Bác Phạm Văn Đồng trong ký ức Anh hùng Hồ Giáo

Thứ Tư, 01/03/2006, 07:12
"Cụ đã xem tui như con cháu trong nhà. Hồi ngoài Bắc thấy tui đi học xa, cụ tặng cho tui chiếc xe đạp Thống Nhất; rồi khi đến thăm nhà tui, thấy đứa con gái đi học bộ, cụ tặng cho cháu chiếc xe đạp mini; lên thăm trại trâu, thấy tui ở một mình, cụ lại cho tui chiếc đài radio để nghe, đến giờ tui vẫn còn giữ. Đó là vật quý giá nhất của cuộc đời tui. Ơn cụ tui không kể xiết", Anh hùng Hồ Giáo bồi hồi nhớ lại.

Sáng 28/2, tại Nhà hát lớn - Hà Nội, Đảng và Nhà nước tổ chức trọng thể lễ mít tinh kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - người chiến sỹ Cộng sản kiên cường - mẫu mực, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với 75 năm hoạt động cách mạng liên tục, trong đó có 41 năm là Ủy viên Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 32 năm là Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, 10 năm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, cố Thủ tướng là nhà lãnh đạo có uy tín của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người con mẫu mực trung thành, suốt đời chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế; nhà văn hoá lớn của dân tộc. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chúng tôi xin giới thiệu bài viết về Bác Phạm Văn Đồng trong ký ức Anh hùng Hồ Giáo.

Lặng lẽ ngày nối ngày, người hai lần được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động Hồ Giáo vẫn đi bộ gần chục cây số từ nhà lên Trại chăn nuôi để chăm sóc đàn trâu Mu ra, lai tạo những con giống mới giúp người nông dân làm giàu. Thật tình mà nói, ông luôn quý đàn trâu vì trong sâu thẳm lòng người Anh hùng Lao động ấy, đàn trâu là kỷ niệm gắn đời ông với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Từ câu chuyện của người hai lần được tuyên dương Anh hùng...

Anh hùng Hồ Giáo (77 tuổi), ở thôn Bình Thọ, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh trong một gia đình nông dân nghèo có 6 người con. Mới 12 tuổi, Hồ Giáo đã phải đi ở đợ cho các nhà giàu để kiếm miếng ăn, tự nuôi mình, khổ cực khôn xiết. Năm 1948 ông đi theo cách mạng. Đến năm 1954, ông tập kết ra Bắc và vào năm 1960, ông chuyển sang làm kinh tế, xây dựng Nông trường Ba Vì (Sơn Tây). Chính tại đây ông được gặp bác Phạm Văn Đồng lần đầu tiên.

Ông kể: Khi cụ lên thăm nông trường, tất cả cán bộ, nhân viên ở đây đều hồ hởi, còn tui vốn tính nhút nhát nên chỉ dám lặng lẽ đứng nhìn cụ một mình từ đằng xa. Thấy vậy, cụ mới đến hỏi và biết được quê tui cũng ở Quảng Ngãi. Lần đầu tiên được gặp cụ, một vị lãnh đạo, một người đồng hương, lòng tui thật khó tả, có cái gì ấm nóng trong lòng ngực. Cụ ân cần hỏi han, nhất là việc học hành cứ như người cha dặn dò con sau bao ngày xa cách. Từ nhỏ tui đã mù chữ nên lớn tuổi đi học rất khó khăn, cụ đã động viên: "Có khó cũng phải học, học để giúp nhân dân".

Từ đó khi cụ về rồi, tui luôn nhận được giấy, bút cụ gửi lên cho. Có lần tui về Hà Nội đi làm một số công việc cho đơn vị,  khi định quay về thì bị máy bay Mỹ oanh kích nên phải nán lại hôm sau. Hay tin, cụ cho gọi tôi lên gặp và cũng nhắc nhở, động viên việc học hành. Lần đó, tui vinh dự gặp được cả Bác Hồ. Khi đã biết đọc, biết viết, trang viết trọn vẹn đầu tiên của tui là viết thư thăm cụ. Sau này, khi tui được tuyên dương Anh hùng Lao động lần thứ nhất (năm 1966), lên gặp cụ, ngoài việc động viên, thăm hỏi, cụ cũng vẫn nhắc tui việc học hành. Rồi khi mỗi lần về thăm quê, gọi tui đến gặp, cụ cũng không quên nhắc nhở việc học!
Đến Trại trâu sữa của bác Đồng...

Đó là cách gọi của người dân thôn Đại An Đông, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) khi có người hỏi về Trại chăn nuôi trâu sữa mà Anh hùng Lao động Hồ Giáo đang quản lý, chăm sóc. Phải mất chục phút đi xung quanh trại, chúng tôi mới tìm được ông Giáo đang lọt thỏm giữa rừng cỏ voi bạt ngàn. Biết khách đến thăm, ông ngẩng đầu lên: "Cắt lứa cỏ non này cho con trâu sắp sinh và mấy chú bê con, sợ trời sắp mưa, không làm được, bê con ban đêm sẽ đói".

"Tui luôn xem cụ như cha, khi ngủ hay công việc hàng ngày, tui thường nhớ cụ, nhất là những lần cụ đến thăm tôi và những con trâu Mu ra này...". Người Anh hùng Lao động nay đã 77 tuổi mở đầu câu chuyện với chúng tôi khi kể về lai lịch của Trại chăn nuôi trâu sữa này như thế! Sau giải phóng, nước ta được Chính phủ và nhân dân Ấn Độ tặng 502 con trâu Mu ra, được đưa về nuôi lấy sữa tại nông trường của Trung tâm Nghiên cứu trâu sữa và đồng cỏ, thuộc Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp), đóng ở xã Lai Khê, huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé (cũ); trong đó có hai con Chính phủ Ấn Độ tặng riêng cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ngay sau đó (năm 1976), ông Giáo được điều chuyển vào để trực tiếp chăm sóc đàn trâu quý này. Cũng trong thời gian công tác ở đây, một lần nữa ông lại được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động (năm 1986).

"Đến năm 1991, trước khi về hưu, tui được bác Đồng gọi ra Hà Nội để gặp. Tui nhớ lúc ấy, bác Đồng hỏi tui sau khi nghỉ hưu thì về đâu? Tui mới thưa: Cháu định về quê, nhưng có một số người mời cháu về chăn nuôi bò nên cháu cũng định làm thêm ít năm nữa rồi về. Nghe vậy, cụ mới nói: “Bác có món quà tặng cho quê hương, đó là 15 con trâu Mu ra, cháu về quê giúp bác chăn nuôi, chăm sóc, nhân giống giúp ích cho nhân dân....". Rồi cụ dặn: "Chuyên môn thì bác không rành, nhưng bác giao cho cháu khi nhận trâu về phải chọn giống cỏ và lựa trong số 15 con trâu ấy, phải có một con vắt được sữa ngay, còn 2 con khác thì đang mang thai sẽ sinh con khi về Quảng Ngãi". Lần cuối bác Phạm Văn Đồng lên thăm Trại vào năm 1998, thấy những vườn cỏ xanh um, dùng để nuôi bò sữa, cụ lại nhắc nhở tui nhân giống cỏ này rồi mang cho bà con, hướng dẫn họ cách trồng để họ nuôi bò, nuôi trâu...

Cao cả tấm lòng người cha

Trời đã ngả về chiều, mắt ông Giáo đã đỏ hoe: Cụ đã xem tui như con cháu trong nhà. Hồi ngoài Bắc thấy tui đi học xa, cụ tặng cho tui chiếc xe đạp Thống Nhất; rồi khi đến thăm nhà tui, thấy đứa con gái đi học bộ, cụ tặng cho cháu chiếc xe đạp mini; lên thăm trại trâu, thấy tui ở một mình, cụ lại cho tui chiếc đài radio để nghe. Đến giờ tui vẫn còn giữ, đó là vật quý giá nhất của cuộc đời tui.
Ơn cụ tui không kể xiết! Ông như bật khóc khi nhắc lại ngày vĩnh viễn chia tay: “Cụ mất, tui kịp ra Hà Nội để nhìn mặt cụ lần cuối. Bây giờ mỗi năm đến ngày giỗ kỵ, tui lại vào nhà thờ cụ ở Mộ Đức để thắp nén nhang. Tui luôn tâm niệm: Cụ là người cha thứ hai của mình, những lời cụ đã căn dặn dù khó đến mấy tui cũng làm. Những thành quả đạt được chắc cũng làm cụ vui lòng. Bây giờ trong giấc ngủ, tui vẫn luôn thấy cụ về thăm tui, thăm đàn trâu như lúc còn sống. Nói đến đây, giọng của người Anh hùng nghẹn lại..

Thanh Việt
.
.
.