Giải pháp nào với xe tang vật, xe vi phạm giao thông “tồn kho”?

Buốt lòng nhìn tiền tỷ phơi mưa nắng (bài 1)

Thứ Bảy, 05/12/2015, 08:10
Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chiếc xe mỗi ngày vẫn đang được tạm giữ tại các bãi trông giữ xe do vi phạm luật giao thông. Theo quy định, hết thời gian tạm giữ, người vi phạm phải đến nộp phạt và hoàn thiện thủ tục nhận lại xe. Thế nhưng, có những chiếc xe từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng, vẫn nằm đấy từ vài tháng, có khi là vài năm, mà vẫn không ai đến giải quyết...


“Trơ gan cùng tuế nguyệt”

Tính trung bình, mỗi ngày Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội xử lý từ vài trăm, thậm chí đến cả nghìn trường hợp vi phạm giao thông. Trong đó, ít thì hơn chục, nhiều thì gần trăm trường hợp nằm trong diện bị tạm giữ phương tiện. Chả có gì đáng nói nếu sau vài ngày, người vi phạm đến hoàn thiện thủ tục để nhận lại xe. Đằng này, mục sở thị tại các điểm trông giữ xe vi phạm trên địa bàn Hà Nội, phóng viên không khỏi thấy “buốt ruột” khi tận mắt chứng kiến những chiếc xe máy phủ bụi thời gian, không ai đến nhận…

15h30’, bãi trông giữ xe vi phạm của Đội CSGT số 4 (Công an Hà Nội) trên đường Giải Phóng lác đác người vào ra. Nói là bãi trông giữ, nhưng thực ra đây là một khu đất trống rộng chừng vài trăm mét vuông, được lợp mái tôn chắc chắn với 5-7 người bảo vệ. 

Dẫn tôi đi một vòng, anh Hải-người đang thực hiện ca trực tại bãi cho hay, mỗi ngày có khoảng vài ba chiếc đến chục chiếc xe vi phạm bị đưa vào đây. Thế nhưng, cho đến nay, trên bãi đã có khoảng hơn 200 xe máy, trong số này, không hiểu vì lý do gì mà người vi phạm để xe 1-2 năm chưa đến giải quyết. Dù có căng bạt, có mái che, thì với sức nóng của thời tiết khắc nghiệt, cộng với bụi đường do xe ôtô qua lại liên tục, sau 1 năm tạm giữ, giá trị sử dụng của mỗi chiếc phương tiện cũng chẳng còn được là bao. 

Hàng chục, thậm chí hàng trăm chiếc xe ga có giá trị đã bị chủ “bỏ quên” hơn 1 năm nay.

Những tưởng chỉ có những chiếc xe rẻ tiền, người vi phạm mới “quên”, nhưng dạo một vòng, phóng viên nhận thấy trong số này cũng có khá nhiều xe có giá trị cao như Spacy, SH, Vespa... mang biển số của các tỉnh thành khác nhau, đang được xếp riêng một góc, với lớp bụi phủ mờ xe. Đặt câu hỏi, liệu có phải người vi phạm sống ở tỉnh khác, nên gặp khó khăn trong việc đi lại giải quyết? 

Một người trông xe đứng gần cho hay, không hẳn là thế, vì có trường hợp người vi phạm ở ngay Hà Nội, nhưng cũng “quên” xe hơn một năm nay. Minh chứng cho điều này, là những biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện của người vi phạm. Như ngày 20-10-2014, Đội CSGT số 4 có tạm giữ một xe VESPA mầu xanh, BKS 53 R8-2979, có người điều khiển thường trú ngay ở phố Khâm Thiên-Đống Đa- Hà Nội, song đến nay đã là hơn 13 tháng, mà chủ xe vẫn “lặn” mất tăm. 

Hay như trường hợp người điều khiển xe Piagio, có BKS 29C1-114.24, thường trú ngay tại Tây Hồ, Hà Nội, cũng bị tạm giữ phương tiện từ ngày 21-10-2014, đến nay cũng không đến giải quyết… Sáng hôm sau, phóng viên tiếp tục có mặt tại bãi trông giữ xe vi phạm giao thông A5 (phía sau khu nhà Keangnam- Hà Nội). Đây cũng là nơi trông giữ phương tiện vi phạm của các đội CSGT khác. Hàng nghìn chiếc xe máy như Dream, Wave, Sirius... xếp kín chỗ. Một số xe đã bị đục số khung, số máy. Lực lượng chức năng phải sử dụng tới các biện pháp nghiệp vụ để xác định lại, và dán trên khung xe làm ký hiệu nhận dạng.

Tình hình tại các tỉnh phía Nam cũng không khả quan hơn. Ông Trịnh Phương Thái, Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ công cộng (TP Hồ Chí Minh) cho biết, bình quân mỗi tháng xí nghiệp giữ khoảng 2000 xe vi phạm. Số này do các Đội CSGT, thuộc Phòng CSGT  đường bộ, đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh lập biên bản vi phạm. Đối với những xe quá hạn lưu kho mà không có chủ xe đến nhận thì xí nghiệp  sẽ chuyển giao cho Công an TP Hồ Chí Minh để xử lý các bước tiếp theo. Công an TP Hồ Chí Minh sẽ đưa số xe này về lưu tại các kho thuê ở quận 9, Tân Phú và bố trí cán bộ Phòng CSGT trông giữ. 

Trên thực tế, hiện Công an ở các quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh rất “mệt” với tình trạng này. Tại quận 8, tất cả các phương tiện vi phạm, xe tang vật của các phường, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát giao thông đều tập trung tại bãi lộ thiên rộng hơn 2000m2 (trong đó có khoảng 400m2 có mái che) nằm sát với Đội CSGT quận 8. Tại đây có hơn 2000 phương tiện bị tạm giữ, trong đó có nhiều xe vi phạm, xe bị TNGT, xe trộm cắp, xe liên quan đến các vụ cướp giật. Vì chỗ chứa chỉ đáp ứng khoảng phân nửa nên nhiều xe gắn máy bị tai nạn được xếp chồng lên nhau…

Vì đâu người không xót của?

Trông giữ một chiếc xe bình thường đã khó, trông giữ một chiếc xe của người vi phạm giao thông càng khó hơn. Bởi nếu chẳng may sơ suất, thì sẽ rất khó trả xe cho người vi phạm. Đấy là chưa kể phí trông giữ cả 1, 2 năm trời, nếu người vi phạm không đến nhận xe. 

Anh Minh Hoàng, người trông trong một bãi giữ xe cho hay, cũng khó mà đánh giá hết sự lãng phí này. Bởi hầu hết các phương tiện bị thu giữ tập kết tại bãi đều vi phạm nhiều lỗi, như không có giấy đăng ký xe, nồng độ cồn trong hơi thở vượt quá quy định, trong người có ma túy khi điều khiển xe trên đường, phương tiện không gắn biển số, không chấp hành kiểm tra về ma túy, nồng độ cồn cửa lực lượng chức năng…

Tìm hiểu thêm thông tin từ lực lượng CSGT, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, Tổ trưởng tổ xử lý vi phạm đội CSGT số 1 (Công an Hà Nội) cho biết, các trường hợp bị tạm giữ gồm: tài xế không có GPLX hoặc GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp; xe không gắn biển số hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp; gắn biển số không trùng với đăng ký; xe không có giấy kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; người chưa thành niên điều khiển phương tiện. 

Theo quy định trong 7 ngày đầu giữ phương tiện vi phạm, lực lượng chức năng sẽ gửi giấy mời về địa phương được xác định theo biển kiểm soát, để liên hệ mời chủ phương tiện, người điều khiển lên nộp phạt. 30 ngày kể từ khi thông báo, chủ phương tiện không liên hệ nộp phạt, sẽ có quyết định tịch thu tài sản và trình Sở Tài chính Hà Nội định giá đưa ra mức đấu thầu. Số tiền này sẽ nộp vào kho bạc nhà nước.

Tuy nhiên, việc xử lý các phương tiện này còn gặp nhiều khó khăn, do hầu hết chủ phương tiện xác định không lấy lại xe. Một số xe cũ, xe nhập lậu, hoặc xe sang tên đổi chủ nhiều lần không rõ ràng, xe là tang vật phải mất nhiều thời gian để xác minh nguồn gốc dẫn đến tình trạng quá tải ở các bãi gửi xe.

Phạm Huyền-Đức Tuyền
.
.
.