Bác thương binh lái xe ôm xuất bản nhật ký

Thứ Sáu, 08/05/2009, 11:34
Ông Đặng Sỹ Ngọc là thương binh nặng, mất sức 81% nhưng vẫn làm xe ôm để nuôi các con ăn học qua đại học. Nhật ký của ông có tựa đề "Trời xanh không biên giới" đã được Nhà xuất bản CAND xuất bản năm 2006, là một trong những cuốn của tủ sách "Mãi mãi tuổi 20"... Cũng nhờ có cuốn sách mà ông Ngọc đã tìm được 3 liệt sĩ và một số đồng đội của mình.

Ông là thương binh nặng, mất sức 81% nhưng vẫn làm xe ôm để nuôi các con ăn học qua đại học. Với dáng đi tập tễnh, vất vả, tôi hiểu là ở thời buổi khó khăn này, một người như ông phải cực nhọc thế nào mới làm được nghề xe ôm. Vài năm trở lại đây, chế độ Nhà nước cấp cho ông đủ sống, con cái ông đã đi làm mà ông vẫn không thôi nghề xe ôm.

Hỏi, ông nói: "Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam bây giờ là trên 72. Tôi mới 62 tuổi còn lâu mới chết. Vả lại tôi muốn sống vui vẻ với mọi người. Công việc thế này giúp tôi luyện tập để tinh thần minh mẫn hơn". Người thương binh đó là Đặng Sỹ Ngọc, hiện sống ở phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, Nghệ An.

Gian nan là nợ anh hùng

Đến tìm khi ông Ngọc vẫn đang ngồi ở một góc phố đợi khách. Dẫn chúng tôi về nhà, ông đưa vào gian phòng chứa những kỷ vật chiến tranh của mình. Ông chẳng ngại kéo hai ống quần lên để tôi xem rõ những vết thương rằng rịt, vết nọ chồng lên vết kia của mình. Hai chân đã bị dập nát nhiều lần bởi bom đạn, rồi bằng một phép mầu nào đó nó đã lành lại để ông có thể đi được, nhưng những vết sẹo thì còn mãi để đôi khi cái nhức nhối lại trở về.

Ông Ngọc trong góc phòng nhỏ của mình. Ảnh: PV.

Chỉ tay vào đứa cháu nhỏ, ông tự hào nói đó là cháu ngoại mình. Cả ba con đều đã tốt nghiệp đại học và đi làm việc ổn định. Thành quả đó, ông nói mình nhờ một người vợ đảm đang - bà Nguyễn Thị Vân. Bà Vân là người cùng quê, học sau ông Ngọc một lớp. Bà từng làm lính công binh của Tỉnh đội Hà Tĩnh, từng làm nhiệm vụ tại chiến trường Lào, sau đó học Trung cấp y tế.

Ba đứa con của đôi vợ chồng nghèo lần lượt chào đời. Để nuôi dạy các con khôn lớn, cho ăn học bằng người, hai vợ chồng đã phải vật lộn cực nhọc với cuộc sống đời thường mà theo người vợ tần tảo ấy cũng khốc liệt chẳng kém thời chiến tranh.

Là thương binh nặng (thương tật vĩnh viễn 81%) có chế độ được người phục vụ riêng, nhưng ông Ngọc đã làm đơn xin về với gia đình cho gần vợ con. Sức khỏe kém, nhưng ông không chịu nghỉ ngơi, ông mua xe máy về làm nghề xe ôm đỡ đần gia đình.

Năm 2005, ông Đặng Sỹ Ngọc bị TNGT và trọng thương trên đường đi chở khách. Cái chân phải của ông trước đó đã từng lên bàn mổ nhiều lần, nay bị gãy thêm 2 xương cẳng chân, phải phẫu thuật để nẹp đinh rồi bó bột. Ông phải nghỉ xe ôm, chung sống cùng mấy cái đinh kim loại ấy một năm trời.

Sau khi khắc phục tai nạn, con cái ông bảo ông nghỉ nghề xe ôm. Ông Ngọc lắc đầu: "Ấy không, gian nan là nợ của bố. Trong chiến trường, bị thương nặng thế bố không chết. Thời bình này chết làm sao được. Yên tâm!".

Người nhiều lần chết hụt

Kể lại những ngày chiến tranh, ông Ngọc mếu máo như một đứa trẻ, rồi nước mắt lã chã rơi: "Nhiều lần tôi tưởng mình không thể sống nổi. Những lần chết hụt ấy được tôi khắc ghi trong tâm trí, rồi ghi hẳn vào nhật ký.

Lần thứ nhất, vào tháng 5 năm 1967. Lần thứ hai, vào tháng 7 năm 1967 bị thương, đồng đội khiêng tôi về tuyến sau, nhưng tôi kiên quyết từ chối. Lần thứ ba, vào tháng 11 năm 1967, đại đội của tôi chỉ có 24 tay súng làm nhiệm vụ vận tải đạn cối 82 cho một đơn vị bạn. Tới làng Trung Sơn, huyện Giao Linh thì bị lọt vào một ổ phục kích chỉ vài người, trong đó có tôi. Tôi bị thương, thủng cánh tay máu ra đầm đìa. Tôi được đưa ra ngoài Bắc điều trị".

Gạt nước mắt, ông tiếp tục: "Bị thương, chết đi sống lại. Tôi luôn ghi vào nhật ký những ngày đó. Ghi trong tiếng bom rền và nước mắt cùng hy vọng. Viết được cuốn nào tôi thường gửi về quê cho mẹ. Nhờ mẹ giữ gìn mà có được nhiều cho đến ngày nay…".

Ra Bắc, sau hơn 6 tháng điều trị, khi vết thương lành, Đặng Sỹ Ngọc được nhận vào làm lính mới của một đơn vị pháo cao xạ: Đại đội 10, Tiểu đoàn 15, Trung đoàn 284, Sư đoàn 673 - đơn vị chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời tuyến lửa khu Bốn. Một mảnh bom nằm trong bắp thịt ở chân ông phải đến 6 tháng mới được mổ lấy ra. Giờ mảnh bom đó ông vẫn giữ gìn, vừa để làm kỷ niệm cũng là vật ghi nhớ những ngày tháng hào hùng và gian khổ.

Có lần ông Ngọc bị vùi sâu tới 3 mét đất, phải mất một giờ đồng hồ đồng đội mới đào bới và đưa được ông lên khỏi mặt đất và khiêng đi bệnh xá. Tháng 7/1972, tại khu vực Ái Tử 1 Quảng Trị, khi đang cùng đồng đội triển khai trận địa chuẩn bị chống quân địch đổ bộ thì đơn vị của Ngọc bị trúng bom.

Sau một hồi mê man tỉnh dậy, biết mình đã bị thương rất nặng ở ổ bụng và đùi phải. Hai chiến sĩ ngồi chung hầm với ông là Ngọ và Nga đã hy sinh mà sau này ông biết là nếu không có hai người đó che chắn thì ông đã mất mạng. Riêng cái chân phải của ông Ngọc đã phải mổ tới 8 lần.

"Đất Quảng Trị như thân tôi thương tật/ Bom cắm vào chân, đạn xuyên cánh tay/ Có những viên cắm ngay trong gan ruột/ Nơi ấy bây giờ đất đã nở hoa...". Đó là những vần thơ mà Đặng Sỹ Ngọc đã chép trong nhật ký của mình.

Một điều quan trọng và đáng mừng nhất là nhật ký của ông có tựa đề "Trời xanh không biên giới" đã được Nhà xuất bản CAND xuất bản năm 2006, là một trong những cuốn của tủ sách "Mãi mãi tuổi 20" mà ông Ngọc đã tìm được nhà tài trợ thông qua một nhà báo.

Cũng nhờ có cuốn sách mà ông Ngọc đã tìm được 3 liệt sĩ và một số đồng đội của mình. Tâm nguyện của ông Ngọc là được tái bản lại có bổ sung cuốn nhật ký của mình. Bởi ông cần sửa một vài chi tiết trong đó và bổ sung thêm vài phần mình tâm đắc.

"Tôi viết ngày đó có nghĩ sau này sẽ được xuất bản đâu. Tôi viết sau từng trận đánh, sau những ngày hành quân qua các bản làng và núi rừng. Viết rồi gửi về để mẹ thấy được con trai mẹ và các đồng đội đánh giặc thế nào. Qua đó, muốn khắc họa hiện thực khốc liệt chiến tranh và khát vọng hòa bình" - ông Ngọc nói thêm

Diên Khánh
.
.
.