“Bác thằng bần” nguyện… hồn sinh viên

Thứ Năm, 08/09/2005, 06:10

Một cựu sinh viên - từng một thời là đại gia trong khoản lô, đề nhận xét: “Bọn “ma trẻ” giờ chơi bạo liệt lắm! Trước chỉ chơi độ một “tê”/con đã là “khủng” lắm rồi. Thế mà giờ nhiều thằng ném cả chục “tê” mà cứ tỉnh bơ. Đúng là “hậu sinh khả... kính” (!?).

18h 30’. Chúng tôi có mặt tại một quán nước trước cổng KTX Trường đại học Bách Khoa. Khu vực này luôn tấp nập bởi hàng ngàn sinh viên sinh sống, có tới vài chục quán nước, hàng chục quán photocopy, quán cơm bình dân và rất nhiều quán tạp phẩm bán trăm thứ bà rằn. Vào thời điểm này, tất cả các quán nước kiêm ghi lô đề, đặc biệt bận rộn bởi theo một “thổ dân” ở đây, các “đại gia” lô, đề “xuống nước”.

Vừa nhận từ tay người chủ quán cốc trà đá, tôi vừa liếc nhìn một chàng sinh viên ngồi bên cạnh. Sau khi “ngâm” kỹ cuốn sổ ghi kết quả xổ số, anh ta buông một câu gọn lỏn: “Hai nhăm (25). Năm chục điểm” và đưa cho người chủ quán một xấp tiền loại 100.000đ và nhận lại một mảnh giấy nhỏ, nhét vào túi rồi đứng lên, lững thững ra về. Dường như đây là công việc quá quen thuộc của anh.

Ngó sang quán nước bên cạnh, tôi bắt gặp một chủ quán còn khá trẻ, ăn mặc khá hở hang. Xung quanh cô là một đám nam sinh viên, đứng ngồi lố nhố chờ ghi lô, đề. “Em lấy con gì nhỉ?” - Cô hỏi: “Ba lăm - năm ba (35-53). Mỗi con hai nhăm “điểm”. Sao bà chị chóng quên thế?” - một cậu thanh niên càu nhàu. “Mấy đứa cùng ghi, chị phải hỏi lại không đến lúc sai lại trách chị!” - Vừa nói, tay cô chủ ghi nhoay nhoáy lên tờ tíckê. Trong vòng năm phút, tôi quan sát được cả thảy tám sinh viên ghi lô, đề. Anh nào cũng chơi vài chục điểm trở lên. “Một điểm là 23.000đ, hai con là năm mươi điểm, vị chi là hơn triệu đồng - tôi nhẩm tính mà không khỏi giật mình - ai bảo là sinh viên nghèo?”.

“Ở đây ghi bao nhiêu thì “kịch kim?” - tôi hỏi người chủ quán. “Bao nhiêu cũng ghi. Kể cả tiền tỉ!” - Cậu sinh viên ngồi bên cướp lời. Chủ quán im lặng, gật đầu tỏ ý đồng tình.

19h kém 10’, Chủ quán hô to: “Hết giờ ghi lô”. Một cậu thanh niên cưỡi “con” Jupiter phóng ào tới, phanh cháy đường: “Bố ghi cho con con tám nhăm 85 - 20 “xị” - khỏi tíckê”. Quán bên cạnh, hai cậu trên con Nouvo cũng vừa đỗ lại: “Chị cho em con bốn nhăm, “tê” rưỡi!”. Thấy vẻ mặt đần ra của tôi, anh bạn đi cùng giải thích: “Đấy là tiếng lóng của dân lô, đề. “Xị” hay “xịch” là 100.000 đồng, “tê” là một triệu đồng”. Đến sát giờ “linh” (giờ mở thưởng - PV) vẫn còn khá nhiều người mua đề.

19h 40’. Cả ký túc ồn ào bởi những tiếng rao “kết quả đê”. Túm năm tụm ba thành nhiều nhóm, hàng trăm mái đầu xanh cùng chúi mũi vào những tờ giấy với những dãy số. Những tiếng rú của những kẻ hôm nay “về” (trúng) cùng các câu chửi tục văng ra từ những kẻ “tạch” (trượt) tạo nên một cảnh náo động đặc trưng ở trên hè phố vốn nổi tiếng nhiều nam sinh và cũng lắm “nam thiêu” (thiêu thân của lô, đề) này.

Một chàng hớn hở: “Tao “nuôi” con này cả tháng trời, nay mới “về”. Thế là có tiền chuộc lại xe rồi, lại còn thừa đóng học phí nữa chứ”. Nhóm khác cũng sôi nổi không kém: “Con ba tư (34) được hai “nháy”. Đi làm chầu bia “hoành tráng” thôi chúng mày. Không ai để ý đến nhiều cậu mặt mày ủ rũ, thất thểu bước thấp bước cao về ký túc xá.

Dạo một vòng quanh các khu ký túc xá, đặc biệt là ở các trường có đông nam sinh như Ký túc xá ĐH GTVT, Ký túc xá Mễ Trì (chung cho trường ĐH KHTN và ĐH KHXH&NV)... khoảng 20 giờ, có thể dễ dàng bắt gặp cảnh những nam sinh viên chúi đầu vào các tờ kết quả lô đề, sau đó là đủ các cung bậc hỉ, nộ, ái, ố... được thể hiện. Quả thật các cặp số có một ma lực khủng khiếp.

Chân dung những “con nghiện”

Có thể nói, một số trường ĐH trên địa bàn Tp. Hà Nội đều có sinh viên dính dáng tới lô, đề, cờ bạc. Với số lượng và mức độ nhất định. Có thể kể ra đây những điển hình như Trường ĐHBK,  ĐHKT, CĐ GTVT, ĐH KHXH&NV...

Sinh viên ĐHKT không ai là không biết Khiêm “đại gia”. Cậu này có “truyền thống” chơi số đề từ thời học sinh phổ thông. Lên ĐH, cậu càng nổi danh về thành tích “được” và “mất” trong vòng quay của những cặp số. Không bao giờ Khiêm đánh dưới 1 “tê” cho một “ghẹ” (cặp số). Không hiểu Khiêm có thần may mắn phù trợ hay không mà cứ dăm bữa nửa tháng, cậu lại trúng được một lần. Bởi vậy, Khiêm có thể quay vòng đánh dài dài. Với tiền đánh đề, Khiêm sống như một ông vua con. Cậu còn mua được cả máy tính, ĐTDĐ “xịn”. Thỉnh thoảng còn chiêu đãi bạn bè “xả láng”.

Song thần may mắn cũng chẳng mỉm cười mãi. ĐTDĐ lần lượt ra đi. Rồi đến chiếc xe Jupiter cha mẹ mua cho đi học cũng nối gót nhau vào hiệu cầm đồ. Không còn cách nào khác, Khiêm lại lạy lục cha mẹ “xin cứu con” để lấy xe về. Nhưng xin được tiền rồi cậu lại tiếp tục “rải” đề tiếp. Không biết may hay rủi mà Khiêm lại trúng quả đậm. Tất cả vật dụng đều được “nhổ” ra. Điều đó càng làm Khiêm say sưa với những cặp số hơn. Cậu vẫn “chăm chỉ” chơi và chăm chỉ cắm đồ. Và khi trắng tay, Khiêm đành mượn bạn xe máy để cắm lấy tiền gỡ.

Sau khi đã nướng xong con xe của bạn, Khiêm lại về “văn” với bố mẹ rằng xe bị Công an thu vì...  trót vi phạm luật giao thông! Cậu xin bố mẹ cho mượn xe để đi nộp phạt, lấy xe về. Và số phận của chiếc xe này cũng được Khiêm mang ra hiệu cầm đồ để lấy tiền chơi lô, đề. Kết cục nợ chồng, nợ chất lên đến gần trăm triệu, Khiêm trốn về quê bạn ở tít tận Đà Nẵng, viết thư tuyệt mệnh, xin hai cụ “cứu con lần nữa”. Người về, xe về, song con "ma đề" trong Khiêm vẫn không vì thế mà dứt áo ra đi.--PageBreak--

Nói về thành tích chơi lô, đề còn phải kể đến Bình “lô” - sinh viên Học viện QHQT. Sở dĩ Bình có cái “hỗn danh” đó là do cậu chỉ chuyên đánh “lô”. Theo cậu thì: “Chỉ có những thằng ngu mới chơi đề. Tuy một ăn bảy mươi nhưng cả trăm cặp mới trúng được một cặp. Theo Bình, chơi lô mới là thông minh và thức thời”. Tuy đánh lô, song Bình chơi rất thẳng tay. Mỗi ngày, cậu rải cả chục cặp số. Mỗi cặp ít khi dưới một “tê”. Cũng như Khiêm, Bình có lúc được, lúc thua. Và trong hai năm học ĐH, Bình đã kịp "đốt" của gia đình sơ sơ khoảng... 200 triệu. Một kỷ lục về đánh lô của Bình là nuôi đầu tám (đánh tất cả các cặp số từ 80 đến 89) trong ba ngày, nướng hết hơn 80 “tê”.

Không chỉ có sinh viên nam mới bị những con "ma lô, đề" ám mà nhiều nữ sinh nữ cũng là con chiên ngoan đạo của các cặp số. Mai Phương – sinh viên Trường TCKT cũng chỉ tình cờ mà sau dấn sâu vào lô, đề. Đến khi rút được chân ra, ngoảnh lại thì đã chẳng còn gì.

Số là nhân ngày sinh nhật 31/12, Phương nghe lời mấy người bạn đánh thử con 31 và 12 - mỗi con vài điểm. Không ngờ tối hôm đó lại về cả hai số. Có được tiền “trời cho”, cuộc sinh nhật Phương hôm ấy "hoành tráng" không kém của một tiểu thư Hà thành. Cũng không ngờ là sau dạo ấy, cứ khi túng quẫn hay gặp chuyện không vui, Phương lại làm vài điểm “giải đen”. Dần dần cô đã trở thành một con thiêu thân thực sự. Phương cũng vay nợ chồng chất, rồi mượn đồ đạc, xe cộ của bạn bè nhờ người bạn trai đi cắm lấy tiền gỡ gạc.

Quả thật những “đại gia” lô, đề trong sinh viên hiện nay không thiếu. Cứ hết lớp này lại có lớp khác thay thế. Mà càng đi sau, các "ma đề" càng chứng tỏ “đẳng cấp vượt trội” của mình.

Thanh Phương, sinh viên năm thứ nhất ĐHDLTL, quê Hà Nam, từ ngày còn ở nhà, đã nổi danh với vụ cắm tới 16 con xe mini Nhật của gia đình, bạn bè hay... bất cứ ai mà cậu mượn được để chơi lô, đề. Lên Hà Nội, Phương như cá gặp nước, chim được sổ lồng càng đánh (đề) càng hăng. Chỉ trong năm đầu ĐH, Phương đã nướng vài con @ gia đình sắm cho làm phương tiện đi lại.

Một người bạn của Phương cho tôi biết: “Nhiều khi số nợ bạn bè, nợ chủ cầm đồ lên tới bảy, tám mươi triệu đồng, em giục Phương về quê lấy lên để trả thì cậu tỉnh bơ: “Cứ chơi tẹt ga đi. Đợi tròn trăm (triệu) về lấy cả thể!”. Cuối tháng ấy, cậu chàng bắt taxi về quê xin tiền trả nợ.

Tương lai sẽ ra sao?

Bất cứ sinh viên nào là “tín đồ” của lô, đề cờ bạc đều có một kết cục tương tự nhau. Đó là thời gian, tiền bạc, và dường như cả tương lai của họ cũng một đi không trở lại. Nợ nần thì chồng chất. Không ít người còn nhận những hậu quả bi thảm cho bản thân và gia đình.

Hầu hết các “đại gia” lô đề sinh viên đều là con của những gia đình khá giả. Bởi vậy, sau khi đã tiêu đến đồng xu cuối cùng, họ buộc phải vay bạn bè, người thân để “gỡ gạc”. Đường cùng, họ có thể cắm bất cứ cái gì có thể cắm được. Hết cách, họ đành về gia đình, dối trên lừa dưới để lấy tiền. Họ cũng sẵn sàng thụt két để lấy tiền nướng vào các con số đen đỏ.

Những gia đình nào còn quan tâm đến con thì chạy theo trả nợ. Nhiều ông bố bà mẹ chán cảnh tháng tháng phải ôm một đống tiền trả cho "ông" con đành bỏ mặc. Và thế là các “đại gia” phải trốn chui trốn lủi trước sự đòi gắt gao của các chủ nợ.

Để có tiền trả nợ, các “ông trời con” này dám làm mọi chuyện. Hùng Anh, trong cơn túng quẫn đã tham gia vào một đường dây buôn bán ma túy. Kết cục là giờ đây cậu đang ngồi bóc lịch trong tù.

Cũng chỉ vì chơi lô, đề rồi nợ nần chống chất, Nguyễn Văn Thắng – sinh viên Trường CĐGTVT đã mượn xe máy của anh Đặng Việt Hùng (Chương Mỹ, Hà Tây) mang đi “cắm”. Kết cục là Thắng phải ra vành móng ngựa vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công dân. Còn đối với một vài nữ sinh viên như Phương (đã  nêu ở trên) thì phải bắt bồ với những người giàu có đáng tuổi cha mình, đánh đổi cả một đời con gái.

Và còn nhiều sinh viên vẫn đang trong “vòng xoáy”: “Lô, đề, cờ bạc - nợ nần chồng chất - học hành bê tha” mà chưa biết đến bao giờ họ có thể thoát ra?

Bởi vậy, để ngăn chặn tệ nạn lô, đề trong sinh viên cần một biện pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó cũng phải giáo dục cho sinh viên lối sống có trách nhiệm với gia đình, bản thân và những công việc mình làm. Và mô hình quản lý sinh viên như ở Trường ĐHSP I Hà Nội trong thời gian qua là rất đáng được tham khảo

Minh Tiến
.
.
.