Từ tâm bão miền Trung - đi tìm giải pháp sống an toàn:

Bài 1: Cùng dân chạy lũ

Thứ Năm, 14/10/2010, 10:27
Chỉ trong ít giờ mưa lớn bắt đầu từ ngày 29/9/2010, nước lũ đã nhấn chìm nhiều địa phương thuộc các tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... trong biển nước làm 66 người chết, 18 người mất tích; hàng nghìn ngôi nhà cùng nhiều hécta lúa, hoa màu, công trình, vật kiến trúc bị lũ cuốn trôi… tổng thiệt hại khoảng 2.562 tỷ đồng.

Cả nước thêm một lần chung tay quyên góp hàng nghìn tỷ đồng để cứu dân, khôi phục công trình dân sinh, thủy lợi, đê điều… Nhưng như một lời hẹn nghiệt ngã, hằng năm lũ lụt vẫn tái diễn nơi "khúc ruột miền Trung" với xu hướng ngày càng dữ dằn. Điều gì ẩn chứa phía sau những cơn cuồng nộ của tự nhiên nơi đây? Bài toán an toàn trong ngôi nhà của mình khu vực miền Trung đang cần một câu trả lời thỏa đáng và khoa học. Báo CAND khởi đăng loạt bài phóng sự điều tra của nhóm PV cùng lặn lội với miền Trung để góp phần trả lời câu hỏi đó.

Với tư cách là những nhà báo CAND có mặt ở miền Trung ngay từ cơn lũ đầu tiên, cảm giác của chúng tôi là thực sự kinh hoàng!

Tại Quảng Bình: Mưa bắt đầu từ 1/10, trưa 2/10 thì đã ngập 2 huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch dọc sông Gianh. Hơn 50 năm qua, người dân Quảng Bình mới đối mặt với trận đại hồng thủy như mấy ngày nay.

Chúng tôi có mặt tại cuộc họp khẩn của Ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình diễn ra trên lũ tối 2/10. Tan họp, các thành viên nhịn đói chia ngả về các địa phương chỉ đạo nhân dân chống lũ. Trụ sở UBND xã Cảnh Hoá, huyện Tuyên Hóa được chọn làm "sở chỉ huy tiền phương" giúp dân tránh lũ sông Gianh.

Trên dòng sông nước lũ đục ngầu đổ về dồn dập. Ánh điện sáng bên bờ sông của các xã Cảnh Hoá, Châu Hoá, Văn Hoá… bỗng dưng tắt ngúm. Tiếng kêu la của người dân bên sông vọng về. Trên quốc lộ 12A từng đoàn người hớt hơ hớt hải dắt díu chạy lũ. Dọc đường Hồ Chí Minh, nhiều lều bạt của người dân dựng lên chấp nhận cảnh "màn trời chiếu đất" cầm cự với thiên tai.

Chiều 5/10, thành phố Đồng Hới, địa phương cuối cùng bị nước lũ chia cắt. Tất cả 6 huyện còn lại đã chìm trong biển nước. Mưa vẫn tiếp tục rót xuống xối xả, lượng mưa đo được ở Đồng Tâm là 2.117,2mm, tại Mai Hóa: 1.193,7mm, tại Đồng Hới: 548.9mm, tại Kiến Giang: 583,5mm, tại Lệ Thủy: 575,8mm, tại Tân Mỹ: 846,3mm, tại Trường Sơn: 1140,0mm, tại Minh Hóa: 1.490,6mm…

Trong khi đó, lượng mưa cả năm ở mảnh đất này chỉ 2.200 đến 2.700mm. Như vậy, chỉ mưa trong 2 ngày đã bằng lượng mưa cả năm cộng lại. Mưa lũ đã làm 103.639 ngôi nhà bị ngập (trong đó ngập sâu chiếm gần 1/3).

Chỉ sau 3 tiếng đồng hồ nước vào nhà, cả Tân Hoá đã chìm nghỉm trong nước lũ, không còn thấy bóng nhà, chỉ còn đôi nóc nhà nhô lên trên mặt nước làm nơi trú ngụ cho những chú cò lạc đàn. Cứ vậy, suốt 5 ngày, hàng trăm người dân Tân Hoá sống trên núi đá không lương thực, không nước sạch, không chăn màn. Thỉnh thoảng có con gà, con bò chết vì lũ, người dân lại khều vào rồi nướng thịt chia nhau, cầm cự để tồn tại.

Những tài sản chắt chiu gom góp một đời của người dân bỗng chốc trôi ra biển lớn. Mái tóc bê bết bùn đất, cả buổi ngày 9/10, anh Trần Quang cứ chạy đi chạy lại tìm nhà mình, và khi anh tìm đúng chỗ thì nhà chỉ còn cái móng. Lũ đã cướp của anh tất cả. Nhiều người dân chỉ còn biết ngồi thẫn thờ khóc sướt mướt khi lũ đã lấy đi của họ tất cả.

Ngay từ giờ đầu, ngày đầu khi lũ về, phóng viên Báo CAND đã có mặt trên chiếc trực thăng mang số hiệu 03-F371-E916 chở hơn 1,2 tấn mỳ tôm, lương khô, nước uống vào rốn lũ Cao Quảng, Tân Hoá. "Đang nằm ngủ, bỗng nghe lạnh sống lưng, với tay bật đèn thì mất điện, dùng ánh sáng của điện thoại huơ huơ lên xem thấy nước tràn lên đến mép giường, vừa kịp đánh thức cả nhà dậy thì nước trong nhà đã lên ngang bụng, tui chạy ra hò hét rồi chạy lên núi, cả làng náo loạn tiếng gọi nhau chạy lên hang đá tránh lụt", anh Trần Đình Ngoan ở Tân Hoá, Minh Hoá kể lại.

Trong dòng nước lũ chảy xiết, chúng tôi bắt gặp nhiều cánh tay giơ lên từ mái ngói nhà dân xin ứng cứu. Nhiều nơi nếu không có ăng ten tivi hoặc cột dây điện thì không thể nhận ra đâu là nhà dân, nước đục réo ào ào như muốn cuốn phăng tất cả. Có nơi, người dân phải đu bám vào nóc nhà, ngọn cây tránh lũ. Lúc này phận người thật mong manh. Có người đu bám suốt hai ngày mỏi tay để rơi vào dòng lũ dữ bị cuốn đi.

"Nước vô nhà, mạ con lên giường ngồi, nước lên giường thì kê thêm bàn, nước ngập bàn… cuối cùng 3 mạ con leo lên nóc nhà ngồi giữa mưa gió mịt mùng", chị Nguyễn Thị Hoa ở Hàm Ninh cho biết.

Trong đợt lũ tính đến ngày 10/10, Quảng Bình có 42 người chết, 17 người mất tích và 45 người bị thương do lũ, thiệt hại về vật chất lên đến 1.272 tỷ đồng.

Những cánh tay chìa ra kêu cứu ở Bố Trạch (Quảng Bình) làm day dứt bất cứ ai. Ảnh: Tuổi trẻ.

Tại Hà Tĩnh: Ngay trong thời điểm xảy ra mưa lớn, chúng tôi, những cán bộ, phóng viên Báo CAND đã có mặt tại huyện Hương Khê, nơi được xác định là rốn lũ của Hà Tĩnh, để cùng các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn giúp nhân dân. Ngày 30/9, mưa mỗi lúc một dữ trên diện rộng. Chiều 2/10, mực nước nơi ngập cao nhất trong xã đã tới 3,5 mét.

Ngay trong lũ, Ban Chỉ huy PCLB xã đã sử dụng xe ngựa và xuồng gỗ sơ tán được 120 hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn. Còn lại 125 hộ dân trong vùng lũ cô lập cũng được lực lượng cứu hộ di chuyển đến chỗ an toàn. Dẫu đã chủ động phòng chống, nhưng lũ lụt đã làm 2 người chết, 35 ngôi nhà bị tốc mái, 6ha đất nông nghiệp bị vùi lấp, nhiều công trình phúc lợi của xã bị hư hỏng nặng…

Giữa mênh mông biển nước, chúng tôi cùng đi với ông Lê Trần Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê. Ông Sáng cho biết: Vào xã Hương Trạch - một xã nằm ngay dưới chân đập thủy điện Hố Hô, địa bàn giáp ranh giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình: Lũ về nhanh quá, cơn đại hồng thuỷ bất ngờ ập về vào lúc gần sáng, làm cho 17/22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện bị ngập, trong đó có nhiều xã bị ngập sâu gần 2m...

Lũ về quá nhanh, huyện trở tay không kịp. Do mất điện, công trình thủy điện Hố Hô không mở được cống thoát lũ nên từ ngày 2/10, lũ đã vượt qua cửa đập với mức nước hơn 1m so với cao trình 72m mặt đập, làm hàng trăm hộ dân ngập chìm trong lũ. Kể từ ngày có công trình thủy điện này, sông Ngàn Sâu đã đổi dòng chảy ngay dưới chân công trình thuỷ điện. Trước đây, dòng chảy quanh co nằm sát chân núi, còn bây giờ nó chảy một mạch ra ngoài, nên nước ở vùng hạ huyện tăng rất nhanh.

Chị Phan Thị Hoa ở xóm Tân Dừa, xã Hương Trạch cho biết: "4h sáng 2/10, nước thình lình đổ về và dâng cao ồ ạt. Nước từ trên các triền núi đổ dồn về và dâng nhanh, cứ 5 phút thì nước lũ lại dâng cao thêm 15 - 20cm. Trong đêm tối mịt mùng chỉ trong chốc lát hàng ngàn nóc nhà của dân đã ngập chìm trong nước. Trước cảnh tượng cận kề cái chết, hàng chục ngàn người đã tìm đủ mọi cách để thoát thân trong cơn hoảng loạn và bất lực nhìn dòng nước cuốn trôi trâu, bò, tài sản...".

Hậu quả đau lòng mà trận lũ lụt xảy ra tại Hương Khê đã làm 7 người chết, 2 người mất tích, 2 người bị thương, 17 xã bị ngập sâu trong nước, nhiều công trình phúc lợi bị hư hại nghiêm trọng. Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 65 tỷ đồng.

Khi chúng tôi có mặt ở huyện Vũ Quang thì lũ lụt đã làm ngập gần 1.850 ngôi nhà, 6.000 hộ dân bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Cùng với các lực lượng cứu hộ vận chuyển lương thực tới nhân dân tránh lũ, nhóm phóng viên Báo CAND vô cùng xót xa khi thấy tài sản của Nhà nước và nhân dân bị chìm sâu trong nước. Mặt nước mênh mông đã nhấn chìm mọi thứ. 

Không ai có thể cầm lòng trước cảnh đưa tang cô giáo Trần Thị Hoa (Hương Khê, Hà Tĩnh) trong lũ, quên mình vì học trò thân yêu.

Tại Quảng Trị: Liên tục từ 2/10, trời Quảng Trị mưa xối xả. Đêm 4/10, cả làng Tân Xuyên (Tân Hợp, Hướng Hoá, Quảng Trị) đang yên giấc ngủ, bỗng bị đánh thức bởi một âm thanh dữ dội phát ra từ phía đầu làng. Ông Nguyễn Văn Thành, Hạt trưởng Kiểm lâm Hướng Hoá chạy ra sân trụ sở đơn vị. Ngôi nhà xây kiên cố vốn lừng lững trước mặt bỗng chốc biến mất.

"Tôi chưa kịp hiểu nguyên nhân, thì thấy từ phía hạ nguồn hồ chứa nước đầu nguồn Tân Xuyên, hàng chục người đang dắt díu nhau chạy lên đường 9. Bà con í ới, nhà ông Tám trôi rồi. Tôi đi nhanh ra đường, chỗ có ngôi nhà biến mất, thấy dòng nước trắng lờ nhờ, cuồn cuộn lên từ suối Tân Xuyên, ngập hết một góc làng", ông Thành vẫn chưa hết bàng hoàng, kể lại.

Sáng sớm 5/10, từ TP Đông Hà nhóm PV Báo CAND chúng tôi ngược đường 9 dưới màn mưa trắng trời đất, lên thôn Tân Xuyên. Tại hiện trường ngôi nhà biến mất, chúng tôi thấy những tấm tôn bị nước lũ làm rách nát và một mảng tường đổ sập nằm cạnh mép suối Tân Xuyên đang giận dữ đổ nguồn nước đỏ đục về dòng sông Đakrông.

Thiếu tá Hoàng Văn Trung, Phó trưởng Công an huyện Hướng Hoá đang có mặt tại hiện trường, tiếp tục chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn, ngậm ngùi: "Ngôi nhà là của vợ chồng anh Lê Văn Tám, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã bị lũ làm sập hoàn toàn vào khoảng 4h sáng nay. Công an huyện đã nhanh chóng cứu sống được hai người bên trong, còn anh Tám và chị Hạnh chết ngay khi ngôi nhà sập xuống".

Đứng trưa, trời vẫn mưa không ngớt. Sau khi vượt lũ qua được khu phố 6, thị trấn Khe Sanh (cách thôn Tân Xuyên chừng 500m), chúng tôi đến thị trấn Lao Bảo, nơi trận lũ quét cuối năm ngoái, trên 500 hộ dân từ thuở "khai thiên lập địa" lần đầu tiên bị lũ lụt nhấn chìm.

Bà Nguyễn Thị Hoa 60 tuổi, ở thị trấn Lao Bảo nắm lấy sợi dây thừng được người lái đò vung xuống khoảng nước bạc trước mặt để lên thuyền chạy lũ, giọng đứt quãng: "Ông trời giận chi mà mỗi năm lại gieo rắc lũ lụt dữ dằn hơn". Lũ lụt miền Trung vẫn là cơn ác mộng đối với hàng triệu người dân nơi đây. Nó đang diễn ra với tần suất nhanh hơn, dữ dằn hơn và vì thế, giải pháp ứng phó với lũ lụt miền Trung đang ngày càng khẩn thiết đáp lại khát vọng của mỗi người dân nơi đây.

Qua ba ngày đêm mưa to liên tục (từ ngày 1 đến 4/10), nước trên các sông dâng cao, lũ ở thượng nguồn đổ về, đã làm 52 xã, phường của 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Trị ngập lụt với số lượng trên 10.000 hộ dân…

Những con số thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra tại miền Trung:

Năm 1999, lũ lụt gây thiệt hại nặng nề cho miền Trung với 52.000 ngôi nhà bị trôi, hơn 1.000 người chết, thiệt hại trên 5.400 tỉ đồng; Năm 2006, bão Chanchu đã làm chết và mất tích 270 ngư dân. Cơn bão Xangsane làm 153 người chết và mất tích qua 9 đợt lũ quét. Năm 2009 thảm họa thiên tai lặp lại tại miền Trung làm 300 người chết và mất tích, gần 100.000 ngôi nhà bị sập và trôi, thiệt hại trên 20.000 tỉ đồng. Và trận lũ lụt năm 2010 làm 66 người chết, hàng ngàn ngôi nhà bị hư hỏng hoàn toàn, thiệt hại ước tính hơn 2.562 tỷ đồng.

Thanh Phong -Nguyễn Hưng - Sông Lam - Thanh Bình - Hồng Phú
.
.
.