậu".

Một vấn đề nữa mà anh David Dương đề cập là cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để các dự án đầu tư nói chung và các dự án đầu tư của các doanh nhân Việt kiều được đẩy nhanh, giảm những chi phí tốn kém không cần thiết. Theo anh thì đã đầu tư, dù ở đâu cũng gặp phải những khó khăn, cũng phải đối đầu với những thách thức và sự cản trở không đáng có của các cơ quan công quyền. Nhưng nếu chúng ta đẩy nhanh các thủ tục hành chính, loại bỏ những "con sâu làm rầu nồi canh", minh bạch, rõ ràng trong khâu thực thi pháp luật, cán bộ tận tâm thì tin rằng sẽ thu hút ngày càng nhiều Việt kiều về nước tham gia làm ăn.

Anh lấy ví dụ: ở Mỹ - một đất nước phát triển hàng đầu thế giới, một thị trường nổi tiếng là minh bạch, thì việc đầu tư vào thị trường cần tính sáng tạo và tìm tòi. Nhưng khi đã thâm nhập vào rồi mọi thứ đều trở nên dễ dàng vì luật lệ rất minh bạch, chỉ cần làm đúng luật là sẽ tồn tại và thành công. Còn ở Việt Nam ta, một quốc gia đang phát triển, Việt Nam có nhiều cơ hội để đầu tư, tiềm năng về các mặt còn rất lớn, nguồn lao động dồi dào. Cái khó là nền nếp kinh doanh chưa có nền tảng vững chắc nên khiến cho nhà đầu tư phải loay hoay tìm hiểu.

Trong kinh doanh cũng như đầu tư có người làm tốt, làm thật thì cần được biểu dương, tránh tình trạng do cạnh tranh không lành mạnh mà một số người đã tìm cách này, cách khác để làm mất uy tín, bôi nhọ danh dự những người làm tốt khiến họ nản lòng. Nhất là điều ấy lại rơi vào những kiều bào có nhiều tâm huyết, muốn góp phần nhỏ bé của mình vào sự phồn thịnh của đất nước.

Trước lúc chia tay chúng tôi, David Dương nói: Vấn đề bảo vệ môi trường bây giờ là vấn đề toàn cầu, chứ không riêng gì Việt Nam, bởi nó đang gắn liền lợi ích thiết thân của từng người, từng gia đình. Nếu được các cấp chính quyền ủng hộ, giúp đỡ tận tình không chỉ cá nhân anh, mà còn có nhiều Việt kiều ở Mỹ và các nước khác tiếp tục đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này

.
.
.