Bác sỹ Y Đưk với tấm lòng nhân đức

Thứ Hai, 10/12/2007, 08:21
Với tinh thần trách nhiệm của một người thầy thuốc làm công tác chăm sóc sức khỏe cho những người bị lây nhiễm HIV, trong nhiều năm qua, nữ bác sĩ Y Đưk, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, vaccin sinh phẩm và HIV/AIDS, thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kon Tum thường xuyên tổ chức đi thăm bệnh nhân bị HIV trên địa bàn.

Chị Y Đưk đến với những bệnh nhân lây nhiễm HIV bằng tất cả tấm lòng của một người thầy thuốc. Tuy nhiên, gặp các đối tượng có HIV tự nguyện rất dễ dàng, nhưng những trường hợp "bất hợp tác" thường địa chỉ không rõ ràng thì rất khó tìm. Nguyên nhân là do khi đi xét nghiệm, họ khai báo địa chỉ không đúng, hoặc là dân di cư tự do, nay đây mai đó nên không ổn định chỗ ở.

Có lần đến thăm bệnh nhân N.T.Q. ở xã Vinh Quang (thị xã Kon Tum), chị cùng với một đồng nghiệp bước vào sân nhà bệnh nhân thì bị gia đình của họ rượt đuổi. Rất may là chị đã được đồng nghiệp níu chặt tay kéo lên xe máy rồi rồ ga chạy thoát thân. Đây là trường hợp lây nhiễm HIV ở tỉnh Kon Tum đến nay vẫn không hợp tác với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Qua trường hợp này, chị Y Đưk đã rút ra được kinh nghiệm cho bản thân. Chị nghĩ: Người có HIV thường thì trầm uất, đau buồn, có trường hợp giận dữ. Vì vậy, người cán bộ y tế phải tâm lý mỗi khi tiếp xúc với bệnh nhân HIV.

Chẳng hạn như trường hợp bệnh nhân Y.L., năm nay 45 tuổi, ở thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy), phát hiện bị lây nhiễm HIV vào tháng 4/2007. Lần đầu tiên đến tư vấn, chị cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do người có HIV luôn sợ người khác tiết lộ thông tin về họ.

Vì vậy, chị phải đóng vai người đi buôn để dễ tiếp cận với bệnh nhân. Lúc đầu chị rất lo lắng. Nhưng sau một hồi hỏi chuyện bán buôn, chị mới hỏi thăm sức khỏe, đồng thời chị bình tĩnh bước vào nhà rồi can đảm bắt tay người bệnh.

Từ những cử chỉ như vậy, người bệnh thấy mình được an ủi và từ đó họ càng yên tâm hơn. Khi hiểu ra, người dân trong làng đề nghị bác sĩ hướng dẫn họ cách chăm sóc cho những trường hợp có HIV để khỏi lây ra cộng đồng.

Nhờ vậy, từ một người bị lây nhiễm HIV do người chồng hư đốn tiêm chích ma túy tại các bãi vàng ở Phước Sơn (Quảng Nam) truyền qua, nhưng được cán bộ y tế tư vấn các đường lây truyền, cách chăm sóc người bệnh có HIV nên đến nay, sức khỏe của Y.L rất tốt.

Ở huyện Sa Thầy có trường hợp có HIV trên 10 năm, nhưng do biết chăm sóc sức khỏe và nhờ cuộc sống đầy đủ nên vẫn sống khỏe mạnh.

Nữ bác sĩ Y Đưk tâm sự: Khi đến với người bệnh có HIV thì người cán bộ y tế tập trung tư vấn về sức khỏe hiện tại, đồng thời cấp phát các dụng cụ phòng lây nhiễm HIV, theo dõi sức khỏe và cấp thuốc uống để kéo dài thời gian ủ bệnh. Hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kon Tum quản lý 15 bệnh nhân HIV; trong đó thị xã Kon Tum 5 bệnh nhân, huyện Sa Thầy 4 bệnh nhân và huyện Ngọc Hồi 6 bệnh nhân.

Tuy vậy, mỗi năm Nhà nước chỉ cấp 2 lần tiền thuốc trị giá 60.000 đồng/bệnh nhân và hỗ trợ 50.000 đồng/bệnh nhân HIV là quá ít. Trong lúc đó, gia đình của những bệnh nhân HIV lại quá nghèo nên không có điều kiện để chăm sóc sức khỏe. Đối với những bệnh nhân có HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS dẫn đến tử vong, Nhà nước hỗ trợ 50.000 đồng/người.

Thiết nghĩ, Nhà nước cũng như các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội hãy cùng giúp đỡ những người lầm lỡ đã bị nhiễm HIV để họ được sống những ngày còn lại một cách đầy đủ, ý nghĩa hơn

Trần Văn Phúc
.
.
.