Bắc Nhịp cầu đón các anh về với mẹ

Thứ Ba, 03/05/2016, 09:58
Trong ngôi nhà số 8 Nguyễn Tri Phương, Hà Nội có những cựu chiến binh vẫn đang từng ngày, từng giờ không ngừng tìm kiếm, kết nối các thông tin về liệt sĩ để đưa các anh về với mẹ, với những người thân yêu ruột thịt của mình.


Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng đến nay vẫn còn hơn 200 ngàn liệt sĩ đang nằm lại đâu đó trên dãy Trường Sơn, trên đất bạn Lào, Campuchia chưa được về với gia đình. Có bà mẹ đã gắng sống đến bạc đầu mỏi mòn chờ tin con trong khắc khoải. Trước lúc phải nhắm mắt xuôi tay, mẹ đã trao lại một chiếc răng của mình cho con cháu để thuận lợi cho quá trình giám định ADN tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Và đáp lại những khát khao đoàn tụ đó, trong ngôi nhà số 8 Nguyễn Tri Phương, Hà Nội có những cựu chiến binh vẫn đang từng ngày, từng giờ không ngừng tìm kiếm, kết nối các thông tin về liệt sĩ để đưa các anh về với mẹ, với những người thân yêu ruột thịt của mình.

Mẹ gửi lại chiếc răng để tìm con

Bà mẹ chúng tôi vừa nhắc đến là cụ Nguyễn Thị Mơ, mẹ của liệt sĩ Trịnh Xuân Giáp sống tại xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đón nhận tin dữ đứa con trai đã hy sinh trong chiến trường Đông Nam Bộ, mẹ đã sống mấy chục năm qua trong sự chờ mong khắc khoải. Bao nhiêu nỗ lực của mẹ và những người thân trong gia đình nhiều năm liền vẫn không có kết quả. Mẹ đã gắng sống  đến năm 102 tuổi để chờ tin con và tháng 2-2012 mẹ đã mất.

Trước khi qua đời, mẹ đã trao lại một chiếc răng của mình cho đứa cháu nội là anh Trịnh Xuân Công, người con trai của liệt sĩ Trịnh Xuân Giáp chuyển tới Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam để thuận lợi cho việc giám định tìm kiếm hài cốt đứa con trai của mình. Thật may mắn cho gia đình liệt sĩ Trịnh Xuân Giáp là sau nỗ lực nhiều năm tìm kiếm cuối cùng đã phát hiện được nơi anh an nghỉ tại nghĩa trang Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Từ mẫu sinh phẩm gia đình chuyển tới ngày 11-5-2012, Hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn xác định được hài cốt tại nghĩa trang Lộc Ninh chính xác là liệt sĩ Trịnh Xuân Giáp. Kể lại với chúng tôi câu chuyện cảm động đó, ông Phạm Văn Phủng, Phó Trưởng ban Tổ chức, Chính sách của Hội đã không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại buổi trao kết quả cho gia đình liệt sĩ Trịnh Xuân Giáp hôm ấy. Đó là cuộc đoàn tụ mừng vui nhưng cũng đầy nước mắt. Sau bao nhiêu năm thất lạc, liệt sĩ đã được về với mẹ, về với vợ con và nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Lãnh đạo Hội cùng đoàn công tác tổ chức lấy mẫu hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế.

Trong những tập hồ sơ dày cộp có những trang ố vàng theo thời gian đang được lưu giữ tại Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam có rất nhiều cuộc tìm kiếm, trùng phùng xúc động. Câu chuyện về việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh, quê tại xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương là một ví dụ.

Ông Nguyễn Văn Khanh, người em trai của liệt sĩ hiện sinh sống tại miền Nam cùng gia đình đã nhiều năm đi tìm anh nhưng không có kết quả. Cuối cùng ông Khanh đã về quê tìm lại các cựu chiến binh cùng đi bộ đội với anh trai mình và được biết có một người đồng đội tên là Đông đã trực tiếp chôn cất liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh, ông Đông đã chuyển vào vùng kinh tế mới ở Gia Lai.

Lãnh đạo Hội trao kết quả giám định ADN cho gia đình liệt sĩ.

Anh Khanh đã tìm cách liên lạc với ông Đông và được biết: Liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh hy sinh ở chân núi Bà Đen cùng một liệt sĩ khác và trực tiếp tay ông Đông đã chôn cất hai người cùng một ví trí. Tuy nhiên chính xác ở chỗ nào thì chắc ông Đông phải đến nơi mới hy vọng tìm được. Ông Khanh đã lập tức có mặt tại khu vực núi Bà Đen và tổ chức tìm kiếm hài cốt anh mình theo sơ đồ ông Đông đã hình dung và còn nhớ được.

Trong quá trình tìm kiếm đang diễn ra chưa có kết quả, có một người đàn ông sống tại khu vực này tìm đến và cho biết: Hàng chục năm qua bố tôi đã trực tiếp chăm nom hương khói mộ phần hai liệt sĩ vô danh.

Trước khi qua đời cách đây ít lâu, ông đã giao lại cho tôi tiếp tục trông nom giữ gìn hai ngôi mộ với lời dặn: “Đây là hai ngôi mộ của liệt sĩ từ ngoài Bắc. Khi nào có người từ miền Bắc vào tìm, tả đúng vị trí hy sinh của liệt sĩ thì con nhớ giao lại”.

Nghe đến đây ông Khanh đã mừng đến rơi nước mắt. Khi tìm đến hai ngôi mộ vô danh cách khu vực tìm kiếm không xa thì nảy sinh tình huống khó khăn. Đó là không biết tên tuổi chính xác của liệt sĩ trong từng ngôi mộ. Ông Khanh lại lặn lội tìm đến Sư đoàn 5 - đơn vị cũ của anh trai mình.

Qua tài liệu lưu trữ đã xác định trong ngày 27-2-1974, ngoài liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh còn có liệt sĩ Nguyễn Văn Bồng quê tại Phú Xuyên, Hà Nội hy sinh cùng thời điểm. Ông Khanh đã tìm đến em trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Bồng là ông Nguyễn Bá San hiện đang sống tại Hà Đông (Hà Nội) để thông báo quá trình tìm kiếm.

Từ mẫu sinh phẩm do hai gia đình lấy từ hai ngôi mộ liệt sĩ vô danh cung cấp, ngày 15-4-2012, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn giám định ADN và xác định danh tính cho hai liệt sĩ.

Những cuộc chạy đua với thời gian

Sau hàng chục năm chiến tranh, nhu cầu tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đối với gia đình, người thân luôn là vấn đề day dứt. Để góp phần cùng Đảng, nhà nước và người dân làm tròn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ngày 24-10-2010, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam do Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam làm Chủ tịch chính thức ra đời. Hội là tổ chức xã hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ trang trải về tài chính.

Lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ tại Thanh Hóa.

Nhiệm vụ của hội là hỗ trợ trên các mặt gồm: tiếp cận chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các gia đình liệt sĩ; thông tin tìm kiếm liệt sĩ; giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ; hỗ trợ tìm kiếm quy tập liệt sĩ, giúp đỡ gia đình liệt sĩ khó khăn…

Suốt gần 6 năm qua, trụ sở Hội tại số 8 đường Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) luôn là địa chỉ gần gũi, thân thuộc đối với thân nhân gia đình liệt sĩ trên mọi miền Tổ quốc. Từ sự kết nối, cung cấp thông tin và tổ chức tìm kiếm, giám định mà Hội đã phối hợp thực hiện đã có rất nhiều cuộc hội ngộ trùng phùng của liệt sĩ về với người thân yêu.

Riêng về công tác giám định gen hài cốt liệt sĩ từ năm 2010 đến nay Hội đã phối hợp với Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ Việt Nam và Viện Pháp y Quân đội  tư vấn, hỗ trợ miễn phí gần 600 ngàn trường hợp giám định ADN, đạt kết quả đúng trên 75%. Tổ chức trao được hơn 30 đợt kết quả cho gia đình liệt sĩ.

Ngoài ra, Hội còn chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ Mặt trận 31 tại 36 tỉnh, thành trên cả nước để giám định ADN đạt hơn 96% trên tổng số hơn 1.000 liệt sĩ là chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở cánh đồng Chum (Lào) được an táng tại Nghĩa trang quốc tế Việt Lào (Anh Sơn – Nghệ An) nhưng còn thiếu thông tin… Phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khai quật giám định các ngôi mộ tập thể tại Thừa Thiên – Huế và Tiền Giang.

Trong quá trình tìm kiếm liệt sĩ, điều mà những cán bộ công tác tại đây hết sức tâm huyết đó là tình cảm, ý thức trách nhiệm của người dân đối với liệt sĩ. Ngay tại Hà Nội có trường hợp hai thế hệ trong một gia đình đã chăm nom ngôi mộ liệt sĩ vô danh suốt từ năm 1950 đến nay và vừa mới được gia đình liệt sĩ may mắn tìm lại được. Hay câu chuyện về cựu chiến binh Nguyễn Văn Quyết, hiện sống tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nhiều năm nay đã tổ chức gửi thư, kết nối thông tin, tìm kiếm hơn 400 liệt sĩ và đến nay đã có kết quả hơn 150 trường hợp.

Trò chuyện với chúng tôi, những cựu chiến binh đang công tác tại đây vẫn luôn canh cánh sự trăn trở. Ngoài kia vẫn còn hàng trăm ngàn đồng đội, đồng chí của mình đang nằm lại đâu đó trên những dãy rừng già Trường Sơn mây phủ hay trên đất bạn. Đưa các anh về với gia đình không chỉ là tấm lòng tri ân liệt sĩ mà còn là mệnh lệnh, là trách nhiệm đối với những người còn sống.
Từ thực tế tìm kiếm cũng như giám định ADN cho thấy càng để chậm ngày nào thì càng khó khăn trong sự xác định địa danh và hài cốt sẽ bị phân hủy ảnh hưởng đến kết quả giám định. Đó là điều khiến cho cánh cửa và những số điện thoại ở ngôi nhà này luôn thao thức chờ đợi và sẵn sàng giải đáp thắc mắc đối với thông tin liên quan đến liệt sĩ bởi những cán bộ đang công tác tại đây vẫn đang từng giờ chạy đua với thời gian.


Riêng về công tác giám định gen hài cốt liệt sĩ từ năm 2010 đến nay Hội đã phối hợp với Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ Việt Nam và Viện Pháp y Quân đội  tư vấn, hỗ trợ miễn phí gần 600 ngàn trường hợp giám định AND, đạt kết quả đúng trên 75%.

Xuân Luận
.
.
.